HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN: 1900545562 (Từ: 8:00 - 17:00)

    Kiến thức y khoa

    Hăm tã ở trẻ và cách điều trị

    Hăm tã ở trẻ và cách điều trị
     
    Bệnh hăm tã là một căn bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh với biểu hiện là các dát đỏ ở vùng quấn tã như mông, đùi trên và bụng dưới. Khi bị hăm tã bé sẽ quấy khóc, khó chịu nhất là khi chạm vào những vùng da này. Do đó các ông bố bà mẹ phải biết cách chăm sóc và điều trị cho bé một cách an toàn và hiệu quả nhất.
     
    Hăm tã là gì?
     
    Đây là một dạng viêm da khá phổ biến, biểu hiện một tình trạng da bị kích thích, có liên quan nhiều đến tình trạng ẩm ướt, hoặc không được thay tã thường xuyên. Hăm tã cũng thường thấy ở những trẻ bị tiêu chảy. Hăm tã có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ từ 8 – 12 tháng tuổi.
     
     
    Bé sẽ không có được giấc ngủ ngon nếu bị hăm tã
     
    Cơ chế gây hăm tã
     
    Một số tình trạng sau có thể được xem là thủ phạm gây ra hăm tã:
     
    Môi trường ẩm ướt là một trong những yếu tố hàng đầu khiến bé bị hăm.
     
    Phần lớn các loại tã trên thị trường đều có chức năng thẩm thấu chất lỏng tốt khi bé đi tiểu. Tuy nhiên, những chất thải thường kéo theo vô vàn vi khuẩn gây bệnh và có thể khiến bé bị hăm. Nếu phải đeo một chiếc tã bẩn trong thời gian dài, chứng hăm tã ở bé càng dễ dàng phát triển. Ngoài ra, làn da của bé cũng khá nhạy cảm và dễ bị hăm cho dù cha mẹ có duy trì thói quen thay tã thường xuyên cho bé.
     
    Nguyên nhân khác gây hăm ở bé 
    • Phản ứng với hóa chất: Chứng hăm tã ở bé có thể là kết quả của việc da bé bị chà xát vào bề mặt của tã; đặc biệt, loại tã này được sản xuất kèm những loại hóa chất nhạy cảm với da của bé. Do đó, các chuyên gia khuyên rằng, nếu có điều kiện, cha mẹ nên sử dụng tã vải cho bé là tốt nhất. Bé cũng có thể bị hăm do phấn rôm hoặc sản phẩm chăm sóc da mà bạn sử dụng cho bé sau mỗi lần thay tã.
    • Phản ứng với thức ăn mới: Nhiều bé bắt đầu xuất hiện dấu hiệu bị hăm khi bước vào quá trình ăn dặm, nhất là sau khoảng thời gian bé thử một món ăn mới. Thức ăn mới có khả năng làm thay đổi tần suất, thành phần nước tiểu hoặc phân của bé. Nếu bé bú mẹ hoàn toàn, chứng hăm tã có thể là kết quả khi cơ thể bé phản ứng với những loại thức ăn mới từ người mẹ.
    • Nhiễm khuẩn: Khu vực da được đóng tã ở bé thường là địa điểm ấm và ẩm ướt – môi trường thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển. Bạn có thể thấy những vùng da có nếp gấp như bẹn của bé cũng dễ bị hăm.
    • Ngoài ra, nếu bé sử dụng kháng sinh (hoặc người mẹ sử dụng kháng sinh trong giai đoạn cho con bú) cũng dễ khiến bé bị mắc chứng hăm. Bởi vì, kháng sinh có khả năng làm suy yếu những loại vi khuẩn có lợi trong cơ thể bé; đồng thời với việc giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Kháng sinh cũng có thể khiến bé dễ mắc chứng tiêu chảy – nhân tố làm tăng cơ hội của chứng hăm tã ở bé.
    • Tưa lưỡi cũng là một trong những hình thức nhiễm khuẩn đường miệng ở bé. Một số bé xuất hiện chứng tưa lưỡi cùng lúc với dấu hiệu bị hăm tã
     
    Vùng da của bé bị mẩn đỏ và gây cảm giác ngứa rát
     
    Điều trị hăm tã
     
    Nguyên tắc cơ bản nhất là luôn cố gắng giữ cho da bé sạch và khô. Bạn có thể tự chăm sóc và làm giảm hăm tã cho bé tại nhà bằng một số biện pháp đơn giản sau:
    • Rửa sạch vùng mông, bẹn bằng nước sạch và ấm. Có thể lau nhẹ bằng vải mềm. Không dùng các loại khăn ướt dùng một lần, vì chất cồn và hương liệu trong khăn có thể gây kích thích da bé.
    • Cho da trẻ “thở”: sau khi bỏ tã cũ, cho bé nằm chơi một lát (nằm sấp càng tốt) trước khi mặc tã mới, tạo điều kiện cho da bé khô ráo. Với những trẻ đã biết đi, cho trẻ đi lại trong phòng một lúc cũng giúp làm da trẻ được thông khí tốt.
    • Sử dụng các loại kem chống hăm bôi nhẹ nhàng lên vùng da hăm, trước khi mặc tã mới.
    • Không nên dùng tã nylon, hoặc siết tã quá chật. Có thể mặc tã lớn hơn một số trong vài ngày điều trị để giúp da trẻ thông thoáng. Tã cần được thay thường xuyên chứ không đợi tã đầy, để tránh da trẻ tiếp xúc quá lâu với phân và nước tiểu.
    Tuy nhiên, phải nghĩ đến việc cho bé đi gặp bác sĩ nếu tình trạng hăm tã không cải thiện sau vài ngày chăm sóc tại nhà, hoặc trẻ có sốt, hoặc vùng hăm tã nổi mụn nước hay phồng giộp lên. Ngoài ra, nếu những mảng da đỏ lan ra cả ngoài vùng mặc tã, hoặc vùng da hăm tã xuất hiện dấu hiệu có mủ hay rỉ nước cũng là những dấu hiệu cho thấy bé cần phải được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa.
     
    Phòng chống hăm tã
    • Để tránh cho con bị hăm, bạn nên sử dụng loại tã thông thoáng và mềm mại, chú ý vách chống tràn của tã khi chọn mua sản phẩm.
    • Tã có vách chống tràn mềm sẽ giúp con bớt cọ xát, mẩn ngứa. Mặt tiếp xúc làm bằng chất liệu thông thoáng mềm mỏng cũng giúp trẻ dễ chịu hơn trong sinh hoạt. Môi trường ẩm ướt kéo dài khiến không khí không được lưu thông qua lớp tã, bỉm.
    • Nước tiểu ứ đọng quá lâu là môi trường tốt cho sự sinh sôi phát triển của vi khuẩn.
    • Do đó, các bé không được thay tã thường xuyên dễ bị tiếp xúc với vi khuẩn gây ngứa ngáy. Sự cọ xát gây tổn thương da làm vi trùng dễ xâm nhập.
    • Các bậc phụ huynh nên thay tã cho bé thường xuyên 4 tiếng một lần, tối đa là 6 tiếng và nên thay ngay sau khi bé đi ngoài. Cần lau sạch khi bé đi vệ sinh bằng khăn giấy chuyên dụng để tránh sự tích tụ vi khuẩn và cho bé để da trần 15 phút trước khi tiếp tục thay tã mới.
    • Ngoài ra, bạn có thể bôi kem chống hăm khi làn da bé khô ráo, sau đó mới mặc tã. Thói quen quấn kín mít cho trẻ khiến các bé đổ mồ hôi dễ làm cho bé bị hăm tã ngay cả ở trong mùa lạnh.
    • Ở các vùng da nhiều nếp gấp như kẽ mông, bẹn, đùi, nên xoa lớp kem hoặc dầu mỏng để tạo màng bảo vệ cho trẻ. Ngoài ra, cần tránh không để nước tiểu và phân ngấm vào da bé. Không nên xoa phấn rôm bởi phấn chỉ có tác dụng hút ẩm, nhưng lại làm bít tắc lỗ chân lông khiến bé càng dễ bị hăm.
    • Đối với các mẹ dùng tã vải cho bé, xà phòng và các chất tẩy rửa khi giặt tã cũng có thể là nguyên nhân khiến con bị kích ứng và mẩn ngứa.
    Khi nào bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
    • Trẻ bị hăm tã kéo dài trên 5 ngày, bạn đã làm theo hướng dẫn trên nhưng trẻ không khỏi.
    • Trẻ bị sốt
    • Trẻ bị nổi nhiều mụn mủ
    • Vùng hăm tã da đỏ tấy, có khuynh hướng lan rộng 
    • Trẻ có tiêu chảy 
    Những điều bạn không nên làm
    • Quên không thay tã trong nhiều giờ
    • Quấn tã quá chặt
    •  Bôi phấn rôm (sẽ làm bít các lỗ chân lông, tăng thêm tình trạng hăm tã)
    • Sử dụng nhiều loại kem bôi mà không tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Nhi (điều này sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng).
     

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    giai-doc-gan-an-binh

    Khách hàng nhận xét

    Khi dùng Grathozi – Trị nấm âm đạo, bệnh của tôi đã thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7 ngày.
    Thu Hương
    Tôi rất yên tâm khi sử dụng sản phẩm của Dược An Bình. Từ khi sử dụng PHARZUBEST – Bổ sung vitamin và khoáng chất, sức khoẻ của tôi được cải thiện nhiều.
    Quang Trần
    Tôi đã mua Canxi King cho cháu nhà tôi uống. Sản phẩm rất tốt và dễ uống.
    Nguyễn Minh, Khu D8, Thành Công, Đống Đa, Hà Nội