Triệu chứng dễ nhầm lẫn
Triệu chứng của viêm khớp cùng chậu thường là đau vùng thắt lưng cùng, đau giữa hai mông, đau vùng chậu hông. Do vậy, nhiều khi dễ nhầm lẫn với đau do thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm hay do căng cứng cơ. Đau thường có tính chất âm ỉ, kéo dài triền miên làm bệnh nhân rất khó chịu. Một số trường hợp viêm khớp cùng chậu khi mang thai hay sau đẻ (đặc biệt hay gặp sau đẻ), người bệnh đau rất dữ dội, dù ở tư thế ngồi hay nằm nghiêng, nằm sấp, nằm ngửa đều đau, đặc biệt đau tăng khi cử động dù rất khẽ. Đau có thể lan xuống đùi, cẳng chân giống như đau dây thần kinh tọa. Thường đau tăng khi đứng lâu, dạng chân, khi đứng dồn lực vào một bên chân, hoặc khi chạy leo cầu thang.
Hình ảnh viêm khớp cùng chậu trên phim Xquang
Nguyên nhân đa dạng
Viêm khớp cùng chậu có nhiều nguyên nhân, hay gặp nhất là viêm khớp cùng chậu trong nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính; viêm khớp cùng chậu khi mang thai, sau đẻ; ít gặp hơn là viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn…
Viêm khớp cùng chậu trong nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính: đây là nhóm bệnh bao gồm một số bệnh được đặc trưng bởi sự kết hợp giữa hội chứng cùng chậu cột sống (trong đó có viêm khớp cùng chậu) và hội chứng bao gân, hội chứng ngoài khớp với nhiều biểu hiện khác nhau. Bệnh thường có tính chất gia đình và có mặt của kháng nguyên phù hợp tổ chức HLA B-27 với tỷ lệ cao. Bệnh không liên quan đến các yếu tố tự miễn như yếu tố dạng thấp hay các kháng thể thường gặp trong một số bệnh hệ thống nên có tên là nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính.
Có thể kể ra đây một số bệnh thuộc nhóm này như bệnh viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến, viêm khớp phản ứng, một số bệnh đường ruột do thấp như viêm đại – trực tràng chảy máu tự miễn (bệnh Crohn), bệnh Whipple, viêm màng bồ đào và một số bệnh hiếm gặp khác. Biểu hiện của các bệnh trong nhóm này rất đa dạng, tổn thương có thể ở khớp ngoại vi, ở cột sống, ở da, gân, dây chằng hay đường tiêu hóa, tiết niệu hay thậm chí cả ở mắt như viêm màng bồ đào. Tuy nhiên, thường có viêm khớp cùng chậu một hoặc hai bên.
Viêm khớp cùng chậu trong thời kỳ mang thai và sau đẻ là bệnh thường gặp vì hai yếu tố chính: thứ nhất, ở phụ nữ mang thai, khi thai lớn dần, chèn ép các mạch máu ở vùng tiểu khung gây ứ huyết, sung huyết tại chỗ; chèn ép niệu quản – bàng quang gây ứ tiểu, khó khăn trong bài tiết nước tiểu dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ngược dòng. Nhiễm khuẩn đầu tiên chỉ khu trú trong vùng sinh dục tiết niệu, dần dần lan đến vùng khớp cùng chậu. Thứ hai, do khớp cùng chậu là khớp bán động, nên khi mang thai (đặc biệt ở những tháng cuối, khi thai to) hoặc khi chuyển dạ, thai lọt xuống vùng tiểu khung làm căng giãn khớp cùng chậu, ứ nước, phù nề vùng dây chằng quanh khớp gây viêm khớp cùng chậu vô khuẩn. Đồng thời, tình trạng viêm cũng là yếu tố thuận lợi dễ kết hợp với nhiễm khuẩn vùng phần phụ, tiết niệu có từ trước lan đến khớp cùng chậu gây viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn.
Như vậy, viêm khớp cùng chậu trong thời kỳ mang thai, sau đẻ có thể là viêm nhiễm khuẩn hay viêm vô khuẩn. Ngoài biểu hiện đau khớp cùng chậu, bệnh nhân có thể có sốt kèm biểu hiện nhiễm khuẩn bàng quang niệu đạo hay viêm đường sinh dục như tiểu buốt, tiểu dắt, nước tiểu đục hay có máu hoặc khí hư đục, có mùi… Khi đó, bác sĩ cần cho làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng như lấy nước tiểu, dịch âm đạo để kiểm tra một số vi khuẩn thường gặp như C.Trachomatis và N.Gonorrhoeae. Ngoài ra, cần phát hiện các bệnh lý lây truyền qua đường sinh dục khác như lậu, giang mai và nhiễm HIV.
Viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn không phải trong thai kỳ hay sau sinh: hiếm gặp hơn hai nguyên nhân trên, có thể gặp sau những phẫu thuật không vô khuẩn, chấn thương hay nhiễm khuẩn vùng tiểu khung lan đến khớp cùng chậu gây viêm. Đặc biệt, ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mất vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt cũng rất dễ gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục ngoài, dẫn đến viêm khớp cùng chậu hay thậm chí viêm lan rộng ngược dòng gây viêm cổ tử cung, vòi trứng, dẫn đến có thể tắc vòi trứng và vô sinh hoặc thai ngoài tử cung… Bệnh nhân có biểu hiện ngoài viêm khớp cùng chậu còn phối hợp tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân, sốt hay nhiễm khuẩn tại chỗ kết hợp với đau bụng hạ vị hay hố chậu.
Điều trị có khó ?
Bệnh viêm khớp cùng chậu thường hồi phục chậm. Tùy theo nguyên nhân mà bệnh khỏi nhanh hay chậm. Nhìn chung, viêm khớp cùng chậu sau đẻ thường khỏi nhanh hơn và khỏi hoàn toàn. Viêm khớp cùng chậu ở nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính thường tồn tại dai dẳng theo bệnh. Viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn tiên lượng phụ thuộc vào chẩn đoán sớm hay muộn, có biến chứng viêm nhiễm, tắc đường sinh dục kèm theo hay không. Một số ít trường hợp viêm khớp cùng chậu nếu để lâu ngày có thể dẫn đến dính khớp, làm cho khung chậu không thể giãn ra được trong thời kỳ mang thai và khi sinh, dẫn đến đẻ khó hay cần phải mổ đẻ.
Tóm lại, viêm khớp cùng chậu là một bệnh khớp viêm có nguyên nhân đa dạng, chẩn đoán trong một số trường hợp gặp khó khăn, bệnh có thể tiến triển thành mạn tính, kéo dài tùy thuộc nguyên nhân. Bệnh nếu không được chẩn đoán đúng, sớm và điều trị kịp thời có thể để lại một số hậu quả đáng tiếc. Do vậy, người bệnh cũng như các thầy thuốc cần phải chú ý, hiểu biết hơn về bệnh để có thể chủ động phát hiện và đến khám chữa kịp thời tại chuyên khoa cơ xương khớp.
Dược sĩ Hưng
JOINTKING – SỰ HỒI SINH CỦA KHỚP
Xem chi tiết sản phẩm tại đây.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi