Vấn đề ăn uống rất được quan tâm, món gì cũng phải có, đầy ắp các món ăn giàu đạm, béo… đến các loại rượu, bia, nước ngọt. Kéo theo đó là một loạt nguy cơ ngộ độc rượu, thực phẩm…
Chú ý vệ sinh thực phẩm
Đây là vấn đề cần ưu tiên, quan tâm hàng đầu trong những ngày Tết. Theo phong tục, thói quen, người dân luôn dự trữ thực phẩm để ăn trong 3 – 4 ngày Tết. Nếu có tủ lạnh, được bảo quản đúng thực phẩm vẫn tươi ngon. Ngược lại, nếu không được bảo quản đúng cách, thực phẩm ôi thiu sẽ rất nguy hiểm cho người dùng.
Vì thế, người dân nên hạn chế dự trữ thực phẩm. Trời lạnh, nhiệt độ ở các tỉnh miền núi phía Bắc xuống thấp, thực phẩm nấu chín vẫn bảo quản được 2 – 3 ngày, nhưng khi ăn cần lưu ý phải nấu sôi lại thật kỹ.
Người dân cũng có phong tục giết lợn, mổ ngày đón Tết. Đây là một nét đẹp văn hóa nhưng trong đó cũng tồn tại tập quán gây nguy hại cho sức khỏe. Ví như việc mổ giết lợn mọi người thường làm món tiết canh lợn. Trong khi đó, món tiết canh rất dễ gây ngộ độc, truyền bệnh vì không được nấu chín. Rất nhiều người đã bị bệnh liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh, thịt lợn chưa được nấu chín dẫn đến nguy kịch tính mạng, thậm chí tử vong do vi khuẩn liên cầu lợn gây bệnh viêm màng não, nhiễm trùng huyết, truyền bệnh giun sán.
Món tiết canh rất dễ gây ngộ độc.
Hay như với gà, gia cầm mùa lạnh thường bị bệnh ốm chết, người dân vì tiếc của và không ý thức được sự nguy hiểm của gà chết nên làm thịt ăn. Việc chế biến, ăn thịt gà chết có thể gây bệnh cho con người, đặc biệt là nếu gà chết vì cúm gia cầm A/H5N1 thì nguy cơ truyền bệnh cho con người rất cao. Trong khi đó, đây là loại bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao, hơn 60% người bệnh mắc loại cúm này đều tử vong.
Vì thế, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết, mọi người cần lưu ý khâu bảo quản thực phẩm để tránh ôi thiu. Trong trường hợp không có tủ lạnh thì cần nấu chín kỹ thực phẩm và mỗi lần ăn lấy ra một chút, trước khi ăn phải nấu kỹ lại và chỉ bảo quản từ 2 – 3 ngày trong điều kiện thời tiết lạnh. Cần để riêng thịt sống và thức ăn chín để tránh lây nhiễm. Trước và sau khi chế biến thức ăn cần rửa tay sạch sẽ với xà phòng. Đặc biệt đảm bảo các món ăn đều được nấu chín trước khi ăn, không ăn đồ tái, sống.
Không uống quá nhiều rượu
Nhâm nhi li rượu ngày Tết, chúc nhau năm mới mạnh khỏe, là tập tục không thể thiếu ở mỗi vùng miền. Nhưng với nhiều người, không chỉ dừng lại để uống cho vui, chúc tụng mà lại lấy cớ ngày Tết để lai rai, chè chén thâu đêm suốt sáng. Việc uống rượu nhiều rất nguy hiểm, ngoài nguy cơ say rượu gây tai nạn thương tích khi đi lại, tai nạn giao thông. Nhất là những người vốn mắc bệnh dạ dày, uống nhiều rượu có thể gây chảy máu đường tiêu hóa, bục dạ dày… rất nguy hiểm cho tính mạng. Ngoài ra, nguy cơ ngộ độc rượu do trong rượu nấu thủ công có nhiều độc tố khiến người bệnh hôn mê, tử vong.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc rượu rất nguy hiểm. Trong 3 tháng cuối năm 2012, trong số 5 ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm thì có tới 2 ca là do ngộ độc rượu gây ra. Rượu người dân thường uống là rượu không rõ nguồn gốc, tự nấu, rồi ngâm đủ các loại củ, rễ cây… có thể chứa những chất độc và gây ngộ độc.
Vì thế, để phòng rủi ro cho sức khỏe, dù vui không khí Tết nhưng mọi người cũng cần tự ý thức, không uống quá nhiều rượu. Không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu ngâm các loại lá cây, rễ cây lạ, có thể chứa độc tố.
Phòng nguy cơ ngộ độc nấm
Theo bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng ngộ độc khiến cả gia đình nguy kịch, thậm chí tử vong do nấm độc rất hay gặp vào mùa xuân, nhất là ở các tỉnh miên núi phía Bắc. Năm nào vào thời điểm này khoa cũng chứng kiến những cái chết thương tâm do ăn nấm. Vì thế, bác sĩ Sơn muốn ”mượn” chuyện ăn uống ngày Tết để cảnh báo tới người dân tuyệt đối không hái nấm hoang về ăn. Vì thời điểm Tết đến xuân về cũng là lúc các loại nấm trong rừng mọc rộ, bà con vẫn có thói quen hái các loại nấm này về ăn và nguy cơ gây ngộ độc rất cao.
Tỷ lệ tử vong do ngộ độc nấm là rất cao.
Với nhiều người dân khu vực miền núi phía Bắc, nấm là món ăn rất phổ biến và họ thường hái các loại nấm trong rừng về ăn. ”Những ca ngộ độc khi nhập viện đều nói, nấm mọc lên từ cây, từ bãi phân trâu, sao mà độc được, ăn rất ngọt, từ trước đến nay ăn nấm đó có sao đâu, sao lần này lại bị? Thực ra, họ cũng ý thức được về nấm độc và thường chỉ những người lớn tuổi, có kinh nghiệm mới dám vào rừng hái nấm để ăn. Nhưng giữa muôn vàn chủng, nhiều chi chít như ”nấm mọc sau mưa” sự nhận dạng nấm độc nhiều khi cũng có sự nhầm lẫn và sự nhầm lẫn này gây nên hậu quả rất đau lòng, một bát canh nấm, một đĩa nấm xào, thậm chí chỉ một chút nước nấm xào cũng có thể lấy đi tính mạng của cả một gia đình”, BS Sơn nói.
Bởi nấm độc thường gây ngộ độc nặng với các biểu hiện đau bụng, nôn, ỉa chảy rất nhiều, sau hai ngày có thể dẫn đến suy gan, suy thận… Càng để lâu, độc tố của nấm ngấm vào máu điều trị càng khó khăn hơn rất nhiều và tỷ lệ tử vong do ngộ độc nấm là rất cao.
”Vì thế, người dân không nên ăn các loại nấm lạ, mọc hoang, không rõ nguồn gốc. Trước khi ăn nên thử trước, cho chó, mèo ăn, sau vài tiếng mà không thấy biểu hiện gì mới nên ăn. Khi đã lỡ ăn loại nấm lạ mà nghi ngờ là nấm độc, cần gây nôn càng sớm càng tốt và cho uống than hoạt tính để giảm nguy cơ ngộ độc và đưa ngay bệnh nhân đến viện cấp cứu”, Bác sĩ Sơn khuyến cáo.
Bài viết liên quan
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Lựa chọn men tiêu hóa sống cho hệ tiêu hóa…
- Một số phương pháp để bảo vệ dạ dày
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Sinh lý yếu và một số giải pháp cho nam…
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Bị ợ nóng do ăn pizza