1. Triệu chứng khi bị côn trùng đốt
Hầu hết các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ bị đốt như sưng nề đỏ, ngứa và đau, những biểu hiện này thường tự biến mất trong vòng một vài giờ mà không để lại di chứng. Khoảng 10% trường hợp có phản ứng lan tỏa xung quanh vùng bị đốt với một quầng đỏ lan rộng, ngứa nhiều và đau nhức. Quầng đỏ này thường phát triển tối đa sau 2 ngày và tồn tại trong 7-10 ngày. Các phản ứng tại chỗ này không xảy ra theo cơ chế dị ứng mà do sự phóng thích trực tiếp histamine dưới tác dụng của nọc côn trùng. Biểu hiện phù nề này thường không nguy hiểm nhưng nếu xảy ra ở vùng đầu mặt cổ thì có thể gây chèn ép đường thở và nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh các phản ứng tại chỗ, trong khoảng 1-3% các trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng mang tính chất toàn thể như nổi mày đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, khó thở, thở rít, đau quặn bụng, đi ngoài phân lỏng, trường hợp nặng có tụt huyết áp, choáng ngất, da tái lạnh… nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ở Mỹ, mỗi năm có ít nhất 40-50 người tử vong do bị côn trùng đốt gây sốc phản vệ. Các phản ứng dị ứng toàn thể do côn trùng đốt có thể xảy ra với một vết đốt duy nhất và thường từ lần đốt thứ hai trở đi, khi cơ thể đã có kháng thể đặc hiệu kháng lại nọc côn trùng
2. Cách xử lý khi bị côn trùng đốt
Phản ứng tại chỗ
Những trường hợp phản ứng nhẹ có thể tự biến mất sau vài giờ không cần điều trị. Trong trường hợp có phản ứng lan tỏa, vùng bị côn trùng đốt cần được rửa sạch và đảm bảo vệ sinh để tránh nguy cơ bội nhiễm, chườm lạnh và nâng cao để giảm phù nề. Nếu ngòi của côn trùng còn nằm trong da, cần nhẹ nhàng lấy ra và tránh làm vỡ túi chứa nọc, điều này tốt nhất nên được tiến hành ngay sau khi bị đốt. Dùng các thuốc kháng histamin bôi tại chỗ (như kem phenergan) có thể giúp giảm nhanh triệu chứng ngứa. Một số chế phẩm bôi ngoài da có chứa corticosteroid và kháng sinh như cortibion (chứa dexamethason và neomycin) cũng nên được sử dụng sớm do có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề và ngăn ngừa bội nhiễm. Các thuốc kháng histamin (loratadin, cetirizin) và corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon…) đường uống hoặc tiêm có thể được sử dụng để giảm triệu chứng nếu điều trị tại chỗ không hiệu quả. Kháng sinh chỉ sử dụng trong một số ít trường hợp có bội nhiễm. Riêng trường hợp bị kiến lửa đốt, sau 1 ngày vết đốt thường tạo thành một mụn mủ nhỏ do hoại tử tổ chức, cần lưu ý không làm vỡ mụn mủ này để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Phản ứng toàn thể
Những phản ứng này bắt buộc phải được điều trị trong bệnh viện, trong đó adrenalin là thuốc không thể thiếu và nên được dùng sớm ngay khi có thể. Những biểu hiện nhẹ nhất như nổi mày đay, ban đỏ cũng cần được xử trí sớm bằng adrenalin để ngăn ngừa những diễn biến xấu sau đó. Dung dịch adrenalin 1/1000 được tiêm dưới da với liều 0,1ml/kg cân nặng và có thể nhắc lại sau 15 phút nếu cần. Sử dụng sớm các thuốc kháng histamin và corticosteroid đường tiêm truyền giúp giảm bớt triệu chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như thở ôxy, dùng thuốc giãn phế quản, truyền dịch… là cần thiết trong các trường hợp sốc phản vệ.
Cách xử lý cụ thể khi bị một số loại côn trùng cắn, đốt
Ruồi, muỗi, kiến: Những loại côn trùng này, đặc biệt là muỗi khi đốt có thể gây bệnh truyền nhiễm cho người, điển hình là sốt xuất huyết, sốt rét,… và thường gây sẩn ngứa, nổi phồng trên da rất khó chịu. Trước tiên cần sát trùng vết đốt bằng cách rửa kỹ vết đốt bằng xà phòng, sau đó có thể giảm nốt sẩn ngứa bằng cách lấy một cục đá chườm lên da khoảng 5 phút.
Bọ chét, chấy rận, ve chó: Các loại bọ chét, chấy, rận thường sống ký sinh ở trên lông các loại chó, mèo, hoặc trên da đầu. Khi cắn chúng hút máu người gây ngứa ngáy khó chịu. Các loại côn trùng này khi cắn chúng bám rất chắc vào da do đó trước tiên cần bắt chúng kéo từ từ ra khỏi da để răng chúng không sót lại ở chỗ cắn, sau đó rửa sạch vết cắn bằng xà phòng.
Bọ chét đốt
Sâu róm: Sâu róm không đốt người nhưng khi chạm phải lông gai của hầu hết các loài sâu róm tiết ra chất làm ngứa rát, mẩn ngứa, nổi mề đay vùng da tiếp xúc. Trước tiên cần lấy que gạt sâu róm ra và rửa sạch da bằng xà phòng, rồi chườm đá giảm sưng ngứa và giảm đau. Tránh gãi nhiều lên vết ngứa vì điều này có thể làm lông và gai đâm sâu vào trong da.
Ong: Nếu bị ong mật đốt, lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. Sau đó rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần. Có thể chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
Ong đốt
Nếu bị ong vò vẽ đốt, nọc độc của nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó ngay sau khi bị đốt cần rửa các vết ong đốt bằng xà phòng hoặc chất kiềm nhẹ rồi chườm lạnh; sau đó chuyển ngay nạn nhân cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
Cần chú ý, dù bị bất cứ loại côn trùng nào cắn đốt, ngoài các phản ứng sẩn ngứa, sưng đỏ trên da mà còn có các biểu hiện khác như đau rát nhiều, tổn thương có dấu hiệu nhiễm trùng, khó thở, hoa mắt chóng mặt, sưng môi hoặc họng,… cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Tay bị ghẻ đốt
3. Các biện pháp phòng ngừa côn trùng đốt
Nếu phải đi đường lúc chiều tà, buổi tối nên đeo kính, đi giầy, mặc quần áo dài để hạn chế tối đa tai nạn do côn trùng. Không nên dùng mỹ phẩm có hương thơm thu hút côn trùng. Khi đi xe máy, nên đội mũ bảo hiểm có kính chắn hoặc đeo kính bảo vệ mắt. Nên đeo kính trắng (không số) đi đường ban đêm (có thể bị lóa lúc đầu nhưng rồi sẽ quen).
Buổi tối, học sinh và người làm việc trí óc hay ngồi dưới ánh đèn nếu có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt thì chớ vội vàng quệt tay có thể làm lan rộng tổn thương, nên kiểm tra và búng nhẹ côn trùng khỏi người. Khi tắm rửa chú ý giũ mạnh khăn trước khi dùng, giũ mạnh quần áo trước khi mặc.
Côn trùng có rất nhiều loại, với tính chất và mức độ độc tính khác nhau. Tùy theo việc bị loài côn trùng nào cắn mà có cách chữa trị phù hợp, nhưng càng sớm càng tốt bởi sau 6 giờ nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch.
Có thể ngăn chặn côn trùng người bằng cách trồng quanh nhà các loại cây thảo dược có tác dụng diệt trừ sâu bọ như chanh, hương thảo, húng quế, bạc hà…
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh