HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN: 1900545562 (Từ: 8:00 - 17:00)

    Kiến thức y khoa

    Bệnh bại não ở trẻ em

    1. Nguyên nhân và triệu chứng

    Nguyên nhân

    Những nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai. Một số nhiễm trùng ở phụ nữ mang thai như rubella (sởi Đức), vi-rút cự bào (nhiễm trùng do siêu vi trùng nhẹ) và toxoplasmosis (một chứng nhiễm trùng do ký sinh trùng nhẹ) có thể gây tổn thương não của bào thai và gây bại não sau này.
     
    Thiếu khí não bào thai. Ví dụ, khi chức năng nhau thai bị giảm sút hoặc bị bóc tách khỏi thành tử cung trước khi sinh, có thể làm giảm lượng ô-xy cung cấp cho bào thai.
     
    Sinh non. Những đứa trẻ sinh non có cân nặng nhẹ hơn 3 1/3 cân Anh có nguy cơ mắc bệnh bại não nhiều hơn những trẻ được sinh đủ tháng gấp 30 lần.
     
    Những biến chứng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Cho mãi đến gần đây các bác sĩ mới tin rằng ngạt (thiếu ô-xy) trong quá trình chuyển dạ và sinh nở là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp bại não. Các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những nguyên nhân này chỉ chiếm 10 phần trăm trong những nguyên nhân gây bại não.
     
    Bệnh bất đồng nhóm máu Rh. Bất đồng nhóm máu Rh là sự bất tương hợp nhóm máu giữa người mẹ và bào thai có thể gây tổn thương não dẫn đến bại não. Rất may là bệnh bất đồng nhóm máu Rh có thể ngăn ngừa được bằng cách tiêm vào người mẹ mang Rh-âm (Rh-negative) một sản phẩm máu được gọi là Rh immune globulin vào tuần thứ 28 trong thời kỳ mang thai và tiêm nhắc lại một lần nữa sau khi sinh cho đứa trẻ mang Rh-dương (Rh-positive).
     
    Những dị tật bẩm sinh khác. Các trẻ có những bất thường về cấu trúc não, nhiều bệnh di truyền, những bất thường của nhiễm sắc thể, và những dị tật cơ thể khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh bại não.
     
    Bại não mắc phải (Acquired cerebral palsy). Khoảng 10 phần trăm số trẻ bị bại não mắc phải sau khi sinh do những tổn thương não bộ xảy ra trong hai năm đầu đời. Những nguyên nhân phổ biến nhất của các tổn thương như thế là các trường hợp nhiễm trùng não (ví dụ như viêm màng não) và chấn thương đầu.
     
    bệnh bại não
     
    Trẻ bị bệnh bại não
     
    Triệu chứng
     
    Trẻ bại não thường có các dấu hiệu sau:
     
    – Khi đẻ ra không khóc ngay hoặc khóc yếu, tím tái.
     
    – Sau khi sinh thường mềm nhẽo, không vận động
     
    – Phát triển chậm hơn trẻ khác (chậm biết giữ đầu cổ, biết ngồi và đi).
     
    – Không biết cầm nắm bằng hai tay hoặc chỉ cầm bằng một tay.
     
    – Mút, bú khó khăn, hay sặc sữa.
     
    – Khó bế ẵm, tắm rửa, thay quần áo cho trẻ vì người trẻ cứng đờ.
     
    – Đầu rũ xuống, không ngẩng lên được.
     
    – Nghe khó, nhìn khó.
     
    – Khó khăn trong giao tiếp.
     
    – Có thể bị động kinh (cơn co giật, bất tỉnh, sùi bọt mép).
     
    – Thay đổi tính cách bất thường (đột nhiên khóc, rồi lại cười, hay sợ hãi, co giật, tức giận).
     
    – Khả năng thăng bằng kém.
     
    2. Các thể bại não
     
    Bại não thể liệt cứng (Spastic cerebral palsy). Trong tổng số những người bị mắc bệnh bại não thì có đến 70 đến 80 phần trăm số người bị mắc bệnh bại não thể liệt cứng với các cơ co cứng, cử động khó khăn. Khi cả hai chân đều bị liệt (liệt cứng hai chi dưới), đứa trẻ có thể gặp khó khăn khi đi bởi vì các cơ bó sát trong hông và chân làm cho hai chân chụm vào nhau và giao nhau tại đầu gối (còn được gọi là cắt kéo). Trong những trường hợp khác, chỉ một bên cơ thể bị liệt (liệt cứng nửa người), và cánh tay thường bị liệt nghiêm trọng hơn chân. Trường hợp nghiêm trọng nhất là liệt cứng tứ chi, trong đó cả bốn chi và thân người bị liệt và thường thì cả các cơ điều khiển mồm và lưỡi cũng bị liệt. Trẻ em bị liệt cứng tứ chi bị chậm trí và có những vấn đề khác.
     
    Bại não thể loạn động (Dyskinetic cerebral palsy). Trong tổng số những người mắc bệnh bại não thì có khoảng 10 đến 20 phần trăm số người mắc bệnh bại não thể loạn động, căn bệnh gây ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể. Đây là thể bệnh được đặc trưng bằng sự thay đổi thất thường của trương lực cơ (lúc tăng, lúc giảm) và thỉnh thoảng có những cử động không kiểm soát được (có thể là những cử động chậm và đau hoặc nhanh và giật giật). Trẻ mắc bệnh này thường khó có tư thế ngồi hoặc dáng đi bình thường. Do các cơ điều khiển nét mặt và lưỡi cũng bị ảnh hưởng cho nên người bệnh cũng gặp khó khăn khi bú, nuốt và nói.
     
    Bại não thể thất điều (Ataxic cerebral palsy). Trong tổng số những người mắc bệnh bại não thì có khoảng 5 đến 10 phần trăm số người mắc bệnh bại não thể thất điều, căn bệnh ảnh hưởng đến khả năng cân bằng tư thế và phối hợp động tác. Người bệnh có thể đi nhưng với một dáng điệu không vững và gặp khó khăn với những cử động cần phải có sự phối hợp chính xác, ví dụ như viết.
     
    Có nhiều sự kiện xảy ra trong thời kỳ mang thai và gần thời điểm sinh có thể gây gián đoạn quá trình phát triển bình thường của bộ não và gây bại não sau này. Trong khoảng 70 phần trăm trường hợp, mặc dù tổn thương não diễn tra trước khi sinh, nhưng nó cũng xảy ra vào gần thời điểm sinh, hoặc trong những tháng hoặc năm đầu đời.
     
    3. Cách chẩn đoán và điều trị
     
    Chẩn đoán
     
    Bại não được chẩn đoán chủ yếu bằng việc đánh giá khả năng cử động của trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Một số trẻ mắc bệnh bại não có trương lực cơ thấp nên nhìn chúng có vẻ nhẹ cân. Những trẻ khác có trương lực cơ tăng nên trông chúng có vẻ rắn chắc, hoặc trương lực cơ biến thiên (lúc tăng, lúc giảm).
     
    Có thể bác sĩ cũng yêu cầu làm các xét nghiệm phân hình não ví dụ như tạo ảnh cộng hưởng từ (Magnetic Tesonance Imaging – MRI), chụp điện toán cắt lớp (Computed Tomography – CT scan), hoặc siêu âm. Đôi khi những xét nghiệm này có thể giúp xác định được nguyên nhân của bại não
     
    Điều trị
     
    Điều trị bại não cần có sự phối hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau cùng phối hợp với trẻ và gia đình nhằm vạch ra được một kế hoạch cụ thể thích hợp cho từng cá nhân. Điều trị bại não nhằm giúp trẻ đạt được khả năng trí tuệ cũng như vận động tối đa có thể có chứ không thể lấy lại được những khả năng đã mất để thành một đứa trẻ hoàn toàn bình thường. Các chuyên khoa liên quan bao gồm nhi khoa, phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình, mắt, tâm thần, chỉnh âm, dạy nghề… Nếu điều trị được thực hiện sớm và có sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên ngành, đặc biệt là sự tham gia của gia đình thì kết quả rất khả quan.
     
    Trẻ thường được bắt đầu bằng vật lý trị liệu ngay sau khi được chẩn đoán. Điều trị này làm tăng kỹ năng vận động của trẻ như ngồi, đi, cải thiện cơ lực và phòng ngừa sư co kéo biến dạng cơ (cơ bị co rút có thể giới hạn vận động của các khớp). Đôi khi trẻ còn được sử dụng các dụng cụ như nẹp, máng hoặc bó bột để ngừa co rút cơ và cải thiện chức năng của chân và tay. Nếu tình trạng co rút cơ quá nặng, trẻ cần được phẫu thuật chỉnh hình để làm dài cơ bị bệnh.
     
    Đôi khi thầy thuốc còn dùng một số thuốc nhằm làm giảm bớt mức độ co cứng của cơ và làm giảm các cử động bất thường. Tuy nhiên các thuốc đường uống hiện nay không có tác dụng đáng kể. Có thể tiêm trực tiếp Botox (botulinum toxin) vào các cơ co rút có thể giúp cải thiện triệu chứng, tác dụng có thể kéo dài vài tháng (trong thời gian này việc phục hồi chức năng thực hiện dễ dàng hơn). Một loại thuốc khác cũng chứng tỏ tác dụng tốt đối với các trường hợp liệt cứng mức độ vừa đến nặng. Thuốc này có tác dụng chống co cơ có tên là baclofen. Để đưa thuốc vào bệnh nhân, người ta phải phẫu thuật để đưa vào dưới da một bơm tiêm, thông qua đó thuốc được bơm liên tục.
     
    Đối với một số trẻ có tình trạng co cứng hai chi dưới nặng nề, phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc một số nhánh thần kinh ở lưng chi phối hoạt động chi có thể làm giảm vĩnh viễn tình trạng co cứng cũng như cái thiện khả năng vận động như ngồi, đứng, đi. Phẫu thuật này thường tiến hành khi trẻ được 2 đến 7 tuổi.
     
    Đối với trường hợp nặng, tập luyện cho trẻ nhằm mục đích thực hiện được các thao tác quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày như ăn, mặc, vệ sinh cá nhân. Những trường hợp nhẹ hơn, tập luyện và điưều trị có thể hướng đến mục tiêu cao hơn như giao tiếp, vui chơi, và cả học tập nữa.
     
    Điều quan trọng quyết định sự thành công của điều trị là vai trò của bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Nếu những đối tượng này tin tưởng, quyết tâm và có những kiến thức cơ bản cũng như kỹ năng thực hành thì đứa trẻ có nhiều khả năng đạt được những tiến bộ lớn nhằm giảm sự lệ thuộc của trẻ vào người khác, đẩm bảo cho trẻ một cuộc sống gần với bình thường
     
    4. Phòng tránh bệnh bại não
     
    Không kết hôn cùng huyết thống. Điều này dễ xảy ra ở các quần thể sống cô lập với xã hội như các bản làng vùng sâu vùng xa.
     
    Bố mẹ nhiều tuổi nhất là các bà mẹ trên 35 tuổi thì không nên sinh thêm con. Các bà mẹ mang thai mà bản thân có nhiều yếu tố nguy cơ gây tổn thương cho bào thai thì phải được tư vấn có nên đẻ hay không và khi có thai phải thường xuyên đi khám và đăng ký quản lý theo dõi thai tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Như các bà mẹ có vóc người thấp còi, khung chậu hẹp; các bà mẹ mắc các bệnh mãn tính: tim, thận, lao, đái đường, badơđô; các bà mẹ có nghề nghiệp độc hại nặng nhọc, cuộc sống kham khổ, thiếu thốn, sống trong môi trường độc hại cũng dễ gây ra đẻ non, đẻ yếu, đẻ ngạt, mổ đẻ.
     
    Khi có thai các bà mẹ phải hạn chế nguy cơ mắc những bệnh nhiễm khuẩn nhất là nhiễm các loại vi rút như: cúm, hồng ban, Herpes, Toxoplasma, vi rút tế bào khổng lồ…bởi các vi rút này dễ gây ra dị tật thai nhi, gây thai chết lưu, dị tật thần kinh bào thai như: dị tật não, dị tật thính giác và thị giác. Để tránh nhiễm các loại vi rút này các bà mẹ khi có thai phải cải thiện điều kiện sống, môi trường sống, nâng cao sức khỏe, hạn chế đến nơi đông người và tránh xa những người có biểu hiện như bị cúm: hắt hơi, sổ mũi, đau mình mẩy, sốt…
     
    Khi có thai các bà mẹ không nên dùng các chất gây nghiện, các chất kích thích nhất là rượu, thuốc lá. Không nên tiếp xúc với nguồn chất độc hại khi hành nghề như chì, thủy ngân. Bởi thai nhi dễ bị ngộ độc các chất này và sẽ bị suy dinh dưỡng bào thai, não bé, chậm trí khôn.
     
    Bà mẹ có thai đến ngày gần đẻ ( thai 8 – 9 tháng ) nên chủ động đến cơ sở y tế để tiêm hoặc uống vitamin K, nhằm hạn chế mất máu nhiều trong cuộc đẻ, mẹ sẽ mau lại sức và có sữa để cho con bú, đồng thời cũng phòng ngừa được xuất huyết não – màng não sớm cho trẻ sơ sinh. Sau đẻ các bà mẹ nên ăn uống đủ chất nhất là đủ dầu mỡ, canxi và nên cho con tiêm hoặc uống vitamin K để phòng xuất huyết não – màng não sau giai đoạn sơ sinh.
     
    Trẻ sau đẻ có hiện tượng vàng da sinh lý nếu như vàng da nhẹ và chỉ 5 – 10 ngày là hết. Khi phát hiện trẻ có vàng da sớm sau đẻ 2 – 3 ngày và mức độ vàng da đậm, tăng nhanh, nước tiểu vàng, bỏ bú…nhất là với các bà mẹ có nhóm máu Rh(-) thì phải sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị.
     
    Thực hiện tốt lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, đề phòng các bệnh dịch nhất là các bệnh viêm màng não, viêm não, bởi đây là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật lớn nhất cho trẻ em.
     
    Chủ động phòng tránh các tai nạn trong cuộc sống sinh hoạt của trẻ như chấn thương sọ não, tai nạn giao thông, ngạt nước…
     
    Phòng chống các bệnh có thể gây ra bại não cho trẻ như suy dinh dưỡng nặng, sốt cao co giật, động kinh
     
    5. Cách chăm sóc trẻ bị bệnh bại não.
     
    Nếu chứng bại não được phát hiện sớm và phục hồi toàn diện, liên tục và lâu dài, trẻ sẽ có cơ hội tự lập, hòa nhập cuộc sống đời thường. Sau đây là một số hướng dẫn cụ thể:
     
    Cách bế ẵm trẻ
     
    – Nếu trẻ thường nằm với tư thế 2 tay co, 2 chân duỗi thì bế sao cho 2 tay duỗi thẳng, 2 gối và háng gập .
     
    – Nếu trẻ có khả năng kiểm soát tốt hơn thì có thể bế ở tư thế ít cần trợ giúp .
     
    Nằm và ngủ
     
    – Nếu trẻ nằm hai chân duỗi chéo nhau thì có thể dùng khố đóng để tách ra hoặc cố định 2 chân.
     
    – Nếu trẻ thường ưỡn người ra sau, nên đặt nằm nghiêng, nằm võng hoặc trên thùng phi.
     
    – Nếu trẻ không ngẩng đầu hoặc nhấc tay ra được: Đặt trẻ ở tư thế chống 2 tay.
     
    Lẫy và xoay người
     
    – Nếu trẻ bị co cứng, phải làm giảm cứng bằng cách đẩy chân trẻ ra sau và ra trước; sau đó, giúp trẻ tập xoay người và lẫy. Lưu ý: Tìm trò chơi sao cho trẻ muốn xoay người và tự xoay người.
     
    Ngồi
     
    – Nếu 2 chân trẻ bắt chéo vào nhau và xoay vào trong, khớp vai sệ xuống, 2 tay xoay vào trong: Đặt trẻ ngồi tách 2 chân ra, nâng 2 vai lên, xoay chân tay ra ngoài.
     
    – Nếu trẻ khó khăn khi ngồi: Giữ 2 chân cho trẻ .
     
    – Trẻ có khả năng thăng bằng kém, hai chân thường bắt ngược ra sau (hình chữ W) để khỏi ngã: Không nên khuyến khích trẻ ngồi kiểu hình chữ W do có thể gây biến dạng khớp háng, gối.
     
    – Nếu trẻ luôn dạng hai chân, mông ưỡn ra sau, khớp vai đưa ra sau, đầu tiên cần đặt trẻ ngồi sao cho thân ở tư thế gập về phía trước, 2 chân chụm vào nhau rồi đưa 2 vai ra trước và xoay vào trong. Sau đó, cùng chơi với trẻ trên bàn; ngồi đối diện với trẻ để trẻ phải với tay ra phía trước lấy đồ chơi. Chú ý đảm bảo để hai bàn chân đặt trên mặt phẳng.
     
    Ngoài ra, cần tập cho trẻ đứng thăng bằng, di chuyển. Cố gắng tìm mọi cách để trẻ có thể sử dụng hai tay khi vui chơi, hoạt động ở các tư thế; khuyến khích việc sờ, cảm nhận và giữ các đồ vật có hình dạng, kích thước, độ nhẵn, độ cứng khác nhau.
     
    Phương pháp tập luyện
     
    Tập luyện vận động
     
    · Điều chỉnh các tư thế bất thường của tay và chân trẻ.
     
    · Tập luyện các chức năng vận động theo các giai đoạn phát triển của trẻ như nâng đầu cổ, lăn lật, ngồi, bò, quỳ, đứng, đi…
     
    · Kích thích và tạo thuận cho trẻ vận động một cách chủ động thông qua các hoạt động trò chơi để rèn luyện trẻ có nhận thức về cảm giác: xúc giác, thị giác, thính giác, vị giác.
     
    · Hướng dẫn gia đình một số kỹ thuật để điều chỉnh tư thế như bế nách, địu, nằm võng, xoay lẫy, ngồi, giữ thăng bằng, đứng…
     
    Tập luyện các sinh hoạt hằng ngày
     
    · Đặt trẻ trong tư thế đúng khi : bế trẻ, ngủ, ăn, nói chuyện, vệ sinh, mặc quần áo, mang giầy…
     
    · Khi dạy trẻ làm các việc trong sinh hoạt hằng ngày, cần phải chia công việc thành nhiều bước nhỏ, thực hiện thành thạo từng bước một trước khi sang bước kế tiếp.
     
    · Hướng dẫn gia đình hiểu được khó khăn của trẻ bại não, biết cách chăm sóc và tập luyện để giúp trẻ phát triển khả năng độc lập trong các sinh hoạt hằng ngày.
     
     Tập luyện qua giao tiếp xã hội
     
    · Não cũng như cơ thể cần phải luyện tập, do đó phải kích thích sớm qua vui chơi.
     
    · Tập luyện ngôn ngữ cho trẻ càng sớm càng tốt.
     
    · Tập luyện về giao tiếp nhằm giúp trẻ sớm hội nhập xã hội
     
    · Một số cách giao tiếp :
     
    o Ra hiệu bằng nét mặt, tay, đầu, thân người.
     
    o Qua hình ảnh, vẽ, viết, đọc…
     
    o Mọi cách khác…
     
     Tập luyện thông qua giáo dục đặc biệt
     
    · Nên khen trẻ đúng lúc, không trừng phạt hoặc đánh trẻ.
     
    · Trẻ bại não đều phải được vui chơi và đi học cùng với các trẻ bình thường khác trong cộng đồng, không nên cách ly trẻ bại não vào các trường lớp đặc biệt.
     
    · Phương pháp tập luyện phải phù hợp với mức độ phát triển trí tuệ của trẻ bại não.
     
    Dụng cụ trợ giúp
     
    · Kích thích sớm thông qua chơi đùa giúp trẻ phát triển trí tuệ : kích thích về vận động, thăng bằng, kích thích các giác quan, cho trẻ chơi các đồ chơi có màu sắc, âm thanh…
     
    · Hướng dẫn gia đình trẻ bại não biết cách sử dụng và làm một số dụng cụ trợ giúp đơn giản ại nhà cho trẻ như : gối vải, ghế ngồi, ván đứng sấp, khung đi, thanh song song, nạng, gậy, đai nâng cổ, nón bảo vệ đầu…
     
    · Tự chế các vật dụng nhỏ thích nghi trợ giúp trẻ dễ dàng hơn trong các sinh hoạt như : muỗng, đủa, bàn chải đánh răng, ly uống nước…
     
    Dinh dưỡng cho trẻ bại não
     
    Các thức ăn vẫn cần đầy đủ như với trẻ khỏe mạnh cùng lứa tuổi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất. Người mẹ có con bị bại não dễ bị mất sữa do trẻ bú kém hoặc không bú. Nên cần tăng cường cho con bú khi có thể, cần ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc thì mới duy trì được lượng sữa cho con. Trẻ lớn hơn cần ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất: bột đường, đạm, chất béo, rau và trái cây.
     
    Tránh một số sai lầm khi chọn dinh dưỡng cho trẻ bại não là kiêng ăn thịt bò, kiêng ăn tôm, kiêng ăn chuối …vì sợ trẻ bị co gân.
     
