1. Dấu hiệu và triệu chứng
Hầu hết những bệnh nhân bị nhiễm virus gây viêm não có những triệu chứng nhẹ như nhức đầu, kích thích hoặc mệt mỏi, cũng có thể bệnh nhân không thấy có triệu chứng gì và bệnh cũng không kéo dài lâu. Những trường hợp bệnh nặng sẽ gây ra các triệu chứng như:
– Lơ mơ
– Lú lẫn và mất định hướng
– Tai biến
– Sốt đột ngột
– Nhức đầu nặng
– Nôn và buồn nôn
– Cổ gượng
– Các thóp trên xương sọ phồng lên ở nhũ nhi
Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện tuy nhiên vẫn có một số dấu hiệu quan trọng giúp định hướng chẩn đoán. Các dấu hiệu này bao gồm:
– Nôn mửa
– Thóp phồng (nếu còn thóp)
– Khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế
– Gồng cứng người
Vì viêm não có thể xuất hiện sau hoặc đi kèm với các chứng nhiễm virus nên đôi khi có những triệu chứng đặc trưng của các bênh này trước khi có viêm não. Tuy vậy, viêm não thường xuất hiện mà không có triệu chứng báo trước nào cả.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra viêm não thường gặp nhất là nhiễm virus, trong đó có một số loại virus như: herpes virus, arbovirus lây truyền qua muỗi, ve và những côn trùng khác, virus dại lây truyền qua vết cắn của động vật.
Đường lây truyền bệnh viêm não
Viêm não có 2 thể được chia ra dựa vào 2 đường lây nhiễm của virus vào não:
– Viêm não nguyên phát. Là tình trạng viêm não mà virus xâm nhập trực tiếp vào não và tủy sống. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong năm hoặc ở thời điểm có dịch viêm não.
– Viêm não thứ phát. Là tình trạng viêm não mà virus ban đầu lây nhiễm ở một bộ phận khác của cơ thể rồi sau đó mới đi vào não.
Ngoài ra, nhiễm vi trùng, chẳng hạn như bệnh Lyme, đôi khi cũng có thể gây viêm não, nhiễm ký sinh trùng (chẳng hạn như toxoplasmosis) cũng có thể gây viêm não nhất là ở những người suy giảm hệ miễn dịch.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây viêm não thường gặp:
Herpes virus
Một số Herpes virus gây nhiễm trùng thông thường cũng có thể gây viêm não, bao gồm:
– Herpes simplex virus. Có 2 loại herpes simplex virus (HSV). HSV type 1 (HSV-1) thường gây ra những vết lở loét hoặc phồng rộp ở xung quanh miệng hơn. HSV type 2 (HSV-2) thường gây herpes sinh dục hơn. HSV-1 là nguyên nhân quan trọng nhất gây viêm não có khả năng dẫn đến tử vong tại Hoa Kỳ, nhưng hiếm gặp.
– Varicella-zoster virus. Là loại virus gây bệnh thủy đậu và zona. Nó có thể gây viêm não ở người lớn và trẻ em nhưng thường nhẹ.
– Epstein-Barr virus. Là loại virus herpes gây nhiễm trùng tăng tế bào đơn nhân. Nếu bị viêm não thì thường bệnh ở thể nhẹ nhưng có thể gây tử vong ở một số ít trường hợp.
Nhiễm trùng ở trẻ em
Ở một số ít trường hợp, viêm não thứ phát có thể xảy ra sau khi nhiễm những loại virus đã được ngăn ngừa bằng vaccine ở trẻ em, bao gồm:
– Sởi (Rubeola)
– Quai bị
– Rubella
Ở những trường hợp này, nguyên nhân gây viêm não có thể là do tình trạng quá mẫn – sự phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với những chất lạ.
Arbovirus
Những loại virus lây truyền qua muỗi và ve (arbovirus) trong những năm gần đây đã gây ra nhiều dịch viêm não nổi tiếng. Mặc dù vậy, loại viêm não này cũng khá ít gặp. Dưới đây là chu trình lây nhiễm của virus:
– Những loài mang bệnh từ một ký chủ này đến một ký chủ khác được gọi là các vector. Muỗi là vector lây truyền viêm não từ các sinh vật nhỏ – thường là chim và loài gặm nhấm – đến cho con người.
– Những loài chim sống gần trung tâm vùng nước tù đọng, chẳng hạn như đầm lầy, rất dễ bị nhiễm những virus gây viêm não. Khi chim bị nhiễm, nó mang trong máu một số lượng lớn virus trong một thời gian ngắn trước khi phục hồi và phát triển miễn dịch với bệnh. Nếu chim bị muỗi đốt, con muỗi đó sẽ trở thành vật mang bệnh. Muỗi sẽ truyền bệnh đến con chim kế tiếp mà nó cắn, sau đó bệnh sẽ tiếp tục lây truyền qua nhiều con muỗi khác nữa.
– Thông thường thì chu trình truyền bệnh trên sẽ xảy ra mà không gây ra tác động nghiêm trọng nào đối với các sinh vật đó và không ảnh hưởng đến con người. Điều này một phần là do ký chủ ưu tiên của muỗi là chim và những loài động vật có vú nhỏ, muỗi chỉ xem con người là lựa chọn thứ nhì để đốt.
Nhưng đôi khi những bất thường ở môi trường như sự thay đổi khí hậu hay môi trường sẽ làm gia tăng số lượng chim bị nhiễm cũng như gia tăng số lượng muỗi, và khi đó con người có thể sẽ bị nhiễm. Ở Việt Nam điển hình là viêm não Nhật Bản thường xuất hiện vào mùa hè khi mà lượng muỗi trong môi trường sống đạt mật độ cao nhất trong năm.
3. Các yếu tố nguy cơ
Muỗi không phân biệt đối xử khi đốt do đó bất kỳ ai cũng có thể bị viêm não. Tuy nhiên có một số yếu tố làm cho bạn có nguy cơ nhiều hơn là:
– Tuổi tác. Một số loại viêm não có tỷ lệ và độ nặng cao hơn ở trẻ em và người lớn tuổi.
– Hệ miễn dịch suy yếu. Nếu bạn bị suy yếu hệ miễn dịch – chẳng hạn như ở những người bị AIDS hay HIV – hoặc bạn đang được điều trị ung thư hay ghép tạng, bạn sẽ dễ bị viêm não hơn.
– Vùng địa lý. Đi đến hoặc sống ở những nơi có nhiều muỗi mang bệnh thường làm tăng nguy cơ bị viêm não.
– Hoạt động ngoài trời. Nếu bạn có công việc hoạt động ngoài trời hoặc thích những nơi thoáng khí, chẳng hạn như làm vườn, đi bộ, chơi gold, bạn nên thật cẩn thận chú ý trong mùa dịch viêm não.
– Mùa trong năm. Những tháng nóng của mùa hè là thời gian giao phối chính của chim và muỗi. Do đó, những bệnh có nguồn gốc từ muỗi cũng có tỷ lệ cao vào thời điểm này.
4. Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán viêm não có thể bao gồm những phương pháp sau:
– Chọc dịch não tủy. Một cách thường được dùng để chẩn đoán viêm não là phân tích dịch não tủy bao quanh não và tủy sống. Người ta sẽ đưa 1 cây kim vào phần thấp của cột sống (phía dưới tủy sống) để lấy ra một mẫu dịch não tủy đem đến phòng xét nghiệm phân tích.
Việc phân tích này có thể phát hiện ra được sự hiện diện của nhiễm trùng hoặc tăng số lượng bạch cầu (là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của bạn đang chiến đấu chống lại nhiễm trùng). Dịch não tủy có thể hơi lẫn máu nếu như có xuất huyết. Chẩn đoán viêm não do herpes simplex có thể khó khăn, nhưng những tiến bộ trong việc sử dụng phương pháp DNA có thể cho phép phát hiện ra loại virus này trong dịch não tủy.
– Điện não đồ (Electroencephalography – EEG). Là phương pháp đo các sóng hoạt động điện của não, thường được dùng để chẩn đoán và kiểm soát các bệnh gây tai biến. Một số điện cực nhỏ sẽ được gắn vào đầu bằng hồ hoặc bằng một nón dẻo.
Bạn cần ngồi yên trong khi do, tuy nhiên cũng có những lúc bác sĩ có thể yêu cầu bạn thở sâu và đều trong vòng vài phút hoặc nhìn chăm chú vào một bảng được trang trí.
Cũng có những thời điểm, bạn sẽ thấy có ánh sáng chớp bên trong mắt. Những động tác trên có mục đích kích thích não. Các điện cực sẽ mang những tín hiệu từ não đến máy EEG, máy sẽ ghi nhận lại và vẽ ra thành biểu đồ trên giấy. Kết quả EEG bất thường có thể gợi ý đến viêm não tuy nhiên nếu nó cho kết quả bình thường thì cũng không thể loại trừ được viêm não.
– Chụp hình não. CT hoặc cộng hưởng từ (MRI) có thể cho thấy sự phù nề bên trong não. Hoặc nó cũng giúp tìm ra những bệnh khác có những dấu hiệu và triệu chứng tương tự như viêm não, chẳng hạn như lú lẫn. Nếu nghi ngờ viêm não, thường các bác sĩ sẽ cho chụp hình não trước khi chọc dịch não tủy để tìm bằng chứng có sự tăng áp lực nội sọ.
– Sinh thiết não. Trong một số ít trường hợp, nếu như không thể chẩn đoán được viêm não do herpes simplex khi dùng phương pháp DNA hoặc CT hay MRI, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ của não ra để phân tích xem có virus bên trong hay không. Bác sĩ cũng có thể điều trị thử với những thuốc kháng virus trước khi thực hiện sinh thiết não.
– Xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể xác định sự hiện diện của virus miền Tây sông Nile bên trong cơ thể bạn bằng cách lấy một mẫu máu để đưa đến phòng xét nghiệm kiểm tra. Nếu có loại virus này bên trong cơ thể, kết quả phân tích máu sẽ cho thấy có sự gia tăng nồng độ kháng thể của virus, xét nghiệm DNA cho kết quả (+) hoặc kết quả cấy máu (+).
5. Điều trị và phòng ngừa bệnh
Điều trị
Điều trị viêm não cần được thực hiện tại bệnh viện có đủ phương tiện theo dõi cũng như can thiệp kịp thời. Điều trị gồm theo dõi và kiểm soát huyết áp, tần số tim, hô hấp, rối loạn nước-điện giải và nhất là chống phù não.
Ngoại trừ trường hợp viêm não do herpes simplex virus, hấu hết các trường hợp viêm não không cần dùng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng. Có thể dùng corticosteroid, các dung dịch ưu trương để điều trị phù não. Các thuốc an thần và chống co giật sử dụng khi có co giật.
Trong trường hợp nặng có rối loạn hô hấp, tuần hoàn, bệnh nhân cần điều trị tích cực như thông khí nhân tạo, chống sốc…
Điều trị phục hồi chức năng cho những bệnh nhân có di chứng.
Phòng ngừa
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm não là tránh những loại virus gây ra nó, bao gồm thực hiện các bước ngừa herpes sinh dục, bảo đảm bạn và con bạn đã được tiêm ngừa đầy đủ bệnh thủy đậu, sởi (rubeola), quai bị và rubella.
Để tự bảo vệ mình và gia đình chống lại viêm não do muỗi cắn, trong suốt thời gian có thể xảy ra dịch bạn nên:
– Mặc quần áo bảo vệ. Bạn nên mặc áo tay dài và quần dài khi đi ra ngoài trời vào khoảng thời gian từ lúc chạng vạng tối đến bình minh.
– Dùng thuốc đuổi muỗi. Cơ quan bảo vệ môi trường phát hiện ra rằng chỉ có 2 sản phẩm là DEET và picaridin là có hiệu quả trong việc chống côn trùng cắn. Khi bạn đi ra ngoài trời, đặc biệt là vào khoảng thời gian từ lúc chạng vạng tối đến lúc bình minh là thời điểm mà muỗi hoạt động mạnh nhất, hãy bôi những sản phẩm có thành phần là một trong những chất trên ở bên ngoài áo quần và ở vùng da không bị che chắn.
Đừng xịt lên mặt mà hãy xịt vào tay rồi sau đó mới bôi lên mặt. Đừng bôi DEET lên tay trẻ con vì chúng có thể bỏ tay vào miệng hoặc quẹt lên mắt. Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyên những bật cho mẹ không nên sử dụng thuốc đuổi côn trùng trên trẻ nhũ nhi nhỏ hơn 2 tháng tuổi. Thay vào đó, hãy che chắn cho trẻ hay xung quanh xe đẩy thật cẩn thận khi ra ngoài.
– Tránh muỗi. Cố tránh những hoạt động ở những khu vực có nguy cơ gặp muỗi nhiều nhất nếu không cần thiết. Ngoài ra, nên tránh đi ra ngoài trời từ lúc chạng vạng đến bình minh nếu có thể vì đây là khoảng thời gian muỗi hoạt động mạnh nhất.
– Ngăn không cho muỗi vào nhà. Lấp lại những lỗ ở cửa ra vào và cửa sổ.
– Giải phóng những khu vực nước tù đọng quanh nhà. Vì đây có thể là nơi muỗi đẻ trứng. Làm sạch cống rãnh, bồn hoa, và tất cả những thùng chứa có thể có chứa nước lâu ngày v.v…
– Nuôi những động vật ăn muỗi. Chẳng hạn như bỏ vào hồ cá những loài cá có thể ăn muỗi.
– Quan sát bên ngoài để phát hiện ra những dấu hiệu của nhiễm virus. Nếu bạn chú ý thấy có chim bị chết, hãy báo cho nhân viên y tế địa phương.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi