HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN: 1900545562 (Từ: 8:00 - 17:00)

    Các bệnh khác

    Bệnh thủy đậu (Trái rạ)

    Bệnh Thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ, là một bệnh lây nhiễm lành tính, rất thường gặp, do vi-rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, trẻ em nhiều hơn người lớn và thường nhẹ hơn người lớn.

    I. Đại cương:

    Tại Việt Nam bệnh Thủy đậu thường xảy ra quanh năm, nhưng thường tập trung nhiều nhất là vào cuối mùa mưa – đầu mùa khô vào khoảng tháng 1 đến tháng 5 hàng năm.

    Trước khi có vắc xin phòng ngừa thì hầu hết những người trưởng thành đều đã từng nhiễm bệnh này.

    Bệnh Thủy đậu lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (qua các nốt ban ngứa hoặc các nốt phỏng nước ở da, qua nước bọt, dịch tiết mũi họng) hoặc do hít phải dịch tiết mũi họng của người bệnh có trong không khí.

    Bệnh có thể lây từ 1-2 ngày trước khi nổi mụn nước cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy. Do đó để tránh lây lan cho những người xung quanh, người bị bệnh trái rạ cần phải nghỉ học hoặc nghỉ làm việc khoảng 1 tuần từ khi thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh.

    Khoảng 90% những người nào mà chưa từng bị trái rạ trong gia đình thì sẽ bị lây bệnh nếu có tiếp xúc với một người thân bị nhiễm bệnh.

    Do đặc điểm dễ lây lan như vậy nên môi trường: trường học, nhà trẻ, doanh trại quân đội, các đơn vị làm việc tập thể…là những nơi thuận lợi dễ làm bùng phát dịch trái rạ.

    Con người là nguồn chứa vi-rút Varicella Zoster duy nhất.

    II. Biểu hiện của bệnh

    benh-thuy-dau-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri

    Bệnh phát triển qua các thời kỳ:

    1. Thời kỳ ủ bệnh

    Là thời gian từ lúc tiếp xúc với mầm bệnh cho đến khi có triệu chứng đầu tiên, thay đổi từ 10 đến 20 ngày, rung bình là 14-16 ngày. Trong thời kỳ này bệnh nhân không có biểu hiện bệnh lý nào.

    2. Thời kỳ khởi phát

    Bệnh nhân thường có sốt nhẹ , kèm theo ớn lạnh. người mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, đau cơ…thời ký này kéo dài khoảng 24-48 giờ.

    Ở trẻ em có thể hoàn toàn không có thời kỳ này, bệnh xuất hiện đột ngột.

    3. Thời kỳ toàn phát

    Triệu chứng quan trọng và điển hình của thời kỳ này là “Nốt rạ”. đây là những nốt ban đỏ, ngứa xuất hiện trên da ở vùng đầu, mặt rồi lan ra khắp cả thân người, ban mọc có thể mọc ở cả niêm mạc miệng, mũi, tai và bộ phận sinh dục.

    not-thu-dau

    Nốt rạ điển hình

    Sau 12-24 giờ, các nốt ban tiến triển thành các nốt phỏng nước, bên trong chứa chất dịch trong suốt.

    Bóng nước mọc nhiều đợt khác nhau trên 1 vùng da; do đó có thể thấy bóng nước nhiều lứa tuổi khác nhau trên một diện tích da ở một thời điểm nào đó: dạng phát ban, dạng bóng nước trong, dạng đóng mày…

    Ở giai đoạn này bệnh nhân thường có ngứa, đôi khi có hạch to đặc biệt là trong những trường hợp nốt rạ bị bội nhiễm.

    Mức độ nặng nhẹ của bệnh trái rạ liên quan đến số lượng bóng nước, bóng nước càng nhiều bệnh càng nặng.

    Sau 5-10 ngày các bóng nước vỡ ra, khô lại thành vảy và bong vảy. Các vảy này không để lại sẹo vĩnh viễn nếu không bị nhiễm trùng da thứ phát.

    III. Tiến triển và biến chứng:

    Thủy đậu là một bệnh nhẹ, lành tính. Bệnh tiến triển khoảng 10-15 ngày rồi tự khỏi.

    Tuy vậy vẫn có một số trường hợp có biến chứng nhất là ở trẻ em nhỏ dưới 1 tuổi, ở những cơ thể đặc biệt bị giảm sút sức đề kháng (phụ nữ mang thai, trẻ em bị các bệnh suy giảm miễn dịch, người bị nhiễm HIV/AIDS).

    Biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng da và các mô mềm ở trẻ em, viêm phổi ở người lớn. Ngoài ra còn có thể gặp các biến chứng: Nhiễm trùng máu, Viêm não, Viêm khớp, xuất huyết, Viêm mô tế bào…Một số trường hợp có thể gây tử vong

    bệnh thủy đậu

    viêm mô tế bào (trái), trái rạ xuất huyết (phải)

    IV. Thủy đậu với phụ nữ mang thai.

    Những phụ nữ mang thai mà chưa từng bị Thủy đậu trước đó dễ có nguy cơ bị Thủy đậu trong thai kỳ, bệnh thường nặng và hay có các biến chứng.

    Người mẹ bị Thủy đậu trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa của thai kỳ có thể gây lây nhiễm cho bào thai gây nên các khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi như: teo chi, dị tật ở mắt, dị tật ở hệ thần kinh trung ương…

    Tỷ lệ này tương đối thấp: 0,4%-2%.

    Người mẹ bị Thủy đậu trong giai đoạn chuyển dạ trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, thì có thể lây nhiễm cho trẻ gây Thủy đậu sơ sinh, trẻ bị thủy đậu sơ sinh thường nổi nốt rạ nhiều hơn và có biến chứng rất cao.

    bệnh thủy đậu

    Thủy đậu sơ sinh

    V. Điều trị:

    Bệnh Thủy đậu thường nhẹ và tự khỏi nên có thể để bệnh nhân tại nhà để chăm sóc. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.

    • Để bệnh nhân nằm trong phòng riêng, thoáng khí., có ánh sáng mặt trời.

    • Vệ sinh mũi họng hằng ngày cho bệnh nhân bằng dung dịch nước muối sinh lý 9%.

    • Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho người bệnh bằng nước ấm trong phòng tắm. Nên cho người bệnh mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng.

    • Đối với trẻ em, nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.

    cat-mong-tay-cho-be

    • Cho ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.

    • Nếu bệnh nhân có ngứa nhiều, khó chịu nên đưa đến khám tại các cơ sở y tế.

    • Trường hợp bệnh nhân sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường theo hướng dẫn của thầy thuốc.

    • Dùng dung dịch xanh Milan để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.

    • Dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mũ, tấy đỏ vùng da xung quanh…

    • Nên tránh những quan điểm và việc làm không đúng như:

    • Kiêng gió, kiêng nước, để người bệnh ở trong phòng quá kín, cho mặc quần áo quá dày, không tắm rửa vệ sinh hằng ngày khiến người bệnh ngứa ngáy khó chịu, sẽ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước dễ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu.
    • Sử dụng các loại lá cây… đắp lên nốt rạ của người bệnh.
    • Không được dùng những loại thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài da khi không có chỉ định của thầy thuốc.
    • Dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.

    VI. Phòng Ngừa

    1. Phát hiện bệnh sớm để tránh lây lan cho cộng đồng.

    ** Cách ly người bệnh:

    – Thời gian cách ly: từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn (người lớn phải nghỉ làm, trẻ nhỏ và học sinh phải nghỉ học trong khoảng thời gian 7 – 10 ngày).

    – Để người bệnh ở trong một phòng riêng, có cửa sổ, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời.
    – Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng cho người bệnh (khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa, chăn, gối, màn…).

    ** Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

    ** Vệ sinh phòng ở của người bệnh: Lau sàn phòng, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi… của người bệnh hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B sau đó rửa lại bằng nước sạch.Đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng.

    Tuy nhiên do bệnh đã có thể lây từ 24-48 giờ trước khi nổi bóng nước và đối với trẻ nhỏ việc cách ly là rất khó nên biện pháp này khó thực hiện và hiệu quả phòng ngừa không cao.

    2. Tiêm chủng vắc xin

    phong-ngua-thuy-dau

    Tiêm chủng vắc-xin là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để chủ động phòng ngừa bệnh Thủy đậu. Vắc xin đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao >97% sau chủng ngừa và kéo dài.
    Người đã được tiêm vắc xin vẫn có tỷ lệ nhỏ có thể bị Thủy đậu sau đó, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân này chỉ bị nhẹ mà thôi.

    Những ai cần được tiêm chủng?

    • Tất cả các trẻ em trên 12 tháng tuổi, người lớn chưa từng được tiêm ngừa Thủy đậu.
    • Những phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ chưa từng bị bệnh Thủy đậu, và chưa được tiêm phòng lúc nhỏ nên tiêm ngừa trước khi quyết định có thai ít nhất là 3 tháng.
    • Những người sống và làm việc chung môi trường tập thể với người đang mắc bệnh.
    • Những người chuẩn bị đi đến vùng đang có dịch bệnh.

    Thời điểm tiêm ngừa tốt nhất:

    Tiêm ngừa bệnh Thủy đậu cũng như các loại bệnh truyền nhiễm khác cần nên được thực hiện trước khi dịch bệnh bùng phát, ở nước ta thời điểm mắc bệnh Thủy đậu nhiều nhất là vào cuối mùa mưa – đầu mùa khô tức là khoảng tháng 1 đến tháng 5 dương lịch hàng năm. Do đó để chủ động phòng chống bệnh Thủy đậu chúng ta cần phải tiêm ngừa sớm vào thời điểm mà dịch bệnh chưa xảy ra tức là vào khoảng tháng 7 đến tháng 12 hàng năm.

    Những đối tượng sau đây không nên tiêm phòng vắc xin ngừa Thủy đậu:

    + Những phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.

    + Những người dị ứng với thuốc Neomycin.

    + Những người có phản ứng với mũi tiêm thứ nhất thì không được tiêm mũi thứ 2 (đối với loại tiêm 2 mũi)

    + Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc CORTICOIDS.

    + Bệnh nhân bị bệnh ác tính về máu.

    + Bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính hoặc đang bị sốt.

    Ở khu vực phía Nam, để tiêm ngừa bệnh Thủy đậu các bạn có thể liên hệ tại: Viện PasteurTPHCM; các trung tâm y tế dự phòng Tỉnh-Thành phố; các trung tâm y tế Quận-Huyện hoặc tại các điểm tiêm ngừa vắc xin dịch vụ khác.

     

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    giai-doc-gan-an-binh

    Khách hàng nhận xét

    Tôi rất yên tâm khi sử dụng sản phẩm của Dược An Bình. Từ khi sử dụng PHARZUBEST – Bổ sung vitamin và khoáng chất, sức khoẻ của tôi được cải thiện nhiều.
    Quang Trần
    Khi dùng Grathozi – Trị nấm âm đạo, bệnh của tôi đã thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7 ngày.
    Thu Hương
    Khi sử dụng V-Sorento – Hỗ trợ chữa trị viêm đại tràng, các triệu trứng viêm đại tràng của tôi đã được cải thiện rõ rêt.
    Nguyễn Cường, 60 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội