Phản ứng có hại của thuốc là gì?
Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền khoa học kỹ thuật tiên tiến và ngành Y học hiện đại, phần lớn các loại bệnh tật đã được con người kiểm soát, đồng thời có khả năng và giải pháp để cứu chữa, điều trị. Trong các khả năng và giải pháp được áp dụng thì thuốc hay dược phẩm đã đóng góp đáng kể vào những tiến bộ to lớn đối với công tác nghiên cứu, tổng hợp, chiết xuất, bào chế, thử nghiệm dược lý và lâm sàng. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, tác dụng có lợi và mong muốn của thuốc, thuốc còn có mặt nhược điểm với tác dụng không mong muốn, phản ứng có hại và ngược lại những điều mong muốn.
Theo Chương trình giám sát thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một phản ứng có hại của thuốc, viết tắt bằng tiếng Anh là ADR (adverse drug reaction) được định nghĩa là "một phản ứng độc hại không được định trước và xuất hiện ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh, hoặc làm thay đổi một chức năng sinh lý". Định nghĩa này không bao gồm những phản ứng do dùng sai thuốc, dùng sai liều, dùng liều cao có mục đích, do nhầm lẫn hoặc vô tình.
Nguy cơ về phản ứng có hại của thuốc
ADR còn được gọi là tác dụng không mong muốn của thuốc. Hầu như tất cả các loại thuốc có hiệu lực tốt, dù được dùng thận trọng, khôn khéo cũng có thể gây ra phản ứng có hại không mong muốn. Nguyên nhân gây ra phản ứng có hại của thuốc có thể do nhiều yếu tố như: cơ địa, tính dị thường vốn có của người sử dụng thuốc, các dạng thuốc khác nhau, thuốc không tinh khiết, tương tác giữa các nhóm thuốc với nhau… Thảm họa thuốc Thalidomid, một loại thuốc ngủ sản xuất vào đầu thập kỷ 60 thế kỷ 20, được những người phụ nữ mang thai sử dụng sinh ra quái thai với các chi bất thường, đã làm cho con người và xã hội càng quan tâm hơn vào việc cảnh giác thuốc dược phẩm, đồng thời có thái độ nghiêm túc hơn đối với việc nghiên cứu những phản ứng có hại của thuốc. Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã có chủ trương, chỉ đạo và phổ biến rộng rãi về việc sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, hợp lý đến với cộng đồng người dân để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc tràn lan, không kiểm soát được, gây hao phí tiền của và hao tổn sức khỏe của con người.
Các loại phản ứng có hại của thuốc
Theo truyền thống, các phản ứng có hại của thuốc được chia làm hai loại:
Phản ứng dạng A: Là các phản ứng tăng nặng bao gồm tác dụng độc nguyên phát hoặc tác dụng mở rộng của thuốc; tác dụng không mong muốn có liên quan đến đặc tính dược lý của thuốc; với các đặc điểm tiên lượng được (dự đoán trước được), thường phụ thuộc vào liều dùng, là tác dụng dược lý quá mức hoặc là biểu hiện của tác dụng dược lý ở một vị trí khác.
Phản ứng dạng B: Là phản ứng lạ bao gồm phản ứng dị ứng, phản ứng đặc ứng (là những phản ứng có hại của thuốc đặc biệt khác thường không liên quan đến tác dụng dược lý đã biết, do nhạy cảm cá nhân bẩm sinh) và hiện tượng phụ thuộc thuốc. Phản ứng dạng này có các đặc điểm không dự đoán trước được, không liên quan đến tác dụng dược lý đã biết của thuốc, là tác dụng lạ và không phụ thuộc rõ ràng vào liều dùng. Khi gặp phải phản ứng có hại của thuốc dạng này thường phải dừng thuốc ngay lập tức.
Gây huyết khối tắc mạch là một trong những tai biến nguy hiểm.
Nguyên nhân gây nên những phản ứng có hại của thuốc
Các phản ứng có hại của thuốc dù ở dạng nào cũng liên quan đến 3 nhóm nguyên nhân cơ bản:
Nhóm nguyên nhân liên quan đến bào chế: Nhóm nguyên nhân này thường gặp ở cả hai týp, trong đó các nguyên nhân gây ra phản ứng có hại của thuốc týp A phải kể đến là hàm lượng thuốc và tốc độ giải phóng hoạt chất; trong khi đó các nguyên nhân về bào chế gây ra phản ứng có hại của thuốc týp B lại phải kể đến sự phân hủy các thành phần dược chất, tác dụng của các tá dược có trong thành phần dược phẩm, tác dụng của các sản phẩm phụ trong quá trình tổng hợp hóa học dược chất.
Nhóm nguyên nhân dược động học: Nguyên nhân này thường xảy ra ở týp A, trong đó nguyên nhân liên quan đến phản ứng có hại của thuốc ở týp A là tất cả các yếu tố dẫn đến thay đổi về khả năng hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ thuốc gây tăng nồng độ thuốc có trong huyết tương hoặc mô đích. Các yếu tố đó thường là tính chất dược học và hóa lý của thuốc, thức ăn ở trong đường tiêu hóa, nhu động của đường tiêu hóa, bệnh lý của đường tiêu hóa đi kèm, khả năng chuyển hóa thuốc ở gan, khả năng gắn thuốc vào protein huyết tương… trong khi đó yếu tố gây ra phản ứng có hại của thuốc týp B lại là khả năng chuyển hóa thuốc sinh ra các chất độc cho cơ thể.
Nhóm nguyên nhân dược lực học: Với týp A thường là sự tăng tính nhạy cảm của cơ quan đích với thuốc, còn với týp B thường là phản ứng dị ứng hoặc liên quan đến thiếu hụt di truyền.
Các yếu tố liên quan đến sự phát sinh phản ứng có hại của thuốc
Các yếu tố thuộc về bệnh nhân: Trẻ sơ sinh và người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao; một số phản ứng có hại của thuốc hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới; có các bệnh lý mắc kèm; tiền sử dị ứng hoặc phản ứng với thuốc; thiếu một số enzym chuyển hóa.
Các yếu tố liên quan đến thuốc: Đặc tính lý hóa và dược động học của thuốc; công thức bào chế, thành phần tá dược; liều dùng thuốc, đường dùng và thời gian dùng.
Điều trị nhiều thuốc trong một phác đồ điều trị: Tần suất phản ứng có hại của thuốc tăng lên theo cấp số nhân với số lượng thuốc có trong một đợt điều trị, tương tác giữa các thuốc cũng là yếu tố làm tăng phản ứng có hại của thuốc.
Ngoài ra chất lượng của thuốc cũng phần nào liên quan đến phản ứng có hại của thuốc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:
- Chất lượng của nguyên liệu thuốc có vai trò quyết định đến chất lượng dược phẩm và như vậy nó có liên quan chặt chẽ đến những phản ứng có hại của thuốc.
- Tá dược ở trong sản phẩm thuốc (ngoài hoạt chất chính) có vai trò rất quan trọng không những trong kỹ thuật bào chế mà còn gây nên cả những tác dụng phụ nữa.
- Sự phối hợp hàm lượng và tỷ lệ các chất trong cùng công thức bào chế thuốc không thích hợp cũng dẫn đến tác dụng ngoại ý.
- Quy trình và kỹ thuật thực hiện để sản xuất thuốc có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thuốc, làm cho sản phẩm thuốc có thể gây nên những phản ứng có hại.
- Trong quá trình bảo quản thuốc, với những tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu, môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, oxy của không khí… thuốc có thể bị biến chất và gây ra những phản ứng có hại.
- Thuốc giả cũng là mối nguy cơ gây nên những phản ứng có hại của thuốc, có khi xảy ra rất nghiêm trọng.
Như vậy, tác dụng phụ với phản ứng có hại của thuốc có thể do chính hoạt chất của thuốc gây ra và đây có thể là bản chất cố hữu của thuốc, dù có ở dạng hoàn toàn tinh khiết. Phản ứng có hại của thuốc cũng thường do các loại tạp chất có trong thuốc do thuốc kém phẩm chất, kém tinh khiết hoặc do thuốc bị biến chất, bị phân hủy gây ra. Vấn đề thuốc giả hiện nay cũng là thảm họa của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã gây nên những phản ứng có hại đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng và cần phải được loại trừ ra khỏi xã hội.
Một số loại thuốc gây phản ứng có hại
Sau khi thu thập các thông tin liên quan đến phản ứng có hại của một số thuốc đang sử dụng và khuyến cáo dùng từ các cơ quan quản lý thuốc ở Mỹ và châu Âu, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế cung cấp các thông tin này để lưu ý trong quá trình sử dụng, kịp thời phát hiện và xử trí khi các phản ứng có hại xảy ra…
Thuốc chứa hoạt chất Strontium ranelate:
Cơ quan quản lý dược phẩm châu âu (EMA) khuyến cáo hạn chế sử dụng thuốc chứa strontium renalate do làm tang nguy cơ phản ứng bất lợi trên tim mạch. Cục Quản lý dược Việt Nam đồng ý cập nhật khuyến cáo này. Nội dung của khuyến cáo:
- Chỉ sử dụng strontium renalate để điều trị loãng xương nghiêm trọng ở phụ nữ sau khi sinh và nam giới có nguy cơ gẫy xương cao.
- Không chỉ định strontium renalate trên đối tượng bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh mạch máu não hoặc bệnh nhân tăng huyết áp khó kiểm soát.
- Nên bắt đầu điều trị với strontium renalate bởi bác sỹ chuyên khoa về loãng xương. Cần đánh giá nguy cơ về tim mạch trước khi bắt đầu điều trị và đánh giá nguy cơ tim mạch thường xuyên trong quá trình điều trị.
- Ngưng điều trị với strontium renalate nếu phát hiện bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh mạch máu não hoặc tăng huyết áp khó kiểm soát.
Thuốc chứa hoạt chất Metoclopramid:
Thuốc chứa hoạt chất metoclopramid đã được chống chỉ định cho trẻ em dưới 18 tuổi tại Pháp và Singapore, đồng thời cảnh báo tác dụng không mong muốn trên thần kinh (rối loạn ngoại tháp) có thể xẩy ra, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người trẻ tuổi khi sử dụng liều cao. Liều cao của metoclopramid theo dược thư quốc gia Việt Nam là 0,5mg/kg/ngày.
Thuốc chứa hoạt chất Cilostazol:
Thuốc chứa hoạt chất cilostazol được khuyến cáo:
- Chỉ sử dụng cilostazol để điều trị đau chân cách hồi khi biện pháp thay đổi lối sống (bao gồm ngừng hút thuốc và luyện tập) và các biện pháp can thiệp đơn độc khác không có tác dụng đầy đủ.
- Nên bắt đầu điều trị với cán bộ y tế có kinh nghiệm và phải đánh giá lại sau 3 tháng điều trị. Nếu bệnh nhân không có hiệu quả lâm sang rõ rệt, cần ngừng điều trị.
- Không nên sử dụng cilostazol cho những bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định, bệnh nhân có nhồi máu cơ tim hoặc phẫu thuật động mạch vành trong vòng 06 tháng gần đây hoặc bệnh nhân có tiền sử nhịp nhanh nghiêm trọng.
- Không nên sử dụng cilostazol cho bệnh nhân đang dung phối hợp từ 02 thuốc chống đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu trở lên.
- Nên giảm liều cilostazol ở những bệnh nhân sử dụng thYP3A4 hoặc CYP2C19.
Thuốc chứa hoạt chất Domperidon:
Tổng hợp dữ liệu từ cơ quan quản lý dược phẩm trên thế giới và Tổ chức y tế thế giới, Trung tâm DI&ADR Quốc gia cập nhật khuyến cáo liên quan đến thuốc chứa hoạt chất domperidon:
- Nguy cơ loạn nhịp thất nghiêm trọng hoặc đột tử do tim mạch cao hơn ở bệnh nhân dùng liều hàng ngày lớn hơn 30mg và bệnh nhân trên 60 tuổi.
- Chống chỉ định dung đồng thời domperidon với các thuốc ức chế CYP3A4 có khả năng làm kéo dài khoảng QT như ketoconazole, erythromycin, fluconazole, voriconazol, clarithromycin và amiodaron.
- Sử dụng thận trọng trên bệnh nhân có khoảng thời gian dẫn truyền xung động tim kéo dài (đặc biệt là khoảng QT).
- Nồng độ domperidon có thể tang lên khi sử dụng đồng thời với các thuốc có khả năng ức chế CYP3A4 như itraconazol, amprenavir, atazanavir, fosamprenavir, indinavir, nelfinavir, ritonavir, saquinavir, diltiazem, verapamil và các thuốc chống nôn ức chế thụ thể neurokinin-1 ở não (aprepitant).
- Bệnh nhân có rối loạn điện giải rõ rệt (hạ kali máu, hạ magnesi máu).
- Sử dụng domperidon với mức liều thấp nhất có thể. Trong trường hợp cần thiết có thể tăng liều dùng domperidon để đạt hiệu quả điều trị. Tuy nhiên lợi ích việc tang liều phải vượt trội hơn nguy cơ xẩy ra.
- Liều hàng ngày tối đa của domperidon là 80mg/ngày.
Thuốc điều trị xung huyết, ngạt mũi có chứa chất gây co mạch:
Thuốc điều trị xung huyết, ngạt mũi có chứa chất gây co mạch được cập nhật khuyến cáo như sau:
- Tuân thủ khuyến cáo về liều tối đa hàng ngày của từng chế phẩm và thời gian tối đa 01 đợt điều trị không quá 5 ngày.
- Không dung thuốc cho trẻ em dưới 15 tuổi và cho bệnh nhân có tăng huyết áp động mạch nghiêm trọng hoặc khó kiểm soát; tiền sử tai biến mạch máu não hoặc có yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến tai biến mạch máu não; suy mạch vành nặng; hoặc tiền sử co giật.
- Không dung đồng thời 02 thuốc nhóm này (kể cả khi đường dung khác nhau) vì sự phối hợp là không cần thiết và không an toàn cho bệnh nhân.
Thuốc chứa hoạt chất Codein:
Thuốc chứa hoạt chất codein được cập nhật khuyến cáo:
- Chỉ nên sử dụng các thuốc chứa codein để giảm đau cấp tính ở mức độ trung bình cho trẻ trên 12 tuổi khi các thuốc khác như paracetamol và ibuprofen không có hiệu quả.
- Không sử dụng codein ở trẻ dưới 18 tuổi vừa được thực hiện thủ thuật nạo VA và/hoặc cắt amidan để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Người bệnh mang gene di truyền chuyển hoá thuốc nhanh không nên sử dụng codein.
- Phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng codein do thuốc có thể bài tiết vào sữa mẹ.
Các dịch truyền chứa Hydroxyethyl starch (HES):
Thông tin cảnh giác dược gần đây trên thế giới có ghi nhận một số nguy cơ khi sử dụng dịch truyền keo thay thế máu hydroxyethyl starch (HES):
- Nguy cơ gây tổn thương thận cần thẩm tách máu và nguy cơ tử vong của bệnh nhân nặng dùng HES cao hơn so với dung dịch truyền tinh thể.
- Nguy cơ tử vong và tổn thương thận nghiêm trọng khi truyền dịch HES cho bệnh nhân nhiễm trùng huyết hoặc bệnh nhân đang điều trị tại khoa điều trị tích cực.
- Nguy cơ chảy máu quá mức, đặc biệt trên bệnh nhân phẫu thuật tim hở cần đặt cầu nối tim phổi.
- Không nên dùng HES trên bệnh nhân bị bệnh gan nghiêm trọng hoặc suy giảm chức năng thận.
Các thuốc chứa dẫn chất alkaloid nấm cựa gà (dẫn chất Ergot):
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu khuyến cáo hạn chế sử dụng các thuốc có chứa dẫn chất alkaloid nấm cựa gà do nguy cơ bị xơ hoá và nhiễm độc. Tại châu Âu, thuốc chứa dẫn chất alkaloid nấm cựa gà không còn được sử dụng để điều trị một số tình trạng bệnh lý của hệ tuần hoàn, một số rối loạn trí nhớ và cảm giác hoặc để dự phòng đau nửa đầu.
Các thuốc chứa hoạt chất Diclofenac:
Thuốc chứa hoạt chất diclofenac được khuyến cáo thận trọng khi sử dụng đường toàn thân do nguy cơ trên tim mạch và tuần hoàn; chống chỉ định diclofenac cho bệnh nhân được chẩn đoán xác định suy tim xung huyết, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh động mạch ngoại biên hoặc bệnh máu não.
Chế phẩm chứa sắt đường tĩnh mạch:
Chế phẩm chứa sắt đường tĩnh mạch có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, thậm chí đe doạ tính mạng dù trước đó bệnh nhân dung nạp thuôc trước và không gặp bất kỳ phản ứng nào. Nguy cơ dị ứng thuốc chứa sắt qua đường tĩnh mạch tăng lên ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng đã biết trong đó có dị ứng thuốc; bệnh nhân có tiền sử hen suyễn, eczema hoặc các bệnh dị ứng khác; bệnh nhân có vấn đề về viêm hoặc miễn dịch (như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp).
Chỉ nên sử dụng chế phẩm chứa sắt đường tĩnh mạch trong điều kiện có đội ngũ các bộ y tế có kinh nghiệm, đồng thời bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các dấu hiệu phản ứng quá mẫn trong quá trình tiêm và 30 phút sau khi tiêm thuốc. Phụ nữ có thai chỉ nên sử dụng sắt đường tĩnh mạch trong các trường hợp thật sự cần thiết và dung thuốc vào ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối của thai kỳ.
Để phòng tránh phản ứng có hại của thuốc người dùng thuốc nên lưu ý mấy điều sau:
- Chỉ thật cần thiết mới mới dùng thuốc. Hoàn toàn không nên lạm dụng dù chỉ là vitamin.
- Nếu được bác sĩ khám ghi đơn thuốc, phải dùng đúng, dùng đủ (không dư không thiếu) các thuốc ghi trong đơn và thực hiện tốt các lời chỉ dẫn.
- Đừng nghe lời mách bảo của người không thuộc giới chuyên môn mà dùng thuốc nào đó kéo dài từ tháng này sang tháng kia.
- Trước khi dùng một thuốc, cần đọc kỹ bản hướng dẫn hoặc hỏi dược sĩ tại nhà thuốc về những điều cần biết, trong đó có: tác dụng phụ tức phản ứng có hại của thuốc, những thận trọng khi dùng thuốc, chống chỉ định (tức những trường hợp không được dùng thuốc).
- Khi đang dùng thuốc nếu bị phản ứng bất thường (có thể bị phản ứng có hại của thuốc) nên ngưng ngay thuốc và đi tái khám báo cho bác sĩ biết để bác sĩ cho hướng xử trí.
- Khi đọc trên báo chí thông tin về phản ứng có hại của một số loại thuốc (hoặc vắc-xin gây tai biến kể ở trên), thì đó là thông tin để tham khảo và cảnh giác chứ người đang dùng thuốc đó hoàn toàn không nên quá lo lắng tìm cách ngưng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị chỉ định dùng.
Bài viết liên quan
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Lựa chọn men tiêu hóa sống cho hệ tiêu hóa…
- Một số phương pháp để bảo vệ dạ dày
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Sinh lý yếu và một số giải pháp cho nam…
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Bị ợ nóng do ăn pizza