1. Một số bài thuốc
Bài 1: Bách hợp 100g, trứng gà 2 quả, hoàng tinh 30g. Bách hợp và hoàng tinh rửa sạch, sắc kỹ lấy nước rồi đập trứng gà vào đun chín, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: thanh tâm an thần, ích trí bổ não, tăng cường khả năng ghi nhớ.
Bài 2: Nhân sâm 3g, gạo tẻ 100g, đường phèn lượng vừa đủ. Đem nhân sâm và gạo ninh thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bổ nguyên khí, chấn tinh thần, ích tâm trí.
Bài 3: Ba ba hoặc rùa 1 con nặng chừng 250g, xương sống lợn 200g, rượu vang, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Ba ba làm thịt, bỏ đầu và nội tạng, chặt miếng, ướp gừng tươi; xương lợn chặt nhỏ, hai thứ cho vào nồi ninh nhừ rồi cho thêm một chút rượu vang và gia vị vừa đủ, chia ăn vài lần trong ngày, mỗi tuần 2 lần. Công dụng: tư âm tiềm dương, bổ não ích trí, tăng cường khả năng tư duy và ghi nhớ.
Bài 4: Long nhãn 30g, hồng táo 20 quả, gạo tẻ 60g. Tất cả đem ninh thành cháo, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: ích khí bổ huyết, dưỡng tâm kiện não, dùng cho trường hợp ngủ kém, hay mê mộng, suy giảm trí nhớ, đau đầu hoa mắt chóng mặt.
Bài 5: Khiếm thực 20g, liên nhục 20g, gạo tẻ 60g. Tất cả đem ninh thành cháo, cho thêm một chút đường trắng, ăn nóng. Công dụng: kiện tỳ dưỡng tâm, bổ não ích trí, dùng cho trường hợp ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng nát, hay quên, mất ngủ.
Bài 6: Tang thầm (quả dâu chín) 250g, mật ong 100g. Tang thầm đem sắc với 500ml nước rồi cho mật ong vào đun thêm 15 phút thành dạng cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 30ml.
Bài 7: Óc lợn 1 bộ, kỷ tử 25g, hai thứ rửa sạch cho vào bát, chế thêm gia vị vừa đủ rồi đem hấp cách thủy cho chín, ăn nóng. Công dụng: dưỡng can bổ não, ích tủy tăng trí nhớ.
Bài 8: Tùng tử nhân, toan táo nhân, hạch đào nhân, hạnh nhân, lạc hạt, mạch nha lượng vừa đủ. Tất cả đem tán vụn rồi đun với mạch nha cho chín, mỗi ngày ăn 20g. Công dụng: ích trí kiện não, dưỡng tâm nhuận tràng, dùng cho trường hợp suy giảm trí nhớ, ngủ kém, hay mê mộng, táo bón.
Bài 9: Hà thủ ô 500g, ngũ vị tử 50g, trứng chim cút 60 quả. Đem hà thủ ô và ngũ vị tử sắc kỹ lấy nước, trứng chim cút luộc chín, bóc vỏ rồi cho vào nấu với nước thuốc bằng lửa nhỏ đến cạn, mỗi ngày ăn 3 quả. Công dụng: bổ thận dưỡng tâm, ích trí kiện não.
Bài 10: Tủy sống bò 150g, đông trùng hạ thảo 5g, hoài sơn 10g, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào liễn sành, ướp gia vị, cho thêm 50ml nước, đậy kín miệng rồi đem hấp cách thủy chừng 60 phút là được, chia ăn vài lần. Công dụng: bổ tinh ích trí, tráng dương an thần, dùng rất tốt cho học sinh có thể chất suy yếu.
2. Các món ăn
Cật heo xào với hạt đào
Hạt đào 50g, rang chín, tán dập. Làm sạch 2 cái cật heo, cắt thành miếng, ướp gia vị (hành, tiêu, đường, nước mắm ngon, bột nêm) trong thời gian 10 phút.
Bắc chảo với một ít dầu ăn lên bếp. Cho hành băm vào để tao lên. Cho cật heo và hạt đào vào để xào. Cho thêm ít nước mắn ngon vào cho vừa khẩu vị. Xào chín. Thêm hành, ngò, tiêu.
Hạt đào có chứa chất đạm thực vật và có acid béo không no rất tốt cho sức khỏe não bộ.
Cá hồi sốt nấm
Cá hồi 150g ướp gia vị (bột nêm, hành, tiêu, đường) trong 10 phút. Sau đó được nướng chín và đặt lên đĩa.
Ngâm 80g nấm rơm trong nước muối loãng khoảng 10 phút. Vớt nấm ra, rửa sạch. Bắc chảo lên bếp, cho vào chảo ít dầu ăn, cho một ít hành băm vào và tao lên. Cho nấm vào xào. Lấy 1 bát nước, cho một ít bột năng vào, quậy đều. Chế nước bột năng vào chảo nấm. Khi nấm chín, cho thêm bột nêm.
Tưới nước sốt nấm lên cá hồi. Thêm ít hành, ngò, tiêu vào. Dùng khi còn nóng. Món này cung cấp nhiều chất omega-3 giúp ích cho năng lực làm việc của não bộ.
Gan bò xào mộc nhĩ
Gan bò 80g, cắt thành miếng, ướp gia vị trong 10 phút. Dùng chảo dầu cho hành băm vào, tao lên. Cho gan bò vào để xào. Thêm chút nước hầm xương, 12g câu kỷ tử, 5 tai mộc nhĩ, chút muối. Khi chín, thêm hành, ngò, bột nêm vào.
Sữa mật ong
Một cốc sữa nóng pha thêm 2 – 3 muỗng cà phê mật ong sẽ giúp trí óc tỉnh táo, suy nghĩ sắc bén hơn.
Bí đỏ um tôm thịt
Bỉ đỏ 200g, gọt bỏ vỏ, cắt thành miếng. Ướp gia vị 50g tôm bóc vỏ, 50g thịt heo trong 10 phút. Xào chín tôm và thịt.
Bắc chiếc chảo khác lên bếp, cho vào chảo ít dầu ăn, cho hành băm nhuyễn vào, tao lên. Cho bí đỏ cùng một ít nước vào. Tiến hành xào bí. Khi bí chín, cho tôm và thịt vào, đảo thật đều.
Bao tử heo hầm hạt sen
Bao tử heo 1 cái. Cắt thành những miếng vừa ăn. Ướp với nước tương, bột nêm, hành, tiêu, một ít đường trong khoảng 10 phút. Bắc một chiếc chảo lên bếp. Chế ít dầu vào chảo, cho một muỗng hành băm vào để tao lên. Cho bao tử heo vào chảo, xào sơ qua rồi tắt bếp.
Dùng một chiếc nồi đất đun sôi 1 lít nước hầm xương. Khi nước sôi, cho bao tử heo vào cùng với 20g hạt sen. Đun cho đến khi bao tử heo chín. Thêm hành, ngò, tiêu, bột nêm vào.
Tim heo xào lá câu kỷ
Tim heo 1 quả, rửa sạch thái lát; lá câu kỷ 200g, rửa sạch. Hai thứ cho vào chảo có dầu nóng xào chín, nêm ít muối, dùng ăn tùy ý. Tâm là cơ quan tàng thần, nếu tâm khí, tâm huyết, tâm âm, tâm dương bất túc, tâm hỏa vượng sẽ dẫn đến hay quên, chóng mặt, hoa mắt. Tim heo phối hợp lá câu kỷ, cùng lập công thanh tâm hỏa an thần và điều trị chóng mặt, hay quên.
Thịt hầm hạt sen – bách hợp
Hạt sen 50g, bách hợp 50g, hai thứ riêng biệt xử lý làm sạch; thịt nạc 250g, rửa sạch thái lát. Thịt, hạt sen cho vào nồi thêm nước vừa đủ, thêm rượu, gừng, hành, muối, nấu sôi bằng lửa mạnh, sau khi thêm bách hợp chuyển lửa nhỏ, hầm đến khi hạt sen mềm thịt nhừ, dùng làm món phụ. Bách hợp vị ngọt tính hơi hàn, chứa chất dinh dưỡng có tác dụng bảo vệ tốt hơn đối với thần kinh đại não Hạt sen vị ngọt tính bình, dưỡng tâm an thần, bồi bổ, tai thính thông minh. Thịt nạc (heo) vị ngọt mặn tính bình, bổ can thận, ích khí huyết, trị váng đầu. Tất cả 3 thứ phối hợp, cùng “lập công” bổ ích thần kinh, dưỡng tâm ích trí, thích hợp dùng cho người trí lực suy giảm, thần bất ổn, hay quên mất ngủ.
Óc dê tiềm câu kỷ tử
Óc dê 1 cái, rửa sạch; câu kỷ tử 50g, dội sạch, hai thứ cùng cho vào một tô thêm ít nước, nêm rượu đế, gừng, hành, muối, ăn sau khi chưng cách thủy. Óc dê ngọt ấm, chứa lecithin, có công năng bổ não tăng tủy và điều tiết thần kinh. Với vật liệu chính óc dê, phối hợp câu kỷ tử ngọt tính bình, ích can sáng mắt, cùng lập công bổ não, thích hợp dùng cho người hoa mắt chóng mặt, đau đầu, trí nhớ kém do lao động trí óc quá nhiều, tinh tủy không đủ gây ra.
Gà ác nấu nấm kim châm
Gà ác 1 con, khoảng 1kg, bỏ lông và nội tạng, rửa sạch. Nấm kim châm 50g, xử lý làm sạch. Hai thứ cùng cho vào nồi có chứa nước trong, nêm rượu, gừng tươi, muối, sau khi nấu sôi bằng lửa mạnh, chuyển sang lửa nhỏ nấu nhừ, chia ăn vừa đủ như món phụ. Thịt gà vị ngọt tính ấm, giúp ôn trung ích khí, bổ tinh tăng tủy. Nấm kim châm là thức ăn vị ngọt tính bình, chứa nhiều kẽm, thúc đẩy hát triển trí lực thanh thiếu niên hiệu quả. Hai thứ dùng chung giúp bổ ích não tủy, tăng cường trí lực, thích hợp dùng khi mất ngủ hay quên do khí hư gây ra, chóng mặt đau đầu, trí nhớ suy giảm.
Canh hạt sen – cam thảo
Hạt sen 60g, rang thơm, tán bột mịn; cam thảo 12g, sao rồi tán bột. Hai thứ trộn lẫn, nêm ít muối trộn đều. Mỗi lần dùng 12g, uống với nước đun sôi. Hạt sen phối với thuốc hòa giải như cam thảo, giúp dưỡng tâm trừ phiền, bổ hư tăng trí. Giảm mệt mỏi cho người quên ăn quên ngủ bởi học hành, thích hợp cho chứng hay quên.
Canh xương sống heo – táo – sen
Xương sống heo 1 bộ, rửa sạch, chặt nhỏ, cho vào nồi thêm nước, bỏ vào táo đỏ 200g, hạt sen 150g, và túi thuốc có chứa mộc hương 5g, cam thảo 10g. Sau khi nấu sôi bằng lửa mạnh, chuyển qua lửa nhỏ ninh nhừ. Bỏ đi túi thuốc. Dùng ăn tùy lúc. Xương sống heo ngọt mát, giúp dưỡng âm bổ tủy, là vật liệu chính, phối với táo đỏ dưỡng huyết an thần, hạt sen thanh tâm cố tinh, cộng thêm thảo dược mộc hương hành khí ôn trung, cam thảo điều hòa, cùng chế ra món canh, lập công bổ tủy kiện não, thích hợp dùng khi suy giảm trí lực do tiên thiên bất túc (bẩm sinh), thiếu tập trung.
Chè táo – chuối – nhãn
Táo tây, chuối, long nhãn với mỗi thứ vừa đủ. Táo gọt vỏ, bỏ hột, thái nhuyễn; chuối lột vỏ, thái hạt lựu; long nhãn bóc vỏ, bỏ hột, tất cả cùng cho vào nồi thêm nước nấu sôi, đổ nước xốt bột ấu một ít trộn đều. Dùng ăn sáng lúc bụng đói, mỗi tuần 2 lần. Táo, chuối, nho và cam quít được liệt vào 4 loại trái cây lớn của thế giới. Táo tây vị ngọt chua, tính mát, bổ dưỡng tâm khí, tăng cường trí nhớ. Chuối là thức ăn ngọt mát, thanh nhiệt giải độc, thường dùng giúp ta tai thính, thông minh. Hai thứ này phối hợp với long nhãn tác dụng tư dưỡng tế bào não, kèm với bột ấu và nêm nếm đường trắng, càng giúp dưỡng não tăng trí, thích hợp dùng cho người trí lực suy giảm, mất ngủ hay quên.
Chè gừng – táo – mật ong
Táo đỏ 250g, long nhãn 250g, thêm nước nấu gần chín, nêm mật ong 200ml và nước gừng tươi 20ml, tiếp tục nấu sôi vài dạo thì hoàn tất. Món chè với táo đỏ dưỡng huyết an thần, mật ong ngọt ngào ích khí, long nhãn tư dưỡng thần kinh não, phối với nước gừng cay ấm thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp bổ hư dưỡng tâm tăng trí, thích hợp dùng cho người hồi hộp hay quên, suy giảm trí nhớ do tâm tỳ lưỡng hư.
Chè đậu – mè đen
Đậu phộng, đậu đỏ, mè đen với mỗi phần bằng nhau, đậu phộng và đậu đỏ thêm nước nấu chín, rồi thêm mè đen rang chín tán nhuyễn, sau khi thêm đường tiếp tục nấu sôi thì hoàn tất. Hàm lượng vitamin B1 trong mè đen đứng đầu các thực phẩm, dinh dưỡng các sợi thần kinh; mè đen và đậu phộng lại chứa nhiều phosphatidyl choline, bồi bổ đại não; đậu phộng và đậu đỏ cùng là thức ăn tốt để dưỡng huyết. Món chè vừa tăng cường sức khỏe, vừa bổ não tăng trí lực.
Trà hoa kỳ sâm – hạt sen – đường phèn
Hoa kỳ sâm 6g, hạt sen 10 hạt, hai thứ riêng biệt rửa sạch cho vào chén thêm nước ấm để ngâm, nêm đường phèn 20g, đậy nắp chưng cách thủy 1 giờ. Uống nước, ăn sâm và hạt sen. Hoa kỳ sâm vị ngọt hơi đắng, tính mát, giúp bổ khí dưỡng âm, sinh tân giáng hỏa, an thần trừ phiền. Phối hợp với hạt sen, đường phèn, công năng bổ hư ích khí, tỉnh não tăng trí, thích hợp dùng cho người mất trí do tiên thiên bất túc (bẩm sinh) và hậu tiên mất dưỡng (thiếu dinh dưỡng sau khi sinh), có tác dụng thanh bổ đối với người hay quên.
Trà cúc – táo – long nhãn
Cúc hoa trắng 4 đóa, long nhãn 4 quả, toan táo nhân (sao) 2g, tán nhuyễn, tất cả cho vào trong ly, dùng hãm với nước sôi. Nguội dần, nêm 1 muỗng mật ong, uống nước, ăn nhãn. Thức uống này có toan táo nhân dưỡng tâm, tăng tủy, an thần, long nhãn tư dưỡng tế bào não, kèm với mật ong ngọt nhuận, tất cả lập công trong việc kiện não tỉnh thần ích trí, thích hợp dùng cho người trí lực suy giảm, choáng váng hoa mắt, thần chí hỗn loạn, đặc biệt thích hợp cho người đại não mỏi mệt.
Cháo củ mài – khiếm thực
Củ mài 50g, rửa sạch, thái nhỏ; gạo 100g, vo sạch. Khiếm thực 50g, vo sạch cho vào nồi thêm nước, sau khi nấu sôi bằng lửa mạnh, đổ vào gạo nấu đến khi chín phân nửa, bỏ vào củ mài, ninh thành cháo. Củ mài vị ngọt tính bình, có chứa dopamine là chất chính đảm bảo sự hoạt động của thần kinh và mạch máu. Với củ mài phối với khiếm thực giúp thông minh, thính tai, bổ tỳ vị, cường thân kiện não, thích hợp dùng khi trí lực suy giảm, không tập trung, mọi việc hay quên, nhìn mờ, ù tai, hoa mắt.
Cháo cam mạch – táo đỏ
Hoài tiểu mạch 15g, cam thảo 5g, táo đỏ 5g. Tất cả cho vào nồi thêm nước, nấu đến khi hoài tiểu mạch chín, vớt bỏ hoài tiểu mạch, cam thảo, giữ táo đỏ và nước cốt, thêm gạo đã vo sạch 100g, ninh cháo. Hoài tiểu mạch vị ngọt tính mát, bổ hư ích khí, hạ sốt, cầm mồ hôi. Phối với táo đỏ dưỡng huyết an thần và thuốc hòa giải như cam thảo, vừa giúp bổ hư suy, có tác dụng kiện não tăng trí tốt hơn, thích hợp dùng khi cảm xúc bất ổn, hay quên, ra mồ hôi trộm.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh