1. Phân loại phẩm màu
Phẩm mầu tự nhiên: là các chất mầu được chiết suất ra hoặc được chế biến từ các nguyên liệu hữu cơ (thực vật, động vật) sẵn có trong tự nhiên. Ví dụ: Caroten tự nhiên được chiết suất từ các loại quả có màu vàng, Curcumin được chiết suất từ củ nghệ, màu Caramen được chế biến từ đường…Nhóm phẩm mầu có nguồn gốc tự nhiên có nhược điểm là độ bền kém, sử dụng với lượng lớn nên giá thành sản phẩm cao…
Phẩm mầu tổng hợp hoá học: Là các phẩm mầu được tạo ra bằng các phản ứng tổng hợp hoá học. Ví dụ: Amaranth (đỏ), Brilliant blue (xanh), Sunset yellow (vàng cam), Tartazine (vàng chanh)…Các phẩm màu tổng hợp thường đạt độ bền màu cao, với một lượng nhỏ đã cho màu đạt với yêu cầu đặt ra, nhưng chúng có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không được phép dùng trong thực phẩm.
Phân biệt phẩm màu tự nhiên với phẩm màu tổng hợp hóa học
Phẩm màu tự nhiên được chiết xuất từ rau, hoa, củ quả như màu đỏ từ quả gấc, màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ lá dứa… Phẩm màu tổng hợp là các phẩm màu được tạo ra từ việc tổng hợp các chất hóa học. Nhược điểm của chất màu tự nhiên là kém bền màu, nghĩa là sẽ phai màu trong một khoảng thời gian rất ngắn (dưới 2 tiếng đồng hồ) khi để ngoài không khí hay phơi nắng, trong khi chất màu tổng hợp thì lại cho màu đẹp và bền màu.
Thế nên, những thức ăn bày bán ngoài vỉa hè (xôi gấc, xôi tím, bánh ngọt, rau câu,…) sau cả buổi trời mà màu vẫn sặc sỡ, đẹp, đậm thì chắc chắn đã sử dụng phẩm màu. Khi mua những sản phẩm truyền thống như bánh ít, bánh phu thê, mứt gừng… thì đừng mua loại không có bao bì, những sản phẩm có màu quá sặc sỡ, bắt mắt vì những sản phẩm này đã sử dụng phẩm màu quá liều lượng cho phép. Nên uống nhiều nước khi ăn thức ăn mà ta nghi ngờ có sử dụng phẩm màu để làm giảm tác hại của phẩm màu đến cơ thể (nếu có).
2. Những loại phẩm màu được sử dụng trong chế biến thực phẩm
Có rất nhiều chất được sử dụng làm phẩm mầu. Tuy nhiên chỉ những chất ít độc, dễ thải loại ra khỏi cơ thể người và không bị biến chất, phân huỷ trong quá trình chế biến (đun nóng, lên men…), không lẫn các tạp chất độc hại…mới được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Dựa trên các công trình nghiên cứu khoa học, khảo sát về độc tính cấp, độc tính trường diễn, sự phân huỷ của các chất, độ tinh khiết…mà các nước trên thế giới đã đưa ra danh sách các chất được phép sử dụng làm phụ gia trong quá trình chế biến thực phẩm. Tại Việt Nam, trong "Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm" ban hành kèm theo Quyết định số 867/QĐ – BYT, ngày 4/4/1998 của Bộ trưởng Bộ Y tế, quy định: (21 chất: 11 phẩm màu tự nhiên, 10 phẩm màu tổng hợp) được phép sử dụng làm phẩm màu thực phẩm. Ăn thức ăn có chứa phẩm màu có an toàn không?
3. Tác hại của phẩm màu
Các phẩm màu được bổ sung vào thực phẩm với mục đích tạo cho sản phẩm có màu sắc đẹp, tăng tính hấp dẫn đối với người tiêu dùng, hoàn toàn không có giá trị về mặt dinh dưỡng. Những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng độc hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Tuy nhiên nếu quá lạm dụng phẩm màu, hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép sử dụng để chế biến thực phẩm (đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp) sẽ rất có hại đến sức khoẻ, có thể gây ngộ độc cấp tính, nhưng hậu quả sử dụng lâu dài tích luỹ cao có thể gây ung thư như u não, ung thư bàng quan, tinh hoàn, tuyến giáp và tuyến thượng thận.
Phẩm màu thực phẩm không tốt cho sức khỏe
Nói chung, các loại phẩm màu tổng hợp hóa học thuộc diện cấm, có thể gây chứng chậm phát triển trí não, làm nghiêm trọng hơn chứng bệnh tăng hiếu động ở trẻ em hoặc biểu hiện bất thường về hành vi, một số loại có thể gây dị ứng. Nếu con người sử dụng thường xuyên, liều cao loại phẩm màu công nghiệp, lâu dài sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, suy gan, suy thận…
4. Những loại phẩm màu có trong thức ăn chế biến sẵn
Khi mua thức ăn chế biến sẵn có nên chọn những thức ăn có màu không? Phẩm màu được bổ sung vào thực phẩm nhằm tạo tính hấp dẫn cho sản phẩm thực phẩm. Đối với nhóm thực phẩm chế biến sẵn, việc sử dụng phẩm màu khá phổ biến:
– Bánh, mứt, kẹo.
– Nước giải khát.
– Sản phẩm chế biến từ thịt, thuỷ sản.
– Đồ hộp….
Khi mua những thực phẩm chế biến sẵn, đối với nhóm thức ăn đường phố (thịt quay, tương ớt…), các loại bánh kẹo (đặc biệt là bánh truyền thống: Bánh cốm, bánh susê…) không nên chọn những thực phẩm có màu loè loẹt.
5. Cách dùng phẩm màu an toàn
Khi chế biến thức ăn tại gia đình, tốt nhất là nên sử dụng các phẩm màu tự nhiên. Nếu sử dụng các phẩm màu tổng hợp thì cần biết rõ đó là phẩm màu gì có được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm hay không. Không mua và không sử dụng các loại phẩm màu đóng gói lẻ không có nhãn mác, nguồn gốc không rõ ràng để chế biến thực phẩm. Chế biến thực phẩm với quy mô kinh doanh, chỉ được sử dụng các phẩm màu thực phẩm, sử dụng đúng liều lượng cho phép được quy định trong "Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm" ban hành kèm theo Quyết định số 867/QĐ – BYT, ngày 4/4/1998 của Bộ Trưởng Bộ Y tế. Khi có sử dụng phẩm màu trong chế biến thực phẩm phải đăng ký và ghi rõ trên nhãn thực phẩm để người tiêu dùng biết.
Tóm lại, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn (bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, nước ngọt, thạch hoa quả, thịt, cá, hải sản đóng hộp…). Để đảm bảo sức khỏe, nên sử dụng phẩm màu tự nhiên khi chế biến thức ăn tại gia đình; khi mua sản phẩm đã được chế biến sẵn thì nên đọc kỹ thành phần để biết rõ loại phẩm màu nhà sản xuất sử dụng.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh