Vội vàng cho trẻ uống thuốc hạ sốt
Rất ít người biết rằng khi cơ thể phát nhiệt (sốt) ở nhiệt độ phù hợp có tác dụng hỗ trợ cho hệ miễn dịch. Vì vậy, khi thấy con sốt, trước hết bạn nên ưu tiên biện pháp vật lí trước (như lau rửa người bằng nước ấm, mặc thoáng) để bé cảm thấy thoải mái hơn.
Đừng vội vã cho con uống thuốc hạ sốt ngay, khi nhiệt độ cơ thể bé lên quá 38 độ C thì mẹ mới nên cho con uống thuốc.
Sử dụng thuốc dị ứng sai cách
Các thuốc dị ứng có cách sử dụng và thời gian điều trị khác nhau, có thuốc nhìn thấy công hiệu sau vài giờ, nhưng cũng có loại thuốc phải sau vài ngày, thậm chí vài tuần mới hoàn toàn kháng bệnh thành công. Lại có một số loại thuốc gây ra các phản ứng phụ trong một vài trường hợp khi không được dùng đúng liều lượng. Vì vậy, đối với trẻ nhỏ, khi bị dị ứng dù xuất phát từ nguyên nhân nào (do thời tiết, thực phẩm, hóa chất…) cũng phải được bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc, không cho bé uống thuốc dị ứng của người lớn.
Không biết đơn thuốc kê những gì
Nhiều bà mẹ sau khi cầm đơn thuốc của bác sĩ là cứ yên tâm ra về mà không hỏi rõ một số chi tiết liên quan đến việc uống thuốc. Cũng có trường hợp bà mẹ không đọc kỹ hướng dẫn của bác sĩ đã cho con uống thuốc. Những lỗi như thế này tuy nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả trị bệnh của thuốc và có thể kéo dài thời gian uống thuốc của bé.
Khi cho con đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc, ngoài liều lượng thuốc đã được ghi trong đơn, các mẹ nên hỏi rõ một số vấn đề như: Thời gian cho con uống thuốc là trước, trong hay sau bữa ăn? Có cần kiêng loại thực phẩm nào không? Nên ăn gì để có tác dụng hỗ trợ hiệu quả cho thuốc?…
Một điều cần ghi nhớ là để trị tận gốc mầm bệnh và tránh nhờn thuốc, các mẹ cần cho bé uống thuốc đủ liều dù các biểu hiện bệnh đã chấm dứt, không nên tự ý cho con ngừng uống thuốc trước thời hạn bác sĩ kê trong đơn.
Thói quen vứt thuốc bừa bãi
Không phải ngẫu nhiên mà trên bao bì của rất nhiều loại thuốc lại nhấn mạnh “Để xa tầm tay với của trẻ em” trong phần hướng dẫn sử dụng, bởi trên thực tế không thiếu trường hợp các bé phải nhập viện do người lớn bất cẩn để thuốc ở nơi bé có thể lấy được nên các bé cho vào miệng nhai, nuốt vì tưởng đó là kẹo, hoặc vì muốn bắt chước người lớn uống thuốc.
Để phòng tránh trường hợp này, bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt quy định phải cất thuốc vào tủ đựng thuốc gia đình được treo cao ngang tầm với của người lớn. Nếu không may bé uống nhầm thuốc, bạn cần nhanh chóng sơ cứu tại nhà rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành rửa ruột và thực hiện các biện pháp y tế khác.
Tự ý mua thuốc cho con
Không thiếu các bà mẹ trị bệnh cho con, đặc biệt là các bệnh được xếp vào hàng “lặt vặt” như ho, sổ mũi, nghẹt mũi… bằng các đơn thuốc và phương pháp tìm được trên Internet, hoặc qua kinh nghiệm trị bệnh của các bà mẹ khác hay sử dụng luôn đơn thuốc của bé khác có biểu hiện bệnh tương tự con mình.
Cách làm này rất nguy hiểm vì rất có thể các mẹ chẩn bệnh không đúng do nhiều bệnh có một số biểu hiện bên ngoài giống nhau hoặc cho con uống thừa, thiếu liều lượng thuốc so với tình trạng bệnh.
Để trẻ uống thuốc dễ dàng và không sợ hãi
Trước hết, cần chọn dạng thuốc thích hợp cho trẻ. Đó là dạng thuốc lỏng như xirô, hỗn dịch, nhũ dịch (hỗn dịch, nhũ dịch là dạng thuốc lỏng có phần trắng đục như sữa, trước khi uống lắc kỹ chai để thuốc trộn đều) hoặc thuốc giọt hòa với nước để uống. Đây là các thuốc được bào chế thơm, ngọt nên trẻ rất thích uống.
Ngoài ra còn có dạng thuốc bột, thuốc cốm đựng trong gói, khi uống sẽ hòa với nước thành dạng lỏng có mùi thơm, vị ngọt, dễ uống đối với trẻ em. Các thuốc dạng viên chỉ nên dùng cho trẻ lớn, có khả năng nuốt được thuốc viên. Không nên nghiền nhỏ viên thuốc hoặc mở viên nang cho trẻ em uống vì có một số loại thuốc chứa dược chất rất đắng, sẽ làm cho trẻ sợ hãi việc uống thuốc.
Điều cần lưu ý nữa là không nên hù dọa, tạo không khí căng thẳng mà cần mềm mỏng, kiên trì thuyết phục trẻ uống thuốc.
Một vài cách cho trẻ uống thuốc
– Đối với trẻ còn quá nhỏ, nên cho trẻ nằm hơi dốc, đầu cao hơn một chút và hơi nghiêng qua một bên để tránh sặc thuốc. Dùng ngón tay cái của bàn tay đang ôm trẻ ấn vào cằm để mở miệng trẻ, bàn tay kia dùng muỗng để đổ thuốc vào. Ở nước ngoài, người ta dùng ống nhỏ giọt hay bơm tiêm không có kim (loại bơm tiêm dùng một lần bán ở nhà thuốc) thay cho muỗng lấy thuốc lỏng và lấy thể tích chính xác dùng cho trẻ, nhỏ từ từ vô miệng trẻ, khi ấy việc cho trẻ uống thuốc sẽ dễ dàng và tốt cho trẻ hơn.
– Đối với trẻ lớn hơn nên để trẻ đứng hoặc uống thuốc với đầu hơi nghiêng ra sau chứ không ngửa hẳn. Nếu được, nên hòa thuốc dạng lỏng vào ly nước và khuyến khích trẻ tự cầm ly uống.
Không cho thuốc vào thức ăn, thức uống của trẻ
Không nên trộn thuốc vào sữa, bột hay thức ăn, thức uống. Mùi vị thơm ngon của thức ăn, thức uống sẽ hòa lẫn với mùi lạ của thuốc. Trẻ không ăn hay nhạy cảm mùi vị sẽ phản ứng, từ chối thức ăn, thức uống đã được pha thuốc, dù đó là những thứ mà trước đây trẻ ưa thích. Đối với trẻ lớn hơn, trộn thuốc như thế trẻ sẽ cho là mình bị đánh lừa và mất lòng tin ở cha mẹ.
Như đã nói ở trên, dạng thuốc thích hợp cho trẻ là dạng lỏng như xirô, hỗn dịch, dung dịch, vì vậy khi khám bệnh các bậc cha mẹ nên đề nghị bác sĩ ghi đơn lựa chọn cho con mình thuốc dạng xirô hoặc đến mua thuốc tại nhà thuốc nên lưu ý chọn mua thuốc dạng lỏng.
Lưu ý khi trẻ không "chịu" thuốc
Một số trẻ có thể quá mẫn cảm (thường gọi là không “chịu” thuốc) với một số thành phần của thuốc và có dấu hiệu dị ứng. Vì vậy, cần theo dõi trẻ trong và sau khi uống thuốc. Trẻ bị dị ứng thuốc gồm có các triệu chứng: dị ứng nổi mề đay, mẩn ngứa, vật vã, kích thích, nôn, rối loạn tiêu hóa, khó thở… Lúc này cần phải ngừng thuốc ngay và đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để bác sĩ có biện pháp điều trị kịp thời.
Cách nhỏ thuốc vào mũi cho trẻ
– Đối với trẻ còn nhỏ, trước khi nhỏ mũi nên nhúng lọ thuốc vào nước ấm để giúp dung dịch có độ ấm nhất định. Những nước có khí hậu lạnh rất cần làm điều này để niêm mạc mũi của trẻ không bị kích thích. Trước khi nhỏ mũi cho trẻ nên rửa tay thật sạch. Ở một số nước, người ta còn khuyên nên đeo găng tay khi nhỏ mũi cho trẻ.
Cách nhỏ thuốc: Ẵm ngửa trẻ. Lấy thuốc vào ống nhỏ giọt và nhỏ vào mũi cho trẻ đúng số giọt quy định. Nhỏ thuốc xong nên để đầu trẻ ngửa khoảng 5 phút. Lưu ý: nếu thấy trẻ hít thuốc mà bị ho phải dựng trẻ ngồi thẳng, lấy tay vỗ nhẹ vào lưng trẻ để giúp tống thuốc ra khỏi đường hô hấp.
– Đối với trẻ lớn hơn nên cho trẻ nằm ngửa, gối được đặt dưới vai và cổ, đầu ngửa ra. Phụ huynh ngồi ở phía sau đầu trẻ và tay kia nhỏ thuốc vào mũi. Nhỏ thuốc xong nên để trẻ nằm trong 5 phút để giữ thuốc trong mũi.
Những lưu ý khi cho trẻ uống thuốc
1. Đọc và làm theo chỉ dẫn mỗi lần cho con uống thuốc: Chú ý đặc biệt đến hướng dẫn sử dụng và cảnh báo. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng mới hoặc tác dụng phụ không mong muốn từ bé nhà bạn (hoặc thuốc không phát huy tác dụng), cần hỏi ý kiến bác sĩ nhi ngay lập tức. Cần kiểm tra ngày hết hạn của tất cả các loại thuốc trước khi cho bé uống.
2. Không bao giờ đoán về số lượng thuốc cần dùng: Nửa liều thuốc của người lớn có thể nhiều hơn so với nhu cầu của bé nhà bạn hoặc là chưa đủ liều. Cần đọc kỹ và tuân theo chỉ dẫn trên bao bì.
3. Biết chữ viết tắt cho thìa (tablespoon – tbsp, thường là thìa đi kèm với hộp thuốc) và thìa cafe (teaspoon – tsp). Không nên nhầm lẫn giữa chúng. Bạn cũng nên hiểu chữ viết tắt cho miligam (mg), mililit (mL) và ounce (oz).
4. Tránh tự đổi định lượng: Nếu hướng dẫn ghi là 2 ml nhưng bạn lại dùng thìa để ước lượng thì có thể bạn đang ước lượng sai.
5. Không bao giờ đi ngược lại lời khuyên của bác sĩ.
6. Tránh dùng gấp đôi liều: Thảo luận với bác sĩ khi cho bé dùng hai liều thuốc cùng một lúc để tránh quá liều hoặc gây tương tác không mong muốn.
7. Thực hiện theo khuyến nghị về trọng lượng và độ tuổi: Nếu hướng dẫn ghi không dùng cho bé dưới một độ tuổi (hoặc trọng lượng) nhất định thì bạn nên làm theo. Nếu còn băn khoăn, hãy hỏi bác sĩ.
8. Luôn đậy nắp sau mỗi lần dùng thuốc và bảo quản thuốc đúng theo chỉ dẫn: Hãy đặc biệt cẩn thận với thuốc chứa vitamin vì chúng có thể gây ngộ độc nặng cho bé dưới 3 tuổi.
9. Nhớ cảnh báo “Để thuốc xa tầm tay trẻ em”: Ngày nay, nhiều loại thuốc được thêm hương vị để giấu vị đắng của thuốc. Đó là lý do cần giữ tất cả các loại thuốc ngoài tầm nhìn và tầm tay của bé.
10. Luôn kiểm tra gói thuốc để tránh dấu hiệu giả mạo: Không bao giờ mua hoặc sử dụng thuốc khi gói thuốc bị rách, có vết cắt hoặc có dấu hiệu hư hỏng. Thông báo điều nghi ngờ với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bài viết liên quan
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Lựa chọn men tiêu hóa sống cho hệ tiêu hóa…
- Một số phương pháp để bảo vệ dạ dày
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Sinh lý yếu và một số giải pháp cho nam…
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Bị ợ nóng do ăn pizza