1. Bệnh khô da
Biểu hiện: Khô da có thể là một triệu chứng của các bệnh da khác nhau và đôi khi là một bệnh da riêng biệt. Ở thượng bì của da có một enzym quan trọng tham gia vào quá trình sản xuất chất dưỡng ẩm tự nhiên của cơ thể gọi là transglutaminase. Enzym này sẽ bị bất hoạt ở nhiệt độ cao hoặc do việc lạm dụng các loại xà phòng và chất tẩy rửa.
Vào mùa khô, thời tiết lạnh nên mọi người thường có thói quen tắm nước quá nóng, cộng với việc sử dụng nhiều xà phòng và chất tẩy rửa làm cho transglutaminase bị thiếu hụt nghiêm trọng gây khô da, nứt nẻ. Điều này làm bệnh nhân bị ngứa rất nhiều.
Phòng ngừa: Bệnh nhân cần sử dụng các chất dưỡng ẩm da thường xuyên. Đồng thời cần lưu ý không tắm nước quá nóng và hạn chế sử dụng các loại xà phòng tắm thường mà thay vào đó là các loại xà phòng với độ pH phù hợp với làn da khô, nhạy cảm.
Điều trị: Sử dụng các loại dưỡng ẩm khác nhau tùy từng mức độ bệnh.
– Chất dưỡng ẩm bậc 1: chỉ có khả năng băng bịt chống thoát hơi nước như: petrolatum, lanolin, mineral, silicon, kẽm oxyd.
– Chất dưỡng ẩm bậc 2: có khả năng thu hút các phân tử nước từ dưới da đến thượng bì của da như: glycerin, sorbital, urea, alpha hydroxy acid.
– Chất dưỡng ẩm bậc 3: làm ẩm da bằng cách lấp đầy khoảng trống giữa các vảy da bằng những giọt dầu: cholesterol, squalene, acid béo.
– Chất dưỡng ẩm bậc 4: hỗ trợ quá trình trẻ hóa da bằng cách cung cấp cho da những protein cần thiết cho quá trình tái tạo, trẻ hóa da như: collagen, keratin, elastin.
2. Viêm da đầu
Biểu hiện lâm sàng: Là nổi dát đỏ, ngứa nhiều ở hai cung mày, rãnh mũi má và da đầu. Trên da đầu có rất nhiều vảy da (còn gọi là gầu).
-Trong mùa khô hanh, biểu hiện gàu và ngứa da đầu là nguyên nhân chính gây khó chịu cho người bệnh.
Điều trị: Việc điều trị dứt điểm bệnh là rất khó khăn, tuy nhiên có thể điều trị theo từng đợt tiến triển với các loại thuốc bôi và dầu gội có chứa các chất chống nấm như ketoconazole, selenium sulfide.
Phòng ngừa: Để đề phòng tiến triển nặng của bệnh, cần hạn chế các loại đồ ăn cay nóng, hạn chế uống rượu bia và sử dụng các loại dầu gội có các chất chống nấm như đã nói ở trên.
Bệnh viêm da đầu là bệnh da khá phổ biến.
3. Bệnh Cước lạnh
Là một bệnh da có tính chất cơ địa.
Biểu hiện lâm sàng: Là những mảng da nề, cứng, màu đỏ tươi hoặc đỏ tím xuất hiện ở các đầu cực của cơ thể như đầu ngón tay, đầu ngón chân, đỉnh mũi, tai.
– Kèm theo đó là bệnh nhân ngứa rất nhiều. Bệnh thường xuất hiện vào những đợt rét đậm.
– Nữ giới hay gặp hơn nam giới, ngứa càng tăng lên khi bệnh nhân đi tất. Chính điều này làm cho bệnh nhân ngại đi tất, và đầu chi càng lạnh. Đầu chi càng lạnh thì bệnh lại càng nặng hơn tạo thành vòng xoắn luẩn quẩn.
Phòng ngừa: Cần phải giữ thật ấm đôi bàn chân vào mùa lạnh, nhất là những người đã có tiền sử bị cước trước đó.
Điều trị:
- Sưởi ấm vùng da lạnh.
- Uống thuốc chẹn kênh canxi, làm giãn mạch như: thuốc nifedipin, diltiazem.
- Bôi mỡ corticoid: clobethasone, bethametasone…
4. Viêm da tiếp xúc dị ứng
Mùa xuân là mùa có rất nhiều phấn hoa và bụi từ môi trường. Các chất này có thể dễ dàng tiếp xúc với những vùng da hở. Những người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với các loại phấn hoa hoặc bụi có thể bị viêm da tiếp xúc dị ứng.
Biểu hiện: Nổi các dát đỏ, sẩn phù hay nặng hơn là các mụn nước, bọng nước tiết dịch. Bệnh nhân thường ngứa rất nhiều. Thương tổn chủ yếu ở vùng da hở như mặt, tam giác cổ áo, cẳng tay, cẳng chân… Việc phát hiện ra căn nguyên gây viêm da tiếp xúc không phải khi nào cũng dễ dàng.
Phòng ngừa: Với những trường hợp đã xác định được căn nguyên gây viêm da tiếp xúc dị ứng thì phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với căn nguyên như: đeo khẩu trang, đi găng tay mỗi khi phải làm việc trong môi trường có căn nguyên gây bệnh.
Điểu trị: Đối với những bệnh nhân này, cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu.
– Loại bỏ chất gây dị ứng: dùng gạc ẩm thấm tại vị trí tổn thương nhiều lần.
– Bôi thuốc corticoid phối hợp với kháng sinh: vừa chống viêm, vừa phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn.
– Uống thuốc kháng histamin chống dị ứng: chlorpheniramin, loratadin, desloratadin,…
5. Bệnh mề đay
Biểu hiện : Những hiện tượng ban đầu chính là có những vùng da sẩn đỏ, ngứa và khó chịu. Mề đay là một phản ứng viêm của da, có cơ chế phức tạp, trong đó có sự can thiệp của chất trung gian hóa học chính là histamin.
Tuy là một bệnh da phổ biến, rất dễ nhận biết nhưng lại khó phát hiện nguyên nhân dù đã làm đầy đủ các xét nghiệm. Có nhiều yếu tố gây bệnh (bên trong, bên ngoài cơ thể, cơ địa) và trên một bệnh nhân, nhiều khi không chỉ có một mà gồm nhiều yếu tố cùng kết hợp.
Biểu hiện của bệnh mề đay
Phòng bệnh: Những người dễ bị nổi mề đay thường là có cơ địa nhạy cảm, do vậy để phòng bệnh cần lưu ý những điểm sau:
– Đối với nổi mề đay do lạnh, luôn chú ý mặc ấm, hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường lạnh.
– Nếu do ăn uống nổi mề đay thì không nên ăn những thức ăn đó (như thịt gà, cá chép, tôm, cua…).
– Phụ nữ khi sử dụng mỹ phẩm phải thận trọng, lụa chọn những loại mỹ phẩn thích hợp với loại da của mình.
– Khi tiếp xúc với môi trường có nhiều chất độc hại phải đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ lao động.
– Cần giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, hạn chế sự xâm nhập của các loại ký sinh trùng như bọ chét, chấy rận.
– Đặc biệt khi sử dụng các loại thuốc đông – tây y mà không được hướng dẫn của bác sỹ, không chỉ gây ra chứng mề đay mà còn có thể bị ngộ độc thuốc.
Điều trị: Để điều trị hiệu quả chứng mề đay trước hế phải tìm ra được căn nguyên gây bệnh. Tuỳ vào mức độ và nguyên nhân gây ra, mà bác sỹ điều trị bằng thuốc nam hoặc thuốc tây. Nếu bệnh nặng hoặc xuất hiện thường xuyên, người bệnh phải đi khám ở các cơ sở y tế để có hướng xử trí tốt nhất.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi