HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN: 1900545562 (Từ: 8:00 - 17:00)

    Các bệnh khác

    Bệnh bạch hầu

    1. Nguyên nhân gây bệnh
     
    Trực khuẩn bạch hầu rất khỏe, sống rất lâu trong giả mạc và trong họng của những bệnh nhân đang ở thời kỳ lại sức (ở chỗ viêm, tới 6 tháng sau cấy vi khuẩn vẫn còn mọc). Người ta cũng thấy nó sống rất lâu (tới vài tháng) trên các đồ chơi của trẻ em bị bệnh bạch hầu, trên áo choàng của nhân viên y tế, trong các buồng bệnh điều trị bạch hầu. Tuy nhiên, trực khuẩn gây bệnh rất nhạy cảm với các yếu tố lý hóa. Dưới ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp nó bị chết sau vài giờ, ở nhiệt độ 58oC sống được 10 phút, còn trong phenol 1% hoặc cồn chỉ có thể sống được 1 phút.
     
    Bệnh bạch hầu
     
    Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu
     
    Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và người lành mang khuẩn. Những người này mang mầm bệnh trong họng hay trong mũi họng trung bình từ 3-4 tuần, có khi kéo dài hơn 1 năm (khi họ ho, hắt hơi… trực khuẩn theo các giọt nước bắn sang người lành và làm lây bệnh). Bệnh cũng có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm khuẩn. Bệnh bạch hầu không tồn tại miễn dịch chống lại vi khuẩn, chỉ duy nhất miễn dịch chống lại độc tố, bởi vậy hầu như chỉ người mang vi khuẩn và người bị bệnh bạch hầu là có miễn dịch. Miễn dịch do mẹ truyền qua nhau thai cho trẻ sơ sinh kéo dài được từ 3-6 tháng. Tuy nhiên bệnh có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh nếu mẹ bé đã được tiêm phòng thuở nhỏ, nhưng khả năng miễn dịch ở mẹ đã bị mất.
     
    2. Triệu chứng và biến chứng của bệnh
     
    Bạch hầu có nhiều dạng như: bạch hầu họng mũi, bạch hầu họng – hạnh, bạch hầu thanh quản, bạch hầu da, bạch hầu tai, bạch hầu mắt…
     
    Bệnh bạch hầu
     
    Biểu hiện của bệnh bạch hầu
     
    Bạch hầu họng mũi:
     
    Ở thời kỳ khởi phát, trẻ hơi sốt khoảng 38 độ C, khó chịu, quấy, không chịu chơi, da xanh, sổ mũi một bên, họng hơi đỏ.
     
    Thời kỳ toàn phát, đặc điểm nổi bật ở thời kỳ này là sự lan tràn của giả mạc (có khi chỉ vài giờ, đôi khi tới vài ngày). Đầu tiên giả mạc ở một bên amiđan, rồi lan sang bên kia trùm lên nửa hoặc cả lưỡi gà và các cột của màn hầu. Giả mạc trắng hơi xám, dính chặt vào niêm mạc, nếu bóc ra sẽ chảy máu. Hạch dưới hàm sưng. Bệnh nhân sốt nhẹ, sổ mũi một bên.
     
    Nếu được điều trị kịp thời có hiệu quả bệnh sẽ diễn biến lành, giả mạc sẽ hết sau 24-48 giờ, khỏi bệnh nhưng người bệnh còn mang vi khuẩn tới vài tuần, có trường hợp tới 1 năm.
     
    Những trường hợp không được điều trị kịp thời hoặc không hiệu quả bệnh sẽ tiến triển nặng. Chỉ vài giờ sau khi xuất hiện giả mạc, xuất hiện các dấu hiệu nhiễm độc nghiêm trọng. Lúc này giả mạc lan khắp họng, dày, màu xám đen, xuất huyết, nặng mùi, hạch hai bên cổ họng sưng to, đau, không di động làm cổ bạnh ra. Ở một số bệnh nhân (10%) có chảy máu mũi, máu lợi. Bệnh nhân đau khi nuốt và khi uống, nước sộc ra mũi. Toàn thể trạng rất yếu, xanh nhợt, sốt 39-40oC, tím môi và tứ chi, mệt lả, nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, đầu chi lạnh, gan sưng to… Bệnh nhân tử vong sau 24-36 giờ, lâu nhất 1 tuần trong tình trạng xuất huyết và suy nhược.
     
    Đối với thể bạch hầu thanh quản: Hiếm có tiên phát, thường hậu phát do không được điều trị kịp thời (sau bạch hầu họng), lứa tuổi hay mắc là từ 2-5 tuổi. Bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn.
     
    Giai đoạn khản tiếng: Bệnh nhân sốt nhẹ 38oC, toàn trạng không thay đổi, trẻ chỉ hơi khản tiếng, có ho nên thường không được chú ý đến. Dần dần chuyển thành ho ông ổng, tiếng khàn và mất tiếng. Hội chứng ho khan và mất tiếng là một dấu hiệu quan trọng để tiến hành tiêm huyết thanh ngay, nếu không chỉ 1-2 ngày sau bệnh chuyển sang giai đoạn khó thở.
     
    Giai đoạn khó thở: Mới đầu thỉnh thoảng lại xuất hiện cơn khó thở với đặc điểm: khó thở chậm, có tiếng rít, khó thở khi thở vào, chỉ xuất hiện khó thở khi gắng sức (ăn, uống, ho, khóc…) và vào buổi tối hay ban đêm. Sau đó xuất hiện khó thở thanh quản liên tục do hẹp thanh quản (do thanh quản bị phù nề, xung huyết ở thanh quản và có co thắt các cơ ở họng). Tình trạng bệnh nhi rất nguy kịch, tiến dần tới giai đoạn ngạt. Lúc này cần phải mở khí quản ngay.
     
    Giai đoạn ngạt: Trẻ xỉu dần đi, không dẫy dụa, trông như nằm ngủ nên dễ nhầm tưởng bệnh đã bớt. Khó thở thay đổi theo kiểu nhanh và nông, không có tiếng rít nữa, nhưng tím tái dần. Đôi khi mặt nhợt nhạt, môi tím, mạch nhỏ yếu, vã mồ hôi rồi chết. Thời gian bắt đầu bị bệnh đến chết khoảng 5-7 ngày (tỷ lệ tử vong cao khoảng 25-70%).
     
    Biến chứng của bệnh bạch hầu
     
    Có 2 loại biến chứng quan trọng: Biến chứng do màng giả lan rộng và biến chứng do độc tố gây nên. 
     
    – Trường hợp bệnh bạch hầu mà chẩn đoán và điều trị muộn thì màng giả phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh – khí phế quản sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng. 
     
    – Viêm cơ tim có thể xảy ra ở cả hai trường hợp bạch hầu nặng và nhẹ, nhất là khi có tổn thương tại chỗ lan rộng và khi có sự trì hoãn trong chỉ định kháng độc tố. Tỷ lệ viêm cơ tim là 10 – 25%. Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim là 50 – 60%. Biểu hiện lâm sàng có thể nghe tiếng tim mờ, tiếng ngựa phi… Trên điện tâm đồ sẽ thấy biến đổi ST – T, loạn nhịp tim, rung nhĩ, ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất, phân ly nhĩ thất … 
    Viêm cơ tim có thể xuất hiện rất sớm vào những ngày đầu tiên của bệnh hoặc trễ hơn vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6. Đây là một biến chứng trầm trọng đòi hỏi sự chăm sóc theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực. Thông thường tiên lượng là xấu. 
     
    – Ngoài ra còn có biến chứng thần kinh thường xuất hiện sau một thời gian muộn hơn. Liệt khẩu cái cả hai bên và thường liệt vận động, liệt phần mềm của lưỡi gà tuần thứ 3, liệt cơ vận nhãn thường xuất hiện tuần thứ 5, nhưng cũng có thể xuất hiện trong tuần đầu, đó là nguyên nhân gây cho bệnh nhân nhìn mờ và lác. Viêm dây thần kinh cơ hoành, gây liệt cơ hoành thường ở tuần thứ 5 đến tuần thứ 7. Liệt các chi hoàn toàn nhưng hiếm gặp. Hầu hết các biến chứng thần kinh sẽ phục hồi hoàn toàn trong nhiều tuần đến nhiều tháng. 
     
    3. Điều trị và phòng bệnh
     
    Điều trị: Nguyên tắc điều trị bệnh bạch hầu bao gồm: Trung hòa độc tố (bằng huyết thanh); diệt vi khuẩn (dùng kháng sinh); điều trị hỗ trợ (vitamin C, B6, B12…); điều trị biến chứng; chăm sóc.
     
    Phòng bệnh: Gây miễn dịch cơ bản cho trẻ em dưới 1 tuổi bằng 3 liều vaccin DPT (bạch hầu – ho gà – uốn ván), mỗi liều cách nhau 1 tháng theo lịch tiêm chủng mở rộng hiện hành.
     
    Liều thứ nhất: khi trẻ được 2 tháng tuổi;
     
    Liều thứ 2: khi trẻ được 3 tháng tuổi;
     
    Liều thứ 3: khi trẻ được 4 tháng tuổi.
     
    Sau đó, tùy đặc điểm dịch tễ học bạch hầu ở từng địa phương, nên tiêm nhắc lại khi trẻ được 4-5 tuổi và có thể nhắc lại 1 liều nữa khi trẻ 7-9 tuổi bằng vaccin DT (bạch hầu – uốn ván) hoặc Td (toxoid bạch hầu).
     

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    giai-doc-gan-an-binh

    Khách hàng nhận xét

    Khi dùng Grathozi – Trị nấm âm đạo, bệnh của tôi đã thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7 ngày.
    Thu Hương
    Tôi đã sử dụng sản phẩm trà An Bình được một thời gian. Thực sự, sản phẩm rất tốt và tình trạng huyết áp thấp của em được cải thiện rõ rệt. Cám ơn Dược phẩm An Bình rất nhiều!
    Thị Hồng Duyên – Tân Yên, Bắc Giang
    Tôi rất yên tâm khi sử dụng sản phẩm của Dược An Bình. Từ khi sử dụng PHARZUBEST – Bổ sung vitamin và khoáng chất, sức khoẻ của tôi được cải thiện nhiều.
    Quang Trần