HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN: 1900545562 (Từ: 8:00 - 17:00)

    Sức khỏe sinh sản

    Tiền sản giật – nguy cơ và phương pháp điều trị

    Tiền sản giật là gì?

    Hội chứng tiền sản giật là sự cao huyết áp do thai kỳ hay nói ngắn gọn là cao huyết áp. Những phụ nữ cao huyết áp mãn tính khi có thai nên thông báo sớm cho bác sĩ ngay từ đầu thai kỳ. Đối với một số phụ nữ cao huyết áp mãn tính, mang thai càng làm huyết áp tăng hơn nữa. Tuy nhiên, ngay những phụ nữ không bị cao huyết áp mãn tính cũng có thể bị cao huyết áp trong thời gian mang thai. Cao huyết áp rất nghiêm trọng vì nó ngăn cản dòng chảy của máu và sự truyền dẫn oxy và dưỡng chất đến cơ thể của bé.

    Hội chứng tiền sản giật thường xảy ra trong giai đoạn sau của thai kỳ, từ tuần 20 trở đi, và có thể nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Có đến 30% phụ nữ mắc chứng cao huyết áp trong thời kỳ mang thai. Ở 5% – 8% phụ nữ, nhất là những người mới mang thai lần đầu, cao huyết áp biến chứng thành tiền sản giật.

    Nguyên nhân gây tiền sản giật

    Có rất nhiều nghiên cứu về tiền sản giật được tiến hành trong cả thập kỷ qua, nhưng nhiều khía cạnh của bệnh này vẫn còn là bí ẩn.

    Các chuyên gia tin rằng trong nhiều trường hợp, tiền sản giật bắt đầu từ rất sớm trong thai kỳ, trước khi các triệu chứng trở nên rõ ràng. Và chúng có liên quan đến việc giảm lưu lượng máu tới nhau thai.

    Điều này có thể xảy ra nếu nhau thai không làm được tổ đúng cách trong niêm mạc tử cung và động mạch ở khu vực đó không giãn ra như mức cần thiết. Do đó, lượng máu tới nhau thai ít hơn. Những trường hợp cao huyết áp mãn tính và bệnh tiểu đường cũng có thể gây giảm lưu lượng máu đến nhau thai.

    Tiền sản giật gây nguy hiểm cho bà mẹ mang thai

    Có bằng chứng cho thấy việc thay đổi lưu lượng máu đến tử cung có thể khiến cho protein từ nhau thai đi vào máu mẹ. Điều này có thể gây ra một chuỗi phản ứng phức tạp bao gồm: co nhỏ các mạch máu (dẫn đến huyết áp cao), gây tổn thương thành mạch (dẫn đến phù nề và thoát protein ra nước tiểu), giảm khối lượng máu, những rối loạn đông máu… mà từ đó có thể gây ra hàng loạt các vấn đề khác.

    Việc  tại sao tiền sản giật xuất hiện ở người này mà không phải ở người khác vẫn chưa được lý giải một cách đầy đủ và sáng tỏ. Yếu tố di truyền, dinh dưỡng, một số bệnh cơ bản, cách hệ thống miễn dịch phản ứng khi bạn mang thai và các yếu tố khác đều có thể đóng một vai trò nào đó.

    Gần đây, Các nhà nghiên cứu Mỹ thuộc Trường Y, Đại học Washington ở St. Louis cho biết họ đã xác định được các lỗi di truyền có vẻ làm tăng nguy cơ tiền sản giật ở phụ nữ mang thai thông qua phân tích ADN của hơn 300 phụ nữ mang thai. 60 trong số đó là những phụ nữ khỏe mạnh nhập viện do bị tiền sản giật nặng. 250 người còn lại là những phụ nữ đang được theo dõi về các biến chứng sức khỏe khác. 40 trong số họ cũng bị tiền sản giật.

    Phân tích ADN cho thấy một số lỗi di truyền có ở 5 trong số 60 phụ nữ khỏe mạnh và 7 trong số 40 phụ nữ có nguy cơ cao bị tiền sản giật. Gen được xác định có khiếm khuyết đóng vai trò điều tiết đáp ứng miễn dịch. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này có thể giúp lý giải mối liên quan với tiền sản giật.

    Các dấu hiệu của tiền sản giật bao gồm:

    • Cao huyết áp
    • Thừa quá nhiều đạm trong máu (gây ra do sự làm việc quá sức của thận).
    • Phù nề (hay sưng) mặt và tay
    • Bất ngờ tăng cân nhanh
    • Nhức đầu, mờ mắt và đau bụng

    Tiền sản giật ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé như thế nào?

    • Tình trạng bệnh càng nghiêm trọng và xuất hiện càng sớm thì rủi ro cho bạn và em bé càng lớn. Hầu hết thai phụ bị tiền sản giật thường phát bệnh ở mức độ nhẹ khi đến gần ngày sinh, và khi đó, mẹ và bé đều ổn nếu được sự chăm sóc đúng mức.
    • Nhưng nếu bị tiền sản giật nặng thì có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Đó là lý do tại sao bạn cần phải sinh em bé ra sớm nếu bệnh phát nặng hoặc ngày càng trở nên tồi tệ.
    • Tiền sản giật làm cho các mạch máu co lại, dẫn đến cao huyết áp và giảm lưu thông máu, gây ảnh hưởng đến các cơ quan như: gan, thận và não.
    • Khi máu chảy đến tử cung ít hơn, nó có thể gây ra các vấn đề cho em bé, chẳng hạn như: kém tăng trưởng, thiếu ối, nhau bong non (nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trước khi em bé ra đời). Ngoài ra, bé có thể phải chịu những ảnh hưởng của việc sinh thiếu tháng nếu bạn cần phải sinh bé sớm để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của cả hai mẹ con.
    • Tiền sản giật gây ra những thay đổi trong mạch máu, có thể làm cho các mao mạch "rò rỉ" vào các mô gây ra tình trạng phù nề. Khi các mạch máu nhỏ trong thận bị rò rỉ, protein từ máu sẽ đi vào nước tiểu. Nếu chỉ có một lượng nhỏ protein trong nước tiểu thì là bình thường, nhưng nhiều hơn một chút thì đó là dấu hiệu của vấn đề.

    Mắc bệnh cao huyết áp trước khi mang thai có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn không?

    Câu trả lời là có. Nếu bạn bị huyết áp cao trước khi thụ thai hoặc trong nửa đầu của thai kỳ, bạn được xem là bị cao huyết áp mãn tính. Khi đó, bác sỹ sẽ cần phải theo dõi chặt chẽ quá trình mang thai của bạn để đảm bảo rằng huyết áp ở trong tầm kiểm soát và em bé phát triển khỏe mạnh bình thường. Bác sỹ cũng sẽ quan sát các dấu hiệu của tiền sản giật và những biến chứng khác.

    Những người bị huyết áp cao mãn tính khi bị tiền sản giật thì có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn so với những người chỉ bị một trong hai bệnh trên.

    Yếu tố khiến tiền sản giật gia tăng

    Tiền sản giật thường thấy nhiều hơn ở những phụ nữ mang thai lần đầu. Tuy nhiên, một khi bạn đã bị tiền sản giật thì nhiều khả năng bạn sẽ tiếp tục mắc trong những lần mang thai sau. Tình trạng bệnh càng nặng, xuất hiện càng sớm thì nguy cơ mắc lại ở lần mang thai sau càng cao. Thực tế cho thấy, nếu bạn bị tiền sản giật nặng từ trước tuần thứ 30 của thai kỳ, khả năng bạn mắc nó một lần nữa có thể cao tới 40%.

    Các nguy cơ khác bao gồm:

    • Bạn bị cao huyết áp mãn tính
    • Bạn bị một số rối loạn về máu (như đông máu), bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc bệnh tự miễn dịch (như lupus ban đỏ).
    • Bạn có người thân (mẹ, chị em, bà, cô, dì) đã từng mắc tiền sản giật
    • Bạn bị béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI >= 30)
    • Bạn mang đa thai
    • Bạn trẻ hơn 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi.

    Biến chứng của tiền sản giật

    Ngoài huyết áp và lượng protein trong nước tiểu cao (một vấn đề về thận), tiền sản giật có liên quan tới một số biến chứng khác nếu không được điều trị, bao gồm:

    • Bé sơ sinh nhẹ cân (dưới 2,5kg).
    • Nhau bong non (nhau thai tách khỏi tử cung).
    • Xét nghiệm chức năng gan bất thường.
    • Động kinh.
    • Sinh non (trước tuần 37).
    • Tai biến mạch máu não.
    • Suy thận.
    • Mất thị lực thoáng qua.
    • Vỡ gan.
    • Người mẹ và thai nhi tử vong.

    Điều trị tiền sản giật

    Đối với tiền sản giật nhẹ và khi bé đã đủ tháng (từ 37 tuần), điều trị điển hình là tới viện nghỉ ngơi để bác sĩ theo dõi thai nhi và làm các xét nghiệm máu, nước tiểu. Phương pháp điều trị steroid có thể giúp phổi của em bé của bạn phát triển. Nếu sức khỏe người mẹ tốt, huyết áp ổn định thì có thể chờ đủ tháng để chuyển dạ như bình thường.

    Nếu tiền sản giật nặng, người mẹ có thể được kích thích chuyển dạ trong một vài ngày.

    Mổ đẻ là cần thiết cho người mẹ tiền sản giật

    Tỷ lệ mổ đẻ thường cao hơn ở những phụ nữ có tiền sản giật vì họ có xu hướng sinh non và quá trình chuyển dạ khó. Tuy nhiên, nếu đã tới tuần 35-36, cổ tử cung mềm thì người mẹ sẽ có cơ hội sinh thường thành công.

    Điều trị tiền sản giật cho bà mẹ mang thai

    Kiểm soát tiền sản giật như thế nào?

    Việc kiểm soát tiền sản giật phụ thuộc vào mức độ của bệnh, bạn mang thai ở tuần thứ bao nhiêu và em bé phát triển như thế nào. Bạn có thể sẽ phải nhập viện để được đánh giá tình trạng ban đầu và có thể phải nằm viện để theo dõi trong suốt phần còn lại của thai kỳ.

    Ngoài đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ cũng sẽ thực hiện một loạt xét nghiệm máu để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bạn cũng được siêu âm để kiểm tra sự phát triển của thai, chạy monitor để theo dõi tim thai và cử động của bé.

    Nếu bạn bị tiền sản giật nhẹ và bạn đang ở tuần thứ 37 hoặc hơn thế, bạn có thể sẽ được giục sinh, đặc biệt là nếu cổ tử cung của bạn đã bắt đầu mỏng đi và mở ra. Nếu có dấu hiệu nào cho thấy bạn hoặc em bé không thể chịu đựng được cuộc chuyển dạ, bác sỹ sẽ chỉ định mổ lấy thai (sinh mổ).

    Nếu bạn chưa đến tuần thứ 37, bệnh của bạn nhẹ và ổn định, em bé ở trong tình trạng tốt, bạn có thể sẽ không cần phải sinh em bé ngay lập tức. Thay vào đó, bạn có thể được về nhà và phải tự theo dõi huyết áp thường xuyên, hoặc bác sĩ có thể đề nghị bạn ở lại bệnh viện để theo dõi kỹ lưỡng hơn và nghỉ ngơi trên giường.

    Nếu bạn được chẩn đoán tiền sản giật nặng, bạn chắc chắn sẽ phải nằm viện trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ. Bạn có thể cần phải được chuyển sang một bệnh viện lớn, chuyên khoa và uy tín hơn, nơi có các bác sĩ chuyên chăm sóc những ca thai nghén gặp biến chứng. Bạn sẽ được dùng magnesium sulphate (tiêm qua đường tĩnh mạch) để ngăn chặn cơn co giật và thuốc hạ huyết áp nếu huyết áp của bạn rất cao.

    Nếu bạn đã vượt qua tuần thứ 34 của thai kỳ, bạn có thể được giục sinh (can thiệp chuyển dạ) và trong một số trường hợp nhất định, có thể sẽ phải sinh mổ. Nếu bạn mang thai dưới 34 tuần, bạn sẽ được dùng corticosteroid để kích thích phổi của bé trưởng thành nhanh hơn, sẵn sàng cho việc bé phải ra đời sớm. Nếu chưa phải sinh em bé ngay thì cả bạn và bé sẽ được bác sỹ theo dõi rất chặt chẽ.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    giai-doc-gan-an-binh

    Khách hàng nhận xét

    Khi dùng Grathozi – Trị nấm âm đạo, bệnh của tôi đã thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7 ngày.
    Thu Hương
    Khi sử dụng V-Sorento – Hỗ trợ chữa trị viêm đại tràng, các triệu trứng viêm đại tràng của tôi đã được cải thiện rõ rêt.
    Nguyễn Cường, 60 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
    Tôi đã mua Canxi King cho cháu nhà tôi uống. Sản phẩm rất tốt và dễ uống.
    Nguyễn Minh, Khu D8, Thành Công, Đống Đa, Hà Nội