Con đường xâm nhập của virus Rota
Tiêu chảy do nhiễm virus Rota nguy hiểm hơn tiêu chảy do các nguyên nhân khác rất nhiều. Virus Rota chủ yếu lây truyền qua đường phân, tay chân và miệng. Vì vậy, trẻ em dưới 2 tuổi luôn là đối tượng dễ mắc bệnh và bệnh nặng do sức đề kháng của các bé còn yếu lại có thói quen đưa những vật cầm nắm được vào miệng. Thói quen này được hình thành một phần là do các bé thích “khám phá”, vận dụng đôi tay để sờ mó vào những vật xung quanh.
Tiêu chảy cấp do vi-rút Rota ảnh hưởng trực tiếp đến thành dạ dày của trẻ khiến trẻ nôn ói 10-15 lần/ngày và tiêu chảy liên tục đến 20 lần/ngày.Thời gian bệnh kéo dài, trẻ bị hao hụt một lượng nước và dinh dưỡng, dễ dẫn đến suy kiệt, thậm chí có thể tử vong.
Điều quan trọng là mẹ phải tiếp nước cho trẻ đầy đủ và kịp thời, việc bù nước phải chia nhỏ thành nhiều đợt. Do kèm nôn ói nên việc bù nước trở nên khó khăn, vì vậy, các mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để truyền dịch.
Bệnh trạng chuyển biến phức tạp, nên các mẹ cần túc trực theo dõi 24/24 suốt thời gian trẻ bệnh. Tốt nhất là nên đưa trẻ đến các bệnh viện sản-nhi, trung tâm y tế quận, huyện… để được bác sĩ chăm sóc và bù nước kịp thời.
Hậu quả lâu dài
Vì lớp bảo vệ của ruột non bị phá hủy và tổn thương do vi-rút Rota nên ảnh hưởng đến sự hấp thu của thức ăn đặc biệt là sữa. Khi đó, trẻ có thể trở nên không dung nạp lactose, khiến bé tạm thời không thể hấp thu sữa hoàn toàn và tiếp đến có những triệu chứng như đau bụng, đau mông, tiêu chảy nhiều hơn và đầy hơi, khó tiêu. Sau đợt bệnh, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và sẽ tốn nhiều thời gian để phục hồi như trước.
Điều trị tiêu chảy do virut Rota thế nào?
Do tiêu chảy và nôn nhiều nên cơ thể trẻ bị mất nước, đa số ở mức nhẹ và vừa, có những trẻ bị mất nước nặng. Để điều trị, điều quan trọng là phải bù nước kịp thời bằng nhiều cách và tùy thuộc vào mức độ mất nước của trẻ. Có 3 mức độ mất nước:
– Mất nước nhẹ: Trẻ khát nước và đòi uống. Ở trẻ nhỏ chưa biết nói thường quấy khóc nhiều chỉ khi cho uống nước đủ mới hết khóc.
– Mất nước vừa: Ngoài khát nước trẻ có biểu hiện khô mắt, niêm mạc môi, miệng khô, da nhăn nheo. Các trẻ nhỏ có thể thóp lõm xuống, mắt trũng lại, ngủ mắt nhắm không kín, trẻ khóc không có nước mắt, nước dãi…
– Mất nước nặng: Ngoài các triệu chứng trên sẽ thấy trẻ có dấu hiệu đặc biệt về thần kinh như lừ đừ, có khi vật vã, hoặc li bì hôn mê, hoặc có những cơn co giật.
– Trẻ mất nước vừa nhưng không uống được, uống vào lại nôn và những trẻ mất nước nặng nhất thiết phải truyền dịch để bù nước và điện giải.
Để bù nước, tốt nhất cho trẻ uống nước từ từ, các loại nước hoa quả, các dung dịch bù nước điện giải được chế biến từ thức ăn: nước cháo muối, nước gạo rang, súp cà rốt, nước hồng xiêm xay, chuối xay, nước dừa….
– Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Biện pháp phòng ngừa?
– Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn uống và sau khi vệ sinh cá nhân
– Lưu ý vệ sinh trong lúc thay tã lót cho trẻ (rửa tay sạch, đóng bỉm nghiêm túc)
– Cách ly đối tượng đã có dấu hiệu tiêu chảy
– Uống nước sạch, đảm bảo vệ sinh
Vaccin là biện pháp an toàn cho bé
Tiêu chảy do virus Rota là căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Nguy hiểm hơn, các biện pháp vệ sinh thông thường như: rửa tay, cung cấp nước sạch hay cải thiện vệ sinh môi trường không thể tiêu diệt được virus Rota.
Hiện nay, cách tốt nhất để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi tiêu chảy cấp do virut Rota là uống vaccin phòng bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc uống vaccin phòng virut rota cho trẻ trước 6 tháng tuổi giúp ngăn ngừa đáng kể số ca nhập viện do nhiễm bệnh trong 2 năm đầu đời.
Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo đưa vaccin phòng Rota vào tất cả các chương trình tiêm chủng quốc gia trên phạm vi toàn cầu để bảo vệ trẻ khỏi tiêu chảy nặng và tử vong do virus này
Theo một số thống kê tại các bệnh viện Nhi trong nước cho thấy, thực tế có rất nhiều trẻ bị nhiễm virus rota trước 6 tháng tuổi, thậm chí trước 3 tháng tuổi. Chính vì thế, điều quan trọng là cần phải bảo vệ trẻ càng sớm càng tốt, trước khi chúng đến tuổi dễ có nguy cơ bị virusRota tấn công (bắt đầu từ 6 tháng tuổi trở đi).
Theo ước tính nếu vaccin phòng virus Rota được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam sẽ ngăn ngừa được 83% trường hợp tử vong, 84% trường hợp nhập viện và 70% trường hợp cần khám bác sị vì tiêu chảy do virus Rota
Hiện nay việc tiêm vaccin phòng bệnh tiêu chảy do Rota đã được triển khai tại Việt Nam. Các bậc phụ huynh có thể cho con uống vaccin phòng bệnh tại các bệnh viện sản, nhi và các trung tâm y tế dự phòng trong thành phố. Để hiệu quả bảo vệ được tối ưu, nên cho trẻ uống liều đầu tiên càng sớm càng tốt từ 6 tuần tuổi và nên hoàn tất việc uống vaccin cho trẻ trong vòng 6 tháng tuổi.
Bài viết liên quan
- Những vitamin và chất khoáng quan trọng nhất cho não
- Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ
- Thiếu Oxy não là gì?
- Điều nên biết về U xơ tử cung
- Chăm sóc gan và một số điều cần lưu ý
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng thực phẩm
- Viêm khớp ngón tay cái
- Bệnh về gan gây cản trở khả năng đi lại
- Liệu ăn quá nhiều chất xơ có bị co thắt…
- Hỗ trợ đường tiêu hóa bằng men vi sinh