Bệnh viêm tiểu khung chủ yếu do cơ thể có đáp ứng quá mạnh với nhiễm khuẩn. Bệnh viêm tiểu khung còn có thể gây sẹo dính cho tử cung, vòi trứng và thậm chí cả buồng tiểu khung. Đây là một trong những lý do chính gây đau vùng tiểu khung mạn tính.
Viêm vòi trứng là biểu hiện phổ biến nhất của viêm tiểu khung. Từ lâu, người ta đã biết bệnh là hậu quả lâu dài của nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như của bệnh loạn khuẩn âm đạo, can thiệp ngoại khoa vùng tiểu khung và nhiều thủ thuật phụ khoa khác đi qua cổ tử cung. Những nhiễm khuẩn thường gặp nhất hay kết hợp với viêm tiểu khung là nhiễm Chlamydia và nhiễm vi khuẩn lậu.
Yếu tố nguy cơ gây viêm tiểu khung
Có quan hệ tình dục ngay từ tuổi vị thành niên, có nhiều bạn tình, có tiền sử bị viêm tiểu khung, có tiền sử bị bệnh lây truyền qua đường tình dục, có đặt dụng cụ tử cung.
Viên thuốc tránh thai trong một số trường hợp cũng có thể dẫn đến lộn cổ tử cung, một tổn thương dễ làm cho vi khuẩn phát triển ở mô nhưng thuốc tránh thai lại làm cho niêm dịch cổ tử cung trở nên dính hơn nên có thể bảo vệ người phụ nữ không bị viêm tiểu khung do tinh dịch khó đưa được vi khuẩn xâm nhập tử cung.
Cũng như các loại bệnh khác, càng phơi nhiễm thì càng dễ mắc bệnh, phụ nữ có quan hệ tình dục với hơn một bạn tình nam thì khả năng bị viêm tiểu khung có thể tăng lên đến 500%.
Nếu đặt dụng cụ tử cung thì nguy cơ bị viêm tiểu khung cũng tăng lên nhiều lần vì sợi dây gắn với dụng cụ tử cung nằm lơ lửng trong âm đạo là đường để vi khuẩn xâm nhập và đi lên. Có đến 70% phụ nữ bị viêm tiểu khung do lậu ngay trong tuần lễ đầu tiên sau hành kinh vì quan hệ tình dục làm cho vi khuẩn lậu bám đuôi tinh trùng, dễ dàng lan lên trên gây nhiễm khuẩn cho tử cung, vòi trứng và buồng trứng.
Những triệu chứng thường gặp
Thường gặp nhất là xuất tiết âm đạo có màu sắc bất thường, mùi hôi (có khi như mủ), đau vùng bụng dưới, sốt (không thường xuyên).
Ngoài ra, có thể có gai rét, ra kinh không đều hay ra máu giữa kỳ, đau bụng kinh nhiều hơn, mất kinh, đau vào thời điểm rụng trứng nhiều hơn, đau khi quan hệ tình dục, đau vùng thắt lưng, mỏi mệt, ăn kém ngon, buồn nôn, có thể kèm nôn hoặc không, đái vặt nhiều lần, đái buốt, dễ đau khi đụng chạm vào vùng tiểu khung.
Cũng cần lưu ý rằng có thể không có triệu chứng gì và nhiều trường hợp chửa ngoài tử cung hay hiếm muộn không bộc lộ bệnh cảnh viêm tiểu khung rõ rệt và thường do nhiễm khuẩn chlamydia.
Để chẩn đoán, có thể làm một số test như cấy vi khuẩn niêm dịch cổ tử cung tìm vi khuẩn lậu, chlamydia, siêu âm vùng tiểu khung hay chụp cắt lớp vi tính, soi ổ bụng.
Viêm tiểu khung gây hiếm muộn
Vì sao cần phải quan tâm phòng ngừa viêm tiểu khung? Vì là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chửa ngoài tử cung, hiếm muộn ở phụ nữ và gây tốn kém nhiều nếu để bệnh phát triển.
Nhằm phòng ngừa hiếm muộn do bệnh viêm tiểu khung gây ra sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều, chủ yếu là giáo dục thực hành tình dục an toàn, cách vệ sinh vùng cơ quan sinh dục (không thụt rửa), dùng bao cao su cũng như tiến hành tầm soát và điều trị Chlamydia và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Mối liên quan giữa bệnh viêm tiểu khung và hiếm muộn đã được thừa nhận, bệnh gây ra hiếm muộn do tiến trình sẹo hóa diễn ra khi chữa trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cuối cùng tiến trình lành sẹo có thể làm tắc 1 hay cả 2 vòi trứng và có xu hướng tồi tệ hơn ở phụ nữ có tuổi, hút thuốc lá và phụ nữ mang dụng cụ tử cung.
Tùy thuộc vào mức độ lành sẹo diễn ra như thế nào mà tinh trùng có thể gặp được trứng hay không và dù tinh trùng có lọt qua được thì trứng đã thụ tinh cũng có thể không di chuyển trở lại tử cung được để làm tổ. Số phụ nữ bị hiếm muộn do viêm tiểu khung tỷ lệ thuận với số đợt bị viêm tiểu khung nghĩa là càng bị nhiều đợt viêm tiểu khung thì càng dễ bị hiếm muộn.
Điều trị có khó không?
Khi đã được chẩn đoán là viêm tiểu khung dù nhẹ vẫn cần phải dùng kháng sinh và được thầy thuốc theo dõi. Trường hợp nặng hơn còn cần phải nằm viện. Bạn tình cũng cần được điều trị và trong tiến trình điều trị cần dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi