1. Vai trò của Vitamin C đối với cơ thể
Thiếu hụt vitamin C đưa đến bệnh với triệu chứng kinh điển như: chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, có các vết thâm tím rộng trên da (tức các mảng xuất huyết dưới da, dân gian thường gọi là “vết ma cắn”). Thêm vào đó là cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Chức năng chủ yếu của vitamin C là giúp sản xuất collagen, một protein chính của cơ thể (vì vậy, có ảnh hưởng đến làn da), tham gia sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh và hoóc-môn, giúp hấp thụ và sử dụng các yếu tố dinh dưỡng khác. Vitamin C cũng là chất chống oxy hóa rất quan trọng (bên cạnh vitamin E, bêta-caroten và chất khoáng selen). Vitamin C là vitamin tan trong nước, tuy ít tích lũy lại trong cơ thể nhưng nếu dùng liều cao lâu ngày có thể tạo sỏi thận oxalat (dehydroascorbic chuyển thành acid oxalic tạo sỏi), tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, giảm độ bền hồng cầu.
Vitamin C có nhiều trong quả cam, chanh, quýt
2. Cách dùng vitamin C
Dùng Vitamin C đúng liều
Hiện nay, vitamin C được bày bán dưới dạng thuốc và thực phẩm chức năng. thực phẩm chức năng được bày bán với với bao bì chai lọ giống chai lọ thuốc và dạng bào chế là viên nén, viên nang giống y như viên thuốc nhưng không được xem là thuốc. Trên nhãn, bao bì của thực phẩm chức năng bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”. Nhiều người thấy vitamin C được bày bán như thực phẩm chức năng cứ nghĩ rằng đây là loại dùng tùy tiện mà không có hại. Cần lưu ý, mặc dù là thực phẩm chức năng phải dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn thì mới an toàn. Đối với vitamin C, không được lạm dụng vitamin này quá nhiều vì nhu cầu khuyến cáo cung cấp vitamin C hằng ngày cho cơ thể chỉ là 60mg (viên vitamin C 1g là quá nhiều). Dùng vitamin C liều cao (quá 1g/ngày) có nguy cơ bị tiêu chảy, loét đường tiêu hóa (nếu uống vào lúc bụng trống), sỏi thận…
Lưu ý về dùng vitamin C dạng sủi bọt
Một dạng thuốc đang dùng khá nhiều hiện nay là viên thuốc sủi bọt, khi hòa tan có mùi vị thơm ngon ngọt cứ trông như nước giải khát.
Viên sủi bọt C thông dụng hiện nay chứa 1g (1.000mg) vitamin C, trong khi nhu cầu khuyến cáo cung cấp hàng ngày cho cơ thể chỉ là 60mg. Trong một số trường hợp thiếu vitamin đến độ ở tình trạng gọi là bệnh lý, khi ấy mới dùng vitamin liều cao gọi là liều điều trị. Vitamin C cũng thế. Việc dùng vitamin C liều cao để trị cảm cúm hiện vẫn còn sự tranh cãi. Dùng vitamin C liều cao lâu ngày (quá 1g mỗi ngày) rất dễ bị các tác dụng phụ như đã nói ở trên.
Điều cần phải nhắc lại là những người bị tăng huyết áp tuyệt đối không dùng dạng thuốc dạng sủi bọt nói chung, trong đó có viên C sủi. Bởi vì, bất cứ thuốc sủi bọt nào cũng chứa natri (do chứa natri bicarbonat hoặc natri carbonat nhằm phản ứng với acid citric cũng có trong viên thuốc để gặp nước sẽ sủi bọt). Và vì vậy, có một số người không được dùng thuốc sủi bọt do phải kiêng muối, tức không được ăn mặn, như người bị bệnh tăng huyết áp chẳng hạn. Thực chất của kiêng muối chính là kiêng natri (muối ăn là natri clorid). Nếu người đã bị tăng huyết áp mặc dù đang điều trị mà ăn nhiều muối hoặc dùng chất có nhiều natri thì huyết áp sẽ tăng vọt.
Không được tiêm vitamin C để làm đẹp da
Để có sức khỏe tốt, đặc biệt đối với phụ nữ để có được làn da tươi tắn mịn màng, vóc dáng khỏe khoắn chắc chắn phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất, bên cạnh chế độ nghỉ ngơi và vận động thích hợp. Không thể có làn da đẹp đẽ nếu người phụ nữ hằng ngày không ăn uống để được cung cấp đầy đủ và có tỉ lệ cân bằng 5 chất dinh dưỡng: chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và chất khoáng. Riêng vitamin với vai trò xúc tác các hệ thống enzyme, thúc đẩy quá trình chuyển hóa các dưỡng chất khác, đặc biệt chống oxy hóa, ngăn ngừa sự lão hóa nên được xem có vai trò sinh học chủ yếu giúp làn da tươi tắn mịn màng.
Không nên tiêm Vitamin để làm đẹp da
Tuy nhiên, có không ít người không xem nguồn thực phẩm, đặc biệt các loại rau quả trái cây, là nguồn thiên nhiên dồi dào và an toàn giúp bổ sung vitamin mà chỉ chuộng dùng thuốc. Điều đáng quan tâm hơn là có người, kể cả một số nhà điều trị, không dùng vitamin dạng thuốc uống mà lại dùng vitamin dạng thuốc tiêm chích. Như có nhiều người tự ý dùng thuốc Laroscorbine (vitamin C dạng tiêm) hoặc dùng các chế phẩm tiêm chích chứa vitamin C kết hợp với các chất khác như glutathione, acid alpha lipoic (ALA), collagen (như chế phẩm có tên Biome G Alpha, Aqua skin EGF-Whitening…) với lý do duy nhất là làm “trắng da, đẹp da”! Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học kiểm chứng sự kết hợp dùng tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp các chế phẩm vừa kể có tác dụng hay không có tác dụng thật sự làm trắng da, đẹp da.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh