1. Nguyên nhân sản giật
Khi có thai cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi. Ngoài việc các chất nội tiết tăng lên đột ngột, cơ thể người mẹ còn phải thích ứng với một số chất đạm do thai sinh ra. Nếu không thích ứng được sẽ gây hiện tượng dị ứng.
Các hiện tượng dị ứng này thường nhẹ và xuất hiện sớm trong 3 tháng đầu làm thai phụ có triệu chứng nghén (nôn, buồn nôn, tiết nước bọt) nhưng cũng có khi hiện tượng dị ứng kéo dài và ngày càng nặng lên, biểu hiện nặng nhất trong 3 tháng cuối của thời kỳ thai nghén gây ra một hội chứng mà ta gọi là hội chứng nhiễm độc thai nghén gồm 3 triệu chứng: phù, nước tiểu có protein và tăng huyết áp.
Nếu hội chứng nhiễm độc thai nghén không được điều trị sớm sẽ dẫn đến một biến chứng thần kinh nguy hiểm, đó là cơn sản giật. Ngoài ra các bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính có từ trước khi có thai thường nặng lên trong khi thai nghén và có thể gây ra biến chứng sản giật.
Đặc biệt, sản giật hay gặp ở những người còn trẻ, đẻ con so, người lao động nặng ít được nghỉ ngơi khi gần đẻ và hay xuất hiện vào mùa rét mỗi khi thời tiết thay đổi. Cơn sản giật có thể xảy ra trước, trong hay sau lúc chuyển dạ.
2. Các dấu hiệu nhận biết
Cơn sản giật là biến chứng thần kinh của hội chứng nhiễm độc thai nghén, do đó thường gặp ở sản phụ có triệu chứng phù hai chi dưới, nước tiểu có protein và tăng huyết áp (huyết áp tối đa 140, huyết áp tối thiểu trên 90mmHg; khi sắp xuất hiện cơn sản giật thường có các dấu hiệu báo trước gọi là tiền sản giật.
Thai phụ thấy khó chịu, nhức đầu, hoa mắt, đầy bụng, tiêu hóa kém, nước tiểu ít đi nhưng lượng protein lại tăng hơn, huyết áp cao hơn bình thường. Khi đó phải điều trị ngay nếu không thai phụ sẽ lên cơn giật.
Cơn giật xuất hiện đột ngột. Bắt đầu giật các cơ mặt rồi đến hai tay và toàn thân. Trong cơn giật các cơ đều co cứng lại, nhất là cơ hàm nên thai phụ có thể cắn vào lưỡi, ngừng thở, tím tái vì thiếu ôxy. Sau khi co cứng tay chân thì sẽ giật toàn thân, giật thành từng cơn, cuối cùng là hôn mê.
Nếu bệnh nhẹ thì hôn mê trong 3-5 phút sẽ tỉnh lại, sau đó có thể có cơn giật khác tiếp diễn; nếu không điều trị kịp thời các cơn giật sẽ mau dần và nặng hơn, thai phụ hôn mê sâu hơn và tử vong, ngoài ra còn có thể cắn vào lưỡi gây chảy máu tràn vào thanh quản dẫn tới ngạt thở. Thai nhi thường chết trong bụng mẹ.
3. Phòng ngừa sản giật
Sản giật là tai biến rất nguy hiểm cho mẹ và thai nhưng có thể phòng ngừa được nếu người cán bộ y tế hiểu rõ các nguyên nhân có thể gây ra bệnh và tuân theo các quy định về quản lý thai nghén.
Khi có thai, thai phụ cần đến trạm y tế và hộ sinh xã thăm khám thai định kỳ, ăn thức ăn bổ, có nhiều đạm, nhiều rau quả tươi và ăn ít muối; có chế độ lao động thích hợp, tránh làm việc nặng và cần nghỉ ngơi đúng chế độ trước khi đẻ. Về mùa rét, cần phải mặc ấm, tránh bị lạnh đột ngột.
Khi có thai cần thăm khám định kì để phòng ngừa biến chứng
Mỗi lần thăm thai, người nữ hộ sinh ngoài việc khám thai phải cân cho thai phụ. Trung bình trong lúc có thai mỗi tháng tăng 1 cân, tăng chậm những tháng đầu, tăng nhanh hơn vào những tháng cuối. Nếu tăng cân đột ngột, vào tháng thứ chín là dấu hiệu nguy hiểm. Mỗi lần thăm thai nên thử nước tiểu cho thai phụ xem có protein không. Nếu có điều kiện cần phải đo huyết áp.
Chú ý khám xét hai chi dưới, mặt, bụng xem có bị phù không. Khi thai phụ bị phù ở chân, nên cho nằm nghỉ, uống các chất lợi tiểu. Nếu huyết áp tăng, protein trong nước tiểu tăng dần thì phải chuyển đi tuyến trên ngay. Phải đặc biệt chú ý đến các thai phụ có bệnh thận hay tăng huyết áp từ trước khi thai nghén và nên gửi tuyến trên đẻ để phòng biến chứng sản giật.
4. Hướng dẫn xử lý tiền sản giật nặng và sản giật
Xử lý tiền sản giật nặng:
Tuyến xã: Chuyển tuyến trên; Trước khi chuyển, tiêm bắp chậm magnesi sulfat 15% 4g, thông tiểu.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh (bệnh viện) từ tuyến huyện trở lên:
– Chăm sóc (chăm sóc cấp I): Đặt người bệnh nằm trong phòng yên tĩnh và ấm. Khuyên người bệnh nghỉ ngơi, nằm nghiêng trái thường xuyên; Theo dõi mỗi giờ: huyết áp, mạch, nhiệt độ, nhịp thở, nước tiểu và phản xạ gân xương tại đầu gối hay khuỷu tay; Định lượng protein niệu, hematocrit, đếm tiểu cầu mỗi ngày; Đánh giá chức năng gan, thận, rối loạn đông máu và tình trạng thai nhi bằng thử nghiệm không đả kích (non stress test).
– Dinh dưỡng: cho chế độ ăn bệnh lý, nhiều rau quả tươi, nhiều protid (chất đạm), ít mặn.
– Thuốc chống co giật: magnesi sulfat 15% liều khởi đầu 2-4gam tiêm tĩnh mạch thật chậm với tốc độ 1 gam/phút hoặc pha loãng trong dung dịch glucose truyền tĩnh mạch chậm. Sau đó cứ 1 giờ tiêm bắp sâu 1gam. Phải theo dõi phản xạ gân xương hàng ngày, đề phòng dùng quá liều magnesi sulfat.
– Thuốc hạ áp: cho hydralazin 5mg tiêm tĩnh mạch chậm cho đến khi huyết áp tâm trương giảm xuống còn 100mmHg, có thể tiêm bắp nhắc lại nếu cần thiết. Nếu không có hydralazin thì dùng nifedipin 10mg ngậm dưới lưỡi.
– Trong trường hợp điều trị nội khoa không kết quả thì chấm dứt thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và cứu thai nhi nếu có thể.
Xử lý sản giật:
Tuyến xã, tuyến huyện: Chuyển tuyến tỉnh; Trước khi chuyển, tiêm bắp diazepam 10mg x 1ống để kiểm soát cơn giật, sau đó tiêm bắp chậm magnesi sulfat 15% 4g; Đặt sản phụ nằm nghiêng, ngáng miệng để không cắn phải lưỡi, thở oxy (nếu có); Ủ ấm, cố định người bệnh tốt trong khi di chuyển.
Tại tuyến tỉnh:
– Chăm sóc (chăm sóc cấp I): Đặt người bệnh nằm nghiêng trong phòng yên tĩnh và ấm; Ngáng miệng để tránh cắn vào lưỡi; Thở oxy; Theo dõi liên tục: huyết áp, mạch, nhiệt độ, nhịp thở, nước tiểu và phản xạ gân xương tại đầu gối hay khuỷu tay; Định lượng protein niệu, hematocrit, đếm tiểu cầu mỗi ngày; Đánh giá chức năng gan, thận, rối loạn đông máu và tình trạng thai nhi bằng thử nghiệm không đả kích (non stress test).
– Dinh dưỡng: cho chế độ ăn bệnh lý, nhiều rau quả tươi, nhiều protid (chất đạm), ít mặn.
– Thuốc chống co giật: magnesi sulfat 15% liều khởi đầu 2-4gam tiêm tĩnh mạch thật chậm với tốc độ 1gam/phút hoặc pha loãng trong dung dịch glucose truyền tĩnh mạch chậm. Sau đó, cứ 1 giờ tiêm bắp sâu 1 gam. Phải theo dõi phản xạ gân xương hàng ngày, đề phòng dùng quá liều magnesi sulfat. Duy trì 24 giờ sau cơn giật cuối cùng.
– Tiếp tục cho thuốc hạ huyết áp cho đến khi huyết áp tâm trương giảm.
– Nếu chuyển dạ: đẻ forceps khi đủ điều kiện, nếu không đủ điều kiện thì phẫu thuật lấy thai.
– Nếu chưa chuyển dạ: Người bệnh không ổn định: phẫu thuật lấy thai sau khi cắt cơn giật; Người bệnh ổn định: Ở tuổi thai 28-34 tuần, điều trị corticoid (hoặc cho betamethason 12mg, tiêm bắp 2 liều cách nhau 24 giờ hoặc cho dexamethason 6 mg/lần, tiêm bắp 4 lần cách nhau 12 giờ), tiếp tục theo dõi trong 24 giờ rồi đình chỉ thai nghén bằng phẫu thuật lấy thai. Nếu thai nhi không có khả năng sống thì phẫu thuật lấy thai càng sớm càng tốt ngay khi tình trạng sản phụ cho phép; Tuổi thai trên 34 tuần thì phẫu thuật lấy thai càng sớm càng tốt.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh