1. Nhận biết những loại ong hay đốt người
Ong thuộc bộ cánh màng, các loại ong hay đốt người là: ong mật (Apidae), ong bầu (Bombidae), ong bắp cày, ong vò vẽ, ong vàng (Vespidae ). Riêng ong vàng có thể tự nhiên đốt người, còn các loại ong khác chỉ đốt người khi tổ ong bị quấy rối. Ong mật ngòi có hình răng cưa nên khi đốt, ngòi cắm vào da người, bị đứt ra, phần cơ quanh túi nọc tiếp tục co bóp để tống nọc độc vào cơ thể nạn nhân, chỉ sau 20 giây đã có tới 90% lượng nọc được bơm vào cơ thể nạn nhân. Các loại ong khác do ngòi không có hình răng cưa như ong mật nên khi đốt ngòi còn nguyên vẹn, nên ong có thể đốt nhiều lần.
Nọc ong được chứa 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong
Sau khi vào cơ thể, các chất trong nọc ong gây ra: phản ứng dị ứng, gây sốc phản vệ có thể làm nạn nhân tử vong nhanh chóng. Làm ngưng kết tiểu cầu và gây tắc mao mạch, tổn thương nhiều cơ quan. Nếu các triệu chứng xảy ra càng nhanh, nguy cơ tử vong càng cao, hầu hết tử vong trong giờ đầu. Những ngày sau, bệnh nhân có thể bị nhiễm độc toàn thân nặng, dễ tử vong nếu không được điều trị tích cực, do tan máu, rối loạn đông máu, viêm gan, tiêu cơ vân, suy thận cấp…
2. Thành phần của nọc độc ong
Nọc ong có các hợp chất gây độc cơ thể người là: melittin có nhiều trong nọc ong, chủ yếu gây đau, có đặc tính hoạt động trên bề mặt tế bào, gây tan máu và làm cho các tiểu cầu ngưng kết với nhau. Men phospholipase A2, sau khi melittin phá hủy màng tế bào, phospholipase A2 gây tan hồng cầu bằng cách tách rời các liên kết trên màng tế bào hồng cầu. Peptide làm thoái hoá các hạt của bạch cầu hạt ưa kiềm, giải phóng histamin. Men hyaluronidase vừa là kháng nguyên, vừa có tác dụng phân hủy acid hyaluronic của tổ chức liên kết, làm cho nọc ong dễ lan tràn trong cơ thể nạn nhân. Apamine là chất độc với thần kinh, tác dụng mạnh trên tủy sống, gây tăng kích thích, co thắt cơ, co giật. Các chất: histamin, serotonin, catecholamin, kinin: gây đau, gây viêm có tính chất hoạt mạch, gây các triệu chứng tại vết đốt, thúc đẩy sự hấp thu các kháng nguyên trong nọc ong. Các chất có hoạt tính tiêu fibrin, ức chế prothrombin và thromboplastin và nhiều kháng nguyên.
3. Nguy hiểm từ nọc độc của ong
Theo các bác sĩ chuyên khoa chống độc, khi bị ong đốt, nếu không được cấp cứu kịp thời, một số trường hợp nạn nhân có thể chết ngay trong 30 phút đầu tiên. Nguy cơ tử vong không tùy thuộc vào lượng nọc ong mà tùy thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người. Điều này có nghĩa là chỉ một con ong cũng có thể làm chết người.
Có nhiều loại ong, các loại ong thường gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi.
Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Tuyến bên trái chứa chất kiềm lỏng, tuyến bên phải chứa chất toan lỏng (axit). Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng và acetylcholin. Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều. Có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với mươi vết chích như ong vò vẽ, ong đất, do đó, tuyệt đối không được xem thường khi bị ong đốt vì người bị đốt khó phân biệt là mình bị loại ong nào đốt.
Trong các loại nọc ong, nọc ong vò vẽ thuộc loại nguy hiểm nhất. Sau khi đốt xong, chúng không để lại vòi như ong mật nên không chết ngay mà có thể đốt thêm nhiều người nữa.
Nhiều trường hợp đi nương hoặc ở nhà đột nhiên do vô tình bị ong đốt, trong trường hợp này, chớ chủ quan xem thường. Không hiếm trường hợp do bị ong đốt không xử lý kịp thời và đúng cách dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng, nhất là với trẻ em và người có tuổi do sức đề kháng, chịu đựng kém, người có mẫn cảm với phấn hoa.
4. Biểu hiện khi bị ong đốt
Một người bị ong đốt có những biểu hiện: sốc phản vệ là phản ứng nặng của cơ thể nạn nhân xảy ra không phụ thuộc số lượng ong đốt, thay đổi từ nhẹ tới nặng và tử vong. Hầu hết trường hợp sốc phản vệ xảy ra trong vòng 15 phút đầu hoặc trong vòng 6 giờ đầu. Triệu chứng gồm: lúc đầu là ngứa mắt, đỏ mắt, nổi mề đay toàn thân, ho khan. Các triệu chứng nặng lên nhanh chóng với các biểu hiện: bó ngực, co thắt hầu họng, thở rít, khó thở, da tím tái, đau bụng, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, rét run và sốt; tiếng rít thanh quản, hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ, đờm có bọt máu. Nạn nhân suy sụp rất nhanh và tiến tới suy hô hấp, trụy tim mạch rồi tử vong.
Nhiễm độc toàn thân trong trường hợp bị nhiều ong đốt (trên 10 con), triệu chứng về tiêu hoá nổi bật hơn: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, sợ ánh sáng và ngất. Có thể có sốt, ngủ gà, co cứng cơ tự nhiên, phù nhưng có mề đay, co giật. Các triệu chứng này thường biến mất sau 48 giờ, nhưng có tổn thương nặng nề ở các cơ quan như: hoại tử gan; suy thận xuất hiện sau 1-2 ngày, do tan máu, tiêu cơ vân, nọc ong còn gây tổn thương ống thận, nếu không được điều trị sớm, tích cực, bệnh sẽ tiến triển thành suy thận cấp vô niệu, kéo dài có thể nhiều tuần đến hàng tháng; tan máu, giảm tiểu cầu, đông máu nội mạch rải rác; tiêu cơ vân ồ ạt khi số lượng vết đốt nhiều.
5. Cách xử trí khi bị ong đốt
– Khi bị ong đốt cần nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.
– Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
Khi bị ong đốt cần lấy vòi chích của ong ra khỏi cơ thể
– Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.
– Uống nhiều nước để loại thải các độc tố.
– Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và cần đưa ngay nạn nhân đến đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau:
– Số lượng vết đốt nhiều (từ 10 nốt trở lên).
– Bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong rừng đốt.
– Bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng (có thể gây tắc thở hoặc mù mắt).
– Nạn nhân có các biểu hiện khó chịu như: Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt nhiều, đái ít, vàng mắt, vàng da,…
6. Phòng tránh ong đốt
Tuyệt đối tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Không chọc phá tổ ong; thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà vì ong thường làm tổ ở nơi lộ thiên, trên những cành cây hay bụi cây hoặc quanh nhà. Khi có ong xuất hiện, cần đứng yên, không chạy; Khi đi vào rừng, đi dã ngoại, không nên mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong; Không nên đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Nên đội mũ, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín khi cần có việc ra ngoài đồng, vườn hoặc rừng để tránh côn trùng đốt, nhất là ong.
7. Một số bài thuốc dùng sơ cứu khi bị ong đốt
Bài 1: 30g lá hẹ hoặc 30g hạ khô thảo tươi hoặc lá bán hạ tươi, hoặc 50 – 100g lá bầu ta, hoặc 30 – 50g lá đậu ván trắng hoặc lá bạc hà tươi giã nát đắp vào chỗ bị ong đốt giúp giảm đau, giảm sưng nề.
Lá bạc hà giúp giảm đau, sưng nề khi bị ong đốt
Bài 2: 1 đóa hoa tươi (bất kể là hoa gì), lấy xát vào chỗ bị đốt giúp giảm sưng ngay.
Bài 3: 15g lá phù dung tươi, thêm vào một ít muối ăn, đem giã nát, rồi đắp vào vết đốt.
Bài 4: vắt lấy một ít sữa mẹ (người mẹ đang nuôi con bú), bôi vào vết đốt giúp giảm đau, giảm sưng nề.
Bài 5: lá cúc vò nát, xát vào vết đốt mỗi ngày 5-7 lần.
Bài 6: 1 củ khoai sọ sống, cắt miếng xát vào vết đốt giúp giảm đau.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh