Chiều 5/1, phòng lưu bệnh khoa Nhiễm – Thần kinh có 15 trường hợp mắc bệnh sởi nằm điều trị nội trú, hầu hết bệnh nhi đều biến chứng hô hấp, viêm phổi hoặc chảy mủ tai.
Phụ huynh Nguyễn Thị Nguyệt nhà ở Long An cho biết, chỉ sau 2 ngày bị sốt, con chị bắt đầu trổ ban đỏ khắp người và có triệu chứng khó thở. "Thấy con mê man, tôi đưa bé đi khám thì biết bé mắc bệnh sởi. Đã hơn 2 ngày nằm viện, bé vẫn còn sốt", chị Nguyệt nói.
Một phụ huynh khác nhà ở Bình Tân, TP HCM cho biết, lúc đầu thấy bé biếng ăn, tưởng con bị sốt thông thường nên chị chỉ cho bé uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên đến ngày thứ ba sau khi phát bệnh thì bé mê man. "Bé ho rất nhiều, trổ ban xong vẫn còn bị sốt cao, uống thuốc không khỏi. Tưởng con bị sốt xuất huyết nhưng khi nhập viện mới biết cháu bị sởi", chị này cho biết.
Nhiều bệnh nhi sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Thiên Chương
Tương tự, trong những ngày qua, khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc bệnh sởi. Mỗi ngày có trung bình gần chục ca nằm viện với các triệu chứng trổ ban đỏ khắp người và sốt mê man.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, đây là hiện tượng hơn 3 năm nay không xảy ra. Lo ngại và đáng báo động là bệnh này còn có thể tăng cao ở mùa sau nếu không có biện pháp dự phòng kịp thời.
Bác sĩ Khanh cũng cho rằng việc phụ huynh không tiêm phòng cho trẻ đúng thời điểm hoặc ngại tiêm trước thông tin văcxin gây biến chứng là nguyên nhân. "Hầu hết những ca mắc bệnh phải nhập viện đều không tiêm phòng, trong khi đó nếu tiêm ngừa thì chỉ trong khoảng 2 tuần, văcxin đã có thể tạo nên kháng thể để phòng bệnh", vị bác sĩ nói.
Cũng theo bác sĩ Khanh, sởi dễ xảy ra khi nhiệt độ thay đổi đột ngột (từ nắng nóng sang lạnh hoặc ngược lại). Sởi lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Bệnh bắt đầu bằng các triệu chứng sốt, ho nhiều, biếng ăn, trổ ban đỏ vẫn còn sốt cao. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể viêm phổi, suy hô hấp, chảy mủ tai (dễ giảm thính lực sau mắc bệnh), các bé cũng dễ bị suy dinh dưỡng khó phục hồi dẫn đến bé còi sau khi mắc bệnh.
Để phòng bệnh, cách tốt nhất là tiêm phòng văcxin. Trẻ có thể tiêm miễn phí ở tháng thứ 9, sau đó được tiêm mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi. Sau khi tiêm từ 7 đến 14 ngày, kháng thể phòng bệnh đã có thể phát huy tác dụng. Những trường hợp chưa tiêm ở tháng thứ 9 vẫn có thể tiêm sau đó mà không bị bất kỳ ảnh hưởng gì.
Bài viết liên quan
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Lựa chọn men tiêu hóa sống cho hệ tiêu hóa…
- Một số phương pháp để bảo vệ dạ dày
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Sinh lý yếu và một số giải pháp cho nam…
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Bị ợ nóng do ăn pizza