Hérophilos (300-250 trước CN)
Nhà giải phẫu học và nhà phẫu thuật Hy Lạp thời cổ đại. Ông là người đầu tiên trên thế giới bất chấp những sự cấm đoán của tôn giáo đã tiến hành việc mổ xác người để nghiên cứu giải phẫu cơ thể. Để trả đũa, những thị dân nổi cơn phẫn nộ đã gọi Hérophilos là “tên đồ tể” và đuổi ông ra khỏi thành phố Viphinia. Những năm cuối đời, ông sống tại thành phố Alecsandria ở Ai Cập, nơi ông viết nhiều công trình nghiên cứu về giải phẫu học và chữa bệnh bằng ngoại khoa.
Hippocrates (460-377 trước CN)
“Ông tổ của y học” đã để lại cho hậu thế không chỉ văn bản lời tuyên thệ của thầy thuốc mà còn cả công trình đồ sộ “tuyển tập Hippocrates”, trong đó ông đã sưu tầm và khái quát hơn 100 bài luận văn y học của thời đại mình. Một trong số những bài luận văn đó đề cập tới “căn bệnh linh thiêng” tức là bệnh động kinh. Bất chấp sự phẫn nộ của giới tăng lữ, Hippocrates đã chứng minh rằng cơ sở của căn bệnh này là những nguyên nhân tự nhiên.
Claudius Galenus (210 – 129 trước CN)
Thầy thuốc của La Mã cổ đại, nhiều năm làm bác sĩ phẫu thuật tại Trường đào tạo các võ sĩ thách đấu (gladiatores). Ông là người đầu tiên trong lịch sử y học làm thí nghiệm trên cơ thể các võ sĩ thách đấu và tiến hành việc nghiên cứu những phương pháp điều trị mới cho các vết thương, sai khớp và gãy xương. Đặc biệt, chính Galenus lần đầu tiên nghiên cứu và miêu tả phương pháp mổ não. Ngoài các võ sĩ ra, ông còn làm thí nghiệm trên súc vật. Trước Galenus, chưa có ai nghĩ được rằng “các cơ quan của động vật giống các cơ quan của người”.
Avicenne (980 – 1037)
Tên thật của ông bằng tiếng Ả Rập là Abu Ali Husayn ibn Abdallah sau khi qua đời ông được phong danh hiệu “Người cứu tinh vĩ đại của thế giới hồi giáo”, nhưng khi còn sống ông đã phải lang bạt từ thành phố này đến thành phố khác ở Trung Á và Iran, từng làm quan ngự y trong các triều đại khác nhau. Ông là tác giả của công trình y học mang tính chất bách khoa “Sách chữa bệnh” (hay Canon medicina) gồm 5 phần, trong đó ông khái quát những quan điểm và kinh nghiệm của các thầy thuốc Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ và Trung Á. Đặc biệt trong công trình này ông đã tuyên bố thẳng rằng các chứng bệnh không phải là sự trừng phạt của thượng đế mà do những nguyên nhân vật chất sinh ra.
Paracelse (1493 – 1541)
Vị thầy thuốc Thụy Sĩ Philippus Aureolus Theophrastus Bombastus von Hohenheim (Paracelse chỉ là biệt danh) đã đi vào lịch sử như một dũng sĩ kiên quyết đấu tranh cho việc trả lại khoa phẫu thuật về với y học (trong khi các nhà luyện đan được coi là các thầy thuốc thực thụ, còn các nhà phẫu thuật thì bị liệt vào loại thợ thủ công). Ông là tác giả của bản luận văn “Về các bệnh phụ nữ” mà vì nó ông phải chuốc lấy sự phẫn nộ của giáo hộ vốn cho rằng đây là một đề tài tội lỗi. Nhưng Paracelse vẫn một mực khẳng định: Những bệnh phụ nữ cần được nghiên cứu bởi các thầy thuốc chuyên biệt.
Thomas Persival (1740 – 1804)
Thầy thuốc ở thành phố Manchester (Anh quốc), là người đầu tiên đề nghị xây dựng bộ luật về y đức đối với các thầy thuốc và các nhà phẫu thuật. Kết quả là cuốn “Y đức hay bảng tổng hợp các quy tắc được ấn định cho tư cách nghề nghiệp của các thầy thuốc và các nhà phẫu thuật” được xuất bản vào năm 1794. Nhiều quy tắc cho đến nay vẫn hoàn toàn thích hợp: “Sự phân định ranh giới giữa các bệnh được nhập viện, tình trạng không khí, dinh dưỡng, sự tinh khiết, thuốc men, tất cả những thứ đó cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng hàng ngày”.
Fedor Gaas (1780 – 1853)
Bác sĩ trưởng của các bệnh viện nhà tù ở Moskva. Fedor Gaas là người đầu tiên ở Nga nêu vấn đề về quyền lợi của mỗi người được hưởng các dịch vụ y tế. Người thầy thuốc nhân dân này đã bỏ tiền mở bệnh viện và nhiều năm cấp phát thuốc cho người nghèo. Ông đã đấu tranh đòi cấm tra tấn trong nhà tù, mở các bệnh viện cho tù nhân và trường học cho con cái của những người bị bắt. Ông đã được dựng một tượng đài với dòng phương châm “Hãy mau mau làm việc thiện”.
Nikolai Pirogov (1810 – 1881)
Người sáng lập ra ngoại khoa dã chiến, về thực chất ông đã đưa y học từ các bệnh viện thực hành ra ngoài chiến trường và buộc các tướng lĩnh phải tôn trọng sinh mạng của binh lính. Là giáo sư của Viện hàn lâm giải phẫu y học của Nga, ông đã tình nguyện tham gia quân đội thường trực để làm người thầy thuốc đầu tiên áp dụng ete vào việc gây mê trong điều kiện dã chiến.
Florence Nightingale (1820 – 1910)
Nhà tư tưởng và người tổ chức ra trường đào tạo nữ y tá đầu tiên trên thế giới trực thuộc Bệnh viện Thánh Thomas ở London. Trong cuộc chiến tranh Kryme (1853 – 1856) bà đã cùng với 38 nữ sinh gia nhập quân đội hoàng gia Anh và đã chứng minh rằng sự phục hồi sức khỏe của thương bệnh binh không chỉ phụ thuộc vào tay nghề của thầy thuốc mà còn phụ thuộc vào chất lượng chăm sóc bệnh nhân trong các quân y viện. Ngày sinh nhật của bà, 12/5 được lấy làm Ngày nữ y tá thế giới, còn các học viên tốt nghiệp Trường trung cấp y sĩ ở Anh quốc thì đọc “Lời tuyên thệ Florence Nighlimgale”. Hội Hồng thập tự quốc tế đã đặt huy chương mang tên bà (1812) và nhà thơ Mỹ Longfellow đã viết tặng bà thiên trường ca “Đức thánh bà Philomène”.
Wegner Forssmann (1904 – 1979)
Nhà phẫu thuật và nhà niệm học Đức, một trong những người phát minh ra phương pháp phẫu thuật nội soi. Năm 1928, ông đã chế tạo ra cái thông tim và đã dùng nó để thí nghiệm trên cơ thể mình: Ông đã luồn cái ống thông vào tĩnh mạch và đưa nó đến tận phần nửa quả tim bên phải mà không cần thuốc tê (y học chưa từng biết đến một cuộc thí nghiệm nào trên cơ thể mình gây sốc hơn thế). Do đó, ông đã bác bỏ giả thuyết cho rằng khi một vật lạ lọt vào tim thì lập tức gây sốc và tim ngừng đập ngay. Năm 1956, Forssmann được tặng giải Nobel cùng với hai nhà khoa học Mỹ là Cournand và Richards về phương pháp thông tim này.