1. Nguyên nhân và triệu chứng
Trước năm 1983, những yếu tố sau đây thường được cho là nguyên nhân của viêm dạ dày mạn tuổi; yếu tố di truyền; các yếu tố miễn dịch; yếu tố nội tiết; bệnh hệ thống; nguyên nhân bên trong dạ dày; các yếu tố ngoại lai; chế độ ăn… Tuy nhiên, từ năm 1983, Barry Marshall và Robin Warren đã chứng minh được vi khuẩn HP là tác nhân chính gây viêm dạ dày mạn và loét dạ dày tá tràng.
Không có dấu hiệu: Ở những quần thể khác nhau không có triệu chứng về tiêu hóa, tỷ lệ có viêm dạ dày mạn trên xét nghiệm mô bệnh học là từ 29 – 60% chung cho mọi lứa tuổi. Điều này có liên quan đến tỷ lệ nhiễm HP, ước tính khoảng trên 50% dân số các nước trên thế giới và hầu như người bị nhiễm chưa từng được chữa trị.
Vi khuẩn HP gây viêm dạ dày mạn và loét dạ dày tá tràng
Có hội chứng rối loạn tiêu hóa: Hay có những rối loạn sớm sau bữa ăn. Đau thượng vị, thường có cảm giác khó chịu, nặng bụng thường xuyên, trướng bụng sau bữa ăn. Trước kia người ta phân ra 2 loại hội chứng là hội chứng rối loạn tiêu hoá giảm trương lực (đầy hơi trướng bụng, tức bụng, ợ chua, buồn nôn, chán ăn) và hội chứng rối loạn tiêu hóa cường trương lực (nóng rát thượng vị, sau ức ngay sau bữa ăn, uống các thuốc kiềm vào không đỡ. Nôn ra thức ăn hoặc dịch vị). Những triệu chứng này hiện được mô tả trong phức hợp triệu chứng của rối loạn tiêu hóa chức năng mạn tính.
2. Biến chứng của viêm dạ dày mạn
Viêm dạ dày mạn nông chuyển thành viêm teo: Nguy cơ xuất hiện viêm teo từ viêm dạ dày mạn không teo là khoảng 3%. Viêm dạ dày teo là một bệnh nặng, song ít được chú ý vì nó tiến triển chậm và nguy cơ loét dạ dày, ung thư dạ dày sẽ xảy ra khi bị viêm teo nặng.
Biến chứng thông thường: Có 3 loại biến chứng thông thường có thể xảy ra: xuất huyết: thường là do uống các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), nhất là ở người có niêm mạc kém bền vững do quá trình viêm teo mạn; thiếu máu do nhiều cơ chế (thiếu sắt thường hay gặp, hiếm hơn là thiếu vitamin B12 dạ dày vô toan, kém hấp thu và rối loạn vi khuẩn chí.
Loét dạ dày, loét tá tràng: Ung thư dạ dày: viêm dạ dày mạn teo được coi như một yếu tố dẫn đến ung thu dạ dày. Nguy cơ bị ung thư dạ dày tăng lên khi có viêm teo các tuyến nặng ở hang vị (gấp 18 lần so với dạ dày bình thường) và nhất là viêm teo nặng ở cả hang vị và thân vị dạ dày (gấp 90 lần so với dạ dày bình thường)
3. Điều trị bệnh
Không có điều trị đặc hiệu chung cho viêm dạ dày mạn mà cần tìm nguyên nhân để có hướng điều trị. Bệnh nhân bị viêm dạ dày mạn cần tránh: rượu, thức ăn cay chua, các thuốc corticoid, aspirin và thuốc giảm đau không steroid. Có thể dùng các thuốc kháng acid, chống H2, PPI trong các trường hợp viêm dạ dày mạn không tìm thấy HP. Trường hợp dạ dày vô toan thì tiêm vitamin C sẽ cải thiện hấp thu chất Fe, tiêm vitamin B12 để dự phòng bệnh thiếu máu ác tính.
Trường hợp có triệu chứng: Đa số trường hợp viêm dạ dày mạn có nguyên nhân bị nhiễm HP (hiện nhiễm hoặc trong quá khứ). Nếu không xác định mô bệnh học được thì thường không chẩn đoán viêm dạ dày mạn hỉ dựa trên triệu chứng lâm sàng. Thường chẩn đoán và điều trị theo triệu chứng nổi trội của một hội chứng như rối loạn tiêu hóa chức năng không có loét; bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) hoặc một hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HP trong các thể bệnh này thường khoảng từ 45-60%. Vì vậy, những trường hợp viêm dạ dày mạn hiện đang có nhiễm HP dù không có triệu chứng thì hướng điều trị diệt HP vẫn là hợp lý vì loại bỏ một nguồn gốc tiếp tục gây viêm dạ dày mạn nặng hơn có thể dẫn đến các hậu quả xấu như loét và ung thư. Điều trị diệt HP theo phác đồ 3 thuốc (1 thuốc PPI + 2KS) trong 1-2 tuần.
Sau khi diệt HP, nếu các triệu chứng còn tồn tại thì tùy chẩn đoán triệu chứng nổi trội mà xử trí:
– Trong hội chứng rối loạn tiêu hóa chức năng không loét: dùng các thuốc chống co thắt như: trimebutine (debridat); no-spa; mebeverine (duspataline); spasmaverine…; dùng thuốc đồng vận (prokinetic) như: domperidone, metoclopramid .
– Trong trào ngược dạ dày thực quản: chủ yếu dùng các thuốc PPI, chống thụ thể H2.
– Trong hội chứng ruột kích thích (IBS): thuốc tác động hệ thần kinh cảm thụ ngoại vi tegaserod.
4. Một số món ăn, bài thuốc cho người bệnh viêm dạ dày mạn tính
Để chữa trị hiệu quả bệnh viêm dạ dày mạn, bên cạnh việc dùng thuốc thì phải kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp. Trước hết người bệnh cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê đặc hoặc trà đặc. Ăn uống phải đúng giờ, ăn những thứ dễ tiêu hóa. Không nên ăn chua, ăn nguội, quá nóng, quá cay và đồ khô rắn, tránh để đói hoặc no quá. Khi ăn phải nhai chậm, nhai kỹ. Nên ăn nhiều bữa và số lượng thức ăn trong mỗi bữa có thể ít đi. Hạn chế ăn các thực phẩm ướp hoặc xào rán, ít ăn các thực phẩm mặn và các loại bánh quá ngọt.
Món ăn, bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm dạ dày mạn tính
Bài 1:Tiểu hồi hương 6g, gừng tươi 6g, sắc lấy nước, cho thêm 100g gạo tẻ nấu thành cháo loãng. Dùng cho người bị viêm dạ dày mạn tính, yếu lạnh đau bụng.
Bài 2: Dạ dày lợn 1 bộ, rửa sạch, đậu tương 100g, thêm nước vừa đủ, đun nhừ chia bữa ăn. Dùng cho người viêm dạ dày mạn tính, sức khỏe kém.
Bài 3: Hoài sơn dược 100g, kê nội kim sống 100g, bán hạ ngâm dấm 60g, triết bối mẫu 40g, nghiền thành bột, mỗi lần 3g, uống với nước, ngày 3 lần.
Bài 4: Dạ dày dê một cái hầm với gừng tươi, riềng và nhục quế (lượng vừa đủ), chia ăn vài lần trong ngày.Dùng cho người bị viêm dạ dày mạn tính thể tỳ vị hư hàn.
Bài 5: Một ít hạt súng, hạt sen, hồng táo, hoài sơn dược, ý dĩ nhân, đẳng sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo nghiền thành bột, mỗi lần lấy 30g, cho vào nước để nóng hoặc cho vào cháo ăn.
Các món ăn, bài thuốc trên có thể ăn 3 – 5 lần, sau đó nghỉ 1 tuần lại dùng tiếp.
Bài viết liên quan
- Điều trị thoái hóa khớp với liệu pháp hay
- U xơ cổ tử cung và một số thông tin…
- Những điều cần biết về chứng nóng gan
- Phòng ngừa táo bón cho trẻ trong độ tuổi đi…
- Điều cần biết về bệnh Viêm loét dạ dày
- Nguyên nhân nào khiến trẻ bị thiếu cân?
- MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM HỖ TRỢ CẢI THIỆN THỊ…
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Cứng khớp do thiếu canxi