Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là một chứng bệnh thường gặp khiến trẻ gầy còm, ốm yếu, ăn không ngon, hay quấy khóc… Nguyên nhân gây bệnh có thể do ăn uống hoặc nhiễm khuẩn.
Tiêu chảy ở trẻ em còn gọi là chứng rối loạn tiêu hóa, thực tích, tích trệ trẻ em. Bệnh có thể gặp ở thể cấp tính hay thể mạn tính. Nguyên nhân có thể do ăn uống, bị nhiễm khuẩn hay có trùng tích làm ảnh hưởng đến công năng hoạt động của tỳ vị, gây triệu chứng chủ yếu: nôn, tiêu chảy và gầy mòn.
Khi bị tiêu chảy làm mất nước, mất chất điện giải có biến chứng nhiễm độc thần kinh (bệnh tả…) nhất thiết phải đến bệnh viện và phải dùng phương pháp chữa bệnh của y học hiện đại. Y học cổ truyền điều trị hiệu quả đối với thể cấp tính đơn thuần và mạn tính. Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.
Tích trệ do không tiêu hóa được thức ăn (sữa, các loại ngũ cốc) và giun
Tích trệ đồ ăn: Trẻ có biểu hiện bụng đầy trướng, bú ít, nôn mửa có mùi chua khai, ngủ không yên giấc, hay khóc, tiêu chảy, phân có mùi chua thối, chậm tiêu hóa nên có khi đi ngoài ra thức ăn; rêu lưỡi mỏng trắng hoặc hơi vàng; mạch hoạt. Phương pháp chữa là tiêu thực đạo trệ. Dùng một trong các bài:
Bài 1: sơn tra 8g, mạch nha 6g, thần khúc 4g, kê nội kim 4g, trần bì 4g, la bạc tử 4g, ý dĩ 12g. Sắc uống ngày một thang hay tán bột làm viên, mỗi ngày uống 12 – 16g bột.
Bài 2: hương phụ 80g, mạch nha 40g, thần khúc 40g, sa nhân 20g, trần bì 8g, cam thảo (chích) 20g. Sấy khô, tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 – 3g. Bài này dùng cho trẻ đang bú sữa bị tiêu chảy.
Bài 3: mộc hương 12g, bạch truật 12g, mạch nha 12g, cát cánh 8g, chỉ thực 12g, sa nhân 8g, hoàng liên 12g, sơn tra 12g, la bạc tử 8g, trần bì 12g, thần khúc 12g. Sấy khô tán bột làm viên. Ngày uống 4 – 8g.
Bài 4: đảng sâm 20g, ý dĩ 16g, cát cánh 8g, liên nhục 16g, biển đậu 16g, sa nhân 8g, bạch truật 16g, trần bì 8g, cam thảo 6g, phục linh 16g, hoài sơn 16g. Tán bột làm viên. Ngày uống 6 – 12g. Dùng cho trẻ sức khỏe yếu (hư chứng) hoặc tiêu chảy kéo dài (tỳ hư).
Tích trệ do trùng tích (do giun đũa hay giun kim): Trẻ có biểu hiện ngứa ngáy, da vàng khô, hay khóc, hay kinh giật, ăn uống thất thường, buồn nôn, đau bụng, bụng trướng, đại tiện lỏng. Phương pháp chữa: kiện tỳ, trừ thấp, trừ khuẩn (tẩy giun). 6 – 12 tháng nên tẩy giun cho trẻ 1 lần. Dùng bài: hoàng liên 20g, đảng sâm 16g, sơn tra 12g, bạch truật 20g, lô hội 6g, sử quân tử 16g, chích thảo 6g, phục linh 12g, thần khúc 16g, mạch nha 10g. Sấy khô, tán bột làm viên. ngày uống 8 – 12g.
Tích trệ do thấp nhiệt
Tiêu chảy do nhiễm khuẩn trực tiếp ở đường tiêu hóa hay do dị ứng nhiễm khuẩn (thường hay gặp vào mùa hè). Trẻ có biểu hiện tiêu chảy nhiều lần trong ngày (có thể đến 10 lần), sôi bụng, bụng trướng, nôn mửa, có sốt, khát nước, tiểu tiện ít đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc trắng khô, hậu môn đỏ rát. Phương pháp chữa: Thanh nhiệt trừ thấp. Dùng bài: cát căn 12g, hoàng cầm 8g, hoàng liên 8g, cam thảo 4g. Nếu thiên về thấp có dấu hiệu rêu lưỡi trắng dày, tiêu chảy ra nhiều nước, lợm giọng, buồn nôn và nôn thêm thương truật 4g, bán hạ chế 4g. Nếu tiểu tiện ít thêm phục linh 8g, sa tiền 8g.
Bên cạnh các bài thuốc trên, chúng ta cũng có thể sử dụng các vị thuốc tiêu thực để chế biến thành các món ăn dinh dưỡng cho trẻ, đồng thời hỗ trợ bộ máy tiêu hóa của trẻ ngăn ngừa các rối loạn đường ruột.
1. Cháo Rau sam, lấy 50g Rau sam tươi rửa sạch cắt thật nhỏ, vài đọt búp ổi non cắt nhỏ, gạo tẻ một nắm, vo sạch, cho vào nồi, đổ thêm nước, đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín và rau nhừ nêm thêm ít muối. Có thể chắt lấy nước cháo cho trẻ uống ngày 2-3 lần. Ăn trong 2-3 ngày.
2. Cháo cà rốt, ô mai mơ, lấy 1 củ cà rốt nhỏ, thêm 5 quả ô mai mơ (xí muội), 1 nắm gạo tẻ, đem cà rốt rửa sạch, thái thật nhỏ, lấy cơm của quả ô mai thái nhỏ, gạo rang vàng. Tất cả cho vào nồi với 200ml nước, đun trên lửa nhỏ, cháo chín là được. Ngày ăn 2 lần lúc đói, ăn liền 2-3 ngày.
3. Cháo Sơn dược, lấy 1 nắm gạo tẻ, thêm 10g Hoài sơn (Củ mài), Hạt sen 10g. Tất cả cho vào nồi, nước vừa đủ, nấu chín nhừ tán nhuyễn cho trẻ ăn trong ngày.
4. Uống thêm nước nụ vối, gừng 2g. Nụ vối, vỏ lựu, gừng rửa sạch cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước bỏ bã. Chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống 2 – 3 ngày.
5. Nước gạo rang, gạo tẻ 1 nắm đem rang vàng, cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, lấy nước gạo rang pha bột cho trẻ uống, có thể dùng trong 2 – 3 ngày, khi thấy dứt các triệu chứng trên thì ngưng.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh