Phát hiện chứng chán ăn
Cô bạn gái của bạn có vẻ gầy đi trông thấy. Cô ấy trông có vẻ mảnh mai, dễ vỡ như tuyết sắp phơi mình dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, lúc nào cô ấy cũng nói với bạn rằng cô ấy khoẻ mạnh. Vậy có phải cô ấy mắc chứng chán ăn ?
Có rất nhiều dấu hiệu cho phép chúng ta nhận biết chứng chán ăn ở ai đó và cả ở bản thân mình. Những dấu hiệu này cũng cho phép chúng ta phân biệt được giữa chứng chán ăn và việc thực hiện chế độ ăn kiêng :
- Nếu một người đang thực hiện chế độ ăn kiêng họ sẽ không ngại ngần nói với bạn về chế độ ăn kiêng của họ và vì sao họ phải ăn kiêng (do bệnh tật, giảm cân…). Và đặc biệt là hầu hết những người ăn kiêng không hề thích thực hiện nó. Ngược lại, nếu đó là người mắc chứng chán ăn, họ đương nhiên cho rằng chế độ ăn của mình là bình thường trong khi vẻ ngoài của họ thay đổi rõ rệt. Và đặc biệt họ rất ngại tiếp xúc với người ngoài
- Những người mắc chứng chán ăn thường hay ủ ê, buồn chán và luôn luôn chán ăn uống ngay cả những món ăn trước đó họ yêu thích. Họ không còn cảm hứng để làm việc, học tập và dần dần, cuộc sống của họ trở nên khép kín. Họ tránh những bữa ăn hàng ngày, thậm chí cả những bữa tiệc, bữa ăn bạn bè… Họ gầy đi trông thấy và dần dần nỗi buồn thay thế cho niềm vui.
- Họ thích vẻ ngoài gầy đi của mình. Hơn nữa, do não sản xuất ra hooc-mon endorphin (hooc-mon mang lại cho chúng ta cảm giác thoải mái) nên họ luôn có cảm giác khoẻ mạnh hơn người khác. Họ vẫn có thể hăng say chơi thể thao mà không ăn cần ăn uống nhưng họ lại luôn hài lòng vì điều đó.
Khi nào chứng chán ăn trở nên nguy hiểm ?
Câu trả lời là ngay khi phát hiện căn bệnh này, nó đã rất nguy hiểm.
Bạn có biết trên thế giới 10% số người mắc chứng chán ăn chết vì căn bệnh này. Ngay khi bạn hoặc người thân, bạn bè, những người xung quanh bạn có triệu chứng mắc bệnh chán ăn, cần phải ngay lập tức có biện pháp điều trị.
Lý do là ngay khi chúng ta nhận thấy một người mắc chứng chán ăn, điều đó có nghĩa là họ đã gặp phải những vấn đề về tâm lý từ trước đó rất lâu. Đừng đợi đến khi người mắc chứng chán ăn trở nên gầy gò hoặc thành bộ xương di động mới cảnh báo họ. Hãy làm điều đó ngay khi bạn nhận thấy những triệu chứng đầu tiên
Thực tế cho thấy hậu quả của căn bệnh này đối với sức khoẻ bệnh nhân là rất nghiêm trọng. 10% người mắc chứng chán ăn tử vong vì căn bệnh này và 30% sẽ mắc căn bệnh này mãn tính. Điều đó có nghĩa là những người này sẽ phải sống suốt đời trong tình trạng thiếu cân, gầy yếu…
Phụ nữ mắc chứng chán ăn mãn tính có nguy cơ không thể có con, xương yếu, rụng tóc… Căn bệnh này cũng để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ tinh thần. Nó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn: kiệt sức gây ra trầm uất và trầm uất càng làm cho cơ thể kiệt sức. Rất nhiều người đã không thể ra khỏi vòng luẩn này khi họ phải chịu đựng nó quá lâu.
Nên nói chuyện với người mắc chứng chán ăn thế nào?
Nếu bạn quen ai đó mắc chứng chán ăn, hãy nói với họ về những lo lắng của bạn trước tình trạng của họ: “Chuyện gì đang xảy ra với bạn? Tôi thấy bạn không được khoẻ, vì sao vậy? Bạn đang giảm cân nhanh chóng, vì sao bạn bỏ bữa?…”. Thậm chí bạn cần nói với họ rằng nếu họ tiếp tục kéo dài tình trạng này họ sẽ chết vì đói.
Nếu có thể, bạn hãy lấy gương những người đã mắc căn bệnh này để họ thấy được hậu quả nghiêm trọng của nó. Từ đó họ sẽ có khái niệm về ngoại hình, về chứng bệnh mà họ mắc phải. Điều này giúp cho người mắc chứng chán ăn, đang sống khép kín, phải nhìn nhận lại mình và cố gắng khắc phục
Đã có những bệnh nhân của căn bệnh chán ăn nói rằng: “Bố mẹ và bạn bè chẳng nói gì với tôi về ngoại hình của tôi. Tôi vẫn tin rằng mình hoàn toàn khoẻ mạnh và chỉ gầy đi đôi chút”. Điều này thật tồi tệ, vì bệnh tình của họ đã trở nên trầm trọng. Đừng để thêm những trường hợp như vậy xảy ra, hãy nói với những người mắc căn bệnh này ngay khi bạn nhận thấy những triệu chứng chán ăn ở họ. Hãy nói rằng bạn lo lắng cho họ. Không nên chỉ trích hay làm họ hoảng sợ. Hãy tiếp thêm cho họ niềm tin để vượt qua căn bệnh này bằng cách động viên họ và đảm bảo với họ mọi việc sẽ ổn nếu họ cố gắng vượt qua.
Làm gì khi người mắc chứng chán ăn yêu cầu bạn bí mật !
Không có cách lựa chọn nào khác là bạn phải từ chối điều đó vì sự im lặng của bạn có thể làm cho bạn của bạn chết vì căn bệnh này. Hãy nói với bạn của bạn rằng: “Nếu tôi không nói điều đó với mọi người có nghĩa là tôi đã đặt bạn vào tình trạng nguy hiểm. Tôi không thể làm điều đó vì tôi không muốn nhìn thấy bạn chết dần chết mòn. Bạn có thể làm những gì bạn muốn nhưng còn tôi, tôi không muốn trở thành người chứng kiến kết cục đó mà không làm gì cả”.
Sau đó, ngay lập tức, bạn hãy trực tiếp nói chuyện với bố mẹ của họ hoặc gọi điện. Hãy báo động họ. Nếu bạn của bạn đang gây ra những phiền muộn cho gia đình (anh ấy/cô ấy đang nghiện rượu…), hãy nói với họ: “Được, tôi không nói với bố mẹ bạn nhưng tôi sẽ đưa bạn đến bác sỹ. Tôi không thể chờ đến khi bạn trở thành bộ xương mới cảnh báo bạn”.
Tại sao thanh thiếu niên dễ mắc bệnh chán ăn ?
Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, cùng với những thay đổi tâm sinh lý là những thay đổi nhanh chóng của cơ thể. Trước đó, các em rất vô tư. Các em ăn khi đói, ngủ khi thấy buồn ngủ. Nhưng khi những thay đổi tâm lý và thể chất diễn ra, các em đôi khi cảm thấy cơ thể rất lạ lẫm. Đặc biệt là các em gái, những thay đổi về vòng 1 và vòng 3… Bên cạnh đó là quan niệm phụ nữ cần phải có thân hình mảnh mai luôn gây sức ép với các cô gái trẻ.
Trên thực tế, thói quen dinh dưỡng không hoàn toàn quyết định cân nặng mà còn có nhiều lý do khác như: thói quen sinh hoạt, thức ăn, tâm lý… Tuy nhiên đối với tuổi thiếu niên, do thiếu kiến thức nên chỉ dùng hình thức hạn chế ăn uống, tập thể thao thật nhiều để giảm cân. Khi chế độ này kéo dài, các em rơi vào tình trạng chán ăn.
Để giúp những người thân, đặc biệt là các em thiếu niên mắc chứng chán ăn, gia đình là nhân tố quan trọng nhất giúp họ vượt qua căn bệnh này.
Khi người lớn chán ăn…
Ăn không biết ngon, thậm chí nghe mùi thức ăn còn buồn nôn. Đó là những biểu hiện thường thấy của chứng chán ăn do căng thẳng đầu óc mà nhiều người quen gọi stress.
Chán ăn do stress làm sụt cân và gầy ốm nhanh chóng, cơ thể suy nhược. Có người phải cầu viện đến thuốc. Tuy nhiên nếu dùng đi dùng lại nhiều lần lại đâm ra sợ độc cho cơ thể và bị nghiện thuốc. Trong nhiều cách để cải thiện tình trạng chán ăn này, thì việc thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đúng với tình trạng sức khoẻ, được xem là có vai trò quan trọng trong phòng chống stress.
Buổi sáng ăn đủ, buổi tối ăn ít
Cung cấp năng lượng trong ngày cần có sự phân bố theo một giờ giấc hợp lý. Buổi sáng ăn đầy đủ để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Thức ăn ăn vào buổi sáng sẽ kích thích dịch vị tiết ra đều đặn trong cả ngày, giúp quá trình tiêu hoá các bữa ăn trưa và chiều tiếp theo.
Buổi tối tốt nhất nên ăn ít, nghỉ ngơi, thư giãn để ngủ tốt hơn. Vận động cơ thể cũng là một yếu tố quan trọng trong phòng chống stress. Vận động nhẹ nhàng, vừa sức để giúp cơ thể chuyển hoá và thải trừ các chất độc trong cơ thể, làm cho cơ thể nhanh nhạy, ức chế các kích thích tâm lý giúp ăn uống ngon miệng. Nên vận động mỗi ngày ít nhất 30 phút và duy trì từ 3-4 lần trong mỗi tuần.
Sau thời gian học tập, làm việc cần nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ, đúng giờ và đủ giấc, nên ngủ sớm trước 10 giờ và tranh thủ ngủ thêm giấc ngủ trưa khoảng 30 phút. Trung bình mỗi ngày cần ngủ đủ 7-8 tiếng để cơ thể tái tạo lại năng lượng và phục hồi sinh lực. Học cách hít thở chậm và sâu để giải toả căng thẳng, tốt nhất kết hợp với tập yoga hằng ngày để cơ thể thư giãn hoàn toàn.
Ngoài ra, để phòng chống stress có hiệu quả, phải sắp xếp công việc hợp lý. Giờ nào việc đó, tránh làm quá sức quá giờ. Giảm bớt tham vọng, giữ tinh thần luôn lạc quan, thoải mái, vui vẻ. Nếu vứt bỏ được một cách dễ dàng những cay đắng, buồn phiền trong cuộc sống cũng có nghĩa là ta đã thực hiện được một bước tiến lớn trong việc thoát khỏi stress
Những thực phẩm đánh tan stress
Thức ăn cần sử dụng là các thức ăn giàu các chất khoáng và vitamin, giúp chống mệt mỏi, làm giảm stress như: Ca, Mg, kẽm, vitamin nhóm B, vitamin C. Ăn thực phẩm có coenzym Q10 để giúp các tế bào tạo năng lượng (cá thu, mè, đậu hạt, đậu hà lan) và các axít amin cần thiết có trong thịt, cá, trứng, nhất là trong hải sản. Thiếu magiê, cơ thể sẽ bị mệt mỏi. Thiếu kẽm làm cho hệ thần kinh dễ bị kích thích, gây khó ngủ và biếng ăn. Nên ăn nhiều rau quả để bổ sung lượng vitamin, khoáng chất cần thiết và nhiều chất xơ giúp tránh táo bón vì bón cũng gây kích thích cơ thể do nhiễm các chất độc từ phân bị ứ lại.
Ăn nhiều thực phẩm có chất bột, giàu đạm nguyên hạt chưa xay xát như: gạo, đậu, lúa mì, ngũ cốc… cung cấp carbohydrate, vitamin nhóm B và đạm thực vật, chuyển hoá chậm, làm giảm tốc độ chuyển hoá và ổn định đường huyết. Các chất béo thiết yếu là nguyên liệu không thể thiếu trong cấu tạo các tế bào thần kinh, giúp vận hành hệ thần kinh, trí nhớ, tự thân cơ thể không tự tổng hợp được mà phải nhận từ thức ăn. Các chất béo thiết yếu cần cung cấp cho não là các loại sau: omega-3 (có trong bí ngô, hạt, dầu cải…); đặc biệt là EPA (eicosapentaenoic acid) và DHA (docosahexaenoic acid) chứa trong cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, tảo, rong biển, trứng…; omega-6 có trong bắp, hạt hướng dương, mè, đặc biệt GLA (gamma linolenic acid), có trong cây hoa anh thảo, tảo lục lam và AA (arachidonic acid) có trong thịt, các sản phẩm sữa, trứng, mực. Để giúp cho não hoạt động tốt, nên có ít nhất ba bữa cá biển trong tuần. Chế độ ăn chay ít cholesterol, ít axít béo bảo hoà, nhiều axít béo chưa bảo hoà cũng có lợi cho cơ thể trong việc phòng chống stress.
Hội chứng chán ăn ở phụ nữ cách phòng ngừa và cách điều trị
Anorexia nervosa là thuật ngữ chuyên môn nói về hội chứng chán ăn tâm thần hay chán ăn tinh thần, thường gặp ở phụ nữ trẻ (khác với những người gầy về thể trạng bẩm sinh, dáng vóc gầy mảnh), gầy hơn tới trên 15% cân nặng so với mức bình thường, kèm theo các dấu hiệu như vô kinh, lo lắng, sợ tăng cân, xanh xao, sợ thịt, cá, thích ăn rau xanh hoa quả và hay buồn nôn, mệt mỏi, người trở nên “siêu mỏng”, mất hết sinh khí, thậm chí phải vào viện.Ví dụ như trường hợp của một phụ nữ Anh tên là Lauren Bailey đã phải nhập viện vì sụt trên 22 kg, đi bộ mỗi ngày tới 12 tiếng và tuy 26 tuổi nhưng người nhỏ thó chỉ bằng đứa trẻ lên 5 và phải nằm viện tới 18 tháng mới qua khỏi cơn nguy kịch.
Hội chứng chán ăn tâm thần là căn bệnh thần kinh mạn tính phổ biến ở các thiếu nữ các nước đang phát triển, có chế độ ăn hạn chế quá mức hoặc tập thể thao quá nhiều, không có cảm giác đói, gầy sút hay mệt nhọc, da vàng, tuyến nước bọt phì đại, lông mày dầy, lông chi nhiều… Có người trải qua giai đoạn phàm ăn sau đó chuyển sang biếng ăn, cũng có thể là do theo đuổi một hình tượng méo mó nào đó về thân thể, cho rằng béo là không hấp dẫn, hoặc muốn có cơ thể giống như các siêu mẫu; hoặc gia cảnh có cha mẹ quá bận mải làm ăn, độc đoán, gia trưởng còn con cái lại muốn thoát khỏi tình trạng này bằng các việc làm “nổi loạn” tự phát.
Dấu hiệu thường gặp ở người mắc bệnh chán ăn tâm thần là tiết thực, ăn uống rất hạn chế, kém ăn, chọn thực phẩm ít năng lượng, thích ăn thực phẩm ít carbohydrat, ít mỡ, ít vitamin khoáng chất, quá quan tâm đến các loại thức ăn tự gây nôn, dùng chất nhuận tràng và lợi tiểu để giảm cân, kể cả luyện tập, như trường hợp chị Lauren Bailey kể trên, đã đi bộ mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ. Về thể chất có thể nhận biết nhanh bằng các dấu hiệu như giảm cân, người siêu mỏng, hồng cầu giảm, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, móng tay dễ gẫy, tóc mỏng, đi đứng liêu xiêu, tắt kinh, táo bón, da khô, tim đập nhanh, huyết áp tụt, khát nước… Luôn từ chối ăn, không có cảm giác đói, mất cảm giác ngon miệng, ít tập trung và luyện tập nhiều, thiếu máu, thiếu sắt, giảm protein huyết tương, dễ bị chuột rút và loãng xương.
Về nguyên nhân gây chứng chán ăn tâm thần được khoa học phát hiện chủ yếu là do nguyên nhân sinh học, mang tính di truyền, nhất là những người có mẹ, chị em mắc bệnh rối loạn ăn uống thì bản thân có rủi ro mắc bệnh cao. Qua nghiên cứu ở các cặp song sinh người ta đã phát hiện thấy điều này, tuy nhiên sự ảnh hưởng của các gen khuyết tật gây bệnh đến nay khoa học vẫn chưa tường hết, ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như do serotone (một nội tiết tố liên qua đến hoạt động của võ não) triệt tiêu tính thèm ăn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Lý do tâm lý ở những người mắc bệnh chán ăn đều rất đặc biệt như có tính tự chủ, tự tin kém, làm việc theo cảm tính và duy trì những ý nghĩ hoàn toàn khác đối với những người bình thường. Nguyên nhân thứ ba là do yếu tố văn hóa xã hội, ví dụ trong văn hóa phương Tây hiện đại, ý tưởng siêu mỏng, siêu gầy luôn luôn được đề cao và chính suy nghĩ lệch lạc này đã làm cho căn bệnh nói trên có thêm đất để phát triển, nhất là khi tôn sùng các thần tượng, người mẫu và hậu qủa do quá gầy, thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng nên việc mắc bệnh là điều khó tránh.
Bệnh chán ăn có thể chẩn đoán bằng cách kiểm tra độ dày lớp mỡ dưới da bụng cơ tam đầu, ngực nách – với nhóm người gầy thể trạng thì không cần can thiệp điều trị vì tuy gầy họ vẫn khoẻ mạnh, thậm chí còn thọ lâu… và nếu phát hiện thấy tâm trạng lo lắng, buồn nôn, có dấu hiệu về rối loạn tâm lý, sinh dục và tình nghi mắc bệnh chán ăn tâm thần thì phải can thiệp, tiến hành một số phép thử test như kiểm tra thể chất, đo chiều cao, cân nặng thị lực nhịp tim đo huyết áp, nhiệt độ cơ thể độ khô da, kiểm tra tim, đo huyết áp, làm các phép thử test trong phòng thí nghiệm (như thử máu) hoặc các phép thử đặc hiệu để kiểm tra điện phân, protein chức năng gan, thận, tuyến giáp và thử nước tiểu. Về tâm lý có thể kiểm tra các thói quen về suy nghĩ, cảm giác về ăn uống dựa trên những câu hỏi-đáp, trắc nghiệm. Cần thiết có thể tiến hành thêm các hình thức chẩn đoán khác như chụp X-quang, kiểm tra xương, phổi tim vv…
Để điều trị hội chúng này, song song với việc đang áp dụng phương pháp dùng thuốc (cần phải khám và đánh giá toàn bộ các nguyên nhân như tinh thần, thể chất và nhất thiết phải tuân thủ theo ý kiến chuyên môn vì đến nay thuốc điều trị bệnh biếng ăn rất hạn chế về hiệu quả, tác dụng phụ lại không lường hết được), người ta áp dụng liệu pháp tâm lý, giúp người trong cuộc tự nhận thức được nguy cơ gây bệnh để thay đổi nhận thức, tự tin và chuyển sang áp dụng những cách sống tích cực hơn; đặc biệt là áp dụng liệu pháp gia đình trong đó những thành viên gia đình có vai trò lớn giáo dục giúp đỡ người bệnh sớm thay đổi nếp nghĩ để giảm bớt bệnh tật. Sau khi đã giải quyết được vấn đề tâm lý, việc áp dụng liệu pháp tăng cường dinh dưỡng, sử dụng thực đơn cân bằng, khoa học, ăn uống đủ chất sẽ phát huy hiệu quả tốt.
Với những người mắc bệnh nặng suy dinh dưỡng từ chối ăn uống, sẽ áp dụng biện pháp đưa người bệnh vào điều trị tại bệnh viện, cho đến khi có thể chuyển sang điều trị ngoại trú.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh và hậu quả đối với sức khỏe, mỗi người cần có kiến thức tối thiểu về căn bệnh nói trên; cũng như có kế hoạch điều trị nghiêm túc nếu lỡ mắc bệnh và nên nói rõ để bác sĩ biết tình trạng bệnh tật của mình…
Chủ động phòng ngừa bằng cách suy nghĩ tích cực về gia đình và xã hội, duy trì thực đơn tích cực cân bằng, đủ chất, và loại bỏ ý nghĩ càng gầy càng đẹp; không nên quá tin vào các tài liệu về cách giảm béo triệt để nhan nhản trên mạng, không nên học tập cách giữ eo của những người siêu mẫu siêu gầy và không nên kết bạn với những người có ý nghĩ muốn giảm cân bằng cách nhịn ăn, bỏ bữa.
Dược sĩ Hưng
BIO KING – SỨC MẠNH MEN TIÊU HÓA
Xem chi tiết tại đây.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi