HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN: 1900545562 (Từ: 8:00 - 17:00)

    Kiến thức y khoa

    Dị ứng thuốc

    1. Các yếu tố gây dị ứng thuốc
     
    Các yếu tố nguy cơ gây dị ứng thuốc, bao gồm: yếu tố do thuốc và yếu tố do người bệnh.
     
    Các yếu tố do thuốc
     
    Bản chất của thuốc
     
    Hầu hết các loại thuốc khi vào cơ thể có thể kết hợp với huyết thanh hoặc protein ở mô và trở thành các dị nguyên hoàn chỉnh. Các dị nguyên này kích thích cơ thể tạo ra kháng thể và gây nên tình trạng dị ứng với thuốc. Nhiều trường hợp các sản phẩm chuyển hóa của thuốc cũng như các chất vi ô nhiễm có tính phản ứng đóng vai trò gây quá mẫn trên lâm sàng. Vì vậy đã có rất nhiều thuốc được cho là nguyên nhân của phản ứng dị ứng.
     
    Mức độ tiếp xúc và nghề nghiệp
     
    Quá trình dùng thuốc gián đoạn với một liều cơ bản rõ ràng sẽ làm tăng nguy cơ gây quá mẫn, điều trị kéo dài không ngắt quãng ít có khả năng gây quá mẫn như vậy. Trong một đợt điều trị, khả năng gặp phản ứng dị ứng trong 2-3 tuần đầu cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy, công nhân dược phẩm tuổi nghề càng cao thì mức độ dị ứng càng lớn, vị trí của của người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bị dị ứng nhiều hơn so với người bình thường. Công nhân ngành dược có thời gian tiếp xúc trực tiếp với thuốc kháng sinh trên 10 năm có nguy cơ dị ứng cao gấp 2,67 lần so với nhóm công nhân sản xuất thuốc dưới 10 năm. Điều này cũng khẳng định, những người làm nghề y, dược thường xuyên tiếp xúc với thuốc cũng dễ bị dị ứng với thuốc.
     
    Giai đoạn mẫn cảm
     
    Dị ứng thuốc cũng như dị ứng nói chung không xảy ra ngay sau lần tiếp xúc đầu tiên với dị nguyên. Một người mẫn cảm với một dị nguyên nào đó phải sau nhiều lần tiếp xúc trong thời gian khá dài khoảng vài tuần, vài tháng, thậm chí nhiều năm, thông thường khoảng từ 7-21 ngày. Trên thực tế, các triệu chứng dị ứng chỉ xảy ra sau hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần tiếp xúc với loại dị nguyên ấy. Thời gian đó gọi là gian đoạn mẫn cảm – thời gian từ khi dị nguyên vào cơ thể đến lúc sinh ra kháng thể dị ứng và khởi phát các triệu chứng dị ứng. Nhưng khi đã bị dị ứng rồi thì hầu hết các trường hợp triệu chứng dị ứng sẽ xảy ra rất nhanh mỗi khi bệnh nhân tiếp xúc lại với dị nguyên đó, dù chỉ là một lượng rất nhỏ.
     
    Hiện tượng mẫn cảm chéo là một vấn đề quan trọng của dị ứng thuốc. Hiện tượng này có nghĩa là khi bệnh nhân bị dị ứng với một loại thuốc nào đó thì họ có thể tự động dị ứng với các thuốc khác có thành phần hóa học hoặc các sản phẩm chuyển hóa gần tương đương liên quan đến loại thuốc này.
     
    Hội chứng đa dị ứng thuốc: một bệnh nhân khi bị hội chứng đa dị ứng thuốc, nghĩa là người đó có thể tăng nguy cơ dị ứng với một thuốc hoàn toàn khác cho dù đây không phải là mẫn cảm chéo, tuy nhiên, sự tồn tại của hội chứng này hiện vẫn còn đang tranh cãi.
     
    dị ứng thuốc
     
    Trẻ bị dị ứng thuốc
     
    Các yếu tố do bản thân bệnh nhân
     
    Tuổi và giới
     
    Phản ứng dị ứng do thuốc ít gặp ở trẻ em và các bệnh nhân cao tuổi, có lẽ do sự chưa trưởng thành hoặc suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch. Tuổi trưởng thành, hệ thống miễn dịch đã phát triển hoàn chỉnh, lại có quá trình tích lũy mẫn cảm do nhiều lần dùng thuốc, mắc các bệnh viêm và nhiễm khuẩn nhiều lần, nên đã tạo điều kiện cho cơ thể dễ mẫn cảm với thuốc. Không có bằng chứng cho rằng dị ứng thuốc gặp nhiều ở nữ hơn nam.
     
    Các yếu tố di truyền
     
    Các phản ứng dị ứng chỉ xảy ra với một tỷ lệ nhỏ trên các bệnh nhân được điều trị bằng một loại thuốc nhất định. Di truyền và môi trường đều có tác động trong việc quyết định các cá thể nào trong một quần thể bất kỳ sẽ tiến triển phản ứng dị ứng với thuốc cho trước.
     
    Các tình trạng bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của các phản ứng dị ứng thuốc do làm thay đổi quá trình chuyển hóa và gây cảm ứng các đáp ứng miễn dịch với thuốc. Các phản ứng với thuốc ít gặp hơn trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Quan điểm cho rằng, quá mẫn với thuốc hay gặp trên các bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống hiện vẫn chưa được xác nhận. Một số bệnh nhiễm khuẩn làm tăng nguy cơ quá mẫn với thuốc như trường hợp ban dạng rát sẩn gây ra do ampicillin phát sinh chủ yếu trên các bệnh nhân bị tăng bạch cầu mono nhiễm khuẩn. Đã có bằng chứng thuyết phục cho thấy đáp ứng này không qua trung gian miễn dịch. Các phản ứng có hại do thuốc cũng gặp thường xuyên hơn trên các bệnh nhân có HIV/AIDS, đặc biệt trên các bệnh nhân sử dụng co-trimoxazol.
     
    Tiền sử dị ứng thuốc được nhiều tác giả nhấn mạnh vai trò quan trọng của nó trong các bệnh dị ứng nói chung và dị ứng thuốc. Tuy nhiên, cho đến nay người ta chưa xác định được gen nào trên nhiễm sắc thể có thể gây ra tình trạng dị ứng thuốc. Đã có một số cho rằng các bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với thuốc có thể làm tăng nguy cơ dị ứng với các thuốc khác. Như vậy, dù có liên quan nhiều hay ít với thuốc đã gây quá mẫn trong tiền sử thì cũng được cảnh báo về hiện tượng phản ứng chéo trước khi sử dụng thuốc.
     
    Đường dùng thuốc
     
    Thuốc dùng tại chỗ thường làm tăng nguy cơ gây quá mẫn và cần tránh sử dụng với một số thuốc nhất định, đặc biệt trên da bị viêm. Đường uống thường an toàn hơn tất cả các đường tiêm. Đường tĩnh mạch là đường dùng thuốc ít gây quá mẫn nhất, nhưng nếu sốc phản vệ gặp ở đường này thì cực kỳ nguy hiểm.
     
    2. Các mức độ của dị ứng thuốc
     
    Histamin là một chất có sẵn trong cơ thể như máu và các mô dưới dạng liên kết tĩnh điện histamine-héparine không có hoạt tính. Khi có chất lạ vào cơ thể người dễ bị dị ứng thì nối liên kết tĩnh điện này bị cắt đứt, phóng thích histamin tạo nên tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn làm giãn mạch gây tụt huyết áp, lên tim làm tim đập nhanh, lên não gây nhức đầu do bị tăng áp lực nội sọ, lên hô hấp làm co thắt khí phế quản gây nghẹt thở, lên hệ tiêu hóa làm co thắt cơ trơn…
     
    Khi histamin được phóng thích tự do trong cơ thể, hiện tượng dị ứng xảy ra được biểu hiện dưới các hình thức:
     
    Dị ứng thuốc nhẹ, xuất hiện sớm ngay sau khi dùng thuốc hay trễ hơn sau đó với biểu hiện: mẩn ngứa, phát ban, nổi mề đay tại chỗ hay toàn thân, mắt ngứa đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở; khó thở, hen suyễn do khí phế quản bị co thắt; kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
     
    Dị ứng thuốc trầm trọng, xảy ra sau vài giờ hay vài ngày dùng thuốc với hội chứng Lyell, hội chứng Stevens- Johnson.
     
    Dị ứng thuốc nặng, “sốc” thuốc hay còn gọi là choáng phản vệ, xảy ra rất nhanh sau khi tiêm hoặc uống thuốc, bệnh nhân khó thở, tím tái, trụy tim mạch. Đây là trường hợp dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
     
    Đặc biệt lưu ý có nhiều triệu chứng dị ứng thuốc không có biểu hiện rõ ràng mà người bệnh không thể nào biết như sau khi uống thuốc bị rối loạn tiền đình, suy thận, mất tế bào máu…
     
    3. Đặc điểm của dị ứng thuốc
     
    Nên lưu ý một số đặc điểm của dị ứng thuốc như sau:
     
    Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng nên sẽ xảy ra dị ứng dù thuốc được dùng đúng liều hoặc thậm chí dùng liều rất thấp. Đây là những phản ứng không đoán trước được của hệ miễn dịch. Trường hợp bị dị ứng thuốc thì hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra mức độ nhạy thuốc cực lớn, nhất là khi dùng thuốc lần đầu nhưng cũng có trường hợp dùng thuốc lần đầu không bị dị ứng nhưng những lần tiếp theo lại có thể bị dị ứng.
     
    Phản ứng dị ứng chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân được gọi là người dễ dị ứng hoặc người có “cơ địa dị ứng”. Vì vậy, có thuốc nhiều người dùng chẳng việc gì nhưng ở người khác thì bị dị ứng, thậm chí dị ứng rất nặng.
     
    Trong thuốc, ngoài dược chất còn có tá dược, chất bảo quản, kể cả tạp chất và người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong đó.
     
    Phản ứng dị ứng sẽ hết khi ngưng dùng thuốc.
     
    Dị ứng thuốc không phải là tác dụng phụ của thuốc. Tất cả các loại thuốc chữa bệnh đều có thể có tác dụng phụ không mong muốn và những tác dụng phụ đó đều được ghi cụ thể bên ngoài nhãn mác, trong khi đó dị ứng thuốc lại ít xảy ra hơn, chiếm 5-10% các trường hợp điều trị.
     
    Dị ứng thuốc cũng không phải là trường hợp tích lũy thuốc do dùng môt số thuốc lâu dài như: thuốc có chứa thủy ngân, vàng, arsen, belladone (cà độc dược), strychnine (mã tiền).
     
    4. Các nhóm bệnh lý dị ứng thuốc
     
    Dị ứng thuốc thuộc nhóm bệnh lý quá mẫn, được chia thành 4 nhóm:
     
    Typ I: phản ứng miễn dịch kiểu trung gian IgE, thuộc nhóm bệnh lý quá mẫn nhanh (sốc phản vệ) do cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên từ lần thứ hai trở đi, thường xảy ra do thuốc dùng đường tiêm. Phản ứng có thể xảy ra đột ngột khi đang tiêm thuốc, vừa ngừng mũi tiêm hay trong vòng chỉ 1 vài phút sau. Bệnh có liên quan đến cơ địa bệnh nhân, thường gặp trong sốc phản vệ, hen, mày đay, phù mạch.
     
    Typ II: phản ứng quá mẫn độc tế bào, xảy ra do cơ thể bị kích thích sinh quá nhiều kháng thể (IgM và IgG) dị ứng chống tế bào của chính mình, kết hợp với kháng nguyên (thuốc) tạo ra phức hợp miễn dịch kháng nguyên – kháng thể. Các bệnh phổ biến thuộc nhóm này là tan máu tự nhiên, giảm tiểu cầu tự miễn sau truyền máu, hạ bạch cầu hoặc do thuốc (hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell).
     
    Typ III: nhóm quá mẫn do phức hợp miễn dịch kháng nguyên – kháng thể lắng đọng ở thành mạch máu nhỏ gây viêm mao mạch, kết dính tiểu cầu gây tắc nghẽn, thiếu máu, hoại tử các mô. Kháng thể là IgG, IgM. Bệnh thường xảy ra 5-7 ngày sau khi dùng thuốc, gặp trong bệnh huyết thanh, viêm mao mạch do thuốc với các biểu hiện viêm mao mạch, mề đay, viêm khớp, viêm thận, thiếu máu tán huyết, mất bạch cầu hạt, viêm cơ tim, viêm đa dây thần kinh.
     
    Typ IV: nhóm quá mẫn chậm qua trung gian tế bào do phản ứng quá mức của tế bào Lympho T đối với đáp ứng miễn dịch. Thường gặp trong viêm da tiếp xúc dị ứng, hồng ban cố định nhiễm sắc và bệnh chàm do thuốc.
     
    5. Phòng ngừa dị ứng thuốc
     
    Tình trạng dị ứng đối với một loại thuốc xảy ra ở những lần sau đều trầm trọng hơn lần trước. Việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất tạm thời để giải trừ tác động của histamin trong cơ thể chứ không giải quyết được căn nguyên dị ứng, do đó, cách tốt nhất không để bị dị ứng và phải dự phòng. Người bệnh cần tuân theo những quy tắc sau:
     
    Chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng toa chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc để tự điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác vì đơn giản nghĩ rằng họ có bệnh lý giống mình. Việc sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị và được theo dõi, chăm sóc là điều cần thiết nhằm giảm thiểu các phản ứng có hại của thuốc.
     
    Dị ứng thuốc là tình trạng xảy ra ngoài ý muốn của bác sĩ điều trị cũng như của bệnh nhân. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở hoặc cảm thấy khó chịu thì lập tức ngưng sử dụng thuốc đó, đến khám ngay ở cơ sở y tế gần nhất để có thể được cấp cứu hay được hướng dẫn xử trí thích hợp. Sau đó, nên tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để bác sĩ có thể thay đổi thuốc điều trị nếu cần. Các biện pháp dân gian như uống nước đậu xanh để giã thuốc, uống nước chanh, lòng trắng trứng… đều chưa có cơ sở khoa học để chứng minh.
     
    Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó nữa.
     
    Khi đi khám bệnh ở bác sĩ hoặc đến nhà thuốc mua thuốc thì phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
     

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    giai-doc-gan-an-binh

    Khách hàng nhận xét

    Khi dùng Grathozi – Trị nấm âm đạo, bệnh của tôi đã thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7 ngày.
    Thu Hương
    Khi sử dụng V-Sorento – Hỗ trợ chữa trị viêm đại tràng, các triệu trứng viêm đại tràng của tôi đã được cải thiện rõ rêt.
    Nguyễn Cường, 60 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
    Tôi rất yên tâm khi sử dụng sản phẩm của Dược An Bình. Từ khi sử dụng PHARZUBEST – Bổ sung vitamin và khoáng chất, sức khoẻ của tôi được cải thiện nhiều.
    Quang Trần