Mạ mân là một cây thuốc lâu đời được người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, Cao Bằng và một số vùng thuộc vùng núi phía Bắc Việt nam sử dụng để chữa các bệnh về gan, vàng da, lợi tiểu… nhưng phải đến những năm 80 của thế kỷ 20 các nhà Y Dược học mới quan tâm nghiên cứu nhằm chứng minh giá trị của nó trong điều trị.
PGS. TS Nguyễn Huy Thuần, Viện trưởng viện nghiên cứu y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh, cho biết: Từ đầu những năm 1980, bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã dùng nước sắc thân và rễ cây Mạ mân để điều trị cho các bệnh nhân bị viêm gan, vàng da và các hội chứng khác liên quan đến bệnh gan, mật, dựa trên cơ sở chương trình bảo tồn và kế thừa các cây thuốc bài thuốc dân gian của Bộ Y tế; theo thông tin của một số cựu cán bộ của Bệnh viện thì đây là cây thuốc do một số lương Y người Tày –Nùng công hiến. Mặc dù thực tế điều trị rất hiệu quả đối với viêm gan, vàng da, cổ trướng nhưng vì chưa có các nghiên cứu chứng minh nên chưa được công bố rộng rãi.
Cây mạ mân
Thấy rõ hiệu quả của thuốc, năm 1986, Trạm nghiên cứu Dược liệu tỉnh Lạng Sơn đã nghiên cứu thuốc dưới dạng cao lỏng để điều trị…. Việc nghiên cứu này đã giúp cho nhiều người có cơ hội được tiếp cận với loại dược liệu quý này, tuy nhiên thuốc vẫn chỉ được sử dụng trong phạm vi hẹp, được nhiều lương y và các thày thuốc biết đến và khai thác sử dụng .
Theo thông tin của Viện Dược liệu, Bộ Y tế, năm 1987 nhóm nghiên cứu của Viện Dược liệu (DS. Phạm Duy Mai và CS – Phòng Dược lý Sinh hoá) đã kết hợp với trạm nghiên cứu Dược liệu tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu một số tác dụng chống viêm gan trên in vitro cho kết quả tốt, đặc biệt đã thử độc tính của dịch chiết nước thân và rễ cây Mạ mân và kết luận dược liệu không có độc tính, tuy nhiên các nghiên cứu cũng chỉ mới là bước đầu và cũng không được công bố.
Cho đến năm 2003, trong quá trình thực hiện dự án cấp Bộ Y tế “Bảo tồn và phát triển các cây thuốc cổ truyền”, Nhóm nghiên cứu do PGS. TS. Nguyễn Duy Thuần làm chủ nhiệm Dự án đã đánh giá Mạ mân là cây thuốc có tiềm năng và cần thiết phải có nghiên cứu một cách cơ bản.
Cho đến năm 2006 Nghiên cứu sinh Trần Quốc Toản dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS. TS Nguyễn Duy Thuần đã thực hiện và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ (năm 2012) với đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu thành phần hoá học và một số tác dụng dược lý của cây Mạ mân (Aganope balansae (Gagnep.) Phan Ke Loc, Fabaceae)”
Kết quả nghiên cứu đã có nhiều kết luận rất đáng quan tâm:
– Đã xác định được trong rễ và thân cây đều có 7 nhóm chất: Alcoloid, Acid hữu cơ, Flavonoid, Tanin, Đường, Tinh dầu và Polysaccharid.
– Trong lá cây có 4 nhóm chất: Acid hữu cơ, Tanin, Tinh dầu và Polysaccharid.
– Đặc biệt trong thân và rễ cây mạ mân có nhiều hợp chất quý đã được chiết xuất và phân lập thuộc nhóm glycosphingolipid và dẫn chất của Chalcone
Đã nghiên cứu chứng minh thân rễ mạ mân có tác dụng bảo vệ gan, chống viêm và lợi mật rất tốt trên thực nghiệm, sử dụng rất an toàn…
Đây là các nghiên cứu bước đầu rất quan trọng chứng minh kinh nghiệm sử dụng của đồng bào dân tộc làm thuốc chống viêm gan, chữa các bệnh về gan là có cơ sở khoa học. Đây là cây thuốc có tiềm năng để nghiên cứu ra các sản phẩm điều trị hoặc hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh liên quan đến gan, mật.
(Theo dantri)
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh