1. Nguyên nhân gây đột quỵ
Mạch máu não bị tắc do mảng xơ mỡ đóng ở thành mạch dày lên dần, làm hẹp lòng mạch; Xuất hiện cục máu đông di chuyển từ tim do tim bị bệnh loạn nhịp hoặc bệnh hẹp – hở van tim khiến máu ứ lại, đóng thành cục máu đông trong tim, sau đó chảy lên não làm kẹt lại gây tắc mạch máu não; Xuất huyết não (mạch máu bị vỡ làm chảy máu, chèn ép não bộ) và xuất huyết khoang dưới nhện (mạch máu bị phình rồi vỡ ra làm máu chảy vào khoang trống bao quanh não) cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Tắc mạch máu não gây đột quỵ
Người cao tuổi, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu, các bệnh mạch vành, van tim, loạn nhịp tim, hút thuốc lá, béo phì-thừa cân, lười vận động… là những đối tượng dễ bị đột quỵ.
Nếu thấy người bệnh có dấu hiệu ngã thì cần đỡ họ ngay tránh để họ bị va đập, sau đó để bệnh nhân nằm nghiêng qua một bên, nếu có nôn thì móc hết đờm dãi khai thông đường thở. Sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt, không nên xoa dầu cao hay tự ý cho bệnh nhân dùng thuốc.
2. Cách chăm sóc cho người bệnh bị tai biến mạch máu não
Về chế độ ăn
Thức ăn của người bệnh cần phải được chế biến phù hợp, có thể cắt nhỏ, băm nhuyễn, ninh nhừ để người bệnh dễ ăn và dễ hấp thụ. Thành phần dinh dưỡng cần được cân đối và đáp ứng đủ dinh dưỡng từ thực phẩm. Kiêng sử dụng các chất béo và chất kích thích (rượu, bia, chè đặc, cà phê); hạn chế dùng muối.
Với bệnh nhân có thể tự ăn được, áp dụng chế độ dinh dưỡng như bình thường, nếu ăn ít nên tăng thêm bữa trong ngày. Thức ăn phải cân đối và đáp ứng đủ các chất cần thiết như chất đạm từ thịt, cá, trứng, đậu hũ…; chất bột đường từ gạo, mì, bánh mì…; chất béo từ dầu mỡ…; rau củ quả và trái cây.
Đối với người bệnh phải nằm tại giường hoặc đi lại hạn chế nên nhu cầu năng lượng sẽ thấp hơn so với người bình thường. (năng lượng cần trong ngày là: 25-30kcal/kg cân nặng/ngày). Thành phần dinh dưỡng trong ngày phải đa dạng, được phân chia thành nhiều bữa.
Đối với người bệnh không ăn được do liệt cơ hầu họng, phải nuôi ăn qua ống xông cần chú ý: Thức ăn lỏng được xay nhuyễn hoặc pha chế sẵn từ các loại bột. Bước tiến hành như sau: Kiểm tra vị trí của ống thông, cố định ống thông. Sau đó nối túi đựng thức ăn lỏng với ống thông; điều chỉnh sao cho phù hợp tránh để bệnh nhân bị sặc. Thời gian mỗi lần cho ăn: 3 – 6 giờ. Sau mỗi lần cho ăn, bơm nước sôi để nguội hoặc nước vô khuẩn rửa ống thông.
Nếu người bệnh có chế độ ăn hợp lý thì da hồng hào, không viêm loét, niêm mạc không bị lở loét.
Về sinh hoạt.
Với trường hợp nhẹ hơn, tùy mức độ di chứng liệt, cần đề ra một kế hoạch cụ thể cho bệnh nhân tập luyện hằng ngày. Cố gắng để cho người bệnh tự có các động tác sinh hoạt ở mức tối đa, người thân chỉ hỗ trợ hoặc giúp đỡ khi người bệnh không thể tự làm được. Quá trình tập luyện đòi hỏi sự kiên trì của cả người bệnh và người hướng dẫn. Nên duy trì việc này cả khi các di chứng đã được phục hồi.
Với trường hợp bệnh nặng, người bệnh không tự vận động được, người thân cần giúp người bệnh thay đổi tư thế ít nhất là 3 giờ một lần để tránh loét. Mỗi lần lật người, xoa phấn rôm vào lưng, mông và các vị trí bị tì đè khác. Nếu cho bệnh nhân ăn, hoặc uống nước nên kê gối sau lưng để giữ họ ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi.
Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ sự chỉ định bác sĩ. Nhớ uống thuốc theo đơn, uống đúng giờ, đúng liều lượng, không tự ý thay đổi thuốc… Nếu có những bất thường cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế.
3. Một số món ăn thuốc ngừa, trị tai biến mạch máu não
Món cháo bổ khí huyết: chữa tai biến mạch máu não, bán thân bất toại gồm hoàng kỳ 60 – 120g, nhân sâm 3 – 5g hoặc thay đảng sâm 30g, quy vĩ 10g, địa long 5g, gạo tẻ 50 – 100g, đường trắng vừa đủ. Nhân sâm thái lát cho vào nồi đất ngâm 30 phút, tiếp cho quy vĩ, địa long đun lửa to cho sôi, hạ lửa nhỏ, để 1 giờ chắt lấy nước cốt chia 2 phần cho vào cháo gạo tẻ đã nấu nhừ. Thêm đường ăn vào sáng, tối.
Cháo hoạt huyết: trị di chứng tai biến mạch máu não, bán thân bất toại gồm hoàng kỳ 50g, đào nhân 10g, địa long 2g, đường trắng vừa đủ. Địa long tán nhỏ, hoàng kỳ, đào nhân sắc lấy nước bỏ bã, cho gạo vào nấu nhừ thành cháo. Khi ăn cho địa long và đường trộn đều ăn trong ngày.
Cháo muồng ngủ: trị di chứng tai biến mạch máu não và bán thân bất toại, cao huyết áp, đại tiện táo kết, hoa mắt chóng mặt (huyễn vựng). Thảo quyết minh (hạt muồng ngủ) 10 – 15g, cúc hoa trắng 10g, câu đằng 10g, gạo tẻ 50g – 100g, đường phèn 1 chút. Sao thơm hạt muồng, cho vào cùng cúc hoa trắng, câu đằng sắc lấy nước bỏ bã. Cho gạo vào nấu nhừ thành cháo, cho đường phèn vào nấu lại một chút mang ra ăn.
Móng giò lợn, sơn tra: móng giò bổ thận tinh, mạnh gân cốt, sơn tra không chỉ tiêu hóa thịt (tiêu thực), còn tán ứ huyết. 2 vị hợp lại tác dụng trị huyết áp cao, di chứng tai biến mạch máu não và bán thân bất toại. Gồm: móng giò lợn 3 cái, sơn tra 5 quả, gia vị vừa đủ. Móng giò rửa sạch, thái nhỏ xào cùng gia vị, đổ ngập nước cho sơn tra vào hầm 2 giờ, chín nhừ, chia vài lần ăn trong ngày.
Trúc lịch khương chấp ẩm: chữa di chứng tai biến mạch máu não và bán thân bất toại, khó nói, đờm nhiều, hoa mắt chóng mặt (huyễn vựng). Gồm trúc lịch, sinh khương (củ gừng). Trúc lịch là nước lấy từ cây tre non. Người ta thường chặt cây tre non chặt ra từng đoạn vắt lấy nước; hay uốn cong cây tre non, phạt ngọn buộc cọc ghì ngọn vào miệng chai rồi lấy lửa đốt phần giữa cho nước chảy ra hoặc để 1 đêm sau thì nước cũng sẽ chảy ra đầy chai. Mỗi lần uống 1 – 2 thìa cà phê nước trúc lịch đã pha thêm chút nước gừng trộn đều. Rồi chiêu bằng nước cơm hay nước sôi để nguội.
Chữa chứng huyết áp cao gây tai biến mạch máu não do tắc mạch máu não: nhân quả đào 12g, thảo quyết minh 12g cho vào nồi cùng nửa lít nước, sắc (nấu) cho kỹ, cho thêm mật ong vào, khuấy đều. Chia uống 2 lần trong ngày.
Cháo trai, hàu: chữa với chứng huyết áp cao, tai biến mạch máu não, nhức đầu, chóng mặt. Chú ý những người đang mắc chứng hư hàn (lạnh) thì không dùng. Lấy con trai 50g, con hàu một ít, gạo tẻ 100g đem nấu cháo chia làm 2 lần ăn hết trong ngày.
Cháo trai, hàu chữa chứng huyết áp cao, tai biến mạch máu não
Cháo cúc hoa: món cháo này phù hợp với những người mắc chứng trúng phong, huyết áp tăng, nhức đầu, chóng mặt. Lưu ý, với những người cao tuổi, tỳ hư, có bệnh đái tháo đường thì không được dùng. Lấy hoa cúc bỏ cuống, sấy khô, tán nhỏ. Mỗi lần sử dụng thì lấy 100g gạo tẻ đem nấu cháo, khi cháo gần chín tới thì cho 15g bột hoa cúc vào khuấy đều, đun thêm cho sôi vài phút nữa là được. Ăn vào hai bữa sáng và chiều.
Hoặc có thể lấy mầm của cây cúc tươi rửa sạch, thái nhỏ, cho vào 100g gạo tẻ, cùng lượng nước vừa đủ, nấu thành cháo để ăn.
Cháo hoàng kỳ, bạch thược: dùng liên tục sẽ có hiệu quả chữa những di chứng sau khi trúng phong như tay chân tê liệt. Những người huyết áp cao, xuất huyết não đã từng khám chẩn đoán bị tắc mạch máu não có thể dùng bài thuốc này. Lấy hoàng kỳ 15g, bạch 15g sao vàng và quế 15g, gừng tươi 15g. Đem sắc (nấu) kỹ nguyên liệu trên để lấy nước, bỏ bã. Rồi cho 100g gạo tẻ, và 4 quả táo tàu, cùng lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo. Khi cháo chín cho nước thuốc trên vào khuấy đều. Mỗi ngày ăn 1 lần.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi