1. Mô tả cây
Đặc điểm thực vật: Cây bạc hà thường tạo thành đám gồm nhiều chồi ngắn hoặc dài mọc ngầm, thường phân nhánh. Lá thuôn hoặc hình ngọn giáo, dài 4-6cm, rộng 1,5-2,5cm, màu lục tới lục hồng, mép có răng. Hoa nhỏ, màu trắng, hồng hoặc tím hồng, tập hợp thành một loại bông dày đặc thường bị gián đoạn. Toàn thân có lông và có mùi thơm.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Âu, á ôn đới. Ở nước ta có những cây mọc hoang ở vùng núi cao và những chủng nhập trồng ở nhiều nơi. Trồng bằng thân ngầm hoặc bằng thân cây trên mặt đất cắt đoạn dài 15-30cm. Cây ưa đất xốp, giàu mùn, ẩm ướt, thoát nước nhưng đủ độ ẩm. Có thể trồng quanh năm. Thu hái khi cây bắt đầu phân nhánh hoặc ra hoa, đem sấy khô ở nhiệt độ 30-400C cho đến khô, hoặc phơi trong râm. Khi đã cắt cây sát gốc, thì bón phân để cây phát triển lại và sống lâu.
Thành phần hoá học: Cây bạc hà có chứa tinh dầu 0,5-1,5%, trong đó có L-menthol 65-85%, menthyl acetat, L-menthon, L-pinen, L-limonen và flavonoid.
Tính vị, tác dụng: Bạc hà có vị cay, tính mát, thơm, có tác dụng hạ sốt, làm ra mồ hôi, làm dịu họng, lợi tiêu hoá tiêu sưng, chống ngứa. Tinh dầu có tác dụng sát trùng, gây tê tại chỗ, có thể gây ức chế làm ngừng thở và tim ngừng đập hoàn toàn. Nú kớch thích sự tiết dịch tiêu hoá, đặc biệt là mật, chống sự co thắt của các cơ quan tiêu hoá và ngực. Còn có tác dụng tiêu viêm.
Bộ phận dùng: dùng toàn cây bỏ rễ, chặt ngắn 3cm hoặc dùng lá. Thu hái lúc cây sắp ra hoa dùng tươi hoặc khô, phơi trong râm mát.
Công dụng chủ trị: bạc hà có vị cay, mát, không độc, chữa cảm mạo phong nhiệt, có sốt, nhức đầu, ngạt mũi, không ra mồ hôi. Có tác dụng kích thích tiêu hóa, chữa kém ăn, ăn uống khó tiêu.
Liều dùng: mỗi lần dùng 10-12 g dưới dạng thuốc sắc hoặc uống nước là cốt tươi.
Kiêng kỵ: người ra nhiều mồ hôi, trẻ sơ sinh không dùng. Thang thuốc giải cảm không sốc lâu quá 15 phút.
Bạc hà là một cây thuốc quý
2. Công dụng chữa bệnh của cây bạc hà
Theo Đông y, bạc hà vị cay, mát, có tác dụng chữa cảm mạo phong nhiệt, nhức đầu, viêm họng, đầy bụng do thực tích, đau mắt đỏ, mẩn ngứa, viêm loét ở miệng, lỵ…
Cây bạc hà có mùi thơm hắc vì có chứa tinh dầu menthol. Bạc hà có chứa nhiều chất menthol và thường được làm chất tạo gia vị trong trà bạc hà, kem, kẹo, kẹo cao su và kem đánh răng. Dầu bạc hà cũng được trộn vào xà phòng tắm, dầu gội đầu…
Tiêu hóa: Lá bạc hà có tác dụng kích thích tiêu hóa, đồng thời giúp làm dịu dạ dày trong trường hợp bị sưng viêm. Mùi thơm của lá bạc hà kích hoạt tuyến nước bọt cũng như các tuyến tiết enzyme kích thích tiêu hóa, qua đó giúp cải thiện tình trạng tiêu hóa.
Trị nôn, giảm đau: Hương bạc hà là liệu pháp trị nôn hiệu quả. Mùi dầu bạc hà hoặc lá bạc hà tươi nghiền nát sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Dầu bạc hà khi thoa vào trán giúp bạn giảm đau đầu.
Hô hấp: Mùi hương bạc hà rất hữu hiệu trong việc làm thông mũi, họng, phế quản và phổi cũng như giảm rối loạn hô hấp. Hương bạc hà còn giúp giảm ho.Thường xuyên dùng lá bạc hà rất hữu ích cho bệnh nhân hen vì giúp thông đường hô hấp.
Răng miệng: Bạc hà được coi là chất sát trùng và giúp hơi thở thơm tho, lá bạc hà có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây hại.
Giảm stress: Tinh dầu Bạc hà rất tốt cho những người hay lâm vào trạng thái chán nản , căng thẳng. Nó kích thích tinh thần và chống viêm rất hiệu quả.
Ngăn ngừa ung thư: Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy một số enzyme có trong lá bạc hà có thể giúp trị ung thư.
Làm đẹp da: Nước ép lá bạc hà là một công cụ làm sạch da tuyệt vời. Nước bạc hà có tác dụng làm mềm da, chữa viêm nhiễm da, đồng thời trị mụn. Nó cũng có thể dùng để trị các vết cắn của côn trùng như muỗi.
3. Một số bài thuốc từ cây bạc hà:
– Chữa đau mắt đỏ: Lá bạc hà 12 g, lá dâu 12 g, nấu nước xông mắt, ngày xông 2-3 lần.
– Chữa viêm họng: Bạc hà 12 g, kim ngân hoa 16 g, bồ công anh 12 g, húng chanh 10 g, cam thảo dây 10 g. Sắc uống ngày một thang.- Chữa cảm mạo phát sốt: Bạc hà 12 g, tía tô 10 g, kinh giới 10 g, củ tóc tiên leo (thiên môn) 10 g, cam thảo dây 6 g. Sắc uống ngày một thang.
– Chữa lỵ ra máu: Bạc hà 12 g, lá mỏ lông 20 g, rau sam 12 g. Sắc uống ngày một thang.
– Chữa tăng huyết áp: Bạc hà 12 g, lá dâu 12 g, quyết minh tử (sao) 12 g, cam thảo dây 6 g. Sắc uống ngày một thang.
– Xi-rô bạc hà: bạc hà 16g cho vào ấm, đổ nước sôi hãm, cho thêm đường uống. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt sốt nóng.
– Bạc hà thuyền thoái tán: bạc hà, xác ve sầu, liều lượng đều nhau, sao khô tán mịn, mỗi lần uống 3g với nước ấm pha chút rượu. Dùng cho các trường hợp nổi ban, mề đay sẩn ngứa.
– Đường phèn chế bạc hà đậu xị: bạc hà 8g, đạm đậu xị 9g, đường phèn 10g. Nấu hãm nước cho uống ngày 1 lần. Một đợt 3 – 5 ngày. Dùng cho các trường hợp ù tai điếc tai, tắc ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu có kèm theo sốt nóng, sợ lạnh, đau mỏi toàn thân.
– Nước hãm gừng bạc hà: bạc hà 8g, gừng tươi 6g, đường phèn vừa đủ. Gừng tươi thái lát cho vào ấm pha trà cùng với bạc hà, đường, cho nước sôi hãm uống. Một đợt 5 – 10 ngày. Dùng cho các trường hợp nhức đầu, mờ mắt, giảm thị lực.
– Bạc hà cúc hoa trà: bạc hà 6g, cúc hoa 10g, cát cánh 10g, sơn tra 10g, mật ong lượng thích hợp. Cho nước sôi pha hãm, uống thay chè. Mỗi ngày 1 – 2 lần. Dùng cho các trường hợp nổi ban dị ứng.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh