Trên thế giới hiện có khoảng 400 triệu người đang bị viêm gan siêu vi B. 75% trong số này ở châu Á. Cứ khoảng 30 giây có 1 người nhiễm siêu vi B bị cướp đi mạng sống. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao nhất thế giới với khoảng 15 – 20% dân số và là nước có tỷ lệ ung thư gan đứng hàng thứ hai, trong đó 90% có mang virus viêm gan B. Gan đảm nhiệm vai trò gì?
1. Chuyển hóa thức ăn thành những chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động của cơ thể, đồng thời cũng là kho dự trữ các chất dinh dưỡng để cơ thể sử dụng khi cần thiết.
2. Giải độc.
3. Bài tiết mật để tiêu hóa thức ăn.
4. Sản sinh ra một số yếu tố cần thiết cho sự đông máu.
Viêm gan siêu vi B là gì?
Là tổn thương lan tỏa ở gan biểu hiện bởi hai hội chứng: thâm nhiễm tế bào viêm ở gan và hoại tử tế bào gan.
Virus viêm gan B có thể tồn tại được ở 600C trong 4 giờ, 15 năm ở -200C, 24 tháng ở -800C, 6 tháng ở nhiệt độ phòng và 7 ngày ở 440C. Loại virus này bị tiêu diệt bởi các dung dịch tiệt trùng chuyên biệt: cồn 90 độ, javel 10%, đun nóng ở nhiệt độ 1210C trong 15 – 20 phút.
Tại sao bị nhiễm siêu vi B?
Bệnh có thể lây bằng nhiều cách bao gồm:
Đường máu: Khi máu người này tiếp xúc với máu hoặc các vật phẩm có dính máu của người bị nhiễm dưới bất kỳ hình thức nào. Đặc biệt phương thức lây nhiễm nhiều nhất hiện nay là do dùng chung kim và ống chích với những người sử dụng ma túy. Ngoài ra có thể bị nhiễm dưới hình thức châm cứu, xâm mình, xâm mắt, xâm môi, xỏ lỗ tai không vô trùng. Một số trường hợp cũng có thể lây nhiễm do dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay… với người bị nhiễm.
Đường tiếp xúc tình dục: Do tiếp xúc với tinh dịch và dịch tiết âm đạo của người bị nhiễm. Nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn nếu giao hợp trong thời gian đang hành kinh. Viêm gan B có thể lây qua hoạt động tình dục cùng giới hoặc khác giới.
Đường mẹ truyền sang con.
Ai có nhiều nguy cơ bị nhiễm siêu vi viêm gan B?
Tiêm chích ma túy; gái mại dâm; quan hệ tình dục không an toàn; người bị các bệnh lý cần phải được truyền máu nhiều lần, chạy thận nhân tạo, ghép tạng…; con của những bà mẹ bị nhiễm siêu vi B; vợ (chồng) của người bị nhiễm siêu vi B; nhân viên y tế; những người có thói quen cắt, lể, châm cứu, làm móng tay, móng chân… trong điều kiện chung dụng cụ kém vệ sinh, không vô trùng.
Làm thế nào biết bị nhiễm siêu vi B?
Người lành mang mầm bệnh: Là những người phát hiện tình cờ có nhiễm siêu vi qua xét nghiệm, không có biểu hiện lâm sàng, không có tổn thương gan, men gan, chức năng gan hoàn toàn bình thường qua các lần kiểm tra định kỳ. Tình trạng này có thể tồn tại suốt đời không gây nguy cơ, biến chứng gì cho người nhiễm. Tuy nhiên một số trường hợp có thể chuyển sang viêm gan nếu cơ thể giảm sức đề kháng, bị nhiễm thêm một loại siêu vi gây tổn thương cho gan khác, hoặc sử dụng các loại thuốc gây ức chế miễn dịch…
Những người này vẫn có thể lây cho người khác vì vậy cần có những biện pháp phòng ngừa lây lan cho người khác.
Viêm gan cấp: Thường biểu hiện qua bốn thời kỳ:
– Thời kỳ ủ bệnh: Kéo dài từ 1 – 4 tháng, hoàn toàn không có thay đổi gì trên lâm sàng.
– Thời kỳ trước vàng da: kéo dài từ 3 – 10 ngày, biểu hiện giống như bị cảm cúm, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau nhức xương khớp, nổi mề đay, đau hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa…
– Thời kỳ vàng da: kéo dài 2 – 6 tuần, xuất hiện vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng.
– Thời kỳ sau vàng da: Có thể hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên một số trường hợp có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Viêm gan mạn: Là tình trạng nhiễm viêm gan siêu vi B kéo dài trên 6 tháng kèm theo có những tổn thương tại gan. Viêm gan siêu vi B cấp có những yếu tố sau thì dễ chuyển thành mạn tính hơn:
– Tuổi: bị nhiễm càng nhỏ tuổi thì tỷ lệ chuyển mạn tính càng cao, nếu nhiễm từ lúc sơ sinh thì 90% có nguy cơ chuyển sang dạng mạn tính.
– Tình trạng cơ thể: cơ địa có sức đề kháng kém thì dễ chuyển sang mạn tính.
Viêm gan siêu vi B sẽ gây nguy cơ gì?
Xơ gan: Là tình trạng gan bị hư hại thay thế dần bằng các tổ chức xơ và không thực hiện được các chức năng. Đây là một trong tứ chứng nan y. Khi đã tiến triển đến xơ gan, chức năng gan khó có thể hồi phục, ngay cả khi tình trạng viêm gan được cải thiện và số lượng siêu vi trong máu giảm đáng kể. Vì vậy, bác sĩ thường chỉ định điều trị sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình xơ gan. Ngày nay tuy rằng y học đã có rất nhiều tiến bộ nhưng xơ gan giai đoạn nặng vẫn là vấn đề nan giải, đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm tỷ lệ tử vong cao. Có thể tử vong vì các biến chứng: hôn mê gan, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng, hội chứng gan thận, ung thư gan…
Ung thư gan: Phải truy tìm ung thư gan ở những đối tượng nhiễm HBV sau: đàn ông châu Á trên 40 tuổi; phụ nữ châu Á trên 50 tuổi; xơ gan; gia đình có người ung thư gan; người châu Phi trên 20 tuổi; có nồng độ HBVDNA cao. Nguy cơ ung thư càng tăng ở những người có số lượng siêu vi cao và kéo dài. Vì vậy bệnh nhân bị lây truyền từ mẹ có lượng siêu vi trong máu cao nên nguy cơ bị ung thư gan nhiều hơn khi bị nhiễm ở tuổi trưởng thành.
Làm gì khi bị nhiễm siêu vi B?
– Cần có thái độ tích cực, đến khám và hợp tác với thầy thuốc để theo dõi và điều trị cụ thể, hạn chế tỷ lệ dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan.
– Không nên quá hoang mang lo sợ, ai chỉ gì làm nấy, tự ý điều trị để rồi tiền mất tật mang.
– Cũng không quá thờ ơ, phó thác cho số phận để bệnh diễn tiến ngày càng nặng thêm.
– Vì đa số người nhiễm siêu vi B là người lành mang virus nên việc theo dõi định kỳ là quan trọng nhất.
– Việc điều trị thuốc kháng virus phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
– Phải được khám và theo dõi men gan, chức năng gan, siêu âm bụng định kỳ để đánh giá tình trạng tổn thương của gan mỗi 3 – 6 tháng.
– Theo dõi alpha FP mỗi 6 tháng để tầm soát ung thư gan ở những đối tượng có nhiều nguy cơ.
– Thai nhi của những phụ nữ nhiễm siêu vi B phải được bảo vệ bằng phác đồ chuyên biệt ngay từ những giờ đầu tiên khi mới chào đời.
Chế độ dinh dưỡng của người bị nhiễm siêu vi B?
– Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, hạn chế chất béo động vật, mỡ heo, da gà, lòng đỏ trứng…; ăn nhiều rau, trái cây tươi.
– Người bị nhiễm siêu vi nếu uống rượu sẽ làm cho gan bị hư hại trầm trọng hơn, diễn tiến tới xơ gan, ung thư gan nhanh hơn, vì vậy tuyệt đối không uống rượu, nếu lỡ nghiện phải cai rượu.
– Không lạm dụng các loại thuốc, đặc biệt thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc ngủ… Khi sử dụng phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.
– Nghỉ ngơi, hạn chế lao động quá nặng nhọc, tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài.
Dự phòng nhiễm siêu vi B?
– Chích ngừa viêm gan siêu vi B cho mọi người, đặc biệt những đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ.
– Tiệt trùng các vật dụng có khả năng dính máu như kim, ống chích, kim châm cứu, xỏ lỗ tai, xâm mình.
– Không cắt, lể, châm cứu, xâm mình, xỏ lỗ tai trong điều kiện dùng chung dụng cụ kém vệ sinh, không vô trùng.
– Không dùng chung các đồ dùng có thể gây dính máu với bất kỳ người nào khác như kim, ống chích, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kềm cắt móng tay…
– Không sử dụng ma túy.
– Kiểm tra siêu vi B ở người cho máu.
– Quan hệ tình dục an toàn.
ThS.BS. LÊ THỊ TUYẾT PHƯỢNG (Bệnh viện nhân dân 115) – Theo KHPT
Bài viết liên quan
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Lựa chọn men tiêu hóa sống cho hệ tiêu hóa…
- Một số phương pháp để bảo vệ dạ dày
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Sinh lý yếu và một số giải pháp cho nam…
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Bị ợ nóng do ăn pizza