Mẹ cần nắm vững những cách thức vắt sữa, bảo quản và sử dụng để đảm bảo nguồn sữa hợp vệ sinh, đạt chất lượng tốt cho sự phát triển của trẻ.
1. Chuẩn bị trước khi vắt sữa
Chuẩn bị dụng cụ đựng sữa như cốc, ly, lọ hoặc bình đựng có miệng rộng.
Rửa dụng cụ đựng sữa bằng xà phòng và nước sạch. Rót nước sôi vào dụng cụ đựng sữa, để trong vài phút rồi đổ đi. Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng.
Đứng hoặc ngồi một cách thoải mái như khi cho con bú, đặt bình sữa sát kề vú.
2. Các bước vắt sữa bằng tay
– Massage nhẹ nhàng đầu vú hoặc đặt một chiếc khăn ấm lên vú để tạo cảm giác dễ chịu giúp sữa về dễ dàng hơn.
– Đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón tay trỏ ở phía dưới, đối diện với ngón tay cái thành hình chữ C. Đỡ vú bằng các ngón tay khác.
– Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực. Ấn vào rồi thả ra, ấn vào rồi thả ra.
– Ấn xung quanh quầng vú tương tự từ nhiều phía.
Lưu ý, tránh chà xát hoặc trượt ngón tay trên da. Các ngón tay vắt bằng cách lăn trên da. Tránh ấn vào núm vú. Ấn hoặc kéo núm vú không thể vắt được sữa.
Vắt một bên tối thiểu 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt cả 2 bên. Có thể sử dụng bơm hút sữa để vắt dễ dàng hơn.
Vắt và bảo quản sữa đúng cách để đảm bảo chất lượng sữa
3. Cách bảo quản sữa mẹ để dự trữ
– Sử dụng bình chứa bằng thủy tinh hoặc nhựa cứng có nắp đậy kín hoặc túi bảo quản sữa chuyên dụng.
– Không nên đổ đầy sữa vào bình, để lại một khoảng trống nhỏ vì sữa đông lạnh chiếm nhiều thể tích hơn sữa.
– Mỗi bình chứa sữa chỉ nên để 60-120ml, vừa đủ cho 1 lần ăn của trẻ để tránh lãng phí và đảm bảo vệ sinh.
Thời gian bảo quản sữa mẹ
Nhiệt độ phòng 19-20 độ C, có thể bảo quản được 4 giờ. Với nhiệt độ dưới 4 độ C của ngăn mát tủ lạnh, sữa có thể bảo quản được 3 ngày. Ở nhiệt độ ngăn đá tủ lạnh -18 đến -20 độ C, sữa mẹ có thể bảo quản được 6 tháng.
Cách sử dụng sữa mẹ đã bảo quản
– Khi sử dụng, làm ấm sữa bằng cách đặt bình chứa sữa vào một bát nước nóng hoặc đổ nước nóng quanh bình chứa sữa. Trẻ sơ sinh có thể từ chối uống sữa mới lấy ra từ tủ lạnh, nhưng sữa này không có hại.
– Không làm nóng sữa mẹ bằng cách đun sôi hoặc cho vào lò vi sóng. Lò vi sóng có thể làm hủy hoại các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ, tạo ra các “hạt nóng” có thể gây bỏng con bạn. Do đó, không nên làm ấm sữa mẹ bằng lò vi sóng.
– Nên cho trẻ ăn bằng cốc và thìa.
Có thể cho trẻ dùng lại lượng sữa mẹ còn thừa ở cữ trước hay không?
Hiện chưa có công trình nghiên cứu nào về vấn đề này. Tuy nhiên, các bà mẹ có thể cất vào tủ lạnh lượng sữa mẹ còn thừa mà trẻ chưa uống hết và cho uống tiếp vào cữ sữa kế tiếp. Nếu có vấn đề gì nghi ngờ, tốt nhất bạn nên bỏ lượng sữa thừa này đi.
Sau khi làm tan sữa đông lạnh bằng cách đặt bình sữa vào chén nước ấm, bạn có thể tiếp tục bảo quản ở tủ lạnh thêm 24 giờ nữa, nhưng không nên làm đông đá lần thứ hai.
Tại sao sữa mẹ đông lạnh đôi khi có mùi khi rã đông?
Lipase là một loại men tiêu hóa chất béo, vẫn còn hoạt tính trong khi sữa mẹ được làm đông lạnh. Một số bà mẹ có hàm lượng men lipase trong sữa cao và khi làm tan đông, sữa của những bà mẹ này thường có mùi và nếm có vị của xà phòng. Sữa này không có hại gì cho trẻ, nhưng trẻ thường không thích và từ chối bú.
Trong trường hợp này, bạn có thể đun sôi nhẹ sữa (khoảng 82 độ C) trước khi lưu trữ để làm bất hoạt men lipase, đến khi có những bọt nước nhỏ ở xung quanh nồi là được. Sau đó, bạn làm lạnh nhanh và lưu trữ.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh