Đau bụng kinh nguyệt ở phụ nữ được phân làm hai loại: loại nguyên phát và loại thứ phát.
- Loại nguyên phát (còn gọi là đau bụng hành kinh mang tính cơ năng): Người bệnh không phát hiện ra ở cơ quan sinh dục bất cứ biển đổi bệnh lý gì, nhưng vẫn bị đau bụng hành kinh. Hiện tượng này thường gặp ở những phụ nữ dưới 25 tuổi, chưa kết hôn và chưa sinh con. Đau bụng kinh xuất hiện sau chu kỳ rụng trứng.
- Loại thứ phát (còn gọi là đau bụng kinh mang tính khí chất), cơ quan sinh dục của người bệnh có nhiều thay đổi. Bệnh thường gặp ở những người bị bệnh phụ khoa như: lạc nội mạc tử cung, u dưới niêm mạc tử cung, tuyến cơ tử cung, cổ tử cung hẹp, dính khoang tử cung…
Tuy nhiên, cũng rất khó để phân biệt rõ ràng hai loại đau bụng kể trên. Ví dụ như người bị đau bụng kinh nguyên phát sau nhiều năm sẽ có những thay đổi của cơ quan sinh dục, khiến cho hiện tượng đau bụng kinh ngày càng nặng; khi đó rất khó để phán đoán. Có trường hợp người bệnh được chẩn đoán là đau bụng kinh nguyên phát, nhưng thực tế họ bị mắc chứng lạc nội mạc tử cung ở mức nhẹ, khi kiểm tra soi ổ bụng mới phát hiện được là bị đau bụng kinh thứ phát. Nói tóm lại, đau bụng kinh nguyên phát và thứ phát chỉ là hai dạng của thống kinh, giữa hai loại này nhiều lúc rất khó xác định chính xác bằng các biểu hiện lâm sàng.
Đau bụng kinh là một chứng bệnh mà nhiều phụ nữ gặp phải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này như:
- Sự co thắt quá độ của tử cung: Áp lực co thắt tử cung của người đau bụng hành kinh và người bình thường cơ bản là giống nhau. Nhưng do sự co thắt của tử cung duy trì trong thời gian khá dài, lại không dễ thả lỏng hoàn toàn, nên tử cung bị co thắt quá độ dẫn đến đau bụng hành kinh.
- Tử cung co thắt không bình thường, khiến cơ nhẵn tử cung bị thiếu máu, gây đến co thắt, thậm chí co rút cơ tử cung, từ đó xuất hiện đau bụng hành kinh. Nghiên cứu thực nghiệm gần đây cho thấy, huyết áp cao là nhân tố quan trọng tạo thành sự co thắt không bình thường của tử cung
- Ống cổ tử cung quá hẹp khiến cơ tử cung phải co bóp mạnh khiến đau bụng kinh.
- Do di truyền: nếu bà, mẹ bị đau bụng kinh thì di truyền cho con gái, cháu gái cũng sẽ bị đau bụng kinh
- Cơ tử cung co bóp mạnh kết hợp hàm lượng prostaglandin trong máu kinh tăng lên, cơ thể nào có chất cảm thụ đặc hiệu với prostaglandin quá nhạy khiến cơn đau bụng càng dữ dội hơn.
- Sự giảm đột ngột progesteron và estrogen trong ngày đầu của chu kì kinh cũng là 1 yếu tố khiến đau bụng kinh.
- Do ăn uống đồ lạnh vào gần ngày kinh nguyệt, tâm lí tinh thần không thoải mái.
- Cơ thể yếu, trúng gió, gặp những chất hóa học công nghiệp như xăng, dầu … có thể khiến bạn không những đau bụng kinh mà còn bị nôn hoặc buồn nôn, chân tay lạnh, toát mồ hôi
Những yếu tố liên quan đến chứng đau bụng hành kinh ở phụ nữ:
Đối với đau bụng hành kinh nguyên phát gồm:
- Thấy kinh lần đầu sớm hoặc muộn: Có điều tra cho thấy mức độ đau và tuổi thấy kinh lần đầu có liên quan đến nhau. Ở người thấy kinh lần đầu sớm, tỷ lệ đau bụng kinh cao, đồng thời mức độ đau cũng nghiêm trọng hơn.
- Hôn nhân và sinh đẻ: Giữa đau bụng kinh và việc kết hôn có liên quan với nhau hay không, hiện còn tồn tại hai quan điểm. Đại đa số cho rằng đau bụng hành kinh không liên quan gì đến hôn nhân. Nhưng không ít người cho rằng sau khi kết hôn, mức độ đau bụng hành kinh ở nhiều phụ nữ giảm hẳn. Điều này đang cần được nghiên cứu lâm sàng để đưa ra kết luận chính xác.
- Đau bụng hành kinh còn liên quan đến những nhân tố mệt mỏi kéo dài, căng thẳng, thời tiết lạnh hoặc cơ thể quá mẫn cảm.
Đối với đau bụng hành kinh thứ phát
- Giữ vệ sinh không tốt trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và sau khi sinh, sinh hoạt tình dục quá sớm, quá nhiều dẫn đến chứng viêm tử cung.
- Nạo phá thai hay tác động vào khoang tử cung nhiều lần gây viêm dính nội mạc.
- Tránh thai: Đau bụng hành kinh và các phương pháp tránh thai có ảnh hưởng nhất định với nhau. Đặc biệt, phương pháp đặt vòng thường làm tăng mức độ đau bụng hành kinh. Thuốc tránh thai chứa progestagen có tác dụng làm lỏng cơ nhẵn của tử cung, giảm nhẹ triệu chứng đau bụng do co bóp. Uống thuốc tránh thai có thể giảm tỷ lệ và độ đau của đau bụng hành kinh.
- Ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt và độ dài ngắn của từng chu kỳ: Nhìn chung, độ nghiêm trọng của đau bụng hành kinh và độ dài ngắn của chu kỳ kinh nguyệt không có ảnh hưởng gì đến nhau. Nhưng do đau bụng kinh biểu hiện trong thời kỳ kinh nguyệt nên nếu thời gian hành kinh kéo dài thì thời gian đau bụng kinh cũng bị kéo dài theo.
- Một số nhân tố khác: Có ý kiến cho rằng người béo mập thường dễ bị đau bụng hành kinh; thói quen hút thuốc lá và đau bụng hành kinh luôn có tỷ lệ thuận.
Chuẩn đoán và điều trị chứng đau bụng kinh
Khi bị đau bụng kinh, trước tiên, nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở uy tín kiểm tra phụ khoa một cách tỉ mỉ. Căn cứ vào lý lịch bệnh do người bệnh cung cấp, vào những triệu chứng lâm sàng và kiểm tra, bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác nhất. Từ đó sẽ đưa ra những phương pháp điều trị đúng và hiệu quả. Việc này rất quan trọng, để bác sỹ xác định xác định xem triệu chứng đau bụng là do các chứng bệnh khác (như u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, viêm tiểu khung cấp tính, đẻ non…) gây nên hay do đau bụng hành kinh gây nên. Việc các chứng bệnh trên bị chẩn đoán nhầm thành đau bụng kinh sẽ dẫn đến điều trị sai, gây những hậu quả không tốt.
Bên cạnh việc chẩn đoán và chữa trị bằng các biện pháp tiên tiến, việc áp dụng những biện pháp sau cũng sẽ giúp phụ nữ giảm bớt được những cơn đau bụng "rắc rối".
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây và đặc biệt uống nhiều nước. Thức ăn giàu can xi, magiê, man gan và ka li (có nhiều trong thịt, trứng, sữa, nội tạng động vật, hoa quả tươi như chuối, cam, quýt,…), có tác dụng trong việc giảm thiểu các triệu chứng rối loạn trước kỳ kinh.
- Không ăn mặn, vì muối làm cho cơ thể trữ nước. Không nên uống nhiều cà phê và trà, bởi những thức uống này dễ gây căng thẳng thần kinh. Đường và đồ uống ngọt cũng là những thứ nên tránh. Tuyệt đối không dùng bia rượu và thuốc lá vì những thứ này gây cảm giác nặng nề và khiến bạn càng thêm mệt mỏi.
- Vitamin E, B và omega-3 có tác dụng làm giảm những cơn co thắt.
- Khi quá đau, bạn có thể làm giảm đau bằng cách đặt chai nước ấm lên bụng và lăn qua lăn lại. Hoặc bạn có thể tắm nước nóng để làm giảm những cơn khó chịu.
- Massage nhẹ, tập yoga cũng là biện pháp giúp bạn thấy thoải mái và thư giãn hơn.
- Ngủ đủ giấc, không thức khuya.
- Giải tỏa sự căng thẳng tâm lý bằng cách “tám” chuyện với bạn bè, đọc truyện cười, xem phim hài, tình cảm nhẹ nhàng.
- Mùi hương cũng có tác dụng giúp bạn giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng. Nhỏ vài giọt tinh dầu oải hương, tinh dầu hương thảo hoặc tinh dầu chanh vào nơi bạn muốn nằm nghỉ thư giãn và hít thở sâu. Mùi hương của những tinh dầu này sẽ giúp bạn dễ chịu và giảm stress hơn.
- Thể dục đều đặn trước khi hành kinh sẽ giúp bạn có sức đề kháng tốt để chống chọi với những cơn đau
Một số cách phòng tránh đau bụng kinh
Do cơ chế phát bệnh của đau bụng kinh nguyên phát còn chưa rõ ràng nên ta chỉ có thể dự phòng bằng cách tránh lạnh, không làm việc quá sức, quá căng thẳng. Đau bụng kinh kéo dài do các chứng bệnh ở cơ quan sinh dục gây nên, vì vậy nên sớm kiểm tra phát hiện bệnh phụ khoa, kịp thời điều trị. Ngoài ra, bạn cần lưu ý:
- Giữ vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, tránh lao động thể lực hoặc vận động quá sức. Tuyệt đối không sinh hoạt vợ chồng trong thời kỳ kinh nguyệt và tránh những kiểm tra phụ khoa không cần thiết.
- Làm tốt công tác tránh thai. Tránh nạo thai và phẫu thuật buồng tử cung (có thể dẫn đến dính niêm mạc tử cung và phát sinh chứng bệnh khác.
- Giữ vệ sinh cá nhân, nhất là trong thời kỳ mang thai và sinh con. Tuyệt đối không sinh hoạt tình dục bừa bãi, tránh phát sinh chứng viêm tiểu khung và các chứng phụ khoa khác.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi