Nói chung là phụ nữ mang thai nên tránh ăn các chất quá nóng và quá lạnh, không tốt cho thai nhi – nhất là trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu tiên. Ví dụ như: Nước dừa, rau má, rau răm, rau ngót, nước mía, ngải cứu, bột sắn dây, mực tươi, …
Đu đủ xanh
Các nhà nghiên cứu cho rằng chất mủ có rất nhiều trong đu đủ xanh đã tác động theo cách “nhái” với tác động của prostaglandin và oxytocin, là những chất mà cơ thể rất cần để khởi động cho giây phút ra đời của đứa trẻ.
Đu đủ xanh không tốt cho phụ nữ mang thai
Cũng đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy đu đủ xanh thường chứa rất nhiều enzymes và mủ, có thể gây nên sự co thắt tử cung với hậu quả là sẽ gây sẩy thai.
Phụ nữ ở Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka đã dùng đu đủ như là một phương cách tránh thai truyền thống, do vậy có nhiều khuyến cáo rằng nếu đang có thai hoặc đang chuẩn bị để có thai, tốt nhất không nên ăn đu đủ, nhất là đu đủ xanh.
Măng
Trong măng (đặc biệt là măng tươi) có độc chất gọi là glucozit sinh acid xyanhydric, khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, gặp chất chua, glucozit bị thủy phân và giải phóng acid xyanhydric (HCN). Chính acid này gây ngộ độc, nôn mửa, giống như khi bị ngộ độc sắn. Thế nhưng acid xyanhydric lại hòa tan trong nước và dễ bị bay hơi khi đun nóng, cho nên để phòng tránh ngộ độc, nên đun sôi măng kỹ và rửa sạch trước khi chế biến thành món ăn.
Măng có chứa độc tố không tốt cho phụ nữ mang thai
Măng ăn rất ngon, tuy nhiên trong măng có nhiều độc tố nên không tốt cho cơ thể đặc biệt là phụ nữ có thai, bởi vì phụ nữ có thai đã thường bị nhức, đau lưng rồi ăn măng sẽ càng nhức thêm. Bên cạnh đó, măng cũng không cung cấp được nhiều chất bổ như các loại thực phẩm khác.
Đang có thai thì ăn măng vẫn được nhưng bạn nên hạn chế ăn, khi nào thấy thèm lắm thì hãy ăn một ít và nên luộc bỏ nước nhiều lần (khoảng 2 lần) rồi hãy chế biến để loại bỏ bớt độc tố.
Rau chân vịt
Mục đích của phụ nữ có thai ăn rau chân vịt là nhận được nhiều chất sắt, đề phòng thiếu máu (do thiếu sắt) trong thời kỳ mang thai. Có người cho rằng ăn được càng nhiều rau chân vịt thì càng ít nguy cơ bị thiếu máu. Kỳ thực không phải như vậy. Một nghiên cứu mới đây tại Nhật Bản cho thấy, rau chân vịt làm tình trạng thiếu máu nặng thêm. Nguyên nhân, do rau chân vịt có nhiều axít trong cỏ, làm cho chất sắt của nó không được ruột non hấp thu, thậm chí còn bị đẩy ra khỏi cơ thể. Ăn rau chân vịt càng nhiều càng gây trở ngại cho việc thu chất sắt, khiến tình trạng thiếu máu nặng thêm.
Khoai tây
Trong khoai tây lại chứa một độc tố gọi là solaninne (chất kiềm sinh vật). Phụ nữ mang thai nếu ăn nhiều khoai tây có chứa kiềm sinh vật khá cao, chất kiềm này sẽ tích lũy trong cơ thể và gây hiệu ứng dị tật. Có kết luận cho rằng, phụ nữ mang thai có khuynh hướng di truyền nhất định và mẫn cảm với chất kiềm sinh vật, ăn 44,2 – 252g khoai tây có thể làm cho thai nhi dị dạng. Mà chất kiềm sinh vật trong khoai tây không thể tiêu giảm hoàn toàn qua quá trình chế biến thông thường như ngâm nước, xào, luộc…
Cho nên phụ nữ mang thai không nên ăn hoặc ăn ít khoai tây là tốt nhất.
Đậu tương, đậu nành
Một nghiên cứu mới trên động vật của Viện Hopkins đã làm dấy lên câu hỏi liệu ăn đậu tương khi mang thai có gây ra sự bất bình thường ở cơ quan sinh sản cũng như thiểu năng tình dục ở các bé trai hay không? Tốt nhất là chúng ta tự nên tránh vì đậu tương có thể là an toàn, nhưng đối với thai nhi hoặc trẻ em, chúng ta vẫn chưa đủ thông tin về độ an toàn của nó.
Đậu phộng (lạc)
Phụ nữ trong thời gian mang thai và cho con bú ăn đậu phộng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng cho trẻ nhỏ sau này.
Nghiên cứu mới đây của một nhóm các nhà nghiên cứu Canada thuộc bệnh viện Ste Justine (Montreal) cho biết: ăn đậu phộng trong thời gian mang thai và cho con bú không tốt cho sức khỏe của em bé.
Kết quả cho thấy việc ăn đậu phộng trong quá trình mang thai làm sẽ làm nguy cơ mắc bệnh dị ứng của đứa trẻ sau này cao gấp 4 lần. Ngoài ra, việc sử dụng loại thực phẩm này khi cho con bú cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
Bộ Y Tế VN cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai và cho con bú nên tránh ăn đậu phộng, nhất là nếu trong gia đình có tiền sử dị ứng như hen, eczema hay sốt vàng da.
Gừng, ớt
Gừng ớt gây nóng trong nên dễ gây hiện tượng táo bón. Hoạt chất gingerol trong gừng gây mỏng mạch máu và có thể góp phần gây ra hiện tượng máu đóng cục. Vì thế thai phụ dùng lâu không có lợi. Phụ nữ trong thời kỳ thai nghén có thể dùng gừng nhưng không được quá 4 ngày
Quả nhãn
Theo đông y, quả nhãn tính ôn, vị ngọt, rất dễ trợ hỏa bởi vậy sẽ có hại cho thai phụ, gây tăng nhiệt cho thai, dễ gây ra khí huyết không điều hòa, làm cho vị khí ngược lên, dẫn đến nôn mửa.
Phụ nữ khi có thai, phần lớn xuất hiện âm hỏa hư, có triệu chứng nóng trong và thường có các hiện tượng như táo bón, tiểu tiện đỏ xẻn, rêu lưỡi khô và vàng, miệng đắng, họng rát, cho nên để từ âm thanh nhiệt, lương huyết an thai, nếu lúc này ăn long nhãn, chẳng những không có tác dụng bồi bổ, ngược lại còn làm tăng nóng trong, động huyết động thai, ra huyết đau bụng, đau tức bụng dưới, thậm chí tổn thương thai khí, dẫn tới sảy thai, đặc biệt là phụ nữ có thai thời kỳ đầu đến 7, 8 tháng, càng phải kiêng ăn long nhãn.
Thế nhưng, sản phụ sau khi sinh con mà ăn long nhãn hoặc uống nước long nhãn thì lại rất tốt. Sản phụ sau khi sinh, nếu có xuất hiện các triệu chứng váng đầu, chóng mặt hoa mắt, vã mồ hôi, mạch nhỏ lưỡi nhạt, đó là hiện tượng huyết hư khí thoát, có thể ăn cháo nóng nấu với long nhãn, nhân sen, hồng táo và gạo nếp, sẽ có tác dụng ích khí bổ huyết rất tốt.
Nếu sản phụ có hiện tượng phù nhẹ, uống nước long nhãn còn có tác dụng điều trị tích cực – cách ăn phải kết hợp với sâm style rồi hấp lên ăn. Cũng có thể hầm gà với một chút long nhãn… Tất cả đều có lợi cho việc điều dưỡng đối với người sức yếu.
Quả Sơn trà (Táo mèo)
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, quả táo mèo làm hưng phấn tử cung, có thể thúc đẩy tử cung co bóp, gây sẩy thai và sinh non ở thai phụ.
Quả đào
Quả đào có vị ngọt, tính nóng cho nên, nếu ăn nhiều đào, bà bầu dễ bị xuất huyết. Hơn nữa vì nó có độc tính, có thể gây sảy thai (nhất là trong 3 tháng đầu tiên). Lông ở vỏ quả đào rất dễ gây ngứa, rát cổ họng.
Nước dừa
Trong thời gian 3 tháng đầu mang thai bà bầu không nên uống nước dừa bởi mặc dù có tác dụng tốt nhưng nước dừa có tính hàn, dễ gây lạnh bụng, ảnh hưởng đến thai nhi.
Khi bước qua tháng thứ 5, bà bầu có thể bắt đầu uống dừa đều đặn hàng ngày, có thể uống thay nước lọc và cần đảm bảo duy trì lượng nước đủ trong ngày. Nước dừa sẽ bổ sung lượng chất lỏng và muối bị hao hụt trong cơ thể bà bầu, có tác dụng tốt cho ối thai phụ.
Dừa là loại quả rất giàu clorua, kali, và magiê, giúp điều chỉnh huyết áp, nhanh chóng giải tỏa cơn khát và có lợi cho đường ruột của bà bầu. Khi uống nước dừa nhiều, bà bầu sẽ tránh được các bệnh táo bón và viêm đường tiết niệu.
Dưa hấu ướp lạnh
Các chuyên gia cho rằng, bà bầu có thể ăn dưa hấu vì dưa hấu cung cấp dưỡng chất cho cả mẹ và bé. Trong thời gian đầu của thai kỳ, dưa hấu có thể giúp các bà bầu giảm bớt mệt mỏi, loại bỏ cảm giác nôn nao, ốm nghén.
Trong những ngày cuối thai kỳ, bà bầu thường mệt mỏi với chứng phù nề và huyết áp tăng cao hơn bình thường.. Dưa hấu giúp lợi tiểu, giảm phù nề, giảm huyết áp, giúp bà bầu lấy lại trạng thái cân bằng trong cơ thể. Bên cạnh đó, dưa hấu còn giúp kích thích tuyến sữa, có lợi cho mẹ và bé sau này.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều dưa hấu khi mang bầu sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Trong quá trình mang thai, tâm lý của nhiều phụ nữ không ổn định, sinh lý cũng có nhiều thay đổi, lượng insulin tiết ra không đủ, khiến tác đụng của đường trong máu giảm, đẩy nồng độ đường trong máu lên cao, gây ra bệnh tiểu đường.
Ăn dưa hấu lạnh dễ khiến bà bầu bị đau bụng và tiêu chảy. Do đó, bà bầu không nên ăn quá nhiều dưa hấu, càng không nên ăn dưa hấu ướp lạnh, dù là ngày hè có oi bức đến đâu
Kiêng kị những thức kích thích
Khi mang thai, phụ nữ cần ăn uống các chất giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa, các thức giàu protein và trái cây, các thức ăn uống phải sạch. Cần kiêng ăn uống các thức có tính chất kích thích, kiêng thuốc lá, rượu, kiêng ăn uống thiên lệch. Bởi vì, sau khi thụ thai, sự sinh trưởng phát triển của thai nhi phải nhờ vào tinh huyết từ tạng phủ của người mẹ để nuôi dưỡng, cho nên công năng khí huyết của tạng phủ người mẹ mang thai có ảnh hưởng trực tiếp tới sự sinh trưởng, phát triển của thai nhi.
Khi công năng tạng phủ của người mẹ bình thường, khí huyết thịnh vượng, thai nhi sẽ sinh trưởng, phát triển mạnh khỏe. Vì vậy, người mẹ mang thai cần ăn uống các thức giàu thành phần dinh dưỡng như: thịt nạc, trứng, cá, rau, hoa quả, thịt gia cầm, như vậy sẽ có lợi cho thai nhi phát triển bình thường.
Nếu sau khi mang thai, người mẹ ăn uống thiên lệch thường xuyên, sẽ có thể làm giảm dinh dưỡng ở người mẹ, bất lợi cho sự hấp thụ dinh dưỡng và sinh trưởng phát triển của thai nhi. Nếu sau khi mang thai, người mẹ thường xuyên ăn uống các thức có tính chất kích thích như: hạt tiêu, ớt, tỏi, thì sẽ dẫn đến thấp nhiệt trong người mạnh lên, cũng như bất lợi cho sự sinh trưởng của thai nhi, nghiêm trọng hơn có thể gây ra dấu hiệu sinh non.
Người mẹ mang thai cần phải kiêng thuốc lá, rượu, nếu người mẹ uống rượu sẽ làm cho nồng độ cồn cao lâu dài ở tử cung, sẽ dễ trợ hỏa, sinh nhiệt, động huyết, có thể gây ra khuyết tật ở sọ, mặt, tay chân và tim của thai nhi, sẽ làm cho sự phát triển thể chất và tinh thần của thai nhi trong tử cung bị chậm lại. Ngộ độc cồn có thể làm tăng tỷ lệ phát bệnh sinh non và tỷ lệ thai nhi bị chết lưu trong bụng mẹ. Người mẹ mang thai dù hút thuốc nhiều hoặc hút thuốc thụ động, đều có thể dẫn đến quái thai hoặc sinh non, vì vậy đối với phụ nữ mang thai cần cấm hẳn việc hút thuốc và uống rượu.
Kiêng ăn quá mặn
Phụ nữ mang thai còn cần phải kiêng ăn quá mặn. Khi mang thai, do phản ứng của thai nghén, thấy nhạt miệng vô vị, nên thích ăn uống các thức có tính kích mạnh, thích ăn các thức mặn, nói chung người ta hay cho đó là chuyện bình thường, coi nhẹ việc kiêng ăn quá mặn của phụ nữ mang thai. Vì sao phải kiêng ăn quá mặn? Các nhà y học cho rằng, phụ nữ trong thời kỳ thai nghén, tỳ và thận thường biểu hiện không đủ, công năng vận hóa giảm, thủy thấp dễ tích tụ bên trong, khí huyết không được khoan thai. Y học hiện đại cũng cho rằng, phụ nữ khi đã có thai, sẽ có những thay đổi đặc biệt về sinh lý như lượng natri, máu lưu trữ tương đối nhiều, những thay đổi đó trong tổ chức các tạng của cơ thể là nhằm thích ứng với yêu cầu sinh trưởng của thai nhi. Những thức quá mặn lại có hàm lượng muối tương đối cao, nếu được đưa vào nhiều sẽ làm cho thủy thấp tụ lại bên trong nặng hơn, lại dễ hại đến tỳ và thận, làm cho chức năng tỳ và thận giảm, gây ra sự giảm sút trong việc thu nạp năng lượng, tiểu tiện ít hơn, và các triệu chứng tim hồi hộp, làm buồn bực khó chịu. Y học hiện đại nhận thấy rằng: phụ nữ trong thời kỳ thai nghén lượng máu tuần hoàn tăng, quá trình thay cũ đổi mới cũng nhanh hơn, nhằm thích ứng với sự tuần hoàn của đế cuống rốn. Nếu lúc đó lại đưa vào thức ăn mặn quá nhiều, trữ lượng natri trong cơ thể sẽ tăng cao hơn nữa, và lượng muối cũng sẽ tăng tương ứng, điều đó chẳng những làm cho tim của phụ nữ mang thai phải gánh chịu nặng hơn, sẽ biểu hiện các triệu chứng: tim hồi hộp, lòng buồn bực khó chịu, lượng tiểu tiện giảm, nặng thì sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của thai nhi, như vậy cả phụ nữ mang thai và thai nhi đều bất lợi.
Sau khi mang thai vài tháng, các chất thải trong quá trình thay cũ đổi mới sẽ tăng lên, làm tăng gánh nặng cho thận tạng, ảnh hưởng đến công năng của tỳ và thận. Hơn nữa, lúc đó phần nhiều xuất hiện phù ở người và chân tay, nếu do tì hư là chính thì sẽ đồng thời thấy triệu chứng ăn ít, đại tiện phân nát, nếu do thận hư là chính thì thường kèm theo triệu chứng lưng mỏi, tay chân lạnh, tiểu tiện ngắn và ít, nếu do khí trệ thì thường thấy lòng buồn bực khó chịu, hông đầy trướng, đấy là chứng phù do thai nghén, y học Trung Quốc gọi đó là “Tử khí” (khí của con) “Tử thũng” (phù do con). Y học hiện đại cho rằng: thời kỳ thai nghén do sự thay đổi hormone, có thể làm cho nước và natri lưu trữ, ngoài ra ở thời kỳ này còn sinh ra thiếu máu do máu bị pha loãng, áp suất thẩm thấu của huyết tương giảm, tĩnh mạch dưới lồng ngực cản trở khi máu quay về làm cho lượng lưu thông máu tăng lên, những nhân tố ấy đều có thể dẫn đến thũng nước. Lúc đó cần phải giảm thấp lượng muối trong ăn uống, mỗi ngày chỉ dùng hạn chế muối từ 3-5g, để giảm trữ lượng nước và muối.
Cũng như y học Trung Quốc chủ trương ăn uống thanh đạm, yêu cầu ăn nhạt là chính. Hàng ngày có thể uống sữa đậu nành nhạt hoặc sữa đậu nành ngọt. Nếu trong thời gian phù không kiêng ăn mặn thì sẽ làm tăng trữ lượng nước và muối, khiến phù càng thêm nặng, các triệu chứng váng đầu, nhức đầu, ngực khó chịu, buồn nôn, ăn uống không thấy ngon. Nếu nghiêm trọng hơn, sẽ xuất hiện phù kèm theo huyết áp cao, tiểu đục như lòng trắng trứng, dẫn tới nguy hiểm cho con, trên lâm sàng xuất hiện triệu chứng nguy kịch: nhiễm độc thai nghén.
Vì vậy, phụ nữ trong thời gian mang thai, dù ở giai đoạn ban đầu, thời kỳ thũng nước hay thời kỳ huyết áp cao, đều phải kiêng ăn mặn, việc khống chế lượng muối đưa vào cơ thể là hết sức quan trọng.
Đồ ngọt
Ở phụ nữ mang thai chức năng thải đường của thận sẽ giảm ở những mức độ khác nhau, nếu đường trong máu quá cao, thận của phụ nữ mang thai sẽ làm việc quá tải, không có lợi cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu y học cho thấy, lượng đường hấp thụ quá nhiều sẽ làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến giảm khả năng kháng bệnh nên dễ mắc bệnh và nhiễm virut.
Thức ăn nhiều dầu, mỡ
Nhiều nghiên cứu y học cho thấy, ung thư vú và ung thư cổ tử cung đều có khuynh hướng di truyền gia tộc. Nếu phụ nữ mang thai ăn nhiều mỡ trong thời gian dài, con cái sau này sẽ có nhiều nguy cơ ung thư sinh dục. Các nhà y học đã từng chỉ ra rằng, bản thân mỡ không gây ra ung thư, nhưng nếu ăn nhiều thức ăn có lượng mỡ cao sẽ tăng khả năng tổng hợp kích thích tuyến vú, ảnh hưởng sức khỏe bà mẹ và thai nhi.
Thực phẩm nhiều chất chua
Phụ nữ mang thai thời kỳ đầu thường nghén, chán ăn, buồn nôn, nhiều người thích ăn của chua. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Liên bang Đức phát hiện, thời kỳ đầu thai nghén nếu cơ thể người mẹ hấp thụ chất chua (axit) và các chất có vị chua khác dễ bị tích lũy trong tổ chức bào thai, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển và sinh sản bình thường của tế bào thai nhi, đồng thời dẫn đến đột biến gen, thai dễ dị dạng. Vì thế, phụ nữ mang thai trong 2 tuần đầu không nên ăn và uống nhiều đồ chua.
Thời kỳ đầu thai nghén nếu người mẹ hấp thụ chất chua (axit) dễ bị tích lũy trong tổ chức bào thai, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của bé. (ảnh minh họa)
Thực phẩm để lâu
Phụ nữ mang thai ăn các loại thực phẩm để lâu, bị nhiễm độc hoặc có độc tố, không chỉ bị nhiễm độc cấp tính hoặc mãn tính, thậm chí còn hại đến thai nhi. Trong 2 – 3 tháng đầu mang thai, phôi thai đang phát triển, tế bào phôi đang trong giai đoạn phân hóa, lúc này nếu độc tố xâm hại, khiến nhiễm sắc thể bị phá vỡ hoặc có biến dạng, có khi ngừng phát triển và dẫn đến thai nhi bị chết hoặc sảy thai, có khi bị quái thai, dị tật bẩm sinh.
Mặt khác, trong thời kỳ thai nghén, chức năng của các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện. Đặc biệt là chức năng của gan, thận đều rất yếu, các chất độc gây nhiễm độc cho thai nhi và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Lạm dụng thuốc bổ
Khi mang thai, lượng máu trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể tăng rõ rệt, tim làm việc nhiều hơn, huyết quản trong tử cung, vách âm đạo và ống dẫn trứng luôn trong trạng thái dãn nở, sung huyết. Hơn nữa, chức năng nội tiết của phụ nữ mang thai mạnh mẽ hơn, rất dễ tích nước và natri sinh ra phù nề, tăng huyết áp.
Mặt khác, dịch vị dạ dày của bà bầu tiết ra ngày càng ít đi, có hiện tượng ăn không thấy ngon miệng, dạ dày trướng khí táo bón. Trong trường hợp này, phụ nữ mang thai lại thường xuyên uống như thuốc bổ, nhân sâm, lộc nhung và các thuốc bổ khác càng khiến cho nội tiết mất cân đối, khí thịnh âm hao, phù nề, tăng huyết áp, táo bón, thậm chí còn sảy thai hoặc thai bị chết lưu.
Ăn chay dài ngày
Có một số phụ nữ trong thời kỳ mang thai muốn có thân hình gọn gàng, thon thả, hoặc một số người vì điều kiện kinh tế hạn chế, thường ăn chay dài ngày, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Theo các nhà y học, nếu thời kỳ mang thai không chú ý dinh dưỡng sẽ không cung cấp đủ protein cho thai nhi, số tế bào não của thai giảm, ảnh hưởng đến trí lực của trẻ sau này. Nếu lượng mỡ hấp thụ không đủ, thai không đủ trọng lượng, sức đề kháng kém. Nếu ăn chay, bản thân phụ nữ khi mang thai cũng sẽ thiếu máu, phù nề và tăng huyết áp.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh