Một loại dược thảo quý hiếm mà giá trị của nó còn cao hơn cả vàng.
Trong tiếng Việt, loài thảo dược ngàn vàng này được biết đến với cái tên "đông trùng hạ thảo", còn người Tây Tạng thì gọi nó là "yartsa gunbu". Tên gọi "đông trùng hạ thảo" là xuất phát từ quan sát thực tế khi thấy vào mùa đông, cá thể này giống con sâu (côn trùng), còn đến mùa hè thì chúng trông giống một loài thực vật (thảo mộc) hơn.
Vào mùa đông, một số ấu trùng sâu bướm sống trong lòng đất bị nấm ký sinh Ophiocordyceps sinensis tấn công. Ấu trùng chết đi chỉ để lại lớp vỏ ngoài, còn nấm mốc thì tiếp tục phát triển nhờ sử dụng chất dinh dưỡng từ cơ thể sâu non. Đến mùa xuân, một phần mô màu nâu của nấm nhú lên trên mặt đất, trông giống như hình dạng của ngọn cỏ.
Quá trình kỳ diệu biến đổi từ một con ấu trùng thành nấm này chỉ xảy ra trên những cao nguyên khắc nghiệt của vùng cao nguyên Tây Tạng và dãy núi Himalaya ở độ cao từ 3.000 – 5.000m. Loài nấm này sống âm ỉ trong lòng đất hơn 5 năm trước khi trồi lên khỏi mặt đất. Cho đến nay, con người vẫn chưa tạo ra được đông trùng hạ thảo nhân tạo.
Đông trùng hạ thảo được nhắc đến từ thế kỉ 15 trong một văn bản Tây Tạng cổ. Các thầy thuốc tin rằng, đây là một loại thần dược chữa được nhiều bệnh như suy nhược, vàng da, giúp cải thiện thị lực, giảm đau và ngăn ngừa rụng tóc. Đông trùng hạ thảo được tin là có hiệu nghiệm cao trong việc chữa bất lực tình dục.
Để có thể tìm ra đông trùng hạ thảo, người khai thác phải có đôi mắt tinh và sự kiên nhẫn, bền bỉ. Nhiều trẻ em cũng tham gia làm việc này trên những đồng cỏ khắc nghiệt. Vào mùa khai thác đông trùng hạ thảo, nhiều trẻ em bỏ học để theo gia đình đi làm.
Ở Tây Tạng, "yartsa gunbu" trở thành một trong những nguồn tài nguyên thu nhiều lợi nhuận nhất tại các vùng nông thôn nghèo khổ. Giá trị của đông trùng hạ thảo tăng lên chóng mặt, đặc biệt là kể từ cuối thập niên 90, thế kỷ XX.
Vào năm 2008, 1kg đông trùng hạ thảo đã có giá tới 3.000 USD – phẩm chất thấp nhất (khoảng 60 triệu VNĐ) đến hơn 18.000 USD/1kg (khoảng 360 triệu VNĐ) – loại có phẩm chất hảo hạng nhất.
Những năm gần đây, đông trùng hạ thảo còn được coi là một thứ quà xa xỉ trong những bữa tiệc thượng lưu ở Trung Quốc. Hiện tại, khoảng nửa lạng đông trùng hạ thảo tinh chế có thể được bán với giá 50.000 USD (khoảng 1 tỷ VNĐ). Nguồn lợi này đã góp phần nâng cao đời sống cho nhiều người dân nghèo miền Tây Trung Quốc.
Nhu cầu sử dụng tăng cao đã dẫn đến việc khai thác quá mức đông trùng hạ thảo. Những người thu hái thường đào tất cả những côn trùng tìm thấy, bất kể kích cỡ khiến những củ non chưa kịp lớn. Sau khi đã khai thác cạn kiệt một khu vực, họ lại chuyển sang khai thác vùng khác. Bên cạnh những giá trị y dược đã được khẳng định của đông trùng hạ thảo, việc sử dụng loại thuốc này vẫn cần thêm những nghiên cứu chuyên môn kỹ lưỡng. Paul Stamets – nhà khoa học chuyên nghiên cứu về nấm cho biết, khi những ấu trùng non chết, chúng có thể bị nhiễm một số loại nấm lạ có chứa độc tố cho người sử dụng.
Theo truyền thống, những người thu mua đông trùng hạ thảo luôn tìm cách chê bai để hạ giá mua. Họ sẽ nói những câu như “Tôi chưa từng mua những con sâu kém thế này” hoặc “Màu sắc những con này không được, quá tối màu”. Khi ngã giá và trả tiền, người mua, người bán sẽ để bàn tay vào một ống tay áo rộng hoặc phủ khăn lên. Họ sẽ ra giá và đưa tiền cho nhau dưới lớp vải nhằm đảm bảo bí mật của cuộc giao kèo khỏi ánh mắt những người xung quanh.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh