Thủy đậu được coi là bệnh lành tính nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể trở thành một mối lo lớn đối với các bà mẹ trong thời kỳ mang thai vì nó có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Nguy cơ cho mẹ
Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, tần suất mắc bệnh thủy đậu nguyên phát (mắc bệnh lần đầu tiên) trong thai kỳ khoảng 5/10.000-7/10.000, bởi hầu hết thai phụ từng mắc bệnh khi còn nhỏ hoặc đã được chủng ngừa trước đó.
Phụ nữ mang thai nhiễm thủy đậu có nguy cơ cao bị viêm phổi
Phụ nữ mang thai nhiễm thủy đậu còn có nguy cơ cao bị viêm phổi do virút varicella gây nên. Khi đã bị viêm phổi, nguy cơ tử vong của thai phụ lên đến 40%, đây cũng là đối tượng có thể tử vong vì bệnh thủy đậu cao nhất. Ở 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu người mẹ bị nhiễm thủy đậu thì virút có thể sẽ gây sảy thai
Phụ nữ từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được chủng ngừa bệnh thủy đậu thì miễn dịch với bệnh này, trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Do đó, khi mang thai, những thai phụ đã có kháng thể chống lại bệnh thủy đậu không phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân họ cũng như thai nhi.
Nguy cơ cho con
Đối với những thai phụ mắc bệnh thủy đậu nguyên phát khi mang thai, sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đoạn tuổi thai:
– Trong ba tháng đầu, đặc biệt là tuần lễ thứ 8-12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần. Ngoài ra, có thể gây sẩy thai hoặc thai chết lưu.
– Trong ba tháng giữa, đặc biệt là tuần 13-20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%.
– Sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai.
Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng năm ngày trước sinh và hai ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỷ lệ bé sơ sinh tử vong lúc này lên đến 25-30% số trường hợp bị nhiễm. Để tránh nguy cơ lây bệnh cho con, ngay sau sinh bé cần được dùng varicella zoster immune globulin và cách ly với mẹ.
Chẩn đoán bệnh thủy đậu ở phụ nữ mang thai
Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán được liệu thai phụ đã được miễn dịch với thủy đậu hay chưa. Nếu bạn không chắc về tiền sử thủy đậu của bản thân, bạn có thể làm xét nghiệm máu trước hoặc giai đoạn đầu của thai kỳ.
Cách điều trị và phòng bệnh
Cách tốt nhất để tránh bệnh thủy đậu với bà mẹ mang thai là nên kiểm tra sức khỏe thật kỹ trước khi có thai, tiêm phòng để đảm bảo có một khoảng thời gian mang thai khỏe mạnh.
– Nếu bạn chưa được miễn dịch và chưa mang thai, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm văcxin phòng thủy đậu cho bạn. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu tiêm văcxin, bạn nên đợi ít nhất sau đó một tháng mới nên mang thai.
– Nếu mang bầu mà chưa miễn dịch với thủy đậu, thai phụ nên tránh tiếp xúc với những người mắc thủy đậu và những người vừa tiếp xúc với người mắc thủy đậu. Một người khỏe mạnh (tiếp xúc với người mắc bệnh) có thể trở thành vật gây bệnh trung gian, tiếp tục truyền bệnh cho người khác ngay khi bản thân họ chưa phát bệnh.
– Nếu thai phụ tiếp xúc với người mắc thủy đậu, thai phụ cần được tiêm đặc biệt – ngăn ngừa thủy đậu hoặc giảm các triệu chứng của bệnh. Mũi tiêm này an toàn với mẹ và bé.
Đối với việc chăm sóc khi thai phụ bị thủy đậu thì cần để người bệnh đượng nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, nếu sốt có thể dùng thuốc hạ sốt. Giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm. Nếu có những dấu hiệu nặng hơn, cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có những bước điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm hơn có thể có.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh