Bình thường rốn của trẻ sẽ rụng trong vòng từ 7 đến 10 ngày sau sinh và sau 15 ngày thì cuống rốn liền hoàn toàn. Khi chưa liền, rốn là một ngõ vào quan trọng gây nhiễm trùng tại chỗ và từ ổ nhiễm trùng này vi trùng vào máu gây nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tử vong cho trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhiều bà mẹ khi sinh con lần đầu thường bối rối không biết phải chăm sóc rốn cho bé như thế nào và thường làm theo những lời mách bảo của những người lớn tuổi trong gia đình hoặc xung quanh. Nhiều trường hợp đã vô tình làm bé bị nhiễm trùng hoặc ngộ độc như băng rốn quá kín, bôi thuốc đỏ, rắc kháng sinh, thậm chí là rắc tiêu, đắp chất bẩn, sái á phiện lên rốn càng làm cho bé thêm nguy kịch.
Chăm sóc rốn cho trẻ là việc rất quan trọng. Đó là một quá trình liên tục, phải làm từ ngay sau sinh tới khi rốn rụng, lên sẹo khô. Phải bảo đảm vô khuẩn khi cắt rốn và làm rốn.
Nếu người mẹ vẫn ở tại các cơ sở y tế thì việc chăm sóc rốn chủ yếu do các bác sĩ, điều dưỡng viên thực hiện. Nếu sinh thường, không có nguy cơ, sản phụ được thầy thuốc cho về nhà tự theo dõi tiếp. Nếu sản phụ và bé được đưa về nhà thì việc chăm sóc, theo dõi để phát hiện các bất thường của rốn lại do chính các sản phụ hoặc người nhà sản phụ thực hiện. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, việc chăm sóc rốn sẽ được thực hiện như sau:
Qúa trình liền cuống rốn ở trẻ
Chuẩn bị vật liệu chăm sóc rốn:
– Bông vô trùng
– Chai cồn 70 độ
– Gạc vô trùng
Các bước thực hiện chăm sóc rốn:
– Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước
– Tháo băng rốn của trẻ ra
– Quan sát rốn và vùng da quanh rốn xem có dấu hiệu gì bất thường hay không.
– Rửa tay hoặc sát trùng tay lại bằng dung dịch cồn 70 độ
– Dùng bông tẩm cồn sát trùng rốn theo trình tự sau:
+ Chân rốn
+ Thân cuống rốn
+ Mặt cắt cuống rốn
+ Da vùng xung quanh rốn từ trong ra ngoài, rộng khoảng 5 cm
Sau khi bé được 2 ngày tuổi thì không cần phải băng rốn lại sau khi chăm sóc để rốn mau khô. Có thể băng bằng gạc mỏng nếu rốn còn ướt. Nếu chưa biết cách chăm sóc rốn, các bà mẹ có thể nhờ nhân viên y tế đến nhà hướng dẫn.
Cách phòng nhiễm trùng rốn:
– Cuống rốn là cửa ngõ thông thương, là nguyên nhân gây nhiễm trùng toàn thân cho trẻ sơ sinh. Vì vậy, giữ cuống rốn sạch sẽ và khô là vấn đề mấu chốt để ngăn ngừa nhiễm trùng.
– Lúc mới sinh, trẻ không có vi trùng thường trú. Vi trùng phát triển ở rốn trẻ hầu hết là từ các nguồn bên ngoài. Nếu trẻ nằm với mẹ, sự phát triển của các vi khuẩn ở trẻ hầu như là từ mẹ sang nhưng có ưu điểm là những vi khuẩn này không gây bệnh. Vì thế, nên cho trẻ tiếp xúc với da mẹ ngay từ đầu sau khi sinh, nhằm giúp trẻ có được vi khuẩn thường trú trên da là những vi khuẩn không gây bệnh từ mẹ.
– Bú sữa mẹ để cung cấp kháng thể chống nhiễm trùng.
– Tiêm phòng uốn ván cho mẹ lúc mang thai để tránh uốn ván rốn cho trẻ sơ sinh.
Cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế nếu thấy có một trong những dấu hiệu sau:
Nhiễm trùng rốn: nếu bạn thấy dấu hiệu đỏ, nóng, sưng hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, hoặc có nhiều dịch tiết quanh chân rốn, đặc biệt có mùi hôi, cần mang trẻ đi bệnh viện khám ngay. Đây là trường hợp trẻ bị nhiễm trùng rốn và vùng da quanh rốn, có thể nguy hiểm, cần được điều trị tại bệnh viện.
U hạt rốn: nếu bạn thấy chân rốn rỉ dịch vàng kéo dài, không kèm dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, trẻ không nóng sốt, có thể trẻ bị u hạt rốn. Tại bệnh viện, u hạt rốn được điều trị với nitrate bạc.
Rỉ máu rốn kéo dài: nếu bạn thấy chân rốn rỉ máu nhiều và kéo dài, có thể là dấu hiệu của bệnh lý đông máu, cần đi khám bác sĩ.
Khi chăm sóc rốn cho trẻ cần tránh
– Băng rốn quá chặt và kín vì có thể làm rốn bị nhiễm trùng
– Bôi hoặc đắp bất kỳ chất gì lên rốn vì vừa có thể gây nhiễm trùng rốn vừa gây ngộ độc như sái á phiện, hoặc bị ngộ độc thủy ngân do bôi thuốc đỏ.
Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh, tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng nếu không có những kiến thức nhất định, khó có thể tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc.
Nhiễm trùng rốn và uốn ván rốn chiếm tỉ lệ khá cao trong các trường hợp tử vong sơ sinh. Vì vậy việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh là rất quan trọng nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách. Sau khi chào đời, dây rốn không còn tác dụng đối với trẻ nữa, nó sẽ tự rụng đi sau khoảng từ 12 đến 15 ngày sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, luôn giữ cho núm rốn được đảm bảo vệ sinh và khô ráo sẽ rất dễ bị nhiễm trùng.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh