Ở Việt Nam, bệnh bụi phổi silic được chính thức công nhận là một bệnh nghề nghiệp được bồi thường từ năm 1976. Từ đó đến nay tỷ lệ bệnh bụi phổi silic được bồi thường luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong danh mục 21 bệnh nghề nghiệp được bồi thường do Bộ Y tế ban hành. Tỷ lệ này được theo dõi qua các thời kỳ khác nhau, cao nhất là 95,5% ở thời kỳ 1976 – 1980, thấp nhất là 62,2% ở thời kỳ 2001 – 2003.
Bệnh bụi phổi silic là gì?
Bệnh bụi phổi-silic là một bệnh nan y, do người lao động hít phải bụi có chứa silic tự do. Đây là bệnh tiến triển không hồi phục, thậm chí cả khi đã ngừng tiếp xúc với bụi. Nếu tiếp xúc với một lượng lớn bụi, có hàm lượng silic tự do trong bụi cao, trong một thời gian ngắn đã có thể phát sinh bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh bụi phổi – silic gặp ở cả các nước phát triển và đang phát triển, tiếp xúc với bụi silic qua đường hô hấp năm này qua năm khác, có thể bị bệnh từ mức độ nhẹ đến mất khả năng lao động và chết.
Bệnh bụi phổi – silic là kết quả của quá trình xơ hóa phổi. Thể loại và mức độ bệnh phụ thuộc vào nồng độ và thời gian tiếp xúc với bụi: có thể mãn tính hoặc cấp tính. Diễn tiến bệnh bụi phổi – silic thường âm thầm, từ từ và kéo dài nhiều năm, không thể hồi phục được. Bệnh không có thuốc đặc hiệu, chỉ có thể chữa trị triệu chứng, giúp bệnh nhân bớt khó thở, bớt ho, nhiễm trùng (nếu có). Về lâu dài khi bệnh nhân bị suy hô hấp nặng phải hỗ trợ thở oxy.
Ngoài ra, tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi silic còn có mối liên quan chặt chẽ với nồng độ bụi hô hấp, hàm lượng silic tự do chứa trong bụi hô hấp và tình trạng sử dụng phương tiện bảo hộ lao động và thời gian phơi nhiễm.
Nơi không có phương tiện bảo hộ lao động tập thể nguy cơ cao gấp 1,98 lần nơi có phương tiện bảo hộ lao động tập thể. Người lao động không thường xuyên sử dụng khẩu trang có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic cao 2,47 lần người lao động thường xuyên sử dụng khẩu trang.
Bụi phổi silic được xem là một bệnh nghề nghiệp đáng báo động hiện nay
Biểu hiện của bệnh
Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh này đều có triệu chứng chính là khó thở và ho rất nhiều. Triệu chứng ho của người bị bệnh phổi phụ thuộc vào chính họ và thời tiết (dễ ho khi thời tiết lạnh và ẩm thấp), những người hút thuốc lá nhiều hay có tiền sử bệnh phổi, ho thường hơn. Ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân sẽ bị sốt nhẹ, khạc đờm nhiều, đôi khi ho ra máu, tức phần ngực và có cảm giác như ngực bị bó chặt. Người bị bệnh bụi phổi silic có thể chết trong vòng 10-20 năm sau khi khởi bệnh.
Tuy nhiên, bệnh nhân chết thường không do bệnh bụi phổi silic mà đa số là do biến chứng của bệnh như: bệnh lao, viêm phổi; giãn phế quản, viêm phế quản, viêm mủ màng phổi; tràn khí màng phổi, khí thủng phổi, hoại tử vô khuẩn; tim giãn nở, tim đập nhanh, suy tim, tổn thương mạch vành…
Tiến triển của bệnh
Bệnh tiến triển chậm, xơ hóa ngày càng lan tỏa. Nếu phát hiện sớm và ngừng tiếp xúc với bụi, nhiều trường hợp bệnh ổn định. Nói chung bệnh phổi – silic là bệnh không hồi phục, thường tử vong ở độ tuổi 45-50.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi
Những người làm việc ở môi trường có bụi (tỉ lệ dioxid silic tự do trong không khí cao) nếu không có các biện pháp bảo vệ và không biết cách tự bảo vệ mình thì rất dễ mắc bệnh. Cũng cần phải lưu ý rằng, không phải loại bụi nào cũng trở thành tác nhân gây bệnh bụi phổi.
Có hai nhóm đối tượng có khả năng mắc bệnh bụi phổi đó là nhóm đối tượng làm việc trong các nhà máy sản xuất về xây dựng đặc biệt là ở các mỏ đá. Bởi các loại bụi này được sinh ra chủ yếu là trên các công trình xây dựng, các mỏ khai thác khoáng sản, nhà máy sản xuất xi măng, các nhà máy nghiền đá công nhận lao động làm đường.
Nhóm người thứ hai có nguy cơ mắc bệnh phổi là nhóm người thường xuyên đi lại trên các tuyến đường giao thông. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh bụi phổi đối với nhóm người này thường ít hơn bởi hàm lượng dioxid silic tự do trên các đoạn đường giao thông thường không cao.
Theo một số cuộc khảo sát về bệnh bụi phổi silic ở các tỉnh thành đều chỉ ra ở Quảng Ninh công nhân có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic cao nhất. Ước tính khoảng 50.200 – 70.960 công nhân ở Quảng Ninh có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic trong giai đoạn 1999 – 2003.
Tác động đến sức khỏe
Bệnh bụi phổi-silic gặp ở cả các nước phát triển và đang phát triển, tiếp xúc với bụi silic qua đường hô hấp năm này qua năm khác, có thể bị bệnh từ mức độ nhẹ đến mất khả năng lao động và chết.
Bệnh bụi phổi-silic là kết quả của quá trình xơ hóa phổi. Thể loại và mức độ bệnh phụ thuộc vào nồng độ và thời gian tiếp xúc với bụi: có thể mãn tính hoặc cấp tính. Giai đoạn muộn có thể dẫn đến các rối loạn làm mất khả năng lao động và muộn nữa là tử vong. Nguyên nhân tử vong thường do các biến chứng như là lao phổi, phổi bị xơ hóa và khí thũng, suy tim phải.
Vào thế kỷ thứ 16 Tác giả Agricola viết ở vùng núi Carpathian của Châu Âu: những người phụ nữ đã được phát hiện là cưới tới 7 lần, tất cả chồng của họ đều bị mắc bệnh bụi phổi-silic có kèm theo lao mà chết. Chỉ vài năm sau ở một số ngôi làng ở phía bắc Thái Lan đã được mệnh danh là ngôi làng của các bà góa bởi vì một số lượng lớn đàn ông đã bị chết sớm vì bệnh bụi phổi- silic .
Giai đoạn 1951-1995, Trung Quốc đã ghi nhận 500.000 trường hợp mắc bệnh bụi phổi-silic, số mới mắc bệnh hàng năm khoảng 6000 người và trên 24.000 người chết mỗi năm.
Tại Ấn Độ trong một nghiên cứu xác định khoảng 55% số công nhân bị mắc bệnh bụi phổi silic. Phần lớn trong số họ là những người trẻ tuổi làm việc tại một mỏ đá (loại đá trầm tích) với điều kiện thông gió rất kém. Trong một số nghiên cứu tại miền trung cho thấy tỷ lệ tử vong do bụi phổi rất cao, tuổi thọ của những người mắc bệnh này chỉ là 35 và tuổi nghề là 12 năm.
Ở Brazil, tại bang Minas Gerais đã có hơn 4500 người được chẩn đoán bị bệnh bụi phổi silic. Khu vực đông bắc của nước này người lao động thường xuyên đào các giếng nước xuyên qua tầng đá có thành phần là hạt quartz trên 97% và tỷ lệ mắc bệnh là trên 26%. Nhiều ca trong số đó có tiến triển bệnh rất nhanh.
Ở Hoa Kỳ theo ước đoán có khoảng trên 1 triệu người có tiếp xúc nghề nghiệp với bụi silic, (khoảng trên 100.000 người làm nghề phun cát) trong số đó có khoảng 59.000 người sẽ có thể bị bệnh bụi phổi-silic. Báo cáo của Hoa Kỳ xác nhận thì số mới mắc bệnh bụi phổi-silic mỗi năm vào khoảng 300 người. Nhưng thực tế số này còn cao hơn rất nhiều.
Còn tại Quebec của Canada, từ năm 1988-1994, có hơn 40 trường hợp mắc bệnh bụi phổi-silic, và có 12 người trong số đó chết trước tuổi 40.
Theo báo cáo của Colombia có khoảng 1,8 triệu người công nhân có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi- silic.
Tại Việt Nam đến nay có khoảng trên 17.000 người mắc bệnh bụi phổi- silic đã được phát hiện.
Làm nghề khai thác đá người lao động cũng dễ mắc phải bụi phổi silic
Các biến chứng của bệnh
Có rất nhiều biến chứng xảy ra, đặc biệt là hiện tượng bội nhiễm. Ở giai đoạn nặng thường sinh ra những biến chứng nguy hiểm như giãn phế nang, tâm phế mạn, lao phổi và tràn khí phế mạc…
1. Nhiễm trùng
Hiện tượng nhiễm trùng bội nhiễm trong bệnh bụi phổi silic là rất phố biến. Nguyên nhân của hiện tượng này là do ứ đọng trong phế nang phổi xơ hoá tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát sinh, phát triển. Tỷ lệ nhiễm trùng bội nhiễm gặp tới hơn 70% nên đôi khi người ta dùng cụm từ "Viêm xơ phế quản phổi" để chỉ tình trạng này. Bội nhiễm cũng là nguy cơ làm tăng nhanh quá trình xơ hoá ở phổi và phế quản làm bệnh nặng lên.
2. Giãn phế nang
Giãn phế nang là một biến chứng thường thấy nhất, hầu như bao giờ cũng có ở bệnh silicose giai đoạn nặng. Ở Mỹ tỷ lệ giãn phế nang là 80% trong sẽ người mắc bệnh (Vallyathan.V, Green F.H.Y – 1997). Các thành phế nang bị xé hoá, phế nang kém đàn hồi lớp khí cặn tăng lên nhiều, dung tích sông giảm, lúc này bệnh nhân khó thở nhiều, gõ lồng ngực thấy tiếng kêu trong. Chụp phim phổi thấy các rẻ xương sườn nằm ngang, các khoang liên sườn rộng ra, hình ảnh phổi rất sáng.
3. Tâm phế mạn
Tâm phế mạn thường xuất hiện ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân khó thở nhiều, khó thở cả khi bệnh nhân không hoạt động. Rồi tim dần to ra, gan cũng to và đau. Bệnh nhân chết rất nhanh trong một bệnh cảnh suy thất phải. Nguyên nhân của tình trạng này là do phổi xơ hoá, mất hoặc giảm tính đàn hồi, giảm áp suất âm trong lồng ngực. Cùng với hiện tượng xơ hoá nhu mô phổi các dải xơ có thể chẹt vào cổ các mao mạch hoặc động mạch nhỏ của phổi. Các nguyên nhân trên bắt tim phải hoạt động tăng lên dần dần dẫn đến tăng gánh hoặc suy thất phải…
4. Lao phổi
Bệnh lao phổi thường xảy ra ở giai đoạn cuối, thể trạng bệnh nhân suy sụp nhiều, gầy nhanh, nhiệt độ bất thường. Bệnh nhân khạc nhổ nhiều, đôi khi dính máu, đôi khi có khái huyết. Nghe thấy các ổ rales nổ ở đỉnh phổi, đôi khi có tiếng thổi hang. BK (vi trùng gây bệnh Lao) dương tính, phải thử đờm nhiều lần. Trên hình ảnh X quang thấy phổi mờ phần nhiều ở đỉnh, đôi khi có hang. Nếu không rõ phải chụp cắt lớp. Bệnh tiến triển nặng, tiên lượng rất xấu. Bụi phổi tạo điều kiện cho bệnh lao phát sinh và phát triển (giống hiện tượng bội nhiễm) song bệnh lao cũng làm tăng quá trình xơ hoá nên các trường hợp lao, bụi phổi kết hợp (silico – tuberculose) sẽ là điều nguy hại cho người bệnh, cần phải điều trị nghiêm túc và quản lý tốt bệnh nhân.
5. Tràn khí phế mạc
Tràn khí phế mạc là một biến chứng hiếm thấy, cũng xuất hiện ở giai đoạn muộn. Các dấu hiệu lâm sàng rất kín đáo, chỉ khi chụp phổi mới thấy. Trên phim thấy có mỏm cụt phổi bị co lại, tiên lượng nặng. Bệnh nhân có thể chết vì phổi lành không đủ khả năng trao đổi khí.
Điều trị
Để phòng tránh bệnh bụi phổi, về mặt nguyên tắc các chủ doanh nghiệp phải tự tìm biện pháp thu gom và khống chế không để cho bụi nói chung tỏa ra môi trường. Đồng thời, phải có biện pháp làm giảm thiểu phát thải ô nhiễm bụi có chứa dioxid silic ra môi trường không khí.
Giải quyết được điều này là giải quyết được tới 80% gốc rễ của vấn đề. Nhưng muốn giải quyết triệt để, theo tôi các chủ doanh nghiệp phải thực hiện động thái là cải tiến thiết bị công nghệ.
Khẩu hiện chung thì vẫn là như thế, đầu tiên là mua các thiết bị công ngệ cao đã có hệ thống kiểm soát bụi và nếu không có thì phải làm nhưng hiện nay các chủ doanh nghiệp thì lại không làm bởi vì hầu hết các doanh nghiệp này đều ít người nên họ sẽ chọn phương án để bụi bay vào rồi tự nó lắng xuống và trang bị cho công nhân những trang bị bảo hộ lao động là coi như xong.
Đối với công nhân, chắc chắn cần phải sủ dụng khẩu trang- đây chính là biện pháp tự cứu mình nhưng vấn đề này chưa thực sự được quan tâm bởi chính nhận thức của người công nhân…Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do không được đào tạo, huấn luyện và không có truyền thống cha truyền con nối trong nghề làm công nhân nên họ rất chủ quan và thấy bất tiện với những phương tiện bảo vệ cá nhân như khẩu trang. Trong khi đó những chiêc khẩu trang có thể lọc được những loại bụi này thì sức cản thở của nó lại rất cao.
Để phát hiện sớm bệnh bụi phổi, người lao động ở môi trường có nguy cơ cao nên thực hiện đúng chế độ khám định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp tại cơ sở y tế. Người mắc bệnh bụi phổi phải được bố trí làm công việc khác hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bụi; không sử dụng những người bị bệnh về đường hô hấp trên, viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi làm việc ở nơi có bụi.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi