Phần lớn bệnh nhân tử vong trong vòng 6 tháng đến một năm kể từ khi phát hiện bệnh mà không được điều trị gì. Tử vong thường liên quan đến sự lan rộng tại chỗ của khối u và hậu quả của sự tắc mật và viêm đường mật dẫn đến suy gan.
Ung thư đường mật là bệnh lý ác tính hiếm gặp, chiếm khoảng 2% tổng số các trường hợp ung thư. Tuy nhiên, ung thư đường mật là bệnh lý ác tính phổ biến thứ nhì của gan mật, chỉ đứng sau ung thư tế bào gan.
Nguyên nhân
Cho đến nay bệnh căn của ung thư đường mật vẫn chưa được biết đến, nhưng người ta nhận thấy rằng có một số điều kiện làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đường mật là:
– Viêm xơ đường mật nguyên phát: Hầu hết viêm xơ đường mật nguyên phát xảy ra ở các nước Phương Tây. Đó là một bệnh tự miễn đặc trưng bởi sự viêm mô quanh đường mật mà hậu quả cuối cùng là gây hẹp nhiều điểm của đường mật trong và ngoài gan. Tuy nhiên ảnh hưởng của viêm xơ đường mật nguyên phát đến ung thư đường mật vẫn chưa được biết đến. Một nghiên cứu ở Thủy Điển trên 305 bệnh nhân theo dõi trong 5 năm thấy có 8% tiến triển thành ung thư.
– Bệnh nang đường mật bẩm sinh: Khả năng làm tăng nguy cơ ung thư đường mật của bệnh nang đường mật bẩm sinh (nang ống mật chủ, bệnh Caroli) đã được thừa nhận. Sự thoái hóa ác tính của nang ống mật chủ là rất hiếm nếu được phát hiện và điều trị cắt nang sớm. Tuy nhiên nếu để muộn sau 20 tuổi hoặc điều trị bằng phương pháp dẫn lưu nang thì khả năng ung thư lên đến 15 – 25% số bệnh nhân. Nguyên do dẫn đến ung thư của bệnh nang đường mật là không rõ ràng nhưng người ta thấy có liên quan đến sự bất thường của ống mật tụy chung, làm cho dịch tiết của tụy trào ngược vào đường mật gây viêm đường mật mạn và nhiễm vi khuẩn.
– Sỏi đường mật trong gan và sán lá gan (Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini): Thường xảy ra ở các nước Châu Á. Sỏi đường mật trong gan thường gây viêm mủ đường mật trong gan nhiều lần, gây tắc đường mật trong gan dẫn đến tình trạng viêm mạn đường mật và gây hẹp đường mật và gần 10% chuyển thành ung thư đường mật. Sán lá gan cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đường mật.
Biểu hiện
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của ung thư đường mật là tắc mật. Tình trạng tắc mật kéo dài cuối cùng dẫn đến suy gan, suy dinh dưỡng, suy thận, rối loạn đông máu, viêm đường mật và tử vong.
Triệu chứng
Các triệu chứng khác bao gồm: đau âm ỉ vùng hạ sườn phải, chán ăn, sụt cân…
Khi thăm khám lâm sàng, ngoài vàng da, gan to là dấu hiệu thường gặp nhất. Gan thường to mềm với bờ tù. Gan to, mật độ chắc, bờ sắc là biểu hiện của xơ gan do tắc mật, gặp trong ung thư khu trú ở một ống gan.
Bệnh nhân bị ung thư đoạn vùng quanh bóng Vater có thể có các biểu hiện sau:
– Thiếu máu (do chảy máu rỉ rã vào lòng tá tràng)
– Viêm tuỵ, tiêu phân mỡ (do tắc nghẽn ống tuỵ)
Sốt là triệu chứng hiếm khi xảy ra trong ung thư đường mật ngoài gan. Sốt, nếu có, thường xuất hiện sau các can thiệp đường mật chẩn đoán (PTC, ERCP).
Điều trị
– Mục đích là để giải quyết khối ung thư và hậu quả tắc nghẽn đường mật do nó gây ra.
– Nếu tình trạng bệnh nhân cho phép, việc phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị chọn lựa, có thể giúp chữa lành bệnh.
– Nếu khối u quá lớn, có thể cắt bỏ toàn bộ gan và ghép gan.
Tuy nhiên, khối ung thư đường mật thường đã lan rộng vào thời điểm được chẩn đoán.
+ Hóa trị hoặc xạ trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát.
+ Tuy nhiên lợi ích của các liệu pháp này không rõ rệt lắm khi phẫu thuật đã lấy trọn được khối u, và sinh thiết ở vùng bờ cắt là âm tính.
+ Đa số các trường hợp ung thư đường mật đều đến khám ở giai đoạn quá chỉ định phẫu thuật, do đó bệnh nhân thường chỉ được điều trị bằng hóa trị liệu giảm nhẹ, có hoặc không kèm xạ trị.
+ Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, hóa trị đã được chứng minh là cải thiện chất lượng sống và kéo dài sống còn ở những bệnh nhân ung thư đường mật quá chỉ định phẫu thuật.
+ Các thuốc hóa trị thường được dùng để điều trị ung thư đường mật bao gồm 5-fluorouracil + leucovorin, gemcitabine dùng đơn độc, hay gemcitabine kết hợp với cisplatin, irinotecan, hoặc capecitabine.
+ Một thử nghiệm nhỏ cho thấy erlotinib, một chất ức chế tyrosine kinase có thể có ích đối với những bệnh nhân ung thư đường mật giai đoạn tiến triển.
+ Ở những bệnh nhân không thể cắt bỏ được khối u, nội soi điều trị kèm đặt giá đỡ (stent) có thể tạm thời giúp giảm tắc nghẽn trong đường mật và giảm vàng da.
+ Liệu pháp quang động (photodynamic) bằng chiếu tia Laser nội soi kết hợp với các thuốc hóa trị kích hoạt bằng ánh sáng (light-activated chemotherapy medications) là một chọn lựa cho những bệnh nhân tắc nghẽn đường mật.
Liệu pháp quang động cho thấy có cải thiện về tỉ lệ sống còn và chất lượng sống.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi