Tại sao phải tẩy giun?
Ở nước ta, người mắc bệnh giun (các tỉnh phía Nam gọi là lãi) cực kỳ phổ biến. Giun sống ký sinh ở người gồm nhiều loại: thường gặp nhất là giun đũa, tiếp đến là giun kim, giun tóc, giun móc, giun lươn… Tỷ lệ nhiễm giun đặc biệt là giun đũa rất cao. Ở các tỉnh miền Bắc nhiều nơi có tỷ lệ nhiễm giun đũa cao tới 86 – 98% (trung bình là 70 – 85%); còn ở miền Nam thì vào khoảng 20 – 35%.
Người lớn nhiễm giun đũa thường là do ăn rau sống có lẫn trứng giun, thức ăn bị phơi nhiễm do bụi và ruồi, nhặng, gián… Trẻ em, ngoài giun đũa còn dễ bị giun kim vì chơi nghịch đất cát có lẫn trứng giun, hoặc gãi vùng hậu môn (do giun bò ra đẻ trứng và gây ngứa) rồi đưa tay lên miệng và nuốt phải trứng giun…
Thuốc trị giun đường ruột là thuốc có tác dụng tẩy sạch, hoặc làm giảm đáng kể số lượng giun ra khỏi ruột. Dùng thuốc tẩy giun là một việc làm rất cần thiết.
Tẩy giun vào lúc nào?
Hiện nay, không có quy định rõ ràng về thời điểm tẩy giun.Với người lớn, định kỳ tẩy giun 4-6 tháng một lần. Trẻ nhỏ phải có chỉ định của bác sĩ. Những người ăn uống sạch sẽ, thì sau 6 tháng trong đường tiêu hóa sẽ không còn trứng giun nữa.
Nhiễm giun kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, các bệnh lý về gan, phổi… cho thai phụ, điều này cũng khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển…
Nếu có kế hoạch mang thai, bạn càng nên tẩy giun an toàn trước đó (định kỳ từ 4-6 tháng/1 lần).
Nếu bạn muốn tẩy giun trong thời kỳ mang thai, nên tham khảo ý kiến bác sĩ thật cẩn thận. Thuốc tẩy giun thông thường luôn chống chỉ định với phụ nữ có thai. Trường hợp cần thiết, các bác sĩ có thể kê đơn an toàn cho thai phụ tẩy giun.
Đối với trẻ em
Trẻ em thường hiếu động hay bò chơi lê la trên sàn nhà rồi lại mút tay, có khi trẻ đánh rơi thức ăn xuống đất rồi lại nhặt lên ăn, vì thế trẻ rất dễ bị nhiễm các loại giun như giun đũa, giun tóc, giun kim.
Ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng có trồng rau màu, lại dùng phân tươi để bón rau, cây trồng là điều kiện thuận lợi để trẻ có thể nhiễm cả giun móc, do ấu trùng xuyên qua da xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Khi bị nhiễm giun, ngoài việc giun cư trú và chiếm các chất dinh dưỡng của cơ thể, giun còn gây nhiều triệu chứng phiền toái cho trẻ. Khi Nhiễm giun, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, mặt khác, lại còn phải chia bớt phần thức ăn cho những vị khách không mời này nên các bé sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác. Đó là chưa kể những biến chứng như giun chui ống mật, tắc ruột hay ở các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm. Những trường hợp nhiễm giun móc trẻ có thể bị thiếu máu nặng vì mất máu mãn tính do tổn thương niêm mạc ruột làm chảy máu kéo dài, vì thế trẻ nhiễm giun thường biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển, thiếu máu…
Vậy khi nào có thể tẩy giun cho trẻ và nên uống loại thuốc nào?
Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun, tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn, 1 tuổi cũng có thể tẩy giun được nhưng phải chọn loại thuốc thích hợp. Sau đây là một số loại thuốc giun thường dùng để tẩy giun cho trẻ:
Albendazol: ức chế sự thu nhận glucose ở ấu trùng và giun trường thành, làm giảm dự trữ glycogen, giảm năng lưỡng nên giun bất động rồi chết. Thuốc có tác dụng trên nhiều loại giun: đũa, móc, tóc, lươn, kim. Liều dùng một lần duy nhất cho trẻ từ 2 tuổi dùng 400mg.( 1V)Còn với giun móc thì uống albendazol viên 400mg mỗi ngày 1 viên và uống trong 3 ngày liên tiếp.
Mebendazol: cũng làm cho giun bị cạn kiệt glycogen dự trữ, ngoài ra còn ức chế sự sinh sản của giun. Chỉ dùng thuốc này cho trẻ trên 2 tuổi. Để tẩy giun kim, cho trẻ uống 100mg, sau 2 đến 4 tuần nhắc lại một lần nữa; còn để tẩy một hay nhiều loại giun: móc, tóc, kim: dùng liều duy nhất 400mg.
Pyratel: Có biệt dược là hemilltox hàm lượng 125mg và 250mg: tác dụng bằng cách phong bế thần kinh – cơ của giun, khiến chúng bị tê liệt và nhu động ruột sẽ đẩy giun ra ngoài. Pyrantel tác động lên cả dạng chưa trưởng thành nhưng không có tác dụnng trên dạng ấu trùng. Thuốc này có thể dùng để tẩy giun kim, giun đũa, giun móc cho trẻ từ 1 tuổi trở lên với liều 10mg/kg cân nặng. Nếu trẻ nhiễm giun kim nhiều có thể nhắc lại sau 1 tuần cũng với liều lượng như trên
Các loại thuốc trên được bào chế dưới dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai, nghiền trước khi uống hay dạng hỗn dịch, tùy theo lứa tuổi của bé để lựa chọn dạng thuốc cho thích hợp. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không cần phải nhịn đói. Tuy nhiên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất . Hiện nay, ở trường mầm non, các bé cũng được cho uống thuốc một lần trong năm, thường vào đầu năm học, các bậc phụ huynh nên lưu ý cho bé uống nhắc lại sau 6 tháng.
Bên cạnh việc dùng thuốc tẩy giun đúng cách cần tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thực hiện đúng quy trình làm sạch thực phẩm trong quá trình chế biến; rau quả cần được ngâm với nước muỗi loãng; đồ ăn phải được nấu chín để hạn chế mầm bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bản thân.