HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN: 1900545562 (Từ: 8:00 - 17:00)

    Kiến thức giới tính

    Chương 14 : Các Bệnh Lây Truyền Qua Đường Tình Dục

    Chỉ vài thập niên trước đây, người dân còn đánh giá quá thấp những bệnh lây truyền qua đường tình dục, hay những bệnh truyền từ người sang người thông qua hoạt động tình dục. Còn được gọi là “venereal diseases” – bắt nguồn từ từ “Venus,” thần tình yêu — con người đã sai lầm khi tin rằng tất cả những bệnh lây truyền qua đường tình dục đều có thể dễ dàng chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh, họ cho đó là những điều gây khó chịu hơn là những căn bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe.

    Thực Tế Về Hoạt Động Tình Dục Ở Con Người

    Tác giả : Bác Sĩ George D. Zgourides, Thạc Sĩ Christie S. Zgourides. 

    Dịch viên: Nguyễn Hồng Trang 

    CHƯƠNG 14 : CÁC BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC

    Thời gian và kinh nghiệm đã mang về nhà quan điểm sai lầm đó. Không ai trong chúng ta có thể chịu nổi sự ngu dốt khi phải đối mặt với những nỗi đe dọa gây ra bởi các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, viêm gan, heper sinh dục và bệnh lây do virút. Thực tế, vũ khí hiệu lực nhất để chống lại sự gia tăng nhanh chóng của những bệnh này chính là kiến thức.

    Với nhiều sự thay đổi cơ bản xuất hiện ngày nay, xã hội có thể và phải chú ý đến vấn đề liên quan đến sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tình dục và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngày nay, người Mỹ phải bác bỏ những quan niệm xã hội sai lầm; bệnh lây truyền qua đường tình dục không phải là những bệnh dành cho người nghèo hay người thiếu giáo dục mà thực tế nó tồn tại ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, ở mọi trình độ, mức thu thập, và chủng tộc. Thứ hai, việc nhiễm bệnh không phải bắt nguồn từ chỗ ngồi bẩn ở nhà vệ sinh hay từ những tiếp xúc bình thường mà nó bắt nguồn từ sự thân mật, và tiếp xúc tình dục — thậm chí ở “lần đầu tiên”. Nguy cơ gây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục lớn nhất là việc có quan hệ tình dục với nhiều người, đặc biệt là khi quan hệ không có biện pháp bảo vệ. Thứ ba, các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể chuyển từ người này sang người kia mà không cần phải có quan hệ tình dục thực sự giữa dương vật và âm đạo. Những vấn đề phức tạp khác là các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường không có triệu chứng, nó khiến cho nhiều người mắc sai lầm khi coi thường việc bảo vệ phòng chống bệnh và điều trị bệnh. Nếu như sự đau nhức và bêu riếu của xã hội không đủ để mọi người xem các bệnh lây truyền qua đường tình dục một cách nghiêm túc, thì cần phải biết rằng những bệnh này thường gây ảnh hưởng xấu đến các cơ quan sinh sản, nó có thể gây vô sinh và thậm chí dẫn đến chết người.

    Mặc dù xã hội ngày càng được giáo dục tốt hơn về các bệnh lây truyền qua đường tình dục cụ thể, nhưng đa số các bệnh này vẫn còn là điều bí ẩn đối với công chúng. Không còn nghi ngờ gì nữa các bệnh lây truyền qua đường tình dục tiếp tục vẫn là bệnh dịch đối với nhân loại. Vì lý do này, chúng tôi xin được trao đổi về những bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn, virút, và ký sinh trùng, cũng như dotrùng màng uốn roi trichomonas và nấm candida.

    Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục

    NHIỄM BỆNH DO VI KHUẨN

    Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục do các sinh vật đơn bào cực nhỏ, được gọi là vi khuẩn (bacteria) gây ra. Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến có nguyên nhân từ vi khuẩn là bệnh lậu (gonorrhea), viêm niệu đạo (nongonococcal urethritis), viêm cổ tử cung(nongonococcal cervicitis), bệnh chlamydia, và bệnh giang mai (syphilis).

    Bệnh lậu

    Một trong những căn bệnh tình dục phổ biến nhất ngày nay là bệnh lậu (gonorrhea). Vì ở Mỹ, còn nhiều trường hợp bệnh không được báo cáo nên các Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Dịch ước tính rằng có khoảng 5 triệu ca nhiễm bệnh mỗi năm. Bệnh lậu gây ra bởi vi khuẩn lậu Neisseria. Vi khuẩn này phát triển mạnh ở màng nhầy (màng bảo vệ ẩm ướt ở tất cả các miệng, lỗ của cơ thể), nên các vùng sinh dục là nơi trú ngụ lý tưởng cho các vi khuẩn này sinh sôi nảy nở.

    Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh lậu đều từ quan hệ tình dục. Do diện tích tiếp xúc của lớp lót nhầy ở âm đạo của phụ nữ lớn hơn của nam giới nên phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm lậu cao hơn nam giới. Hầu hết phụ nữ (gần 80%) không thể hiện triệu chứng gì khi nhiễm bệnh và họ không biết mình mắc bệnh cho đến khi người bạn tình bị lây bệnh thông báo cho họ biết hay cho đến khi họ đi khám phụ khoa định kỳ. Riêng điều này không thôi cũng đã đủ để những người phụ nữ có đời sống tình dục năng động nên đi kiểm tra xem có nhiễm lậu không, coi kiểm tra này như một phần của kiểm tra sức khỏe định kỳ.

    40% nam giới nhiễm bệnh lậu nhưng không có biểu hiện triệu chứng, số còn lại thể hiện triệu chứng của bệnh trong vòng từ 2 đến 10 ngày sau khi có quan hệ. Ở nam giới, vùng niệu đạo và trực tràng là hai nơi có khả năng nhiễm bệnh nhiều nhất. Nhìn chung, triệu chứng của bệnh thường là tự dưng đi tiểu thường xuyên và đau khi đi tiểu, cũng như đi tiểu ra mủ. Nếu không được chữa trị, bệnh sẽ lây sang ống tiết niệu trong vòng từ 2 đến 3 tuần, gây ảnh hưởng đến phần sau niệu đạo, tuyến tiền liệt, túi tinh, và mào tinh hoàn. Nhiễm trùng tuyến tiền liệt đi kèm với các triệu chứng đau và mềm vùng chậu, sốt, đi tiểu khó. Nếu như mào tinh hoàn trở nên đỏ tấy và đau thì cảm giác nặng ở tinh hoàn bị nhiễm bệnh và tấy rát ở da bìu dái có thể xuất hiện. Nếu như bệnh lây đến tinh hoàn kia thì có thể gây vô sinh.

    Vùng nhiễm bệnh lậu đầu tiên ở phụ nữ là cổ tử cung. Cùng với sự nhiễm bệnh “ẩn” là nguy cơ cao của các biến chứng, đặc biệt là bệnh viêm cổ tử cung (pelvic inflammatory disease) – sự viêm nhiễm của các cơ quan và cấu trúc sinh sản, ở vùng chậu. Trong vòng 2 tháng, nếu các sinh vật lậu không được xử lý thì nó có thể lây nhiễm đến các cơ quan sinh sản phía trong và khoang chậu. Trong thời gian có kinh và ngay sau đó, các sinh vật này di chuyển rất nhanh, gây nên sự đau đớn khi quan hệ tình dục, chảy máu tử cung không phải do có kinh, và viêm các ống dẫn trứng. Vì cơ thể cố gắng đánh bật sự viêm nhiễm này, nên có thể để lại sẹo ở các ống dẫn trứng và gây nên vô sinh.

    Một số vùng khác, không phải vùng sinh dục, trong cơ thể cũng có thể nhiễm bệnh, bao gồm: miệng, họng, hậu môn, trực tràng, và mắt. Lậu cầu cũng có thể xâm nhập vào máu và di chuyển đến các khớp gây nên bệnh viêm khớp do lậu cầu (gonococcal arthritis), hay xâm nhập vào các van tim gây nên bệnh viêm màng trong tim do lậu cầu (gonococcal endocarditis).

    Không thể thử máu để biết được có bị lậu hay không. Nếu như mắc bệnh, thì việc kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp nhận biết sự nhiễm bệnh ở những cá nhân không có triệu chứng. Chuẩn đoán bệnh lậu thường yêu cầu phải lấy mẫu cấy mủ ở vùng cơ thể bị nhiễm bệnh bằng gạc bông. Ở nam giới, vùng thường được lấy mẫu là niệu đạo; còn ở phụ nữ, đó là cổ tử cung. Các mẫu được lấy xét nghiệm cũng có thể được lấy ở các vùng bị nhiễm bệnh khác, bao gồm cổ họng, trực tràng, hay bản thân âm đạo. Lấy được mẫu đôi khi cũng gây khó chịu, nhưng nó hiếm khi gây đau.

    Những người bị bệnh lậu thông thường được tiêm thuốc kháng sinh, chẳng hạn như pê-ni-xi-lin, spec-ti-no-my-cin, cef-tria-xone, hay ăm-pi-xi-lin. Kháng sinh liều cao đôi khi cần thiết để loại trừ toàn bộ chỗ nhiễm trùng và ngăn cản không cho vi khuẩn phát triển. Vì có đến 50% những người bị bệnh lậu cũng bị nhiễm trùng chlamyd (được trình bày ở dưới) nên bệnh nhân cũng phải điều trị thêm bằng te-tra-cy-cline, e-ry-thro-my-cin, hay do-xy-cy-cline trong giai đoạn trên 7 ngày. Lậu cầu có thể sống trong cơ thể vài ngày sau khi điều trị, nên bệnh nhân cần phải đi kiểm tra lại sau đó khoảng một tuần để xác định tính hiệu quả của việc điều trị, cũng như xem có xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc không. Những bệnh nhân nhầm tưởng rằng họ đã khỏi bệnh có thể vô tình truyền bệnh sang người khác.

    Viêm niệu đạo và viêm cổ tử cung không phải do lậu cầu

    Viêm niệu đạo không phải do lậu cầu (Nongonococcal urethritis) (ở nam giới) và viêm cổ tử cung không phải do lậu cầu (nongonococcal cervicitis) (ở nữ giới) là những bệnh nhiễm trùng ở niệu đạo và cổ tử cung không phải do lậu cầu gây ra. Nam giới bị viêm niệu đạo không phải do lậu cầu thường chảy mủ và bị đau khi đi tiểu, nhưng có khoảng 30% nam giới mắc bệnh mà không có biểu hiện triệu chứng. Phụ nữ bị viêm cổ tử cung không do lậu cầu thường thấy mủ và tấy rát ở âm đạo, nhưng 70% phụ nữ bị bệnh mà không thấy biểu hiện triệu chứng. Dấu hiệu và triệu chứng của viêm niệu đạo và viêm cổ tử cung không phải do lậu cầu cũng giống với triệu chứng của bệnh lậu. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số sinh vật gây ra những nhiễm trùng này, bao gồm Ureaplasma urealyticum vàChlamydia trachomatis. Do vậy, về sau những nhiễm trùng này được gọi là chlamydia.

    Chlamydia

    Chlamydia đã trở thành căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở Mỹ, ước tính có khoảng 3 đến 4 triệu ca mắc bệnh mới mỗi năm. Chlamydia là bệnh gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Vì các triệu chứng ban đầu của chlamydia niệu đạo thường nhẹ nên chúng thường không được chú ý. Đối với nam giới có biểu hiện bệnh thì triệu chứng phổ biến thường gặp nhất là đau nhức, tấy hay đi tiểu khó, đi tiểu ra mủ trong. Đối với phụ nữ, các triệu chứng phổ biến thường gặp là đi tiểu đau, chảy mủ ở âm đạo, âm đạo ra máu bất thường và đau bụng. Chuẩn đoán bệnh chlamydia đòi hỏi phải lấy một lớp mỏng tế bào ở nơi nhiễm bệnh, nhuộm màu đặc biệt rồi đặt lên bản mang vật của kính hiển vi.

    Điều trị các viêm nhiễm do chlamydial bằng pe-ni-cil-lin là không có tác dụng. Ở giai đoạn ban đầu, bệnh này có thể dễ dàng chữa trị bằng te-tra-cy-cline, e-ry-thro-my-cin, hay do-xy-cy-cline trong một giai đoạn gồm 7 ngày. Nếu như không được chữa trị, bệnh chlamydia có thể gây tổn hại đến niệu đạo và cổ tử cung, gây nhiễm trùng mào tinh hoàn, ống dẫn trứng, và các viêm nhiễm vùng chậu. Đối với cả hai giới, nếu không chữa trị những viêm nhiễm do chlamydial gây ra thì về lâu về dài các biến chứng nghiêm trọng và thực sự của bệnh sẽ dẫn đến vô sinh.

    Bệnh giang mai

    Gây ra bởi vi khuẩn khuẩn xoáy (Treponema pallidum) (một loại vi khuẩn được biết đến dưới tên spirochete), bệnh giang mai (syphilis) là một căn bệnh gây nhiều lo lắng về mặt sức khỏe đối với người Mỹ. Trên thực tế, hàng năm theo báo cáo có hơn 50.000 ca nhiễm bệnh ở Mỹ. Không phổ biến bằng bệnh chlamydia và bệnh lậu, nhưng bệnh giang mai nguy hiểm hơn hai bệnh này nhiều. Nếu không được chữa trị, viêm nhiễm có thể gây hại đến các cơ quan thiết yếu của sự sống, hệ thần kinh và thậm chí có thể gây tử vong.

    Giang mai thường lây truyền qua việc tiếp xúc tình dục ở vùng sinh dục, tiếp xúc cơ thể ở các dạng khác nhau cũng có thể gây bệnh, chẳng hạn như chạm vào một vết thương mở. Đặc biệt, vi khuẩn spirochetes truyền từ vết thương mở của người nhiễm bệnh sang màng nhầy hay vết trầy xước trên da của người khác. Chỉ mất có vài giờ kể từ sau khi có tiếp xúc là vi khuẩn spirochetes có thể thâm nhập vào máu. Sau tháng thứ 4 của thai kỳ, giang mai có thể vượt qua nhau thai để gây bệnh cho thai nhi. Do đó, phụ nữ mang bầu được điều trị trước tháng thứ 4 của thai kỳ có thể bảo vệ con của mình khỏi căn bệnh này.

    Có bốn giai đoạn khác nhau của bệnh giang mai: giai đoạn đầu, giai đoạn thứ hai, giai đoạn ủ bệnh, và giai đoạn nặng.

    Giai đoạn ban đầu của bệnh giang mai. Giai đoạn ban đầu của bệnh giang maiđược đặc trưng bởi sự xuất hiện của săng (chancre) (một vết thương giống cái nhọt, tròn, không gây đau, có bờ cứng, nhô cao). Săng được trông thấy rõ ràng từ 10 đến 90 ngày sau khi lộ diện, tuy nhiên, trung bình thì triệu chứng này xuất hiện trong 21 ngày. Ở hầu hết các trường hợp chỉ hình thành một săng. Đối với nam giới, săng xuất hiện ở dương vật, còn đối với phụ nữ thì săng xuất hiện ở cổ tử cung, môi âm đạo, hay thành âm đạo. Vì những vùng xuất hiện săng của phụ nữ thường không nhìn thấy được, nên triệu chứng này thường không được chú ý. Bản thân điều này đã là một lý lẽ thích đáng cho thấy cần phải dạy phụ nữ các phương pháp tự kiểm tra bằng tay và gương. Săng cũng còn xuất hiện cả ở miệng, núm vú, các phần khác của dương vật, âm hộ, bìu dái và hậu môn.

    Khi săng biến mất (trong vòng từ 1 đến 5 tuần, cho dù có hay không có sự điều trị) thì người nhiễm bệnh có thể sai lầm khi cho rằng bệnh đã tự khỏi hay nghĩ rằng mình thực sự không bị nhiễm bệnh. Một người nghi ngờ mình bị giang mai, bất kể khả năng nhiễm bệnh là lớn hay nhỏ, cũng cần phải đi thử máu. Vì xét nghiệm giang mai có thể cho kết quả âm tính ở giai đoạn đầu tiên, nên cần phải xét nghiệm lại ở thời gian sau.

    Giai đoạn thứ hai của bệnh giang mai. Sự biến mất của săng báo hiệu giai đoạn đầu đã kết thúc, chứ không phải sự kết thúc của bệnh giang mai. Vào thời điểm này, bệnh “chìm ở dưới”. Giai đoạn thứ hai của bệnh giang mai đặc trưng bởi việc phát ban ở cơ thể, sự phát ban này có thể kéo dài vài tháng, tiếp theo sau sự liền lại của săng. Sự phát ban này không gây ngứa, và cũng giống như săng, nó tự biến mất mà không cần phải chữa trị gì.

    Ngoài sự phát ban ra thì giai đoạn thứ hai của bệnh giang mai còn được biểu hiện bằng việc sốt, đau họng, miệng, ăn mất ngon, đau các cơ và khớp, đau đầu, rụng tóc và trầm cảm. Vì nhiều triệu chứng trong số những triệu chứng này giống với triệu chứng của những bệnh khác nên người bị nhiễm bệnh có thể không nhận thức được rằng mình đã mắc một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục nghiêm trọng, thay vào đó họ cho rằng họ bị dị ứng, bị cúm dai dẳng, hay bị căng thẳng. Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng này đều gây khó chịu đủ để khiến người bệnh đi khám.

    Thật may mắn, ở giai đoạn thứ hai này, có thể dễ dàng phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh bằng cách thử máu. Khoảng 25% những trường hợp mắc bệnh giang mai ở giai đoạn này khi thử dịch tuỷ cho kết quả dương tính với vi khuẩn spirochete. Nếu được phát hiện ở giai đoạn này, bệnh vẫn có thể chữa khỏi mà không gây tổn thương vĩnh viễn cho những cơ quan thiết yếu của cơ thể.

    Giai đoạn ủ bệnh. Với sự biến mất của các triệu chứng ở giai đoạn thứ hai, bệnh giang mai bước sang giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn này có thể kéo dài nhiều năm. Lúc này bệnh không thể hiện các triệu chứng bên ngoài mà chỉ thử máu ta mới biết được là đã bị nhiễm bệnh. Điều này không có nghĩa là khuẩn xoắn pallidium (treponema pallidum) đang nghỉ ngơi. Thay vào đó, các vi khuẩn tiếp tục ẩn sâu vào trong các mô và các cơ quan khác nhau của cơ thể (ví dụ như xương, mạch máu, và não). Trừ những phụ nữ mang thai có thể truyền bệnh sang con, còn không thì bệnh có thể không lây truyền trong thời gian vài năm ủ bệnh.

    Giai đoạn cấp 3 của bệnh giang mai (giai đoạn nặng). Khoảng 50% những người bước vào giai đoạn ủ bệnh không gặp thêm vấn đề gì rắc rối trong phần đời còn lại của mình. Tuy nhiên, 50% khác chuyển sang giai đoạn cấp 3, với sự phát triển của những biến chứng nghiêm trọng. Lúc này, căn bệnh gây nên thương tổn vĩnh viễn đối với một hay nhiều cơ quan sau: não bộ, tuỷ sống, mắt, phổi, tim, mạch máu, da, cơ, các cơ quan tiêu hóa, gan, và các tuyến nội tiết. Ở một số trường hợp, tuỳ thuộc vào nơi nhiễm bệnh, bệnh nhân có cơ hội hồi phục hoàn toàn nếu được chữa trị đầy đủ. Ở các trường hợp khác, giang mai có thể tấn công vào tim, não, hay tuỷ sống, điều này dẫn đến liệt, rối loạn thần kinh, và thậm chí tử vong — thường thì từ 10 đến 40 năm sau khi nhiễm bệnh.

    Chuẩn đoán bệnh sớm và chữa trị đầy đủ có thể sẽ khỏi bệnh. Như đã nói ở trên, thử máu có thể giúp phát hiện ra bệnh, tuy nhiên cũng cần phải có thời gian để các kháng thể phát triển. Trên thực tế, một người có thể ở giai đoạn thứ hai trước khi thử máu, lúc đó mới có thể phát hiện chính xác việc nhiễm bệnh. Nếu như một người nghi ngờ mình bị giang mai và có kết quả thử âm tính thì anh ta/cô ta nên đi kiểm tra lại khi kháng thể đã có thời gian để xuất hiện. Kiểm tra bằng kính hiển vi chất dịch từ săng hay các nốt phát ban xem có vi khuẩn spirochetes không là một phương pháp khác để xét nghiệm giang mai.

    Một khi đã được chuẩn đoán là nhiễm bệnh thì có thể điều trị giang mai bằng pe-ni-cil-lin, do-xy-cy-cline, và e-ry-thro-my-cin (đối với những người mang thai dị ứng với pe-ni-cil-lin).

    NHIỄM BỆNH DO VI-RÚT

    Virút là những sinh vật vô cùng bé, chỉ nhìn thấy được bằng kính hiển vi, không có tế bào, tự nhân lên ở trong các tế bào mà chúng đã thâm nhập được vào. Sử dụng các thuốc kháng sinh không có tác dụng gì đối với vi-rút, điều này khiến cho việc loại bỏ vi-rút trở nên rất khó khăn hoặc không thể. Những bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi-rút gây ra chủ yếu là herpe sinh dục (genital herpes), bệnh gây ra do vi-rút làm suy giảm hệ thống miễn dịch ở người (human immunodeficiency virus), và mụn sinh dục (genital warts). Những bệnh khác do vi-rút gây ra được lây truyền qua được tình dục bao gồm cytomegalovirus và viêm gan (hepatitis).

    Bệnh lây truyền qua đường tình dục

    Herpe Sinh dục

    Trước bệnh AIDS, herpe sinh dục là bệnh không thể chữa khỏi và đôi khi gây đau đớn cực độ, bệnh này do vi-rút herpe đơn hình (herpes simplex) gây nên. Nó là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục đáng sợ nhất. Xã hội ngày nay vẫn đang lo lắng về căn bệnh này. Herpe sinh dục lây lan một cách nhanh chóng và không chữa trị được. Ước tính có khoảng 500.000 ca mắc herpe sinh dục mới hàng năm với khoảng 25 triệu người Mỹ hiện đang mắc bệnh. Đến nay, những nỗ lực nhằm tìm kiếm cách chữa trị hay vắc-xin phòng chống bệnh này vẫn chưa mang lại kết quả. Không còn nghi ngờ gì nữa, herpe sinh dục đã trở thành một thứ bệnh dịch và rất có thể nó vẫn sẽ tiếp tục là một vấn đề sức khỏe của cộng đồng trong nhiều năm tới.

    Vi-rút herpe đơn hình có hai loại: Loại I (HSV-I) thường được thấy nhiều hơn ở phần trên của cơ thể (ví dụ: miệng và môi); Loại II (HSV-II) thường thấy nhiều hơn ở phần dưới của cơ thể (bộ phận sinh dục). Tuy nhiên, dù có là loại nào đi nữa thì chúng cũng có khả năng xuất hiện ở vùng kia. Loại I xuất hiện ở vùng sinh dục khoảng 20%, còn loại II xuất hiện ở miệng khoảng 50% (thường do sinh hoạt tình dục bằng miệng).

    Nhiễm herpe là do tiếp xúc trực tiếp với hoặc HSV-I hoặc HSV-II, thường là bởi đụng vào vùng bị nhiễm. Herpe miệng (HSV-I, gây “đau lạnh”) lây lan thông qua các hoạt động như sinh hoạt tình dục bằng miệng, hôn, uống chung một cốc nước hay sử dụng chung khăn tắm ướt. Herpe sinh dục (HSV-II) lây lan thông qua các tiếp xúc tình dục, hay quan hệ tình dục bằng lỗ hậu môn. Rất hiếm khi bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chỗ ngồi ở nhà vệ sinh.

    Bệnh herpe thường có ba giai đoạn: Giai đoạn đầu, giai đoạn ủ bệnh, và giai đoạn tái phát. Giai đoạn đầu của bệnh herpe bắt đầu ở thời điểm thực sự nhiễm bệnh. Những vết phồng giộp hay cục u nhanh chóng phát triển xung quanh vùng sinh dục và hậu môn. Sau khi vỡ, những vết giộp tạo nên các thương tổn gây đau đớn và những thương tổn này tự lành lại trong khoảng 3 tuần. Và cũng giống với trường hợp của bệnh giang mai đã nói đến ở trên, sự biến mất của những tổn thương không có nghĩa là bệnh đã khỏi. Vi-rút vẫn tiếp tục sống trong cơ thể, tuy nhiên nó không hoạt động — giai đoạn này được gọi là giai đoạn ủ bệnh herper. Trong giai đoạn thứ hai này, các kháng thể hình thành để chống lại vi-rút, và mặc dù chúng không thể chống lại được sự bùng nổ thứ hai nhưng nó có thể khiến cho các sự bùng phát trong tương lai bớt trầm trọng hơn. Ở giai đoạn này vi-rút có thể hoạt động trở lại mà không gây ra triệu chứng gì, có nghĩa là một người nhiễm bệnh có thể vô tình truyền bệnh cho người khác — hiện tượng này được gọi là việc để rơi vi-rút không có triệu chứng bệnh (asymptomatic viral shedding). Cuối cùng, ở giai đoạn thứ ba, có tên là giai đoạn tái phát herpe, vi-rút có thể hoạt động trở lại với các triệu chứng (chẳng hạn như những nốt phồng giộp mới và sốt). Mặc dù những triệu chứng này thường nhẹ hơn những triệu chứng ở giai đoạn đầu nhưng chúng cũng gây nên sự đau đớn cho người bệnh. Tần suất bùng phát của bệnh cũng khác nhau — từ không tái phát hay tái phát vài lần trong đời cho đến tái phát nhiều lần trong một năm — khả năng tái phát cũng phụ thuộc vào yếu tố tâm lý. Vì herpe là bệnh không thể chữa trị nên những người mắc bệnh thường xuyên phải đối mặt với các quyết định cá nhân rất khó khăn. Liệu họ có nên nói với các thành viên trong gia đình hay bạn bè rằng họ bị herpe không? Họ có nên nói với những người bạn tình mới là họ bị herpe không? Liệu làm như vậy có khiến họ bị tổn thương thêm vì bị từ chối không? Chẳng lẽ sống độc thân lại là kết cục giành cho họ? Có nên tham gia vào các nhóm trợ giúp những người bị herpe không? Do có nhiều sợ hãi và lo lắng liên quan đến bệnh herpe sinh dục nên chữa trị về mặt tâm lý cũng quan trọng không kém việc trị bệnh.

    Mặc dù herpe là bệnh không thể chữa khỏi, nhưng thuốc men cũng giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng và làm giảm số lượng bùng phát. Hàng triệu người Mỹ sử dụng a-cy-clo-vir (nhãn hiệu thương mại là Zovirax) dưới dạng thuốc mỡ bôi hoặc thuốc uống. Phụ nữ bị thương tổn ở trong âm đạo phải sử dụng dạng thuốc uống. Uống a-cy-clo-vir đều đặn có tác dụng làm giảm tấn suất và mức độ bùng phát của bệnh.

    Sự bùng phát của herpe sinh dục khi mang thai gây ra nhiều vấn đề. Nếu điều này xảy ra sớm thì nguy cơ xảy thai tăng lên một cách đáng kể. Còn nếu như các tổn thương ở âm đạo chảy ra trong khi sinh thì vi-rút có thể lây truyền từ mẹ sang con khi thai nhi di chuyển qua ống sinh. Vì vi-rút có thể gây tổn hại nặng nề lên não bộ của trẻ sơ sinh nên một số bà mẹ bị nhiễm herpe thường chọn cách mổ đẻ thay vì sinh qua đường âm đạo.

    Các chữa trị herpe tốt nhất là ngăn chặn nó khi nó xuất hiện ở nơi đầu tiên. Dưới đây là một số lời khuyên giúp phòng tránh việc lây lan của vi-rút herpe:

    • Tránh có các tiếp xúc tình dục bất kỳ khi nào có sự xuất hiện của triệu chứng.

    • Các tổn thương ở miệng nói chung thường không lây nhiễm trong vòng vài ngày sau ngày mà chúng xuất hiện lần đầu tiên. Nhưng để an toàn, cần tránh các hoạt động tình dục có liên quan đến miệng cho đến tận khi các thương tổn ở miệng đã thực sự liền hẳn và biến mất.

    • Vì bệnh herpe có thể lây truyền từ những người không ý thức được rằng mình đã nhiễm bệnh nên cần phải luôn luôn sử dụng bao cao su và chất diệt tinh trùng khi có quan hệ tình dục. Điều này cũng được áp dụng khi có các hoạt động tình dục với bạn tình mà những người này biết mình bị mắc bệnh nhưng hiện tại chưa thấy bất kỳ triệu chứng gì.

    • Nóng bức, chật hẹp, và một số loại vải nhất định có thể gây nên sự bùng phát của bệnh. Cần nhận thức được các điều kiện có trước các triệu chứng.

    Ghi Chép Cá nhân (Mandy, 27 tuổi):

    Lần bùng phát bệnh herpe đầu tiên của tôi là lần tồi tệ nhất. Trên thực tế, tôi phát bệnh nghiêm trọng đến nỗi bạn cùng phòng của tôi phải đưa tôi đi cấp cứu. Tôi ốm và đau rất nhiều. Sau lần đó, tôi còn bị bùng phát vài lần nữa, nhưng những lần này nhẹ hơn. Nhờ trời, khoảng ba năm qua tôi chưa bị tái phát lại. Bạn trai của tôi thậm chí còn không biết rằng anh ấy đã mang trong mình vi-rút. Ý tôi là, anh ấy chưa bao giờ bị bùng phát bệnh. Tuy nhiên anh ấy vẫn cảm thấy mọi điều thật tồi tệ. (Tư liệu của bác sĩ Zgourides)

    Suy nghĩ Cá nhân : Bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu vợ/chồng chưa cưới của bạn nói cho bạn biết rằng anh ấy/cô ấy bị bệnh herpe?

    HIV và AIDS

    Có lẽ không có căn bệnh lây truyền qua đường tình dục nào lại nhận được sự quan tâm của công chúng và gây ra các cảm xúc mạnh mẽ và lầm lẫn như HIV, vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (human immunodeficiency virus), gây nên bệnh AIDS, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (acquired immunodeficiency syndrome).

    Thật không may, phần lớn phản ứng của xã hội đối với căn bệnh này là coi nó như một sự hồi tưởng về chiến dịch săn lùng và giết chết những người bị tình nghi là phù thuỷ ở thời Trung Cổ – đe dọa, đánh đập, và thậm chí sát hại những người bị nghi là mắc bệnh. Với sự sợ hãi và căm ghét đối với bệnh dịch này như vậy, nên không có gì phải ngạc nhiên khi có nhiều câu chuyện hoang đường, và khuôn mẫu vây quanh HIV, AIDS, và các nạn nhân của nó. Đây chính là cái giá của sự ngu dốt.

    Thực ra, HIV không trực tiếp gây nên cái chết mà nó làm suy giảm hệ thống miễn dịch của người bệnh đến điểm mà sự nhiễm trùng và các bệnh khác đánh bại hệ thống bảo vệ của nạn nhân. Vi-rút tấn công các tế bào T “trợ giúp” (có nghĩa là tế bào T4 lymphocytes, một dạng của tế bào bạch cầu), mà tế bào này ra hiệu cho các tế bào B làm tê liệt các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể và rồi các tế bào T “tiêu diệt” sẽ phá huỷ các mầm bệnh này. Trước kia, một người cần phải phát triển một bệnh nghiêm trọng trước khi anh ta/cô ta được điều trị AIDS. Nhưng đến tháng 4 năm 1992, Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Dịch đã mở rộng định nghĩa về việc chuyển sang giai đoạn AIDS, bao gồm cả những người nhiễm HIV có tế bào T từ 200 trở xuống, cho dù anh ta/cô ta có triệu chứng hay không có triệu chứng bị một bệnh nghiêm trọng nào đó. (Bình thường số lượng tế bào T là vào khoảng từ 800 đến 900).

    Để HIV có thể tấn công vào tế bào của con người, đầu tiên nó phải tự gắn vào thụ cảm đặc biệt trên bề mặt của tế bào. Ở con người, HIV gắn vào tế bào T4 lymphocytes. Một khi đã gắn được vào tế bào T, HIV thâm nhập vào tế bào và tiết ra một chất thuộc gien. Nhờ một loạt các phản ứng hóa học, bản thân tế bào tự nhân HIV lên. Cuối cùng những tế bào bị vi-rút tấn công trở thành các “nhà máy” sản xuất ra vi-rút, và rồi nó lại tấn công vào các tế bào T khác, các tế bào này lại trở thành nhà máy…. Rồi hệ thống miễn dịch bị suy giảm đến nỗi các bệnh khác nhau dễ dàng khống chế hệ thống miễn dịch của nạn nhân.

    Theo các nghiên cứu y học, HIV không lây lan qua các tiếp xúc thông thường giữa người và người mà nó lây lan thông qua sự trao đổi các chất dịch của cơ thể, đặc biệt là máu, tinh dịch, và các dịch tiết âm đạo). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sự lây truyền của vi-rút không thể xảy ra theo các cách khác.

    Đến nay, bốn cách lây truyền HIV phổ biến nhất được thừa nhận là:

    • Lây qua quan hệ tình dục hay các hoạt động khác liên quan đến tình dục với người bị nhiễm HIV, các hoạt động đó bao gồm giao hợp, quan hệ tình dục bằng miệng, hay quan hệ tình dục bằng đường hậu môn, hay các dạng quan hệ tình dục kết hợp của những điều trên.

    • Lây qua đường máu.

    • Lây qua kim tiêm vào da.

    • Lây từ mẹ sang con khi người mẹ nhiễm vi-rút HIV mang thai hay sinh nở, và có khả năng lây nhiễm khi nuôi con bằng sữa.

    Cũng theo cuốn sách hướng dẫn có nhan đề Một Chút Kiến Thức Phòng Chống: Hướng Dẫn Làm Giảm Nguy Cơ Mắc Bệnh AIDS Vì Sức Khoẻ Tình Dục, do cục Sức Khỏe Và Xã Hội Washington phát hành thì:

    “Các hành vi có nguy cơ cao đặc biệt bao gồm đưa dương vật, ngón tay, hay các dụng cụ vào trong trực tràng, có tiếp xúc giữa miệng và hậu môn, bất kỳ sự tiếp xúc nào với nước tiểu, phân, hay máu bị nhiễm HIV; luôn luôn tránh tất cả những hành vi này. Bao cao su không đảm bảo được sự an toàn, nhưng chúng có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm khi giao hợp, quan hệ tình dục bằng hậu môn, hay bằng miệng. Tinh dịch thường mang vi-rút gây bệnh AIDS nên cần sử dụng bao cao su nếu có bất kỳ sự tiếp xúc tình dục nào có thể gây xuất tinh. Vì vi-rút gây bệnh AIDS có thể xuất hiện ở nước bọt nên việc hôn mở miệng – hôn “kiểu Pháp” cũng có thể là việc làm gây nguy cơ.”

    Hiện nay, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục giữa những người có thiên hướng tình dục với người khác phái chiếm một phần nhỏ (có lẽ ít hơn 10%) trong số những ca bị nhiễm AIDS ở Mỹ. Tuy nhiên, nếu những nhóm nhiễm bệnh chủ yếu ở Mỹ vẫn là những người đồng tính luyến ái, và những người sử dụng ma tuý bằng cách tiêm tĩnh mạch, thì ở các nước khác trên thế giới lại không phải như vậy. Ở Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, và các nước đang phát triển, HIV lây lan chủ yếu qua các hành vi quan hệ tình dục giữa người có thiên hướng tình dục khác giới. Theo Bộ Y Tế Và Xã Hội Mỹ, danh sách dưới đây là danh sách những người có nguy cơ nhiễm HIV và AIDS cao:

    • Những người có quan hệ tình dục với người khác từ năm 1977.

    • Những người sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma tuý.

    • Những người có triệu chứng của bệnh AIDS hay mắc những bệnh có liên quan đến AIDS.

    • Nam hay nữ tham gia bán dâm và những người bạn tình của họ.

    • Bạn tình của những người nhiễm HIV hay có nguy cơ bị nhiễm cao.

    • Những người bị bệnh máu không đông và phải nhận các sản phẩm có yếu tố đông (nhận máu từ người khác).

    • Trẻ sơ sinh của những người mẹ bị nhiễm HIV hay có nguy cơ nhiễm HIV cao.

    Khi một người đã bị nhiễm HIV, bệnh thường phát triển theo ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là “âm thầm”, hay không có triệu chứng bệnh, ở giai đoạn này người bệnh không biết là mình đã nhiễm bệnh và do đó họ có thể vô tình truyền bệnh cho người khác. Kể từ khi có tiếp xúc với người bị bệnh, thời gian để kháng thể có thể được phát hiện bằng cách thử máu là từ vài tuần, vài tháng hay đến vài năm. Những người bị nhiễm bệnh có thể không có biểu hiện triệu chứng gì trong vòng 10 năm hoặc hơn.

    Tiếp theo, những người nhiễm bệnh phát triển từ giai đoạn không có triệu chứng gì đến giai đoạn thứ hai của bệnh – triệu chứng HIV (trước đây gọi là phức hợp liên quan đến AIDS (AIDS-related complex), hay ARC). Ở giai đoạn này có một số triệu chứng chung, nổi bật nhất là sự sưng tấy dai dẳng của các tuyến bạch huyết (ví dụ như ở cổ, nách, và trong miệng), sốt, mệt mỏi, ra mồ hôi vào ban đêm, sụt cân mà không giải thích được nguyên nhân, và tiêu chảy.

    Theo như các nhà nghiên cứu được biết thì tất cả những người nhiễm HIV đều phát triển thành bệnh AIDS, thường trong khoảng 10 năm. Tất cả những dấu hiệu và triệu chứng của giai đoạn thứ hai vẫn tiếp tục, tuy nhiên nó trở nên rắc rối hơn do sự xuất hiện của các bệnh nghiêm trọng như biếu thịt Kaposi (Kaposi’s sarcoma) (một dạng ung thư) Pneumocystis carinii (một dạng viêm phổi). HIV cũng vượt qua các rào cản máu-não, gây suy giảm trí nhớ và khả năng phán đoán, tạo nên sự thay đổi tính cách và u não.

    bệnh qua đường tình dục

    Ở giai đoạn này, bệnh AIDS không thể chữa được và gây tử vong. Việc điều trị bệnh cần phải bắt đầu từ thời gian dài trước khi cá nhân chuyển sang giai đoạn phát triển AIDS. Việc điều trị này làm giảm thiểu các triệu chứng và làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Năm 1987, Cục Quản Lý Thực Phẩm Và Dược Phẩm Mỹ đã phê chuẩn cho phép sử dụng zidovudine (trước đây được gọi là azidothymidine, hay AZT) đây là loại thuốc đầu tiên được cấp phép cho sử dụng để điều trị AIDS ở Mỹ. Có tác dụng như một loại thuốc chống lại vi-rút, zidovudine làm chậm quá trình nhân lên của HIV trong các tế bào của người, kéo dài sự sống của những bệnh nhân HIV, và làm giảm sự xuất hiện cũng như mức độ các viêm nhiễm. Những phương pháp chữa trị khác bao gồm: truyền lymphocytes, cấy ghép tủy xương, cấy các mô từ thymus (nơi mà các tế bào T4 được sản sinh ra), thuốc dideoxyinosine (DDI), chất ức chế protease. Tất cả những liệu pháp này được xây dựng nhằm làm chậm sự phá huỷ chức năng của hệ thống miễn dịch.

    Điều trị AIDS không thể bỏ qua những vấn đề về chính trị và tâm lý. Bị chuẩn đoán là nhiễm HIV hay bị AIDS, cũng giống với những bệnh không chữa trị được khác, có thể gây nên sự tàn phá nặng nề về mặt tâm lý. Ngoài ra, sự thật là bệnh AIDS mang theo cùng nó những kỳ thị về mặt xã hội, và một người bắt đầu cảm nhận những chiều hướng đáng sợ khác của căn bệnh này.

    Có thể phòng chống bệnh AIDS như thế nào? Khi việc kiêng không quan hệ tình dục không phải là lựa chọn được ưa chuộng thì duy trì một mối quan hệ một vợ một chồng với người bạn đời không bị nhiễm HIV là sự lựa chọn an toàn nhất. Tất nhiên, cần phải tránh những tiếp xúc trực tiếp, không được bảo vệ với miệng, dương vật, âm đạo và/hay trực tràng của bạn tình có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao.

    Suy nghĩ Cá nhân :

    Đâu là những điều được ủng hộ và đâu là điều bị phản đối liên quan đến việc bắt buộc phải đi thử xem có nhiễm HIV không? Những xét nghiệm như vậy có nên được tiến hành không? Nếu có thì giành cho những đối tượng nào? Tất cả mọi người? Các nhân viên chăm sóc sức khỏe? Những người làm việc trong nhà hàng? Những người ở cùng nhau trong tù? Tại sao có, tại sao không? Ảnh hưởng của việc bắt buộc phải đi làm xét nghiệm lên những người bị phát hiện là đã nhiễm HIV dương tính là gì?

    Hãy kể một số chuyện hoang đường và khuôn mẫu liên quan đến HIV mà bạn biết – ai là người nhiễm HIV, và nhiễm HIV như thế nào? Bạn sẽ nói với người bạn đời của mình như thế nào nếu như anh ấy/cô ấy dương tính với HIV… Bạn nghĩ rẳng câu chuyện hoang dường và những khuôn mẫu đó bắt nguồn từ đâu? Vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc khiến cho những chuyện hoang đường về HIV/AIDS tồn tại mãi là gì? Còn vai trò của gia đình, bạn bè, chính phủ, các tổ chức tôn giáo, những nhóm người quan tâm đặc biệt và các tổ chức khác thì sao? Bạn có thể làm gì để giúp xóa bỏ những câu chuyện hoang đường và những khuôn mẫu đó?

    Mụn sinh dục

    Mặc dù sự cấp bách của HIV và AIDS gây ra sự chú ý của các phương tiện truyền thông cũng như của công chúng nói chung, nhưng xã hội cũng không được quên rằng, còn có các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra bởi vi-rút khác cũng gây các hậu quả về thể chất lẫn tình cảm nghiêm trọng đối với những người bị nhiễm bệnh và bạn đời của họ.

    Mụn sinh dục (genital warts) là bệnh gây ra bởi một nhóm các vi-rút có tên là human papilloma viruses (HPV). Ước tính có khoảng 12 đến 15 triệu người Mỹ bị nhiễm HPV và con số những người bị bệnh này có vẻ như đang tăng lên. Mụn sinh dục có kích cỡ và hình dáng khác nhau nhưng nhìn chung chúng trông giống hoa súp lơ, chủ yếu xuất hiện ở trên và xung quanh bộ phận sinh dục, đáy chậu, và hậu môn. Bệnh này thường lây truyền qua những tiếp xúc cơ thể trực tiếp.

    Điều trị việc này liên quan đến việc đốt, làm tê liệt, hay cắt bỏ mụn ở vùng bị nhiễm. Điều trị bằng cách bôi thuốc po-do-phyl-lin lên vùng mụn khiến cho lớp da phía ngoài của vùng nhiễm vi-rút có thể bong ra. Cấm sử dụng việc điều trị bằng cách đốt hóa chất với po-do-phyl-lin cho phụ nữ có thai, vì thuốc này có thể gây dị tật ở trẻ sơ sinh. Vì mụn sinh dục có thể gây nên ung thư cổ tử cung nên phụ nữ cần đi kiểm tra bằng cách chích dịch để xem mụn đó có phải là u lành tính (không gây ung thư) không.

    Các viêm nhiễm do vi-rút khác

    Còn hai loại nhiễm trùng do vi-rút có thể lây truyền qua đường tình dục khác cũng đáng được đề cập đến ở đây. Cytomegalovirus là một vi-rút phổ biến được tìm thấy trong các chất dịch của cơ thể bao gồm dịch âm đạo, và tinh dịch. Những người lớn bị nhiễm cytomegalovirus thường không có biểu hiện triệu chứng gì, tuy nhiên, những trẻ em được sinh ra bởi những người mẹ bị nhiễm vi-rút này sẽ có nguy cơ bị dị dạng cao.

    Viêm gan (hepatitis), có nhiều dạng viêm gan khác nhau, cũng là một căn bệnh gây ra bởi vi-rút. Viêm gan A (trước đây được gọi là “viêm gan truyền nhiễm”) thường lây lan thông qua sự tiếp xúc với các chất như phân nhiễm vi-rút, chẳng hạn như khi sử lý thực phẩm nhiễm bệnh. Viêm gan B (trước kia được gọi là “viêm gan huyết thanh”) thường lây lan do việc trao đổi dịch cơ thể thông qua hoạt động tình dục, sử dụng ống tiêm đã nhiễm vi-rút, hay tiếp xúc với máu, nước bọt hay tinh dịch nhiễm vi-rút. Các triệu chứng của bệnh viêm gan nếu có xuất hiện thì thường bao gồm vàng mắt và da, sốt, mệt mỏi, ăn không ngon, đi ngoài và đau vùng bụng. Mặc dù tiêm vác-xin có thể phòng chống được bệnh viêm gan B nhưng lại không có phương pháp điều trị đặc biệt dành cho bệnh này. Một số bệnh nhân bị mắc viêm gan nặng nhưng hầu hết đều tự khỏi trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.

    SỰ PHÁ HOẠI CỦA KÝ SINH VẬT

    Ngoài một số bệnh và sinh vật gây bệnh khác nhau đã được đề cập đến ở trên, thì còn hai loại bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục liên quan đến sự phá hoại của ký sinh vật (parasitic infestation), hay sự xâm nhập của các sinh vật nhỏ, sống trong hay trên vật chủ. Hai ký sinh vật đó là chấy rận (pubic lice) và ghẻ

    (scabies), hai sinh vật này lây lan thông qua sự tiếp xúc gần gũi (không nhất thiết phải có quan hệ tình dục) với người bị nhiễm, qua quần áo, giường chiếu hay chỗ ngồi trong nhà vệ sinh.

    Chấy rận và Con ghẻ

    Chấy rận có ba loại khác nhau, mỗi loại sống trên một vật chủ nhất định, ba loại đó là: rận trên đầu (head louse), rận trên cơ thể (body louse), và rận cu/âm hộ (pubic louse) (Pythirus pubis, hay “rận”). Những ký sinh vật này có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, nó cắm vào da của vật chủ, hút máu, đẻ trứng, gây ngứa ngáy khủng khiếp. Các loại thuốc pyrethrins (nhãn mác thương mại là A-200 Pyrinate) và gamma benzene hexachloride (nhãn mác thương mại là Kwell) đều có hiệu quả trong việc diệt chấy rận. A-200 Pyrinate là loại thuốc bán không cần đơn còn Kwell yêu cầu phải có đơn thuốc của bác sĩ.

    Cái ghẻ là những sinh vật nhỏ bé, nó có thể sống nhiều tháng dưới da của vật chủ, đẻ trứng ở đó. Con ghẻ gây ra ngứa, giộp da và mủ. Nơi ký sinh vật này gây hại chủ yếu là ở cổ tay, những kẽ ngón tay, chỗ dưới ngực và trên vùng mông.

    Giặt là tất cả quần áo, chăn nệm, khăn tắm là việc làm rất cần thiết để phòng chống sự lây lan sang chỗ khác của cả chấy lẫn ghẻ. Những vật dụng này cũng nên được kiểm tra lại sau vài ngày kể từ ngày đầu tiên điều trị để khẳng định chắc chắn rằng những ký sinh vật này đã thực sự biến hết.

    CÁC VIÊM NHIỄM LÂY QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC KHÁC

    Còn một số viêm nhiễm khác có thể lây truyền qua đường tình dục. Hai viêm nhiễm phổ biến nhất trong số những viêm nhiễm này là bệnh trùng màng uốn roi đuôi (trichomonas) và monilia.

    Bệnh trùng màng uốn roi đuôi

    Trichomonas vaginalis là một sinh vật đơn bào sống trong âm đạo, nó gây ra bệnh trùng màng uốn roi đuôi (trichomonas) (“trich”). Sinh vật này có thể lan truyền do quan hệ tình dục, và nó cũng có thể lây nhiễm do tiếp xúc với dịch ẩm ướt. Những phụ nữ uống thuốc tránh thai có nguy cơ bị nhiễm bệnh trùng màng uốn roi đuôi do mức độ của pro-ges-te-rone cao, mà pro-ges-te-rone làm tăng nồng độ kiềm trong âm đạo, tạo môi trường thuận lợi cho các sinh vật gây bệnh trùng màng uốn roi đuôi. Các triệu chứng đặc trưng ở phụ nữ khi bị bệnh là đau rát âm hộ, có mùi hôi ở âm đạo, và âm đạo tiết ra dịch màu trắng hay vàng. Nam giới bị bệnh trùng màng uốn roi đuôi thường không có biểu hiện triệu chứng. Vì lây nhiễm này có thể truyền qua truyền lại giữa hai người, nên cả hai cần phải được điều trị nếu như sinh vật này được tìm thấy ở người nữ. Thuốc điều trị viêm nhiễm này là metronidazole (nhãn mác thương mại là Flagyl).

    Monilia

    Một số phụ nữ bị monilia (hay candidiasis), đây là bệnh viêm nhiễm men âm đạo gây ra bởi Candida albicans. Giống như “trich,” các viêm nhiễm men phát triển mạnh trong môi trường kiềm và do đó nó cũng sinh sôi trong các điều kiện giống với trường hợp của bệnh trùng màng uốn roi đuôi. Ở phụ nữ các triệu chứng của bệnh monilia bao gồm: ngứa rát âm đạo, ra chất dịch; ở nam giới, các triệu chứng của bệnh là ngứa, đỏ ở dương vật, cảm giác nóng. Nếu phụ nữ bị chuẩn đoán là bị viêm nhiễm men, sử dụng clotrimazole (nhãn mác thương mại là Lotrimin) và miconazole (nhãn mác thương mại là Monistat) là rất có tác dụng.

    PHÒNG NGỪA CÁC BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC

    Giáo dục có lẽ là thứ vũ khí quan trọng nhất để chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Dạy các cá nhân và các nhóm về hành vi và giao tiếp tình dục an toàn là cách thức sống còn nếu như xã hội muốn ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các cá nhân cũng cần biết một số cách và biện pháp phòng bệnh. Dưới đây là một số hướng dẫn giành cho những người có đời sống tình dục năng động được trích từ sách hướng dẫn của Hiệp Hội Sức Khỏe Đại Học Mỹ, có nhan đề Những Bệnh Lây Truyền Qua Đường Tình Dục Là Gì?

    • Tạo dựng mối quan hệ một vợ một chồng mà ở đó bạn và người bạn đời của bạn cần thỏa thuận phải chung thuỷ trong quan hệ tình dục và làm đúng theo thỏa thuận đó. Tránh những quan hệ thân mật mang tính tình dục cho đến khi bạn và người bạn đời của bạn đã kiểm tra xem có ai bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục trước đó không.

    • Sử dụng bao cao su. Mặc dù bao cao su không bảo vệ được 100% nhưng nó là phương pháp bảo vệ tốt nhất mà chúng ta có đến nay. Nếu có thể hãy sử dụng chất diệt tinh trùng để tạo thêm rào cản chống lại một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Những người phụ nữ còn ngần ngại về bao cao su và cứ khăng khăng về nhu cầu sử dụng của mình cần nhớ rằng những bệnh lây truyền qua đường tình dục rất nguy hiểm đối với họ; phụ nữ thường có ít các triệu chứng rõ ràng nhưng lại có nguy cơ bị tổn hại về mặt sức khỏe nhiều hơn nam giới.

    • Hãy đưa việc kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục vào các kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu như bạn có thay đổi bạn tình, hay có nhiều hơn một bạn tình. Đừng có đợi đến khi các triệu chứng xuất hiện rồi mới đi khám.

    • Hãy học các triệu chứng thông thường của các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hãy kiểm tra y tế ngay lập tức nếu như các triệu chứng nghi ngờ xuất hiện, kể cả khi những triệu chứng đó là nhẹ.

    • Không sử dụng thuốc, rượu trong những tình huống thân mật tiềm năng. Thuốc làm giảm khả năng đưa ra các quyết định tự bảo vệ đúng đắn.

    Nói tóm lại, con người có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục của mình bằng việc học cách kiêng hay duy trì lâu dài quan hệ một vợ một chồng với người bạn đời không bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục; thường xuyên kiểm tra vùng sinh dục xem có bất kỳ dịch tiết, lở loét hay đau bất thường nào không? Sử dụng bao cao su với tất cả các bạn tình; và trao đổi cởi mở về lịch sử quan hệ tình dục của nhau. Kiến thức về việc bảo vệ và hành động là các cách tốt nhất đảm bảo chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

    Bất kỳ ai bị chuẩn đoán là có mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ theo đơn, thực hiện theo dõi và kiểm tra lại nếu có yêu cầu phải làm vậy, thông báo cho tất cả các bạn tình đi kiểm tra, kiêng không quan hệ tình dục cho đến khi được sự cho phép của bác sĩ.

    Kiến thức về các bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải được đưa vào chương trình hành động đối với cả hoạt động tình dục cá nhân lẫn các chính sách sức khỏe cộng đồng. Tất cả mọi người đều phải cùng hành động chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Chỉ bằng việc trở thành một cộng đồng thực sự phấn đấu vì hạnh phúc của tất cả các thành viên, thì xã hội mới có thể loại bỏ một cách có hiệu quả sự ngu dốt và những bệnh lây truyền qua đường tình dục này.

    Bệnh lây truyền qua đường tình dục

    Suy Nghĩ Cá Nhân:

    Bạn có nghĩ rằng nên phân phát bao cao su ở các trường đại học và cao đẳng không? Trường cấp ba? Trường trung học cơ sơ? Nên phân phát kèm hay không kèm tài liệu hướng dẫn? Phát miễn phí? Tại sao có, tại sao không?

    NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

    1. Một hậu quả thường xuyên xảy ra đối với các quan hệ tình dục là sự lây nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted disease) (STD). Hơn nữa, vấn đề phức tạp là ở chỗ các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường không có triệu chứng, nó khiến cho nhiều người mắc sai lầm khi coi thường việc bảo vệ phòng chống bệnh và điều trị bệnh.

    2. Đa số những bệnh lây truyền qua đường tình dục là do vi khuẩn, vi-rút, hay ký sinh vật gây ra. Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến có nguyên nhân từ vi khuẩn là bệnh lậu (gonorrhea), viêm niệu đạo không phải do lậu cầu (nongonococcal urethritis), viêm cổ tử cung không phải do lậu cầu (nongonococcal cervicitis), bệnh chlamydia, và bệnh giang mai (syphilis). Những bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi-rút gây ra chủ yếu là herpe sinh dục (genital herpes), bệnh gây ra do vi-rút làm suy giảm hệ thống miễn dịch ở người (human immunodeficiency virus ~HIV ), và mụn sinh dục (genital warts). Hai bệnh lây khác là chấy (pubic lice) và ghẻ (scabies).

    3. Giáo dục có lẽ là thứ vũ khí quan trọng nhất để chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Dạy các cá nhân và các nhóm về hành vi và giao tiếp tình dục an toàn là cách thức sống còn nếu như xã hội muốn ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh lây truyền qua đường tình dục.

    4. Một cá nhân có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục của mình bằng việc học cách kiêng hay duy trì lâu dài quan hệ một vợ một chồng với người bạn đời không bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục; thường xuyên kiểm tra vùng sinh dục xem có bất kỳ dịch tiết, lở loét hay đau bất thường nào không? Sử dụng bao cao su với tất cả các bạn tình; và trao đổi cởi mở về lịch sử quan hệ tình dục với tất cả các bạn tình.

    5. Bất kỳ ai bị chuẩn đoán là có mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ theo đơn, thực hiện theo dõi và kiểm tra lại nếu có yêu cầu phải làm vậy, thông báo cho tất cả các bạn tình đi kiểm tra, kiêng không quan hệ tình dục cho đến khi được sự cho phép của bác sĩ.

    Mục lục

    Lời nói đầu ……………………………………………………………………………….

    Chương 1. Hoạt động tình dục Và Quan điểm Tâm sinh lý xã hội ………..

    Chương 2. Nghiên cứu về Tình dục là gì?………………………………………..

    Chương 3. Các khuôn mẫu, Vai trò và Nhận dạng về Giới …………………

    Chương 4. Giải phẫu Tình dục và Sinh lý của Phụ nữ. ……………………….

    Chương 5. Giải phẫu Tình dục và Sinh lý của Nam giới ……………………..

    Chương 6. Hưng phấn tình dục và Phản ứng lại………………………………..

    Chương 7. Thiên hướng Tình dục…………………………………………………..

    Chương 8. Các mối quan hệ Yêu đương…………………………………………

    Chương 9. Hành vi Tình dục………. ……………………………………………….

    Chương 10. Hoạt động tình dục, Sức khỏe và Sự tàn tật……………………

    Chương 11. Hoạt động tình dục Và Vòng đời…………………………………..

    Chương 12. Thụ thai, Mang thai và Sinh nở………………………………………

    Chương 13. Tránh thai và Nạo phá thai……………………………………………

    Chương 14. Các bệnh lây truyền qua đường Tình dục…………………………

    Chương 15. Rối loạn Tình dục và Cách chữa trị…………………………………

    Chương 16. Tình dục đồi trụy.. ………………………………………………………

    Chương 17. Chợ tình ……………………………………………………………………

    Chương 18. Hoạt động tình dục và Luật pháp……………………………………

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    giai-doc-gan-an-binh

    Khách hàng nhận xét

    Tôi đã mua Canxi King cho cháu nhà tôi uống. Sản phẩm rất tốt và dễ uống.
    Nguyễn Minh, Khu D8, Thành Công, Đống Đa, Hà Nội
    Tôi rất yên tâm khi sử dụng sản phẩm của Dược An Bình. Từ khi sử dụng PHARZUBEST – Bổ sung vitamin và khoáng chất, sức khoẻ của tôi được cải thiện nhiều.
    Quang Trần
    Khi dùng Grathozi – Trị nấm âm đạo, bệnh của tôi đã thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7 ngày.
    Thu Hương