Chuyên gia của WHO tại Việt Nam (WHO Việt Nam) khẳng định, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe Trung Quốc cùng đại diện WHO tại Trung Quốc đã chính thức công bố những trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở người vào ngày 31/3/2013. Trung tâm Ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết, 3 trường hợp người bị nhiễm virut cúm A/H7N9 đã được phòng thí nghiệm xác nhận vào ngày 29/3. Một cuộc điều tra đang được tiến hành, bao gồm cả việc theo dõi những người có tiếp xúc với các trường hợp trên. Cho đến nay, không có liên hệ dịch tễ học nào giữa 3 trường hợp đã được báo cáo. Tại thời điểm này, không có bằng chứng về việc lây truyền virut từ người sang người.
Các phòng thí nghiệm Trung Quốc đã kết luận chủng virut H7N9 đã tìm thấy trên chim bồ câu bày bán ở một khu chợ gia cầm thuộc quận Songjiang, Thượng Hải. Loại này có cùng nguồn gốc với chủng virut H7N9 tìm thấy trên người. Cơ quan chức năng Trung Quốc đã cho tiêu hủy tất cả loại chim bày bán ở chợ cũng như khoanh vùng, xử lý chất thải của chim và toàn bộ khu chợ.
Trước tình trạng này, nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp giám sát du khách đến từ vùng có dịch. Việt Nam cũng lo ngại dịch bệnh có thể xuất hiện bởi Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc và tình trạng nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc còn rất phổ biến.
Bộ Y tế Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị giám sát chặt những ca nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng. Đại diện WHO Việt Nam cho rằng: “WHO đặc biệt quan tâm đến vấn đề này bởi nó là những trường hợp nhiễm bệnh do virut cúm gia cầm A/H7N9 trên người đầu tiên được báo cáo. Tuy nhiên, đây chỉ là một số ít các trường hợp và được xác định trong một khu vực, một địa phương nhất định. Thêm nữa, nó không có bằng chứng lây từ người sang người”.
WHO tại Việt Nam đã thông báo về việc mà WHO đang tiến hành nhằm đối phó dịch bệnh là các chuyên gia WHO đang tiếp tục điều tra và theo dõi diễn biến dịch bao gồm mức độ dịch bệnh bùng phát, nguồn lây nhiễm, phương thức truyền dẫn. Để đối phó với loại virut chưa từng xuất hiện trên người này, WHO Việt Nam khuyến cáo: “Ngay khi xuất hiện các trường hợp nhiễm bệnh, cần có các biện pháp điều trị lâm sàng tốt, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát một cách thận trọng khu vực xuất hiện dịch để có thể khoanh vùng thêm các trường hợp liên quan. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là phòng ngừa, không tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm (trứng) không an toàn, chỉ sử dụng các sản phẩm đã qua nấu chín. Virut cúm gia cầm được bất hoạt ở nhiệt độ cao qua nấu chín thức ăn. Cho đến nay, không có bằng chứng dịch tễ học nào cho thấy người sử dụng sản phẩm gia cầm chín bị lây nhiễm với virut cúm gia cầm”.
(Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong)
Bài viết liên quan
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Lựa chọn men tiêu hóa sống cho hệ tiêu hóa…
- Một số phương pháp để bảo vệ dạ dày
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Sinh lý yếu và một số giải pháp cho nam…
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Bị ợ nóng do ăn pizza