1. Phân loại chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não do nhiều nguyên nhân: do tai nạn lao động, công nghiệp, tai nạn sinh hoạt nhưng phần lớn là tai nạn giao thông. Ở Nhật Bản, người ta đã mổ tử thi 13.666 trường hợp tai nạn giao thông, nhận thấy chấn thương sọ não chiếm 74,3%. Người ta quan niệm, chấn thương sọ não là loại chấn thương tác động mạnh mẽ quá mức bù chỉnh của não, gây rối loạn hàng loạt chức năng hoặc tổn thương thực thể ở não. Để đánh giá mức độ tổn thương sọ não, có hai loại được xác định là chấn thương sọ não hở và chấn thương sọ não kín.
– Chấn thương sọ não kín bao gồm tất cả các chấn thương sọ não có tổn thương sọ não nhưng chưa gây rách màng cứng (màng bao bọc não), chưa gây thông não bộ với môi trường bên ngoài. Tổn thương hộp sọ có thể lún sọ, rạn vỡ sọ. Tổn thương não gồm chấn động não, giập não, chèn ép não do máu tụ, phù não, lún sọ, tràn khí…
Sau chấn thương sọ não kín vẫn có thể xảy ra chảy máu não với những ổ máu tụ nhỏ và vừa, rải rác ở nhiều vùng của não. Diễn biến bệnh lặng lẽ nhưng vẫn có thể phát sinh biến chứng không kém nguy hiểm nên phải theo dõi chặt chẽ. Sau chấn thương, bệnh nhân tỉnh táo, không có rối loạn ý thức, nhưng sau một thời gian ngắn lại đi vào hôn mê. Người ta gọi đây là “khoảng tỉnh” chứng tỏ chảy máu não lại tái phát hoặc xuất phát từ những ổ đụng giập não. Trường hợp chấn thương sọ não loại nhẹ nhất gọi là “chấn động não”. Nạn nhân không mất ý thức, không có “khoảng tỉnh” nhưng không phải là hết hậu quả đáng lo ngại. Bởi sau đó, những di chứng có thể tiếp diễn, mức độ tùy thuộc vào độ nặng, nhẹ của chấn thương sọ não sau một thời gian tạm ổn định. Những di chứng có thể gặp là đau đầu, động kinh có ổ khu trú, bệnh lý cột sống cổ, giảm hoặc mất trí nhớ…
– Chấn thương sọ não hở bao gồm tất cả các chấn thương sọ não gây rách màng cứng, khai thông não bộ với bên ngoài. Loại này gây nguy cơ nhiễm khuẩn não cao.
Ngoài ra còn nhiều cách phân loại khác như theo bản chất tổn thương não, vị trí tổn thương não…
2. Triệu chứng biểu hiện của chấn thương sọ não
Triệu chứng và biểu hiện của chấn thương sọ não thường biểu hiện qua hai thể là các tổn thương nguyên phát và tổn thương thứ phát. Trong đó tổn thương nguyên phát là tổn thương có ngay sau tai nạn. Bao gồm tổn thương ngay ở vị trí vật cứng đập vào đầu (khi đầu cố định) và tổn thương liên quan đến quán tính do hộp sọ bị lắc hoặc xoắn vặn (đầu di động). Cơ chế sinh chấn thương sõ mão nặng gồm đụng hay đập trực tiếp vào đầu. Tùy theo nơi bị đụng, tùy vận tốc của chấn thương và tùy theo tác nhân chấn thương sẽ đưa đến biến dạng hộp sọ hay đường nứt sọ.
Tổn thương nguyên phát
Tổn thương nguyên phát tại tại chỗ tiếp xúc có thể biểu hiện cụ thể gồm:
– Da đầu, thường thấy là da đầu bị rách gây mất máu nhiều, có thể gây tụt huyết áp hoặc thậm chí tử vong.
– Hộp sọ, hộp sọ Có thể bị vỡ rạn, vỡ theo đường chân chim, vỡ lún gây chèn vào màng não hoặc tổ chức não.
– Tổn thương tại màng não, màng não bị rách gây chảy nước não tủy hoặc tổ chức não thoát ra ngoài.
– Tổn thương ở mạch máu và tổ chức não tức mạch máu có thể bị tổn thương gây máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng. Tổ chức não bị dập và chảy máu trong não.
– Ngoài ra còn tổn thương liên quan đến quán tính: Do đầu di động nên não chịu sự tăng tốc, giảm tốc đột ngột gây ra sự dập não ở bên đối diện với chỗ bị đập trực tiếp hoặc gây ra tổn thương trục lan tỏa làm bệnh nhân mất ý thức thoáng qua, quên sự việc vừa xảy ra (gọi là chấn động não) hoặc là hôn mê kéo dài.
Tổn thương thứ phát
– Máu tụ trong sọ: Do tổn thương mạch máu xảy ra ngay sau khi tai nạn hoặc thứ phát sau khi tai nạn xảy ra. Máu chảy ra bị tích tụ lại, gây ra một khối choán chỗ trong sọ, làm tăng áp lực nội sọ, gây tổn thương tế bào năo. Có nhiều hình thức máu tụ: Gồm máu tụ ngoài màng cứng: Thường do chảy máu từ đường vỡ xương sọ hoặc tổn thương mạch máu màng não, gây khối máu tụ giữa xương và màng cứng. Máu tụ dưới màng cứng: Thường do tĩnh mạch ở võ não gây ra. Nó có thể kết hợp với đụng dập tổ chức não tạo thành khối máu tụ dưới màng cứng và ngoài não. Máu tụ trong não được hình thành do tổn thương các mạch máu nhỏ từ ổ dập não trong nhu mô não.
Phù não: Tổn thương àng rào máu não và tổn thương màng tế bào gây ra sự tích tụ nước bất thường ở tổ chức kẽ và trong tế bào.
– Dãn não thất là hiện tượng do chảy máu làm tắc đường lưu thông của nước não tủy gây ra.
Đối với trẻ em
Trong trường hợp bị chấn thương đầu, nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu kể sau, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
– Ngay sau ngã, trẻ bất tỉnh hơn 01 phút
– Ngay sau ngã, trẻ vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại xuất hiện những dấu hiệu tri giác bất thường (kích động khó dỗ, ngủ nhiều, lơ mơ, tiếp xúc kém hoặc bất tỉnh hoàn toàn).
– Sau chấn thương đầu, trẻ nôn trên 5 lần trong một thời gian ngắn hoặc nôn kéo dài hơn 6 giờ (mà trước đó trẻ bình thường).
– Thóp của trẻ sau một thời gian chấn thương bị phồng, căng lên, kèm theo vẻ mặt xanh xao.
– Trẻ bị chấn thương nhiều nơi, có máu chảy nhiều.
Hình ảnh ổ máu tụ trong não
3. Di chứng của chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não thường để lại di chứng nặng nề, trong đó có rối loạn tâm thần với các hội chứng chính: suy nhược, suy não, động kinh và giảm sút trí nhớ.
– Hội chứng suy não sau chấn thương thường có biểu hiện rối loạn tâm thần và thần kinh rõ ràng hơn so với hội chứng suy nhược. Bệnh nhân có thể la hét, vật vã hoặc diễn lại tình huống chấn thương, tình huống chiến đấu (đối với thương binh). Các triệu chứng này thường gặp trong năm đầu của chấn thương, về sau thì mất hẳn.
Trạng thái mệt mỏi xảy ra thường xuyên và không mất đi sau nghỉ ngơi. Bệnh nhân giảm sút trí nhớ, khó nhớ các kiến thức mới, tư duy kém linh hoạt và nghèo nàn; cảm xúc thường biến đổi, không ổn định, dễ bùng nổ; không tự kiềm chế bản thân, dễ tấn công người khác, hay mâu thuẫn, kiện cáo… Ngược lại, có người ở trạng thái vô cảm như lờ đờ, chậm chạp, thiếu chủ động.
Suy não sau chấn thương sẽ nặng nề hơn khi gặp một số yếu tố không thuận lợi về cảm xúc, tinh thần, lao động quá mệt nhọc, bị bệnh nhiễm khuẩn, uống rượu…
– Động kinh sau chấn thương chiếm tỷ lệ 4-5% các ca chấn thương sọ não; nếu là các vết thương chiến tranh thì tỷ lệ này tăng lên 30%. Động kinh có thể xuất hiện sau chấn thương rất sớm từ vài giờ, vài ngày hoặc có thể từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng thường xuất hiện trong vòng 2 năm sau chấn thương (80%). Động kinh sau chấn thương thường là động kinh cục bộ; nếu là toàn thể thường cũng bắt đầu bằng cơn cục bộ. Cơn động kinh có thể bắt đầu bằng hiện tượng giống rối loạn phân ly; trong cơn, ý thức bệnh nhân không mất hoàn toàn, dễ có hành vi hung bạo, nguy hiểm, nhưng kết thúc bằng cơn co giật, mất ý thức.
– Trong hội chứng sa sút sau chấn thương, bệnh nhân mất trí nhớ toàn bộ, trí năng giảm sút rõ rệt, mất khả năng phê phán, lao động trí óc, chỉ còn có thể làm được một số công việc chân tay đơn giản không đòi hỏi kỹ thuật cao. Một số bệnh nhân khác tiến triển rất nặng, chỉ còn các hoạt động bản năng, hết khả năng tự phục vụ.
Ngoài ra, bệnh nhân sau chấn thương sọ não còn có thể gặp một số rối loạn: có triệu chứng giống tâm thần phân liệt, hội chứng Paranoid, có ý tưởng bị theo dõi hoặc ghen tuông; hoang tưởng; hay bị thay đổi nhân cách; một số còn có thể tự sát
4. Cách xử lý khi gặp trường hợp tai nạn có chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não kín
– Nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, chú ý giữ cột sống cổ và lưng không bị gập lại lúc di chuyển.
– Bất động bệnh nhân trên cáng cứng, nằm ngửa.
– Khơi thông đường thở: móc đất cát, lau sạch dớt rãi trong miệng người bệnh; có thể khâu hoặc dùng kim băng cố định lưỡi khi ở bệnh nhân có nguy cơ tụt lưỡi hoặc có thể mở khí quản cấp cứu khi có chỉ định.
– Chuyển bệnh nhân về tuyến sau trong tư thế nằm ngửa trên cáng cứng để đầu nằm ngiêng sang một bên, trên đường đi bệnh nhân nên được theo dõi đánh giá bằng thang điểm Glasgow (do người hộ tống thực hiện).
Vết thương sọ não
Nếu không thấy não phòi ra và bệnh nhân tỉnh
– Cắt tóc xung quanh vết thương
– Rửa vết thương bằng nước do xy già hoặc nước muối pha loãng (mặn như nước mắt).
– Dùng gạc hoặc bông sạch lấy dị vật rồi băng vết thương
– Thuốc kháng sinh và thuốc phòng chống uốn ván
– Chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Bất động trên cáng cứng và đầu nghiêng sang một bên.
Nếu hôn mê và não phòi ra
– Đặt bệnh nhân nằm nghiêng
– Lau sạch dớt rãi trong miệng
– Lấy 1 bát sạch úp lên miệng VT và băng lại. Không được rửa và bôi bất cứ thứ gì lên vết thương, khôngấn não trở lại hộp sọ.
– Kháng sinh và thuốc phòng chống uốn ván
– Bất động bệnh nhân trên cáng cứng nằm đầu nghiêng sang một bên và chuyển lên tuyến trên.
Vết thương phần mềm
– Cắt tóc quanh vết thương.
– Rửa sạch vết thương bằng nước oxy già hoặc nước muối pha loãng.
– Dùng gạc hoặc bông sạch gạt lấy dị vật.
– Cắt lọc làm phẳng bờ mép và khâu vết thương, khâu cầm máu đặc biệt có nghĩa trong vết thương lột da đầu.
– Kháng sinh và thuốc chống uốn ván.
– Chuyển bệnh nhân về sau như trên.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi