Trúng gió thường gặp vào khi thời tiết giao mùa nhất là cuối mùa thu chuyển sang mùa đông. Tuy nhiên, mùa hè cũng phải cẩn thận, nếu như bạn có thói quen đi nhậu về khuya, hoặc ban đêm mặc phong phanh đi ra ngoài…
Trúng gió xảy ra khi cơ thể gặp gió lạnh đột ngột, cơ thể chưa thích ứng kịp, khi đó lỗ chân lông bị hở, nên gió xâm nhập vào cơ thể qua lỗ chân lông và đường hô hấp từ đó cơ thể sẽ bị cảm lạnh, thậm chí có khi bị liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 (liệt nửa mặt), bị vẹo cổ cấp, đau thắt lưng cấp. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến đột quỵ, tai biến mạch máu não…
Và cũng chính vì mang tên “trúng gió” nên nhiều người vẫn nghĩ rằng đó là do chúng ta gặp phải “cơn gió độc”, nhưng thực ra không có loại “gió độc” làm hại ta mà chỉ là các yếu tố thời tiết, mưa, gió, lạnh, sương giá có khí xấu… tác động vào cơ thể một cách đột ngột gây ra.
Cạo gió là phương pháp dân gian đầy lùi tình trạng "trúng gió"
Ai dễ bị trúng gió?
Đối tượng của “trúng gió” nhiều nhất là ở lứa tuổi trung niên và người già; bất kể nam hay nữ. Tuy nhiên, ở lứa tuổi thanh niên cũng không nên chủ quan, nhất là những người có thể trạng yếu, ít tập luyện, ít tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường bên ngoài (chúng ta hay gọi vui là “ít ra gió”). Những người có tiền sử hạ đường huyết, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch là đối tượng có tần suất “trúng gió” nhiều hơn người khỏe mạnh bình thường.
Gọi là bị “trúng gió” vậy có phải cứ khi nào thời tiết nhiều gió mới dễ bị? Điều đó cũng có phần đúng, bởi thường thì trúng gió dễ gặp vào thời điểm mùa thu bước sang mùa đông, vì ở thời điểm này, buổi sáng và chiều tối trời se lạnh, nhiều sương, mưa, gió nên càng dễ bị nhiễm gió.
Tuy nhiên, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo, mùa hè cũng tiềm ẩn nguy cơ, nếu như bạn bước từ phòng điều hòa ra ngoài nắng đột ngột. Sau khi tắm nước nóng bạn ra ngay ngoài gió lạnh cũng dễ bị. Hoặc khi trời đang nắng bỗng mưa, buổi trưa đang nóng hừng hực mà tối đổi gió lạnh cũng là thời điểm dễ bị trúng gió. Thêm nữa, chúng ta thường chủ quan vì thời tiết mùa hè nóng bức, ban đêm mặc phong phanh ra ngoài mà không biết rằng đây cũng chính là thời điểm dễ gặp gió lạnh, sương xuống. Cũng có khi, buổi sáng ngủ dậy, mở toang của sổ ngay cũng dễ gặp gió lạnh.
Đặc biệt cảnh báo các đấng mày râu có thói quen hay nhậu khuya vào mùa hè, uống nhiều bia rượu rồi đi về trong đêm sẽ là những người bị đe dọa lớn hơn cả.
Dấu hiệu của trúng gió
Triệu chứng rõ rệt nhất là ớn lạnh ở gáy, sống lưng, tay, chân, có khi kèm nhức đầu, chóng mặt, chảy nước mũi, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
Bất cứ ai cũng có thể bị trúng gió, nhất là những người có sức đề kháng yếu, trẻ nhỏ và người già. Những người có tiền sử hạ đường huyết, hạ huyết áp cũng rất dễ mắc phải.
Nhiều người thường hiểu trúng gió với cảm cúm, điều này là không đúng. Trúng gió khác với cúm. Vì cúm là do siêu vi trùng gây nên và có khả năng lây lan. Trúng gió có thể chữa trị bằng cách uống thuốc trị cảm, uống thêm vitamin C để tăng sức đề kháng.
Bạn đọc cũng cần lưu ý, các dấu hiệu trên có thể tương ứng với nhiều bệnh, thường gặp nhất là nhiễm siêu vi (cúm, sốt xuất huyết), nhiễm trùng, ngộ độc v.v. Có khi những bệnh trầm trọng hơn, hôn mê, tay chân rất lạnh, co cứng, thậm chí bị tai biến mạch máu não, cũng bị hiểu lầm là trúng gió dẫn đến điều trị không thích hợp và kịp thời.
Cần điều trị ngay và triệt để
Trúng gió cần được điều trị triệt để, bởi bệnh dễ để lại di chứng tiềm tàng như phong thấp, tê thấp…
Trúng gió nhẹ có thể sơ cứu tại chỗ bằng cách làm nóng cơ thể như cho người bị trúng gió uống trà gừng, uống nước gừng tươi giã nát, làm nóng gan bàn chân, đánh gió theo phương pháp cổ truyền – dùng đồ bạc có cạnh tròn và nhẵn để cạo vào cổ, lưng, bụng, chân, tay cho đến khi đồ bạc xám lại – cho thông khí huyết. Khi bệnh nhân tỉnh táo có thể ăn cháo hành, tía tô để giữ ấm cho cơ thể (lưu ý những người có thai và cao huyết áp không nên cạo gió). Để hồi phục tốt bệnh nhân có thể đi giác hơi.
Nếu bị “trúng gió” nặng như hôn mê, tay chân rất lạnh, co cứng, tai biến mạch máu cần nhập viện ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Với người bị huyết áp cao ngay lập tức phải uống thuốc hạ áp để ổn định huyết áp, rồi nhanh chóng đưa đi bệnh viện, hoặc phòng khám Đông y gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
Người bị trúng gió méo miệng, liệt dây thần kinh số 7 đa phần được chữa khỏi, nhưng cần điều trị sớm trong 3 ngày đầu để đảm bảo khả năng hồi phục.
Nếu điều trị chậm, hoặc điều trị không đúng cách sẽ có tiến triển xấu, gây biến chứng và di chứng như viêm loét giác mạc, co giật cơ mặt, co cứng nửa mặt… Điều trị liệt dây thần kinh số 7 chỉ cần bằng châm cứu kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện cơ… trong 4 – 6 tuần. Cũng có trường hợp phải điều trị kéo dài 2 – 3 đợt mới có thể phục hồi.
Bị trúng gió nhẹ có thể uống trà gừng
Những biện pháp phòng “trúng gió”
Phòng bao giờ cũng hơn chữa, các chuyên gia khuyến cáo, để tránh những rủi ro do “trúng gió” cần giữ ấm những chỗ dễ bị nhiễm lạnh như tai, cổ, bàn chân. Ngồi trong phòng điều hòa cần tránh luồng khí lạnh, chịu khó đứng dậy đi lại, thường xuyên vận động vai, gáy, cổ để máu huyết lưu thông.
Nếu ngồi xe hơi có máy lạnh, khi xuống nên đứng giữa cửa xe và bên ngoài một lát để cơ thể thích ứng với bên ngoài rồi hãy ra khỏi xe. Không nên tắm khuya, khi tắm cần tránh nơi có gió lùa, lau người khô nhanh để không bị mất nhiều nhiệt và nhiễm lạnh kể cả mùa hè.
Đêm cần ra ngoài nên khoác thêm áo, không nên nhậu khuya và về muộn. Không để điều hòa hay quạt máy thổi thốc vào người, cũng không nên mở cửa sổ để ngủ vào ban đêm để tránh gió. Càng không nên nằm ngủ ngay trên sàn nhà. Khi cần ra ngoài nên dậy từ từ để cơ thể dần thích nghi. Về mùa đông, khi đang ở môi trường ấm như trong chăn hay trong nhà cần mặc thêm quần áo nếu đột ngột tiếp xúc với môi trường lạnh như mở cửa sổ, đi từ trong nhà ra ngoài trời… Đặc biệt, bỏ ngay ý nghĩ uống rượu cho ấm người vì cồn làm cơ thể nóng lên nhưng khi giã rượu sẽ bị lạnh.
Với những người đã bị trúng gió, để phục hồi tốt nên kết hợp nhiều phương pháp như ngâm chân bằng nước ấm, tắm bùn khoáng hay thuốc dược thảo. Uống trà với các cây thuốc giải cảm như cúc hoa, bạc hà, khuynh diệp… Dùng thuốc đa khoáng tố với kẽm, crôm, mangan, magiê… theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Phương pháp cạo gió hiệu quả nhất bằng đồng bạc và trứng gà:
Bạn luộc chín 1 quả trứng gà sau đó bóc bỏ vỏ, rồi tách đôi lòng trắng, bỏ lòng đỏ ra để ăn sau khi đã đánh gió. Lấy 1 khăn mùi xoa ( Khăn mỏng) đặt 1 nửa lòng trắng trứng lên ( Nếu có thì cho thêm 1 ít tóc rối, 1 ít gừng tươi đã bóc vỏ và đập dập nát ) sau đó đặt đồng bạc lên trên ( Có thể dùng các đồ trang sức bằng bạc như dây bạc, vòng bạc …thay cho đồng bạc cũng được) rồi úp nửa lòng trắng còn lại lên trên cùng rồi túm lại ở phía trên để cầm bằng tay, nhúng chìm tất cả trong nước vừa luộc trứng cho nóng đều lên , sau đó lấy ra, vắt chặt đuôi khăn cho hết nước và bắt đầu miết lần lượt từ trên đầu xuôi xuống gáy, lưng, bụng và tứ chi. Khi thấy giảm nóng thì lại ngâm tiếp như trên.
Đánh 1 lúc mở ra lấy đồng bạc xem nếu bạn bị cảm nắng sẽ thấy đồng bạc có ánh vàng đỏ, nếu cảm gió sẽ thấy màu đen xám, nếu bạn khỏe thì đồng bạc hầu như không đổi màu đâu. Bạn dùng ít tro bếp cọ nhẹ ( hoặc cọ vào gót chân), đồng bạc sẽ sáng trở lại và lại tiếp tục đánh gió như trên, Lưu ý là phải đánh gió theo thứ tự xong phần đầu mới xuống lưng, xong lưng rồi đến bụng, xong bụng đến 2 tay và cuối cùng là 2 chân, Luôn đánh 1 chiều từ trên xuôi xuống, không miết theo chiều ngược lên ! Đánh gió xong thì bạn sẽ ăn phần lòng đỏ trứng gà để giữ dạ.
Cạo gió bằng trứng gà có hiệu quả tương đối cao
Cạo gió là phương pháp chữa bệnh dân gian có từ lâu đời. Khi có bệnh người ta thấy thân thể mệt mỏi rã rời nếu được cạo gió sẽ thấy tinh thần sảng khoái và dễ chịu khác thường.
Mặc dù hiện nay y học hiện đại vô cùng phát triển nhưng cạo gió trị bệnh vẫn được thịnh hành vì rất an toàn, thao tác đơn giản và ưu điểm là có bệnh thì khỏi bệnh không có bệnh thì người thêm khoẻ. Đặc biệt là những nơi xa các trung tâm y tế, thiếu phương tiện chữa trị thì cạo gió trị bệnh là biện pháp vô cùng hữu hiệu.
Đông y gọi cảm gió là trúng gió. Phương pháp trị bệnh hiệu quả nhất là dựa vào sức đề kháng của hệ thống miễn dịch bản thân người bệnh, cho nên khi bị cảm phương pháp chính là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn có ít mỡ để rút ngắn thời gian bị bệnh. Cạo gió cũng là một phương pháp tốt để làm thuyên giảm bệnh và rút ngắn thời gian bị bệnh.
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng cảm cúm là do sức đề kháng của cơ thể yếu không chịu được sự thay đổi của khí hậu, chướng khí xâm nhập vào cơ thể qua lỗ chân lông trên da và đường hô hấp gây nên ác hàn phát nhiệt, đau đầu, xổ mũi, toàn thân đau nhức mỏi mệt. Phương pháp trị bệnh chủ yếu là trừ chướng khí từ bên ngoài.
Cạo gió thường cạo các bộ phận chính trên cơ thể như: Ở lưng cạo hai bên xương sống từ vai xuống thắt lưng, dọc theo xương sống nửa thân trên; ở tay cạo dọc cánh tay mặt theo mặt trước và mặt trong theo lòng bàn tay. Thông qua cạo gió có thể giải hàn, giảm nhiệt, thuyên giảm bệnh. Nếu người bệnh có ho và ngứa cổ họng thì cạo thêm dọc xương mỏ ác ở ngực.
Kiến thức cơ bản để cạo gió:
1. Cách cạo
– Phương hướng: Theo hướng một chiều từ trên xuống dưới.
– Dùng lực: ở cánh tay và ngực dùng lực nhẹ, ở lưng có thể hơi mạnh nhưng cũng nên căn cứ vào tình hình cụ thể, đặc biệt là sức chịu đựng của người bệnh mà quyết định dùng lực mạnh yếu.
– Giới chất để bôi lên da khi cạo là dầu gió, hay các loại dầu vẫn thường bôi để trị cảm gió.
– Sau khi cạo gió nên uống nhiều nước nóng, có thể đắp chăn để ra mồ hôi.
2. Dụng cụ dùng để cạo
Bất cứ vật gì có cạnh hình cung tròn và tương đối nhẫn nhụi như lược, thìa canh, miệng chén…Hiện nay sử dụng rộng rãi là cái cạo gió làm bằng sừng trâu vì bản thân sừng trâu là một vị thuốc Đông y có khả năng phát tán chướng khí và thông khí huyết.
3. Trình tự và phương pháp cạo
Khi cạo gió người bệnh để lộ da chỗ cần cạo. Người cạo bôi dầu lên mặt da người bệnh, tay cầm vật cạo để góc 90 hoặc 45 tiến hành cạo. Cổ, lưng, bụng, chân và tay cạo từ trên xuống dưới; ngực cạo từ trong ra ngoài, chú ý dùng lực đều và miết dài. Mỗi bộ phận cạo khoảng từ 3 đến 5 phút sẽ thấy nổi vết đỏ tím. Nhiều nhất cũng không nên cạo quá 10 phút, cũng không nên dùng lực cưỡng bức để tạo vết. Cạo xong chỗ này mới cạo sang chỗ khác, lần cạo sau cách lần cạo trước từ 3 đến 6 ngày để vết cạo lần trước kịp tan đi.
4. Các điều chú ý khi cạo
– Khi cạo tránh chỗ gió lạnh, mùa đông chú ý giữ ấm, mùa hè không được để quạt thổi vào người bệnh.
– Sau khi nổi vết cạo trong khoảng 30 phút cấm tắm rửa bằng nước lạnh.
– Cạo xong người bệnh nên uống một cốc nước nóng (có pha thêm chút muối thì càng tốt).
– Phải khử trùng vật cạo trước và sau khi cạo.
– Cấm cạo chỗ có vết lở loét, phần bụng người có thai, mà da có độ mẫn cảm quá cao, người có bệnh khó đông máu, có các bệnh về da.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi