Trầm cảm là một căn bệnh liên quan đến cơ thể, khí sắc, hành vi, tình cảm, tư duy của bệnh nhân. Nó ảnh hưởng đến cách ăn, ngủ của bệnh nhân cũng như ảnh hưởng đến suy nghĩ của bệnh nhân về mình, và cách nhìn nhận mọi vật xung quanh. Rối loạn trầm cảm là một hội chứng rất hay gặp ở người phụ nữ nhất là phụ nữ lớn tuổi. Nó hiện diện trên 20% phụ nữ, và tỷ lệ này càng tăng trong giai đoạn chung quanh tuổi mãn kinh.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trầm cảm có liên quan mật thiết với tình trạng hormon của người phụ nữ, và nó sẽ dễ dàng xuất hiện ở những phụ nữ có những xung đột về tâm lý như thay đổi học bổng của con, tình trạng kinh tế suy giảm. Trong trạng thái trầm cảm, người bệnh thường hay đánh giá thấp về bản thân, cảm thấy mình có lỗi, buồn khổ, giảm giá trị, mất hứng thú đối với cuộc sống, và mơ hồ về tương lai. Đây là một trong những rối loạn tâm thần thường gặp, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và cả gia đình của họ. Ngoài ra, trầm cảm cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến những ý nghĩ và hành vi tự sát.
Tỷ lệ mặc bệnh ở nam giới và nữ giới
Căn bệnh trầm cảm không phân biệt nam giới hay nữ giới, thậm chí phụ nữ mắc căn bệnh này nhiều hơn nam giới. Trung bình, một người phụ nữ thường “nhiễm” căn bệnh này 2 lần trong suốt cuộc đời của mình.
Tại Pháp, cứ 10 người đàn ông thì có 1 người đã từng bị mắc căn bệnh này. Tỷ lệ ở nữ là 1/5, tức là cao gấp đôi nam giới. Theo các bác sỹ chuyên khoa, ngày càng có nhiều người bị tái phát căn bệnh này nhiều lần trong suốt cuộc đời họ và số lượng thanh thiếu niên mắc căn bệnh này gia tăng nhanh chóng.
Lukaszewiez (2006) nghiên cứu trên 62 phụ nữ quanh mãn kinh, tuổi trung bình là 43,5 tuổi nhận thấy trầm cảm xuất hiện với tỷ lệ 30,5%, loạn thần chiếm tỷ lệ là 22,5%. Nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 4,6% dân số của Puerto Rico ít nhất đã từng có trầm cảm trong đời và tần suất này tăng dần theo tuổi.
Tuy nhiên tại Việt Nam hiện tại có rất ít tác giả quan tâm đến khả năng trầm cảm ở phụ nữ quanh mãn kinh. BS CKII. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh có tiến hành khảo sát 144 phụ nữ quanh tuổi mãn kinh thấy trầm cảm xuất hiện đến 37.9%.
Các tiêu chí để chẩn đoán trầm cảm đều giống nhau ở cả hai giới, tuy nhiên người ta nhận thấy rằng các biểu hiện của trầm cảm ở phụ nữ thường là lo âu, mặc cảm có tội và thay đổi khẩu vị cũng như thói quen ăn uống. Nguyên nhân của sự khác biệt này giữa nam và nữ vẫn chưa được biết rõ; tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có sự liên quan giữa nồng độ các nội tiết tố sinh dục nữ với chứng trầm cảm.
Các yếu tố dẫn đến trầm cảm ở nữ giới
Thông thường, bệnh trầm cảm liên quan đến sự mất cân bằng hóa học trong não bộ khiến các tế bào khó liên lạc với nhau. Những sự kiện đầy áp lực trong cuộc sống có thể gây ra chứng trầm cảm như việc mất một người thân, ly dị, hoặc chuyển môi trường sống. Ngoài ra, trầm cảm còn được gây ra bởi việc lạm dụng thuốc hoặc chất cồn quá mức.
Trầm cảm thường xuất hiện ở nữ giới
Sau khi sinh em bé, khoảng một nửa số bà mẹ sẽ phải chịu đựng những cơn trầm cảm nhẹ. Tuy nhiên, mức độ của chứng trầm cảm này không cao, sẽ mất đi sau một vài giờ hoặc một vài ngày. Ngoài ra, thì một số phụ nữ có dấu hiệu nặng hơn hoặc dấu hiệu đó hiện diện lâu hơn, đây được xem là trầm cảm trong thời kỳ hậu sản.
Những người mà có bố, mẹ, ông bà hoặc họ hàng từng mắc chứng trầm cảm cũng có nguy trở thành nạn nhân của căn bệnh này.
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng độ nặng của trầm cảm ở phụ nữ có thể kể ra một số yếu tố sau đây:
- Trong gia đình đã từng có người bị trầm cảm
- Bản thân đã từng có lần bị trầm cảm, đặc biệt là khi điều này xảy ra rất sớm trong giai đoạn mới dậy thì
- Bị mất một hoặc cả hai cha và mẹ từ trước khi lên 10 tuổi
- Lúc còn nhỏ bị bạo hành thể xác hoặc xâm hại tình dục
- Đang sử dụng thuốc viên ngừa thai uống mỗi ngày, đặc biệt là loại thuốc có hàm lượng progesterone cao.
- Đang sử dụng thuốc kích thích rụng trứng để điều trị vô sinh
- Thường xuyên có những yếu tố gây stress trong đời sống, vì dụ như mất việc làm hoặc xung đột trong hôn nhân chẳng hạn…
- Thiếu những nguồn lực hỗ trợ từ gia đình và xã hội
Trầm cảm được chữa trị như thế nào?
Phương pháp điều trị tốt nhất là kết hợp giữa điều trị tâm lý và dùng thuốc. Người bệnh cần phải nghĩ bệnh của họ sẽ được chữa khỏi, điều đó sẽ giúp họ theo hết được đơn thuốc và chu trình điều trị của bác sỹ. Tại Pháp, ước tính có tới 1/3 số bệnh nhân không theo hết đợt điều trị.
Thu thập thông tin về căn bệnh này trên mạng Internet, sách báo… là điều cần thiết. Trầm cảm là một loại bệnh của thời hiện đại, do đó nó còn nhiều mới mẻ. Thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai về căn bệnh này làm cho người bệnh không tìm được niềm tin và kiến thức về bệnh dẫn đến thờ ơ với việc điều trị bệnh.
Có hai phương pháp điều trị trầm cảm, hoặc được thực hiện đơn lẻ từng phương pháp hoặc cũng có thể phối hợp cả hai cùng lúc; đó là: điều trị bằng thuốc (hóa dược) và tâm lý trị liệu.
1. Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm (Antidepressants)
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm. Người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này mà nhất thiết phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
Thời gian điều trị cũng cần phải được bảo đảm thực hiện đầy đủ. Tùy theo đợt trầm cảm xuất hiện lần đầu hay là đợt tái phát mà thời gian điều trị thuốc có thể thay đổi từ 6 tháng cho đến vài năm. Cần theo dõi và khám định kỳ trong thời gian dùng thuốc để bác sĩ có thể đánh giá hiệu quả của việc dùng thuốc cùng các tác dụng phụ của thuốc nếu có. Đặc biệt ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, việc dùng thuốc cũng phải hết sức thận trọng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Điều trị bệnh trầm cảm cần có nhiều thời gian
Nếu dùng thuốc có hiệu quả, người bệnh có thể cảm thấy ăn ngủ tốt hơn, tái lập dần các hứng thú với cuộc sống và có cái nhìn tích cực hơn về tương lai cũng như về bản thân. Mặc dù hiệu quả của thuốc có thể bắt đầu nhận thấy sau một tuần điều trị, tuy nhiên hiệu quả đầy đủ nhất do tác dụng của thuốc chỉ có thể đạt được sau 8-12 tuần dùng thuốc.
2. Tâm lý trị liệu (Psychotherapy)
Tâm lý trị liệu là phương pháp chữa trị bằng cách dùng các kỹ thuật tiếp cận và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT : Cognitive Behavior Therapy) thường được sử dụng để giúp người bệnh trầm cảm hình thành những suy nghĩ tích cực hơn về bản thân mình, về thế giới xung quanh và về tương lai.
Bên cạnh đó, một số các biện pháp hỗ trợ khác về tâm lý – xã hội, ví dụ: huấn luyện nâng cao kỹ năng giao tiếp, hóa giải xung đột… cũng có thể giúp người bệnh hội nhập tốt hơn vào đời sống và thích nghi hơn với công việc.
Trường hợp phụ nữ bị trầm cảm kèm theo bối cảnh có các vấn đề xung đột quan hệ vợ chồng, mâu thuẫn gia đình… có thể phải cần đến tham vấn hôn nhân hoặc trị liệu gia đình…
Một số điều ‘‘Nên’’ và ‘‘Không nên’’ khi bị trầm cảm
- Đừng tự cô lập bản thân. Nên cố gắng duy trì sự tiếp xúc với những người thân, nếu có thể thì nên nói chuyện với bác sĩ của bạn, với bạn bè, đồng nghiệp, hoặc thậm chí có thể tìm đến một chuyên viên tham vấn tâm lý.
- Đừng vội vã thực hiện những quyết định quan trọng chẳng hạn như ly hôn hoặc ly thân, bởi vì bạn khó có thể suy nghĩ sáng suốt khi đang trầm cảm.
- Đừng tự trách bản thân vì mình bị trầm cảm vì bạn đã không tự gây ra căn bệnh này cho mình.
- Đừng thất vọng vì mình không thể cảm thấy cuộc sống một cách tốt đẹp; cần phải kiên nhẫn với căn bệnh này. Việc chữa trị cần có thời gian để bệnh cải thiện.
- Đừng bỏ cuộc
- Nên tập thể dục thường xuyên, vì việc này giúp cải thiện sức khỏe và giúp bạn lấy lại năng lượng cho tinh thần của mình
- Tập lại thói quen ăn uống điều độ và thành phần thức ăn cân đối giữa các chất
- Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nếu bạn đang được tham vấn hoặc trị liệu tâm lý, bạn cần duy trì mối quan hệ và các cuộc làm việc với nhà tham vấn hoặc nhà trị liệu.
- Thiết lập từng bước những mục tiêu nho nhỏ để bạn có thể cố gắng thực hiện. Bắt đầu thực hiện bằng những việc nhỏ để bạn ít bị tổn hao nang lượng tâm trí, gia tăng khả thành công và giúp bạn lấy lại các suy nghĩ tích cực về bản thân.
- Cố gắng tự khích lệ bản thân trong khi thực hiện những mục tiêu ấy.
- Bạn cần tiếp thu đầy đủ những thông tin có liên quan đến căn bệnh trầm cảm và cách thức chữa trị nó.
- Gọi điện thoại hoặc tiếp xúc ngay với bác sĩ đang điều trị cho bạn hoặc gọi điện cho một chuyên viên (hoặc một trung tâm) tham vấn khủng hoảng khi bạn có ý nghĩ muốn tự sát.
- Những thân nhân trong gia đình của bạn cũng cần biết rõ những điều trên đây giống như bạn.
Phòng tránh
Trầm cảm cần được phát hiện và chữa trị sớm. Việc giải quyết tốt các nhu cầu và thách thức của đời sống, của công việc cũng góp phần giảm bớt các yếu tố gây stress – một yếu tố góp phần làm tăng khả năng trầm cảm ở phụ nữ.
Việc rèn luyện các kỹ năng sống, đặc biệt là các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quan hệ xã hội… cùng với việc xây dựng các nhận thức đúng đắn và các thái độ sống tích cực sẽ góp phần gia tăng khả năng thích nghi và ứng phó của bản thân mỗi người đối với các nhu cầu và thách thức của đời sống, từ đó gia tăng khả năng ‘‘đề kháng’’ với các rối loạn tâm thần nói chung cũng như với trầm cảm nói riêng.
Bài viết liên quan
- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng tóc và ngứa…
- Lựa chọn men tiêu hóa sống cho hệ tiêu hóa…
- Một số phương pháp để bảo vệ dạ dày
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Sinh lý yếu và một số giải pháp cho nam…
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Bị ợ nóng do ăn pizza