1. Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa
Triệu chứng của xuất huyết phụ thuộc vào nguyên nhân, vị trí chảy máu và mức độ mất máu. Thông thường gặp các dấu hiệu sau:
– Nôn ra máu: Là triệu chứng thường gặp, chảy máu dạ dày – tá tràng thường nôn ra máu đen lẫn cục hoặc lẫn thức ăn. Chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản thường nôn ra máu ồ ạt, máu đỏ tươi, số lượng nhiều, thường nặng và tỷ lệ tử vong cao.
– Đi phân ngoài đen hoặc có máu: Phân đen như bã cà phê, mùi khắm, thường lỏng; phân có máu tươi có thể do chảy máu nhiều như trong vỡ giãn tĩnh mạch thực quản hoặc chảy máu ở đoạn thấp của đường tiêu hóa.
– Các triệu chứng do mất máu: Mất máu kéo dài làm ảnh hưởng tới toàn trạng, bệnh nhân thường xanh xao, yếu mệt, hoa mắt, chóng mặt; trường hợp mất máu mức độ nặng thường kèm theo triệu chứng sốc: da xanh tái, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp hạ, tiểu ít, khó thở, có thể co giật…
2. Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa
Có rất nhiều nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, xơ gan mất bù, do dùng thuốc, do ung thư dạ dày… Tùy theo nguyên nhân mà chiến thuật xử trí và điều trị sẽ khác nhau. Có thể chia xuất huyết tiêu hóa làm hai nhóm chính là xuất huyết tiêu hóa trên (từ góc Treitz trở lên) và xuất huyết tiêu hóa dưới (dưới góc Treitz đến hậu môn).
Xuất huyết tiêu hóa trên
– Do loét dạ dày hành tá tràng: Đó là nguyên nhân hay gặp nhất, máu chảy ra dưới hình thức: nôn ra máu, đại tiện phân đen và đại tiện phân đen tiềm tàng. Chảy máu với đặc điểm khối lượng máu thường nhiều, xảy ra nhiều lần có thể gây ra tình trạng thiếu máu trầm trọng; kết hợp với các triệu chứng khác như đau ở vùng thượng vị có chu kỳ… chẩn đoán bằng nội soi dạ dày.
Các ổ loét ở thực quản, dạ dày, tá tràng
– Do tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Hiện tượng này gặp trong các bệnh xơ gan, hội chứng Bannti, hội chứng Budd – Chiari (tắc tĩnh mạch trên gan): máu ở hệ tĩnh mạch cửa bị cản trở sẽ qua những đường bàng hệ để trở về tĩnh mạch chủ dưới phần bàng hệ phình giãn và tăng áp lực. Đặc điểm của loại chảy máu này là: máu tươi, màu hơi đen vì là máu tĩnh mạch; khối lượng thường rất nhiều và không lẫn thức ăn; kết hợp với các triệu chứng khác như tuần hoàn bàng hệ dưới da bụng, cổ trướng, lách to.
– Một số nguyên nhân ít gặp hơn như ung thư dạ dày, viêm dạ dày cấp, viêm loét trợt thực quản, hội chứng Malôri-Oét, urê máu cao, ngộ độc chì, ngộ độc thủy ngân…
Xuất huyết tiêu hóa dưới
Xuất huyết từ đại tràng: Là loại chảy máu thường gặp trong chảy máu tiêu hóa thấp. Các nguyên nhân hay gặp bao gồm:
– Lỵ trực khuẩn: Thường xảy ra ở trẻ em có yếu tố dịch tễ kèm theo. Lâm sàng có hội chứng nhiễm khuẩn có thể nhiễm độc với sốt cao, đau quặn bụng dữ dội, đại tiện nhiều lần 15 – 20 lần/ngày, kèm mót rặn và đau hậu môn. Phân lỏng, rất ít hoặc chỉ toàn máu, màu đỏ sẫm như máu cá hoặc nước rửa thịt.
– Lỵ a míp: Bệnh cảnh lâm sàng thường nhẹ với sốt nhẹ, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và vùng hạ vị; đại tiện phân nhầy máu, thường máu chỉ dính quanh phân có màu đỏ tươi, kèm dấu mót rặn và đau hậu môn sau đại tiện.
– Ung thư đại tràng: Là bệnh lý thường gây chảy máu tiêu hóa thấp ở người già. Ung thư đại tràng phải thường kèm theo dấu đại tiện phân lỏng và máu đỏ sẫm. Ung thư đại tràng trái thường là dấu hiệu táo bón, đại tiện phân máu tươi; còn ung thư trực tràng hậu môn thường kèm theo dấu hiệu kích thích đại tiện nhiều lần hoặc nhiều khi chảy máu hậu môn một cách tự nhiên.
– Viêm loét đại trực tràng chảy máu: Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trẻ, với biểu hiện từng đợt bao gồm sốt, đau khớp, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và đại tiện ra máu, thường là máu tươi.
Ngoài ra còn có thể gặp chảy máu trong trĩ, polyp, nứt kẽ hậu môn, Crohn đại – trực tràng…
Xuất huyết từ ruột non: Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu ở ruột non, và thông thường xuất huyết ở ruột non là một trong các bệnh lý khó phát hiện nhất.
– Thương hàn: Ngoài những triệu chứng của bệnh cảnh thương hàn, biến chứng chảy máu thường xảy sau 1 – 2 tuần do biến chứng loét ruột, có thể kèm theo biến chứng thủng ruột. Bệnh nhân đau bụng, đại tiện phân có màu đỏ gạch hoặc đỏ sẫm. Ngoài điều trị chảy máu cần chú ý điều trị thương hàn.
– Viêm ruột xuất huyết hoại tử: Đây là một cấp cứu nội – ngoại khoa. Bệnh cảnh thường là nặng nếu xảy ra ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng là tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốt cao 40 – 41oC. Đau và trướng bụng, đại tiện phân đen mùi thối khắm. Điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch, cân nhắc điều trị ngoại khoa khi có biến chứng.
– Bệnh Crohn: Thường gặp là tổn thương vùng hồi manh tràng với đau bụng, đại tiện phân lỏng từng đợt kèm theo sốt, máu lắng tăng. Biến chứng chảy máu thường gặp vào giai đoạn 2 hoặc 3 của bệnh với tổn thương loét hoặc rò thủng vách ruột. Điều trị bằng kháng sinh, corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.
Ngoài ra, còn có thể gặp chảy máu ruột non từ các nguyên nhân hiếm gặp khác như: lồng ruột, loét túi thừa Meckel, lao ruột, ung thư ruột non, hoặc chảy máu từ ruột non trong bệnh lý chảy máu toàn thể như trong sốt xuất huyết, bệnh bạch cầu cấp, hội chứng urê máu cao…
Túi thừa Meckel bị viêm loét gây đi ngoài phân đen
3. Điều trị và phòng bệnh
Điều trị
Điều trị xuất huyết tiêu hóa tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ, nguyên nhân, vị trí chảy máu. Ngoài việc điều trị triệu chứng, ổn định các chức năng sống khi bị mất máu nặng, kết hợp dùng các thuốc co mạch, giảm tiết, kháng sinh… bệnh nhân có thể được chỉ định nội soi can thiệp, qua đó rất nhiều trường hợp xuất huyết đã được xử trí tốt như: xử trí xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày – tá tràng, xử trí giãn tĩnh mạch thực quản bằng thắt vòng cao su… Ở nước ta hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được thủ thuật này. Việc điều trị nội khoa đặc hiệu, làm thủ thuật hoặc phẫu thuật cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa có thể được chỉ định khi có sự cân nhắc của thầy thuốc chuyên khoa.
Phòng bệnh
Phòng bệnh cần không uống rượu bia và hút thuốc, không dùng các thuốc và thức ăn có hại cho dạ dày, nên ăn tăng cường chất xơ và rau quả. Trong đợt xuất huyết cần dùng các thức ăn mềm, ăn thành nhiều bữa trong ngày.
4. Chế độ ăn cho người xuất huyết tiêu hóa
Sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày và chống tăng tiết acid dịch vị.
– Thức ăn giảm tiết acid dịch vị: mật ong, đường, bánh quy, dầu thực vật…
– Thức ăn trung hòa acid dịch vị: sữa, trứng.
– Thức ăn bọc hút niêm mạc dạ dày, ít mùi vị: gạo nếp, bột sắn, khoai, bánh mỳ.
– Ít xơ sợi như rau củ non.
– Đồ uống: nước chín, nước chè loãng.
– Chế biến thức ăn nên hấp luộc, nấu chín hầm nhừ, nghiền nát hoặc xay nhuyễn để giảm kích thích tiết dịch vị và được vận chuyển nhanh qua dạ dày.
Hạn chế hoặc không sử dụng thức ăn, nước uống gây kích thích niêm mạc dạ dày.
– Các loại nước sốt, nước luộc thịt, dăm bông, lạp xường, xúc xích.
– Thức ăn cứng dai, nhiều xơ sợi: Thịt có gân, sụn, rau sống, rau quả nhiều chất xơ.
– Thức ăn chua, dưa cà, hành muối, hoa quả chua.
– Gia vị, dấm ớt, tỏi, hạt tiêu.
– Rượu, chè, cà phê đặc.
Cách ăn uống để tránh kích thích niêm mạc dạ dày.
– Chia thức ăn làm nhiều bữa trong ngày để nương nhẹ chức năng tiêu hóa của dạ dày.
– Ăn điều độ, không để quá đói hoặc ăn quá no.
– Không ăn thức ăn quay, rán.
– Thức ăn không quá nóng hoặc quá lạnh vì làm cho dạ dày co bóp mạnh. Nhiệt độ thức ăn, nước uống thích hợp là 40o-50oC.
Cần tái khám theo quy định của bác sĩ để đảm bảo quá trình điều trị hiệu quả.
Dược sĩ Hưng
BIO KING – SỨC MẠNH MEN TIÊU HÓA
Xem chi tiết tại đây.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi