Thông thường, có 2 loại gàu dễ nhận thấy nhất:
Gàu khô (Pytariasis Simplex)
Loại gàu này có đặc điểm là khô, mỏng, vảy trắng bong ra liên tục. Kích thước của các vảy gàu này khác nhau ở mỗi người. Triệu chứng này thường theo mùa đặc biệt là vào các tháng mùa đông, việc này có thể được cải thiện bằng cách ra nắng thường xuyên vào mùa đông. Loại gàu này thường gây ngứa và hậu quả là việc gãi da đầu thường xuyên dẫn đến việc xuất hiện các vảy cám nhỏ.
Loại gàu khô
Gàu có dầu (Steatoid Pityriasis)
Loại gàu này có đặc điểm là dày hơn, màu ngà vàng và các mảng da ban đỏ, ngứa da đầu và da đầu bị trầy xước. Thông thường triệu chứng gàu có dầu này thường đi kèm với hiện tượng tóc dầu khiến gàu bám vào giữa các sợi tóc. Trong trường hợp này, các vảy gàu không dễ rơi ra khỏi tóc lên vai mà bám vào da đầu và có thể nhìn thấy trong tóc bởi lượng dầu dư thừa trong tóc và da đầu giữ lại. Đối với loại gàu này, da đầu bị ban đỏ nhiều hơn so với gàu khô và tình trạng thẩm mỹ ảnh hưởng rất lớn khiến khách hàng thường xuyên phải chịu đựng và cảm thấy rất khó chịu. Loại gàu này gây nên ngứa thường xuyên và nếu bạn gãi sẽ dẫn tới tổn thương da đầu.
1. Nguyên nhân gây ra tình trạng gàu
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng gầu nhưng tựu chung có 2 nguyên nhân chính: gầu nhiều không do bệnh lý và gầu do bệnh lý.
Gàu nhiều không do bệnh lý
– Do da nhờn: Một số người có tình trạng da nhờn. Chất nhờn được tuyến bã tiết ra nhiều khi bắt đầu tuổi dậy thì. Tuyến bã có số lượng nhiều và kích thước lớn ở các vùng da như: trên da đầu phía trước, da mặt (đặc biệt vùng chữ T: trán, mũi, cằm). Khi chất nhờn tiết ra nhiều thì đồng thời cũng tăng xuất hiện gầu nhiều ở vùng da đầu phía trước. Vảy trắng, mỏng, đôi khi thành hẳn một lá to, ẩm ướt, sờ vào thấy nhờn. Sau khi gội đầu khoảng 2 ngày trở ra nhiều người thấy ngứa ngáy khó chịu.
– Do dùng dầu gội không hợp lý: Ngày nào cũng gội, sử dụng dầu gội có chất tẩy mạnh, dùng lượng dầu gội một lần nhiều quá mức cần thiết… Làm như vậy là đã vô tình tẩy hết lớp ceramide bảo vệ trên da đầu tạo điều kiện cho các vi khuẩn và vi nấm ký sinh trên da đầu sinh sôi phát triển và trở thành tác nhân gây bệnh. Da đầu ngứa, có nhiều gầu trắng, nhỏ, vụn, đôi khi kèm theo rụng tóc.
– Gầu nhiều do để lâu không gội: Có một số người do hoàn cảnh công việc hoặc lý do sức khỏe mà không gội được thường xuyên cũng gây ngứa và có nhiều gầu trên da đầu. Nên gội đầu thường xuyên hơn 3-5 ngày một lần, không nên để qua một tuần không gội. Nếu do tình trạng sức khỏe thì khi gội xong nên sấy khô tóc ngay. Nếu để lâu quá không gội thì các tế bào chết sẽ tích tụ lại cộng với mồ hôi tạo thành các vảy gây bít tắc các lỗ nang lông làm cản trở hô hấp qua da làm cho da đầu dễ mắc bệnh.
Gàu nhiều do bệnh lý
– Nấm: Các chủng nấm khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ sinh sôi phát triển và gây bệnh. Các sợi nấm có khả năng tiêu được chất sừng có trên bề mặt da, móng và tóc. Khi gây bệnh trên đầu chúng sẽ gây bong da trên đầu tạo thành những mảng trắng trông giống như gầu, nền da đỏ, có bờ sẩn mọc xung quanh đám tổn thương. Có thể kèm theo rụng tóc hoặc gãy tóc. Tổn thương tạo thành từng mảng trên da đầu. Giới hạn đám da bị tổn thương với da lành trông rất rõ. Bệnh nấm này có thể lây từ người sang người hoặc từ súc vật sang người.
– Bệnh viêm da tiếp xúc: Một số người khi dùng dầu gội hoặc thuốc nhuộm tóc, thuốc làm quăn tóc, các loại keo hoặc gôm xịt tóc… do dị ứng với một thành phần nào đó có trong các chế phẩm này mà mắc bệnh viêm da tiếp xúc. Các thể nặng thì có thể gây tiết dịch, chảy nước, mụn nước, mụn mủ cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.
– Bệnh viêm da do da dầu: Bệnh này thường gây tổn thương ở các vùng da tiết nhiều chất nhờn như da đầu phía trước, đầu 2 lông mày, 2 cạnh bên của mũi, sau tai, phía trước ngực và phía sau lưng. Trên đầu nếu ở da trẻ dưới 2 tuổi thì tổn thương biểu hiện là các vảy dày, màu vàng, ẩm ướt, đóng thành mảng lớn (dân gian hay gọi là cứt trâu).
– Bệnh vảy nến: Rất nhiều người mắc bệnh vảy nến với khởi đầu là bong da ở trên đầu. Nhiều trường hợp bệnh chỉ tồn tại trên da đầu suốt đời hoặc một thời gian rất dài. Vảy trắng mủn như khảm xà cừ, bong nhiều hoặc có thể đóng thành lớp dày. Nền da phía dưới đỏ hoặc có thể sần lên kèm theo ngứa. Bệnh nhân có thể có rất nhiều tổn thương trên da khắp người kèm theo viêm dày các móng tay, chân và đau các khớp xương.
2. Các biện pháp hạn chế gàu
– Vệ sinh da đầu thường xuyên. Rửa sạch lược thường xuyên sau những lần sử dụng để tránh nhiễm khuẩn.
– Sử dụng các loại hoa quả tươi, trước hoặc trong bữa ăn và đặc biệt, nên ăn nhiều rau xanh. Ưu tiên sử dụng các chất béo như dầu ôliu, hồ đào hoặc cây cải dầu (lượng tối đa: 1 thìa/bữa) cũng như omega 3 có trong viên nhộng (có bán ở các hiệu thuốc) và trong các loại cá như cá ngừ. Tránh sử dụng bơ và macgarin cũng như các sản phẩm từ sữa (đặc biệt là sữa chua), cà phê và cà chua. Các loại thực phẩm nói trên khiến độ PH tự nhiên của da đầu bị thay đổi nhiều.
Một số bài thuốc có tác dụng chữa trị gàu hiệu quả:
Bài 1: Hòa muối và phèn chua vào một lượng nước vừa đủ dùng gội đầu. Cách này sẽ giúp da đầu bớt ngứa và làm giảm gàu đáng kể.
Bài 2: Hành tây băm nát, bọc vào vải màn, đập nhẹ lên trên tóc cho đến khi nước hành ngấm đều trên da đầu và tóc. Gội sạch đầu sau vài giờ. Cách này có hiệu quả trị gàu rất cao. Lưu ý, nước hành đọng lại trên da đầu càng lâu, hiệu quả tẩy sạch gàu càng tốt.
Bài 3: Hòa 2 thìa dấm và 6 thìa nước với nhau, thoa lên da đầu trước khi đi ngủ. Quấn khăn lên tóc hoặc dùng mũ chụp rồi để tóc như vậy qua đêm. Xả lại bằng hỗn hợp dấm -nước vào sáng hôm sau rồi gội sạch tóc bằng nước ấm.
Bài 4: Hòa 1 thìa nước chanh với 2 thìa dấm, thoa đều lên da đầu và mát xa nhẹ nhàng. Sau khi mát xa, gội lại bằng dầu gội có tinh chất trứng.
Bài 5: Hòa 1 phần bột sulphur, 2 phần cồn y tế, 1 phần dầu hạnh và 4 phần nước hoa hồng hoặc nước cất thành dung dịch hơi lỏng và dùng dung dịch này chải đều lên tóc.
Bài 6: Đun sôi hỗn hợp gồm 4-5 cây húng tây (còn gọi là cỏ xạ hương) đã phơi khô với 2 chén nước trong 10 phút rồi để nguội. Mát xa hỗn hợp này lên da đầu và để trong vòng nửa tiếng rồi gội sạch. Cách này có thể giữ cho đầu bạn sạch gàu rất lâu nếu chịu khó làm thường xuyên.
Bài 7: Ngâm cỏ ca ri dạng bột vào nước qua đêm được một dung dịch sệt như hồ, dùng dung dịch này mát xa da đầu rồi ủ trong vài phút. Gội lại sau đó bằng đầu gội nhẹ.
Bài 8: Một cách trị gàu đặc biệt hiệu quả nữa là dùng dấm táo. Dấm táo ấm dùng mát xa da đầu thật kỹ rồi ủ trong 30-40 phút không chỉ làm đầu bạn sạch gàu mà còn giúp tóc bóng hơn.
Bài 9: Hỗn hợp dầu ô liu và đầu hạnh cũng là một phương thuốc trị gàu tốt (cả dầu ô liu và dầu hạnh bạn đều có thể tìm mua ở các siêu thị). Thoa dung dịch này lên da đầu và giữ trong 5 phút rồi gội sạch bằng nước ấm.
Bài 10: Cũng có thể dùng chất gel của cây lô hội thoa lên da đầu 10-15 phút trước khi gội sạch bằng nước. Dùng thường xuyên sẽ ngăn cản sự trở lại của gàu.
Bài 11: Bạn có biết viên aspirin ngoài tác dụng giảm đau còn có thể giúp bạn xử lý gàu. Tán 2 viên aspirin thành bột và hòa vào dầu gội của bạn. Giữ dung dịch này trong 2 phút rồi gội sạch. Cách này ngăn gàu trở lại khá tốt.
Bài 12: Dùng bia đã hâm nóng làm ướt tóc và da đầu rồi ủ trong vòng 15 phút, sau đó dùng nước gội sạch đầu. Mỗi ngày hai lần, làm như vậy liên tiếp trong 3 ngày, gàu sẽ đỡ hẳn
Những bài thuốc trị gàu trên có thể không mang lại hiệu quả tức thì nhưng lại rất tốt nếu dùng lâu dài và đều đặn. Hơn thế nữa, bạn có rất nhiều sự lựa chọn và có thể chọn một cách phù hợp nhất với mình. Một chế độ ăn uống khoa học lành mạnh cũng sẽ giúp bạn “đẩy lùi” được gàu. Để làm được điều đó bạn nên uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi. Gội đầu đều đặn cũng là một cách loại trừ gàu hiệu quả.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh