HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN: 1900545562 (Từ: 8:00 - 17:00)

    Các bệnh khác

    Chứng run tay chân

    1. Nguyên nhân gây run

    Run chân tay có nhiều dạng khác nhau như run khi nghỉ, khi làm một công việc gì như cầm bút viết, cầm đũa ăn cơm; với một vị thế nào đó của cơ thể như là hai cẳng chân run run khi đứng lâu hoặc đầu run giật lên xuống ngang dọc như gật đầu có có, lắc đầu không…
     
    Có nhiều nguyên nhân gây chứng run chân tay như run sinh học khi tinh thần căng thẳng, nóng sốt, đường huyết thấp; run trong thương tích, rối loạn chức năng tế bào thần kinh kiểm soát sự vận động của cơ bắp như trong bệnh liệt rung Parkinson; tổn thương tiểu não sau tai biến động mạch não, u bướu tiểu não; tác dụng ngoại ý của một số dược phẩm như thuốc trị tâm bệnh, thuốc nhóm corticosteroid; tác dụng của rượu khi quá chén hoặc khi thèm nhớ rượu mà không có rượu; trong 
    các bệnh như cường tuyến giáp, suy gan…
     
    2. Phân loại chứng run chân tay
     
    Run vô căn (run lành tính hoặc run có yếu tố gia đình): 
     
    Là một rối loạn vận động hay gặp nhất trong các chứng run. Run vô căn thường khởi phát chậm, bắt đầu từ tuổi trung niên, nhưng trong một số ít trường hợp nó xảy ra ở tuổi vị thành niên, sau đó thuyên giảm để rồi xuất hiện trở lại khi về già. Run thường xuất hiện ở một hay hai bàn tay hoặc có thể ở đầu và thanh quản (nói run run), ít khi gặp ở chân. Run xuất hiện khi bệnh nhân làm một động tác nào đó hoặc phải duy trì ở một tư thế nhất định kéo dài và ít xẩy ra lúc nghỉ ngơi.
     
    Một số đặc điểm của run vô căn:
     
    – Run ở tay có thể thấy rõ khi bệnh nhân duỗi thẳng hai tay về phía trước với tư thế ngửa bàn tay, nếu đặt lên bàn tay một tờ giấy biên độ run sẽ rõ rệt hơn. Run xẩy ra khi viết và làm động tác tinh vi nhưng không thấy dạng chữ viết nhỏ dần đi như trong bệnh Parkinson.
     
    – Run ở đầu cũng có thể là run dọc (kiểu gật đầu) hoặc run ngang (kiểu lắc đầu).
     
    – Run ở thanh quản khiến giọng nói trở nên nhỏ và run run, run khi nói thường gặp nhiều ở phụ nữ.
     
    – Riêng ở chân, bệnh nhân hiếm thấy run khi đứng dậy hoặc bắt đầu bước đi, nếu có thì thường là run ở tư thế đứng.
     
    Điểm nổi bật của run vô căn là khám thần kinh không thấy bất thường và tình trạng run thuyên giảm sau khi bệnh nhân uống rượu.
     
    Run Parkinson
     
    Là run do tổn thương một nhóm tế bào nhân xám ở vùng đáy não. Đặc điểm run trong bệnh Parkinson là run khi nghỉ ngơi, cùng với chứng run là tình trạng cứng đờ và chậm chạp.
    Các dấu hiệu để nhận biết run trong bệnh Parkinson: run rẩy các ngón tay theo một nhịp đều đặn, run rõ hơn nếu người bệnh đặt bàn tay trên đùi, hay để yên tay trên mặt bàn. Nhưng khi họ đưa tay ra để cầm nắm hay làm một việc gì đó, thì run lại giảm đi, thậm chí không còn run. Lúc mới mắc bệnh thường chỉ run một tay, sau vài tháng, vài năm, sẽ bị run ở cả hai tay, đôi khi các động tác run trông giống như động tác đang vê thuốc lào. Ngoài ra cũng có thể bắt gặp tình trạng run ở môi, cằm ở những bệnh nhân này.
     
    Run tiểu não
     
    Nguyên nhân là do khối u, đột quỵ, hoặc các bệnh như bệnh đa xơ cứng, một số rối loạn di truyền thoái hóa, hoặc có thể là hậu quả của nghiện rượu mạn tính hoặc lạm dụng một số thuốc từ đó làm tổn thương tiểu não gây ra run. Thông thường bệnh có thể được phát hiện bằng các nghiệm pháp sau đây:
     
    – Ngón tay chỉ mũi: người bệnh nằm ngửa, hai tay và hai chân duỗi thẵng. Bảo người bệnh lấy ngón tay trỏ chỉ vào mũi.
     
    – Gót chân đầu gối: người bệnh nằm ngửa, duỗi thẳng hai chân và lấy gót chân bên này chỉ đúng lên đầu gối bên kia.
     
    Nếu người bệnh không thực hiện được chính xác các động tác trên thì có thể xác định nguyên nhân run là do tiểu não. Ngoài ra còn một số dấu hiệu khác ở chứng run này là nói run, rung giật nhãn cầu, dáng đi chậm chạp, đi theo hình zíc zắc như người say rượu và run tư thế của thân và cổ.
     
    Run do rối loạn trương lực cơ
     
    Bệnh rối loạn trương lực cơ có biểu hiện khu trú (từng phần, nửa người) hoặc toàn thể, làm cho bệnh nhân bị một trong các chứng: vẹo cổ, mắt nhắm chặt, co giật mí mắt, co quắp ngón tay, chân đi xoắn lệch một bên, người cong vẹo, không nói được… Cả nam lẫn nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này. Nếu xuất hiện trong thời thơ ấu, đặc biệt là nếu bắt đầu ở chân, bệnh có thể lan sang các phần khác hoặc toàn thân.
     
    Run sinh lý
     
    Xảy ra ở hầu hết mọi người, mọi lứa tuổi khi thay đổi cảm xúc đột ngột (như lo lắng, sợ hãi, hồi hộp), hoặc khi cơ thể kiệt sức, hạ đường huyết, sử dụng các chất kích thích (rượu, cà phê) hoặc sốt. Run thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, không theo chu kì và mất đi khi điều tiết lại cảm xúc.
     
    3. Biểu hiện của chứng run
     
    Biểu hiện run rất đa dạng và phong phú, có thể bao gồm: lắc theo nhịp bàn tay, cánh tay, đầu, chân, thân, hoặc giọng nói run run,… Ngoài ra ai cũng có thể gặp triệu chứng run khi mệt, stress, lo âu, căng thẳng, hồi hộp hoặc khi giận dữ. Tuy nhiên, khi run xảy ra không kèm với những thay đổi về trạng thái cảm xúc và xảy ra thường xuyên thì đó có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý.
     
    Run có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở những người trung niên, người già. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là như nhau. Đặc điểm run ở mỗi người có thể khác nhau tùy theo nguyên nhân gây bệnh, có thể chia thành các nhóm như sau:
     
    – Run khi nghỉ ngơi hay còn gọi là run "tĩnh": xảy ra khi cơ bắp thư giãn, chẳng hạn như khi bàn tay đặt trên đùi hoặc duỗi thẳng khi đứng hoặc đi bộ, run xuất hiện ở tay, chân, thường gặp ở những bệnh nhân bị bệnh Parkinson.
     
    – Run "động": xảy ra khi bệnh nhân hoạt động có chủ ý, run tăng khi cử động, khi tập trung chú ý, giảm lúc nghỉ ngơi, thư giãn. Run "động" thường gặp ở người già và các trường hợp run vô căn.
     
    – Run tư thế: xảy ra khi bệnh nhân giữ tay hoặc một phần cơ thể ở một tư thế đặc biệt trong một thời gian nhất định nào đó. Ví dụ: run tư thế xảy ra khi cơ thể chống lại trọng lực, chẳng hạn như khi giữ cánh tay dang ra.
     
    4. Chẩn đoán và điều trị
     
    Chẩn đoán 
     
    – Khám thực thể để đánh giá chức năng thần kinh. Các bài kiểm tra được sử dụng để xác định những hạn chế chức năng vận động như: khó khăn khi viết, vẽ, cầm nắm. Người bệnh có thể được yêu cầu đặt một ngón tay vào mũi, vẽ một hình xoắn ốc… Bác sĩ sẽ đặt một điện cơ để chẩn đoán các vấn đề về cơ bắp hoặc thần kinh, kĩ thuật này giúp đo lường mức độ hoạt động cơ không ý thức và khả năng đáp ứng của cơ với các kích thích thần kinh. Các yếu tố về gia đình cũng có thể được đưa ra để xem xét.
     
    – Xét nghiệm máu, nước tiểu cũng cần được tiến hành để phát hiện hoặc loại trừ các nguyên nhân gây ra run như: vấn đề về tuyến giáp, rối loạn chuyển hóa, xác định mức độ bất thường của một số hóa chất, sự tương tác thuốc, tình trạng nghiện rượu mạn tính.
     
    – Chẩn đoán hình ảnh bằng cách sử dụng chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để giúp xác định xem run có phải là hậu quả của một khiếm khuyết cấu trúc hoặc thoái hóa của não.
     
    Điều trị
     
    Hiện nay, việc điều trị chứng bệnh này rất khó khăn vì không có thuốc trị dứt mà chỉ giảm dấu hiệu, giúp khả năng cơ thể ổn định hơn.
     
    Điều trị căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn trong liệt rung Parkinson thì dùng hoá chất bổ sung thiếu chất này ở não bộ hoặc do stress thì dùng các thuốc an thần, thuốc chống co giật cơ.
     
    Phẫu thuật đôi khi cũng được áp dụng khi bệnh quá trầm trọng, gây khó khăn cho sự sống của người bệnh. Ngoài ra còn điều trị với gắn các thiết bị kích thích tế bào thần kinh vào não bộ.
     
    Vì vậy, khi có các biểu hiện của bệnh, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thần kinh nội, ngoại theo dõi và đưa ra các phương án điều trị thích hợp.
     
    Vật lý trị liệu cũng giúp bệnh nhân rất nhiều. Chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách kiềm chế kiểm soát sự run của cơ; hướng dẫn duy trì sự cân bằng của cơ thể. Chẳng hạn, để tránh run giật ở cánh tay, có thể giữ tay sát vào thân mình, đeo vật nặng ở cổ tay hoặc mang thanh nẹp gỗ hoặc kim loại.
     
    Người thân trong gia đình cần thường xuyên hỗ trợ người bệnh cả về tinh thần cũng như thể chất, giúp họ thích nghi với khó khăn, đặc biệt là các hoạt động thường nhật như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cơ thể. Luôn luôn khích lệ và chỉ dẫn họ cách thức kiềm chế sự run.
     

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    giai-doc-gan-an-binh

    Khách hàng nhận xét

    Khi sử dụng V-Sorento – Hỗ trợ chữa trị viêm đại tràng, các triệu trứng viêm đại tràng của tôi đã được cải thiện rõ rêt.
    Nguyễn Cường, 60 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
    Tôi đã sử dụng sản phẩm trà An Bình được một thời gian. Thực sự, sản phẩm rất tốt và tình trạng huyết áp thấp của em được cải thiện rõ rệt. Cám ơn Dược phẩm An Bình rất nhiều!
    Thị Hồng Duyên – Tân Yên, Bắc Giang
    Tôi rất yên tâm khi sử dụng sản phẩm của Dược An Bình. Từ khi sử dụng PHARZUBEST – Bổ sung vitamin và khoáng chất, sức khoẻ của tôi được cải thiện nhiều.
    Quang Trần