    Nên lựa chọn loại thức ăn và các hình thức chế biến phù hợp với khả năng ăn uống của trẻ. Trẻ có khả năng ăn được các thức ăn đặc thì nên cho trẻ ăn cùng thức ăn của gia đình. Cho trẻ cầm miếng thức ăn cứng để tập cắn, gặm, khuyến khích động tác nhai nuốt để trẻ tập vận động môi, lưỡi tốt hơn, cũng góp phần phát triển ngôn ngữ sau này của trẻ
     
    Trẻ không ăn được các thức ăn đặc thì nên xay các thức ăn thành bột lỏng để trẻ ăn dễ dàng. Theo năm tháng và khả năng của trẻ sẽ tăng dần độ đặc của thức ăn lên.
     
    Số lượng bữa ăn của trẻ bại não cần chia nhỏ thành nhiều bữa hơn so với trẻ bình thường. Giữa các bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm các bữa phụ. Có một số trẻ bị mập lên thì không nên cho trẻ ăn quá nhiều, hãy giảm thức ăn béo và ngọt lại .
     
    Kỹ thuật chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bại não
     
    Chính vì trẻ bại não kém kiểm soát được môi, lưỡi, đầu và cơ thể, phối hợp chân tay và mắt kém, không cầm nắm được thức ăn đưa vào miệng, ngay cả việc bú và uống cũng khó khăn, nên các bà mẹ cần giúp trẻ tập bú, ăn, uống sao cho có hiệu quả hơn.
     
    Tư thế cho trẻ ăn, uống, bú đúng cách như sau:
     
    Với trẻ còn bú thì người mẹ ngồi ôm con sao cho có một tư thế thoải mái để trẻ ngậm đúng đầu vú mẹ một cách dễ dàng.
     
    Với trẻ ăn thức ăn từ thìa thì trẻ cần được ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm.
     
    Trẻ ngồi được có thể sử dụng xe lăn có dây buộc, có mặt bàn để giữ trẻ
     
    Không nên cho trẻ ăn, uống, bú ở tư thế nằm ngửa hoặc ngồi mà đầu ngửa ra sau vì khó nuốt và rất dễ bị sặc. Không nên đổ thức ăn vào sâu trong họng trẻ mà nên dùng thìa đổ từng ít thức ăn một vào đầu lưỡi trẻ, khi trẻ nuốt hết mới được đổ thìa tiếp theo.
     
    Khi trẻ ăn, uống, bú xong không nên đặt trẻ nằm ngay xuống giường để phòng nôn và sặc
     
    Có thể sử dụng một số dụng cụ trợ giúp để giúp trẻ ăn, uống, bú dễ dàng hơn như bình sữa có núm vú rộng miệng hơn, thìa có tay cầm bằng cao su để trẻ dễ cầm xúc hơn. Trẻ không uống được bằng cốc có thể đổ bằng từng thìa. Với trẻ bú còn khó khăn, người mẹ cần dùng tay nâng bầu vú đồng thời dùng ngón tay điều chỉnh lượng sữa vào miệng trẻ một cách thích hợp. Trẻ không bú được thì vắt sữa mẹ cho uống bằng thìa hoặc bú bình.
     
    Với trẻ gặp khó khăn về nuốt, hay ngậm thức ăn hoặc đùn thức ăn, người mẹ cần biết giúp cho trẻ nuốt thức ăn bằng cách lấy tay giữ lấy xương hàm dưới và cằm của trẻ, nhẹ nhàng đẩy cằm lên cao cho trẻ khép miệng lại, đồng thời một ngón tay vuốt nhẹ từ cằm xuống cổ để kích thích phản xạ nhai nuốt của trẻ. Tuyệt đối không được bịt mũi trẻ hoặc đưa sâu thìa thức ăn vào trong họng của trẻ để kích thích trẻ nuốt vì dễ gây sặc rất nguy hiểm 
     

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    giai-doc-gan-an-binh

    Khách hàng nhận xét

    Khi sử dụng V-Sorento – Hỗ trợ chữa trị viêm đại tràng, các triệu trứng viêm đại tràng của tôi đã được cải thiện rõ rêt.
    Nguyễn Cường, 60 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
    Tôi rất yên tâm khi sử dụng sản phẩm của Dược An Bình. Từ khi sử dụng PHARZUBEST – Bổ sung vitamin và khoáng chất, sức khoẻ của tôi được cải thiện nhiều.
    Quang Trần
    Khi dùng Grathozi – Trị nấm âm đạo, bệnh của tôi đã thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7 ngày.
    Thu Hương