Sốt được xác định khi nhiệt độ cơ thể vượt quá trị số bình thường (36 – 37,3 độ C) là một biểu hiện rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Sốt cũng là triệu chứng khởi đầu của một tình trạng nhiễm trùng hay chấn thương đang xảy đến. Về mặt sinh bệnh học, sốt được xem là một phản ứng chống đỡ của cơ thể con người khi có sự xâm nhập của vi trùng, virus… nhất là ở trẻ em.
Ở người cao tuổi, triệu chứng sốt thường không rõ rệt, không tương xứng với bệnh lý đang có trong cơ thể người bệnh. Hơn nữa, có rất nhiều lý do để quan tâm đến vấn đề sốt, nhất là sốt kéo dài ở người cao tuổi:
- Cơ chế điều hòa thân nhiệt ở người cao tuổi kém, hệ thống miễn dịch suy giảm nên hiếm khi sốt cao 39 độ C. Thói quen chủ quan, ít chú ý. Một số người cao tuổi hay cho rằng: sốt là do cảm cúm thông thường…
- Một số bệnh lý đặc biệt hay gặp ở người cao tuổi như: Lao phổi tiềm ẩn, viêm nội mạc cơ tim, viêm gan mật, bệnh ung thư phổi, gan, ruột, hạch…
Sốt ở người cao tuổi do đâu?
Sốt được phân chia một cách tương đối là sốt nhẹ (thân nhiệt từ trên 37 độ C đến dưới 38 độ C), sốt trung bình (thân nhiệt từ 38 độ C đến dưới 39 độ C), sốt cao (khi thân nhiệt trên 39 độ C đến 40 độ C) và sốt rất cao khi thân nhiệt trên 40 độ C. Người cao tuổi do đặc điểm sinh lý có nhiều thay đổi theo năm tháng cho nên mọi chức năng của cơ thể của họ cũng thay đổi. Do sức đề kháng kém nên người cao tuổi rất dễ bị sốt. Nếu sốt nhẹ thì không đáng lo ngại, đôi khi là một phản xạ của cơ thể khi gặp điều kiện bất thường (nóng lạnh đột ngột, va vấp, chấn thương nhẹ). Nhưng đáng lo ngại nhất là khi người cao tuổi sốt cao hoặc rất cao.
Sốt ở người cao tuổi có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguy hiểm nhất là do các bệnh nhiễm khuẩn, virut hoặc ký sinh trùng. Có thể nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản. Nặng hơn là viêm phổi hoặc áp-xe phổi (đặc biệt do tụ cầu vàng), bệnh lao (lao phổi, lao màng bụng, lao cột sống, tinh hoàn hoặc lao toàn thể). Hoặc các nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như viêm ruột cấp (thương hàn, tả, lỵ, ngộ độc thực phẩm); viêm đường mật cấp tính (đặc biệt là viêm túi mật cấp); viêm tụy cấp hoại tử hoặc viêm tụy cấp xuất huyết; viêm bàng quang cấp; sốt xuất huyết, sốt phát ban, viêm gan hoặc sốt rét. Ngoài ra, người cao tuổi cũng có thể bị sốt không do nhiễm khuẩn như bệnh ung thư, bệnh về máu, bệnh nội tiết… Bên cạnh đó, có một số trường hợp người cao tuổi sốt không rõ nguyên nhân mà thông thường người ta nghĩ đến sốt virut.
Một số biến chứng có thể xảy ra khi người cao tuổi bị sốt
- Khi người cao tuổi bị sốt cao có xuất hiện các tai biến như: rối loạn ý thức như lơ mơ, mê sảng, tiểu không tự chủ hay trở nặng thêm các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường…
- Nếu nghi ngờ người cao tuổi bị sốt như khi thấy các triệu chứng như ớn lạnh, hơi thở nóng, tiểu gắt… nên cặp nhiệt kế ngay để xem có sốt hay không.
- Không nên chủ quan vì cơ thể của người cao tuổi khi đã mắc phải bệnh thì thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn so với lúc còn trẻ.
- Đối với người cao tuổi khi cơ thể có sự biến động về nhiệt độ thì sự điều nhiệt cũng thay đổi dù với những nguyên nhân thông thường như cảm nhiễm thật nhẹ cũng làm nhiệt độ tăng cao đột ngột có khi ảnh hưởng lên hệ thần kinh.
- Ở hệ tim mạch, sốt làm tim đập nhanh, mạnh hơn có thể là huyết áp tăng cao hơn, tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim có thể nặng hơn, có thể có rối loạn nhịp tim,… biến chứng tim mạch rất hay xảy ra làm người cao tuổi bị sốt cao đột ngột.
- Còn đối với hệ thần kinh, ở mức độ nhẹ, sốt có thể gây nhức đầu, chóng mặt, tâm trí suy kém, nếu nặng thì sẽ bị rối loạn ý thức, mê sảng, co giật, tiểu không tự chủ…
- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, sốt sẽ làm cho ăn kém hơn, chán ăn, nôn ói, đau bụng, lưỡi đắng và đóng bợn trắng… Người già bị sốt cũng có tình trạng nước tiểu ít, nóng, nước tiểu đậm màu, có khi dẫn đến tình trạng tiểu khó, tình trạng thở nhanh, ho, khó thở..
Xử trí sốt ở người cao tuổi
Hạ sốt kịp thời
Khi người cao tuổi có các triệu chứng như ớn lạnh, hơi thở nóng, tiểu gắt… nên cặp nhiệt kế ngay để xem có sốt hay không. Gọi là sốt nhẹ khi nhiệt độ từ 37 độ 6 đến 37 độ 9, gọi là sốt vừa khi nhiệt độ từ 38 độ đến 38 độ 9, gọi là sốt cao khi nhiệt độ từ 39 độ trở lên. Nếu có sốt phải hạ nhiệt ngay, không nên để nhiệt độ cao mới hạ sốt.
Do quá trình lão hóa cơ thể người cao tuổi thường hay mắc một số bệnh mãn tính như: cao huyết áp, thiếu máu cục bộ cơ tim, tiểu đường, trầm cảm, run người già, Parkinson… nên khi sốt nếu không biết xử trí ngay để nhiệt độ tăng quá cao người cao tuổi có thể bị những tai biến do sự thay đổi về thân nhiệt ảnh hưởng đến các bệnh này. Cụ thể như: đối với tim mạch, sốt làm tim đập nhanh, mạnh hơn có thể là huyết áp tăng cao hơn, tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim có thể nặng hơn, có thể có rối loạn nhịp tim… biến chứng tim mạch rất hay xảy ra khi người cao tuổi bị sốt cao đột ngột.
Lau mát để hạ nhiệt
- Nếu có sốt phải hạ nhiệt ngay, không nên để nhiệt độ cao thì mới hạ sốt. Lau mát là phương cách hạ sốt hữu hiệu, dễ thực hiện và ít tốn kém đồng thời mang lại những hiệu quả rất tốt. Không nên đắp chăn, không được mặc nhiều áo hoặc mặc áo ấm vì không những không hạ được sốt mà càng làm cho nhiệt độ trong người tăng cao.
- Dùng khăn tay nhúng vào chậu nước lạnh, vắt ráo nước đắp lên những vùng trán, hai bên hố nách… Đây là những nơi đi qua của các mạch máu lớn, nên khi chườm mát những vị trí đó thì việc hạ nhiệt sẽ mau có tác dụng hơn vì thế sốt sẽ mau hạ hơn, thỉnh thoảng cho bệnh nhân nằm nghiêng để lau vùng lưng.
- Hạn chế đắp khăn lên vùng ngực hoặc sau lưng vì khi đã hạ được sốt thì người bệnh sẽ dễ bị ho. Thường xuyên trở khăn, khi bệnh nhân có cảm giác dễ chịu hơn, trong người bớt bứt rứt thì ta nên kiểm tra lại nhiệt độ và mỗi lần kiểm tra nên lau khô nhẹ hố nách.
- Nên để khoảng 10-15 phút mới cặp lại nhiệt độ để tránh nhầm lẫn tưởng là sốt đã hạ do khăn lạnh làm giảm nhiệt độ da tại chỗ nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn còn cao.
- Việc hạ sốt và dùng thuốc hạ nhiệt chỉ mang tính chất tạm thời. Sau khi nhiệt độ đã hạ nên đưa bệnh nhân đến bác sĩ để được khám và được làm một số xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân của sốt và được điều trị tốt hơn.
Lưu ý khi hạ sốt bằng thuốc
- Có thể sử dụng được paracetamol 0,5 g dạng viên uống hoặc dạng viên sủi bọt hay dạng viên đặt hậu môn để hạ sốt cho người cao tuổi.
- Phải hòa tan một viên sủi bọt với nửa ly hay một ly nước chín để nguội, có thể cho thêm 1 hoặc 2 muỗng đường, phải đợi cho thuốc tan hết mới uống.
- Do các viên sủi bọt đều có chứa sẵn một hàm lượng muối natri bicarbonate nên người cao tuổi có một số bệnh mãn tính như cao huyết áp, thận… phải hết sức thận trọng khi sử dụng. Liều paracetamol trung bình dùng cho người lớn là 0,5 g một lần, từ 2 đến 4 lần/ngày.
- Paracetamol là thuốc phổ biến dễ sử dụng nhưng nếu dùng quá liều và dùng lâu dài, thuốc vẫn có nhiều tác dụng phụ và biến chứng khá nguy hiểm, nhất là ở người cao tuổi.
- Về chế độ ăn uống, không nên ép bệnh nhân ăn nhiều, nên cho ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu, đồng thời nên cho uống nhiều nước, có thể là nước trái cây như: nước cam, nước chanh… Khi sử dụng thuốc hạ sốt, do tác dụng của thuốc, nhiệt độ sẽ hạ, người bệnh sẽ ra rất nhiều mồ hôi nên có thể dùng nước ấm để lau khô với điều kiện trong phòng phải kín gió, việc vệ sinh thân thể như vậy sẽ mang lại cho người bệnh được cảm giác dễ chịu, thoải mái.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh