Streptococcus suis là cầu khuẩn Gram dương, dựa vào các polysaccharid vỏ vi khuẩn đã được xác định có 35 typ huyết thanh, gây bệnh cho người và lợn chủ yếu là typ 2.
Bệnh ở lợn biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Bệnh ở lợn thường xuất hiện tản phát nhưng cũng có khi bùng phát thành dịch.Thông thường người bị nhiễm vi khuẩn do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn chết hoặc ăn tiết canh, thịt lợn ốm, thịt lợn chết chưa nấu chín.
Ở người, vi khuẩn gây hai bệnh cảnh chính là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong.
I. CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán dựa trên các yếu tố dịch tễ học, bệnh cảnh lâm sàng và xét nghiệm.
1. Các yếu tố dịch tễ học: Khai thác tiền sử có phơi nhiễm trong vòng 10 ngày trước khi bệnh khởi phát:
a) Tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn chết hoặc lợn không rõ nguồn gốc trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển buôn bán, giết mổ, chế biến thịt sống.
b) Ăn thịt lợn ốm, lợn chết hoặc thịt lợn không rõ nguồn gốc chưa được nấu chín như thịt thủ luộc tái, lòng lợn và nội tạng trần, tiết canh, nem chạo, nem chua,…
c) Sống trong khu vực có dịch bệnh ở lợn và gia súc.
Liên cầu khuẩn lợn
2. Lâm sàng
a) Thời gian ủ bệnh:
1-3 ngày, có thể kéo dài tới 10 ngày.
b) Khởi phát cấp tính với các triệu chứng
- Sốt cao có thể kèm theo rét run.
- Mệt, đau mỏi người.
- Đau đầu, buồn nôn và nôn.
- Đau bụng, tiêu chảy.
- Có thể mê sảng, ngủ gà, hôn mê.
- Những trường hợp nhiễm khuẩn huyết có thể xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay, hoại tử đầu chi.
c) Toàn phát: Bệnh biểu hiện dưới 2 thể lâm sàng chính:
– Viêm màng não mủ:
+ Hội chứng màng não: Đau đầu, nôn, cứng gáy, dấu hiệu Kernig dương tính.
+ Chậm chạp, lú lẫn, hôn mê hoặc kích động, co giật.
+ Dịch não tuỷ đục.
– Nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn:
+ Huyết áp tụt (huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc giảm 40 mmHg so với bình thường) hoặc kẹt (hiệu số giữa huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu ≤ 20 mmHg).
+ Nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút, mạch nhỏ, khó bắt.
+ Vã mồ hôi, lạnh đầu chi, nổi vân tím trên da.
+ Thiểu niệu hoặc vô niệu.
+ Các biểu hiện khác có thể gặp:
- Xuất huyết dưới da, niêm mạc, nội tạng.
- Suy thận cấp.
- Suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS).
- Vàng da, gan to.
- Viêm mô tế bào, tắc mạch đầu chi.
3. Cận lâm sàng
a) Xét nghiệm máu
– Công thức máu:
- Số lượng bạch cầu máu ngoại vi tăng, chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính.
- Tiểu cầu có thể hạ trong những trường hợp nặng.
– Xét nghiệm đông máu: Trong thể nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn có thể thấy:
- Tỷ lệ prothrombin giảm.
- Fibrinogen giảm.
- APTT kéo dài.
- Có thể có tình trạng đông máu nội mạch rải rác (DIC): tăng FDP hoặc D-dimer, tiểu cầu giảm < 100.000/mm3, fibrinogen < 1 g/lít.
– Sinh hoá máu: Trong thể nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn có thể thấy:
- Tăng urê, tăng creatinin.
- Tăng men gan (AST, ALT), CK.
- Tăng bilirubin.
- Giảm albumin.
- Toan chuyển hoá (pH giảm, HCO3- giảm), tăng lactat.
b) Xét nghiệm dịch não tuỷ
– Sinh hoá: Protein tăng, thường trên 1g/lít, glucose giảm, phản ứng Pandy dương tính.
– Tế bào: Tăng cao, thường trên 500 tế bào/mm3, chủ yếu bạch cầu đa nhân trung tính.
c) Xét nghiệm vi khuẩn
– Nhuộm Gram soi trực tiếp: Cầu khuẩn Gram dương xếp đôi hoặc xếp chuỗi.
– Nuôi cấy, phân lập và làm kháng sinh đồ dịch cơ thể (máu, dịch não tuỷ,…).
– Kỹ thuật PCR tìm các yếu tố độc lực đặc hiệu (cps2A, mrp, gapdh, sly, ef…) dương tính.
II. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
- Bệnh do não mô cầu.
- Viêm màng não mủ do các căn nguyên khác: Phế cầu, tụ cầu, các liên cầu khác.
- Viêm não vi rút.
- Nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn do các căn nguyên khác.
- Sốt xuất huyết Dengue.
- Các bệnh máu ác tính.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
a) Kết hợp chặt chẽ giữa điều trị bằng kháng sinh và điều trị hỗ trợ.
b) Phát hiện sớm các biểu hiện nặng như sốc, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng để xử trí kịp thời.
c) Cách ly bệnh nhân.
2. Điều trị cụ thể
a) Thể viêm màng não mủ đơn thuần:
– Kháng sinh: Vi khuẩn còn nhạy cảm với nhiều kháng sinh nhóm βlactam như Penicillin G, Ampicillin, các Cephalosporin thế hệ III, … .
Kháng sinh có thể dùng ban đầu là:
- Ampicillin 2g/lần x 6 lần, tiêm tĩnh mạch, cách 4 giờ một lần (trẻ em: 200mg/kg/24 giờ), hoặc/và
- Ceftriaxon 2g/lần x 2 lần, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, cách 12 giờ một lần (trẻ em: 100mg/kg/24 giờ).
Sau 2-3 ngày nên chọc dò dịch não tuỷ lại để đánh giá đáp ứng điều trị. Điều chỉnh kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ và đáp ứng lâm sàng.
Dùng kháng sinh cho đến khi xét nghiệm dịch não tuỷ trở về bình thường hoặc cho đủ 3 tuần.
– Điều trị hỗ trợ:
- Hỗ trợ hô hấp: Những trường hợp hôn mê nên đặt ống nội khí quản sớm để bảo vệ đường thở và để thở máy khi cần.
- Chống phù não: Mannitol 20% 0,5-1 g/kg truyền tĩnh mạch trong 20-30 phút, nhắc lại sau 6 giờ và cần theo dõi sát các triệu chứng lâm sàng.
- Chống co giật: Dùng Diazepam 0,1 mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch hoặc thụt hậu môn (đối với trẻ em). Sau 15 phút, nếu còn co giật thì dùng nhắc lại.
- Chống viêm: Có thể dùng Methylprednisolone 0,5- 1 mg/kg/24 giờ hoặc một corticosteroid tương tự và nên dùng ngay trước khi dùng kháng sinh.
b) Thể nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn:
– Kháng sinh:
- Sử dụng kháng sinh như trong thể viêm màng não mủ.
- Chú ý điều chỉnh liều kháng sinh theo mức lọc cầu thận.
Điều chỉnh kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ và đáp ứng lâm sàng. Có thể phối hợp thêm kháng sinh phổ rộng khác tuỳ từng trường hợp cụ thể.
Đảm bảo thời gian dùng kháng sinh tối thiểu là trong 3 tuần.
– Điều trị hỗ trợ:
+ Hỗ trợ hô hấp: Đảm bảo oxy hoá máu (SpO2 > 92%) bằng thở oxy hoặc thông khí nhân tạo.
- Đảm bảo khối lượng tuần hoàn bằng truyền dịch: Các dịch tinh thể (NaCl 0,9% ; …) và/hoặc dịch keo (Haesteril 6% ; …), đảm bảo albumin máu trên 35 g/lít.
- Điều chỉnh điện giải và thăng bằng kiềm toan.
- Khi áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP) > 12 cmH2O mà huyết áp còn thấp (Huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg) thì dùng thêm các thuốc vận mạch như Dopamin (hoặc Noradrenalin), Dobutamin.
- Có thể dùng Methylprednisolone với hàm lượng như trên. Cần theo dõi đường máu và tình trạng xuất huyết tiêu hoá.
- Ở những nơi có điều kiện nên chỉ định lọc máu liên tục sớm.
- Suy thận: Dùng thuốc lợi niệu như furosemid khi duy trì được huyết áp tối đa > 90 mmHg, chạy thận nhân tạo nếu có chỉ định.
- Ổn định đường huyết 6-7 mmol/l.
- Dự phòng loét stress: Dùng thuốc giảm tiết acid dịch vị kết hợp thuốc băng niêm mạc dạ dày.
- Truyền plasma tươi và khối tiểu cầu khi cần thiết. Duy trì tỷ lệ prothrombin > 50% và số lượng tiểu cầu > 60.000/mm3.
- Khi có xuất huyết mức độ nặng, hemoglobin < 70 g/l cần truyền khối hồng cầu.
- Thận trọng dùng thuốc hạ sốt ở bệnh nhân tăng men gan.
3. Theo dõi và chăm sóc
a) Theo dõi
– Các trường hợp nặng phải theo dõi điều trị tại buồng cấp cứu.
– Theo dõi các dấu hiệu: Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, SpO2, nước tiểu.
– Theo dõi tri giác bằng thang điểm Glasgow.
– Theo dõi tình trạng xuất huyết niêm mạc và nội tạng.
– Đối với các trường hợp viêm màng não, cần theo dõi các dấu hiệu tăng áp lực nội sọ: Đau đầu, nôn vọt, tri giác xấu đi, mạch chậm, huyết áp tăng, đồng tử co giãn bất thường.
b) Chăm sóc
– Tư thế bệnh nhân: Bệnh nhân viêm màng não nên để ở tư thế đầu cao chếch 300 so với thân. Bệnh nhân sốc cần để ở tư thế nằm đầu ngang bằng so với thân.
– Đảm bảo hô hấp: Cho bệnh nhân thở oxy nếu có chỉ định. Hút đờm dãi đảm bảo thông thoáng đường thở.
– Đảm bảo dinh dưỡng: Nếu bệnh nhân không ăn được cần chủ động cho ăn qua ống thông dạ dày, đủ năng lượng và cân đối vi chất.
– Vệ sinh các hốc tự nhiên và thay đổi tư thế nằm, vận động trị liệu, chống loét.
IV. PHÒNG BỆNH
– Phối hợp với ngành thú y kiểm soát bệnh trên lợn, kiểm soát chăn nuôi và giết mổ lợn.
– Người có vết thương ở chân, tay không được tham gia giết mổ lợn.
– Sau khi tham gia giết mổ lợn phải rửa sạch tay bằng các loại dung dịch sát khuẩn.
– Không tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm hoặc lợn chết.
- Khi xử lý lợn ốm, lợn chết phải sử dụng trang bị phòng hộ: găng tay, ủng, khẩu trang, … .
- Không chế biến để ăn thịt lợn ốm, thịt lợn chết và thịt lợn không rõ nguồn gốc.
– Không ăn thịt lợn chưa được nấu chín như thịt thủ luộc tái, lòng lợn và nội tạng trần, tiết canh, nem chua, nem chạo, … .
– Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cho người. Không có chỉ định dùng kháng sinh dự phòng./.
Th.S. Nguyễn Đình Dự
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi