1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh viêm ruột hoại tử là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nặng do Clostridium Welchi týp C (CWC) gây ra. Vi khuẩn này tiết ra độc tố toxin, một loại độc tố rất dễ bị phá hủy bởi men trypsin có trong ruột người bình thường, nên chúng ta không mắc bệnh. Trái lại, ở trẻ em ăn thiếu chất đạm (protein), hoặc ăn các thức ăn có nhiều chất chống men trypsin như khoai lang, đậu nành, hay trẻ bị nhiễm giun đũa thì độc tố toxin của vi khuẩn tiết ra không bị hủy bởi men trypsin của ruột, nên dễ mắc bệnh. Vi khuẩn CWC có ở phân của bò, lợn và người. Vì vậy, vi khuẩn có thể nhiễm vào thực phẩm, nếu thức ăn chưa nấu chín kỹ, người ăn phải sẽ bị viêm ruột hoại tử.
2. Triệu chứng biểu hiện của viêm ruột hoại tử
Trẻ em bị viêm ruột hoại tử thường có các triệu chứng sau:
– Đau bụng là triệu chứng sớm nhất. Trẻ đau từng cơn, sau đó đau âm ỉ, đau tăng khi ăn uống. Vị trí đau ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn, nhưng có khi không rõ vị trí đau. Nếu viêm ruột hoại tử có dấu hiệu bị choáng, cơn đau sẽ dữ dội hơn và kéo dài hơn.
– Tiếp theo đau là sốt, mọi trẻ em bị bệnh đều có sốt. Nếu có choáng, sốt thường cao trên 38,5°C. Choáng là biểu hiện của viêm ruột hoại tử nặng, thường xảy ra trong 1 – 2 ngày đầu phát bệnh. Kèm theo tình trạng choáng, trẻ thường có nổi vân tím trên da. Những trẻ có nổi vân tím như vậy rất dễ tử vong. Nếu bệnh nhi sống được thì tình trạng choáng thường hồi phục trước 24 giờ.
Ruột bình thường và ruột bị viêm hoại tử
– Đại tiện ra máu: hầu hết trẻ em bị viêm ruột hoại tử đều có triệu chứng đại tiện ra máu từ ngày thứ nhất, thứ hai sau khi phát bệnh. Triệu chứng này rất quan trọng giúp chẩn đoán trẻ bị viêm ruột hoại tử. Phân của trẻ bị bệnh có màu đen nâu, lỏng, mùi thối khắm. Mỗi lần trẻ đi ngoài khoảng 50 – 200ml, đi rất dễ, không mót rặn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ không tự đi ngoài được, phải ấn mạnh vào bụng hay thăm trực tràng, hoặc đặt ống xông trực tràng phân mới chảy ra. Số ít trẻ bị táo bón sau một vài ngày đại tiện ra máu. Nếu táo bón xuất hiện mà các triệu chứng khác được cải thiện như hết sốt hoặc giảm sốt, bụng bớt trướng thì đó là dấu hiệu tốt của bệnh. Trái lại, nếu bị táo bón mà sốt tăng, đau bụng tăng hay bụng trướng hoặc nôn xuất hiện thì có thể là biến chứng tắc ruột, thủng ruột hay viêm phúc mạc. Nôn xảy ra trong 1 – 2 ngày đầu phát bệnh, trẻ nôn ra dịch dạ dày, nếu chất nôn có máu đen nâu hoặc có máu bầm lợn cợn là bệnh nặng. Trướng bụng xảy ra trong vòng 2 ngày đầu của bệnh là dấu hiệu nặng. Nếu trẻ sốt cao trên 39°C, có triệu chứng nhiễm độc, nhiễm khuẩn nặng, nôn nhiều, bụng trướng sớm thì bệnh rất nặng. Chụp Xquang thấy tổn thương viêm ruột hoại tử.
3. Điều trị và phòng bệnh
Điều trị
Nếu trẻ không có choáng, điều trị bằng bồi phụ nước và điện giải, làm cho bụng bớt trướng như uống oresol hoặc truyền dịch. Đây là việc làm rất quan trọng để cứu sống trẻ. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như nước súp, sữa, bột lỏng từ ngày đầu phát bệnh nếu trẻ không nôn, bụng trướng nhẹ, lượng phân ít. Cách cho ăn: cho trẻ ăn làm nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa chỉ ăn số lượng ít để trẻ hấp thu thức ăn. Nếu triệu chứng cải thiện nhiều, có thể cho trẻ ăn thức ăn đặc dần. Tuy nhiên, đối với các trẻ bị bệnh nặng, nôn nhiều, bụng trướng thì phải nhịn ăn, nhưng phải chú ý cho trẻ ăn sớm khi các triệu chứng đã khá lên. Thuốc điều trị là: tiêm penicillin và gentamycin, hoặc uống cefotaxim phối hợp với metronidazole. Phẫu thuật để điều trị các trường hợp như: trẻ lúc đầu phát bệnh nhẹ nhưng diễn biến ngày một nặng; sau 2 ngày điều trị mà dấu hiệu nhiễm độc vẫn nặng lên; trẻ bị trướng bụng, đau bụng tăng, hút có dịch đen nâu ở dạ dày; nghi ngờ trẻ bị thủng ruột hay tắc ruột; trẻ bị bệnh nặng có choáng, cần mổ để cắt bỏ đoạn ruột hoại tử…
Phòng bệnh
Viêm ruột hoại tử có thể phòng tránh được bằng cách: thực hiện ăn chín uống sôi; hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng; tiêm vaccin phòng bệnh viêm ruột hoại tử cho trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi; cho trẻ ăn uống đủ chất, nhất là phải ăn đầy đủ chất đạm như thịt, cá, trứng sữa. Ở nông thôn, vào mùa thu hoạch khoai lang, cha mẹ và người lớn cần khuyên và giám sát không cho trẻ ăn khoai lang sống vì dễ bị viêm ruột hoại tử. Nên tẩy giun định kỳ cho trẻ để tránh bị viêm ruột hoại tử liên quan đến nhiễm giun. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, xử lý tốt phân, nước, rác.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh