Theo một tài liệu về thuốc men của Mỹ, có trên 4600 người bệnh cùng lúc uống 6 loại thuốc trở lên, thì có khoảng 70 % gây tác dụng phụ. Bởi vì mỗi một loại thuốc đều có công hiệu riêng, mang tích chất và phản ứng khác nhau, có tác dụng đối với các bộ phận trong cơ thể con người và có công hiệu trong thời gian cũng khác nhau. Nên cùng lúc uống nhiều loại thuốc, sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thụ, phân bố, trao đổi và đào thải cũng như sự kết hợp giữa thuốc và chất Prô-tít v.v. Nếu như loại thuốc có chất chua uống cùng với thuốc kháng sinh, sẽ làm giảm công hiệu của thuốc, hai loại thuốc này nên uống cách nhau 2-3 tiếng. Vì vậy, cùng lúc uống mấy loại thuốc thì nhất định phải sắp xếp thời gian và số lần cho hợp lý, uống mỗi một loại thuốc ít nhất là phải cách nhau khoảng một tiếng
Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ Nội khoa Đức (BDI) – tiến sĩ Wolfgang Wesiack cảnh báo những người già mắc nhiều bệnh dùng các loại thuốc cùng một lúc dễ gây ra tình trạng tương khắc, thậm chí tác dụng ngược nhau rất nguy hiểm.
Một tài liệu nghiên cứu cho thấy những người từ 70 tuổi trở lên ở Đức trung bình thường phải dùng tới 6 loại thuốc, phổ biến nhất là thuốc tiểu đường, thuốc giảm mỡ máu và thuốc hạ huyết áp.
Nếu bệnh nhân dùng cả ba loại và uống cả ba loại này cùng một lúc thì đây là một sự pha trộn bất hợp thức và sẽ gây tác hại cho chức năng thận và điều này lại dẫn đến tăng huyết áp.
Nguyên nhân dẫn tới việc dùng nhiều thuốc
Không biết, vô ý dùng trùng thuốc
Một thuốc gốc có nhiều tên biệt dược khác nhau. Khi đang dùng thuốc này thấy chưa đỡ, người bệnh lại dùng thêm thuốc khác. Song thực chất hai thuốc này lại chứa cùng một hoạt chất. Hay gặp nhất là các thuốc có chứa paracetamol (hạ sốt, giảm đau).
Hiểu nhầm một số thuốc là thuốc bổ, dùng kéo dài
Thường có quảng cáo thuốc bổ dưỡng cho gan, thận, phổi… chế từ các thảo mộc. Có người bị bệnh liên quan đến các bộ phận đó, dùng theo quảng cáo với ý muốn làm cho chúng mạnh lên, nhưng kết quả thì ngược lại. Ví dụ: khi bị viêm gan B, vào giai đoạn virut đã ổn định, thầy thuốc cho thuốc
tăng cường chức năng gan (như các sản phẩm có diệp hạ châu). Khi chức năng gan đã bình thường thì cắt thuốc này. Người bệnh tưởng thuốc đó là thuốc bổ gan, cứ mua dùng, làm cho gan mệt thêm (vì gan phải làm việc để chuyển hóa thuốc).
Bị nhiều bệnh, dùng cùng lúc nhiều loại thuốc
Lẽ ra khi bị nhiều bệnh, cần đi khám. Thầy thuốc xem bệnh nào là bệnh chính, cấp thiết, cần tập trung điều trị trước, bệnh nào thứ yếu có thể tự khỏi khi chữa xong bệnh chính hoặc chỉ dùng thuốc phụ trợ chữa triệu chứng, theo nguyên tắc chữa bệnh này không làm nặng thêm bệnh kia. Người già thường bị nhiều bệnh lại hay tự ý dùng thuốc và theo kiểu “đau đâu chữa đó”. Các thuốc này có khi làm mất tác dụng của nhau hay ngược lại làm tăng tác dụng, đặc biệt là tác dụng không mong muốn (chuyên môn gọi là tương tác). Một ví dụ: bị
đau dạ dày đã dùng cimetidin, khi thấy mất ngủ lại tự dùng thêm thuốc ngủ. Cimetidin vốn có tác dụng phụ gây lú lẫn, kích động, hoang tưởng khi dùng thêm thuốc ngủ thì các tác dụng phụ này nặng thêm làm cho buồn ngủ kéo dài, lú lẫn, không chủ động được, đi lại dễ bị ngã. Thực tế, có trường hợp dùng nhiều thuốc phức tạp hơn nhiều. Nếu đi khám, thầy thuốc sẽ cân nhắc cho ít loại thuốc hơn (ví dụ như có thể thay một thứ thuốc tiểu đường thế hệ mới có tác dụng giảm bớt sự tăng huyết áp và nếu có cho thuốc hạ huyết áp cũng chỉ cho ở mức vừa đủ.)
Dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ gây nên những phản ứng không mong muốn, đôi khi gây ngộ độc thuốc
Sẵn có thuốc trong nhà, khi thấy có khó chịu thì dùng tăng liều
Đối với người bị tăng huyết áp, dùng mỗi ngày một viên thuốc hạ huyết áp là đủ. Khi ồn ào hay khi suy nghĩ căng thẳng sẽ bị nhức đầu, huyết áp tăng nhẹ, chỉ cần nghỉ ngơi yên tĩnh là huyết áp quay về mức đã kiểm soát mà không phải dùng thêm thuốc hoặc tăng liều thuốc cũ. Tuy nhiên, một số người tự ý dùng thêm 1 – 2 lần. Dùng liều quá cao như thế, huyết áp tụt đột ngột, nguy hiểm.
Kê đơn, bán thuốc không đúng
Do thời gian khám eo hẹp, thiếu phương tiện xét nghiệm, trình độ chuyên môn chưa cao, chẩn đoán chưa chính xác bệnh nên một số thầy thuốc cho dùng thuốc bao vây. Ví dụ, một người khi bị ho không có sốt, ngoài việc dùng thuốc ho, cộng thêm kháng sinh (nhằm dự phòng nhiễm khuẩn), thuốc kháng histamin, corticoid (nhằm dự phòng có thể ho do dị ứng), thuốc an thần gây ngủ (làm cho ngủ đi, đỡ bị ho). Phổ biến nhất hiện nay là khi bị một bệnh nhiễm khuẩn chưa chẩn đoán chắc chắn lại cho dùng kháng sinh phổ rộng hay cho dùng nhiều loại kháng sinh. Dùng như vậy là chưa theo đúng nguyên tắc, sẽ làm tăng sự kháng thuốc.
Do muốn kê đơn nhiều thuốc sẽ có hoa hồng, bán nhiều thuốc sẽ có nhiều lãi nên thầy thuốc, người bán thuốc cố ý cho người bệnh dùng rất nhiều thuốc. Trung bình mỗi đơn thuốc, mỗi lần bán thuốc có đến 5 – 6 loại, có không ít đơn 8 – 9 loại, thậm chí 10 – 15 loại.
Trường hợp dùng nhiều thuốc một lúc gây tác dụng phụ
Một số chị em uống viên thuốc tránh thai một cách nghiêm chỉnh nhưng vẫn bị "vỡ kế hoạch" mà không rõ tại sao. Xem xét kỹ thì ra trong những ngày dễ thụ thai đã có dùng Phenobarbital. Các loại thuốc Phenobarbital, Phenytoin (chống động kinh), Rifampicin (thuốc chữa lao và bệnh phong)… làm cho hoạt chất của thuốc chống thụ thai bị tăng nhanh chuyển hóa, làm mất tác dụng tránh thai.
Gentamicin là thuốc kháng sinh quý, nhưng có một số người dùng bị tai biến điếc rất nhanh. Đó là do họ dùng đồng thời với thuốc Furosemid (thuốc điều trị suy tim, suy thận,
tăng huyết áp…). Gentamicin và một số kháng sinh khác cùng họ aminosid đều là những chất có cực nên được phân bố đều ở dịch ngoài tế bào. Sự giảm thể tích dịch ngoài tế bào do dùng Furosemid, làm giảm thể tích dịch phân bố cho Gentamicin. Biến đổi trên gây hậu quả là nồng độ Gentamicin ở máu cao lên, tăng nguy cơ tai biến ở thận và tai trong do độc tính của kháng sinh này.
Dùng kháng sinh Penicillin để điều trị bệnh nhiễm khuẩn, nhưng muốn giáng cho vi khuẩn "một đòn chí mạng" bèn phối hợp kháng sinh Cloramphenicon, song hiệu quả lại không như mong muốn. Penicillin (và các kháng sinh nhóm bêta – lactamin) nếu dùng cùng với Cloramphe, hoặc Tetracyclin, Sunfamid sẽ bị hạn chế một phần tác dụng. Bởi lẽ tác dụng của Penicillin là ở pha phân bào của vi khuẩn (bao vây sự tổng hợp vách tế bào vi khuẩn), còn các kháng sinh kia là kìm khuẩn, làm chậm sự phân bào. Kháng sinh Methicillin cũng tương kỵ với kháng sinh Kanamicin, nếu tiêm cùng một lúc đều mất tác dụng kháng khuẩn.
Việc uống nhiều loại thuốc phải cách nhau ít nhất 2-3 tiếng
Tổng hợp một số thuốc không nên dùng cùng một lúc
– Những thuốc tương kỵ về tính axit và bazơ có thể tạo nên muối không hòa tan làm giảm tác dụng của cả hai. Thí dụ vitamin C và Penicillin là những thuốc mang tính axit yếu tương kỵ với natri bicarbonat, Cloroquin… là những thuốc mang tính bazơ.
– Thuốc là protein khi gặp muối kim loại sẽ kết tủa hoặc mất tác dụng.
– Thuốc loại oxy hóa (vitamin C, Penicillin, Tetracyclin…) không dùng chung với thuốc loại khử (như vitamin B2).
– Thuốc chống toan dạ dày làm tăng pH ống tiêu hóa, ngăn cản hấp thu thuốc là axit yếu (Aspirin, Phenylbutazon, Sulfamid, một số barbiturat…).
– Thuốc chống toan dạ dày chứa Ca, Mg, Al hoặc thuốc bổ máu có chứa sắt, nếu uống cùng với Tetracyclin nó sẽ kết hợp với các ion kim loại nói trên tạo ra những phức hợp không tan làm giảm tác dụng của cả hai loại thuốc.
– Thuốc nhuận tràng loại muối (magie sulfat, natri sulfat) làm giảm hấp thu nhiều thuốc, vì thuốc bị tống nhanh khỏi ruột.
– Không dùng Aspirin cùng với Indometacin (thuốc điều trị bệnh khớp), vì Aspirin ức chế thuốc này hấp thu qua ruột.
– Amitriptylin (thuốc chống trầm cảm) nếu dùng đồng thời với Guanetidin và Clonidin sẽ làm mất tác dụng hạ huyết áp của các thuốc này. Amitriptylin nếu dùng cùng một lúc với thuốc Diazepam (an thần…) rất có thể gây ra lú lẫn.
– Thuốc Haloperidol (an thần kinh mạnh) uống cùng với Indometacin sẽ gây buồn ngủ nặng.
– Paracetamol dùng đồng thời với Chlolestyramin (thuốc điều trị tăng cholesterol huyết), thì Paracetamol sẽ bị giảm hấp thu – tác dụng hạ nhiệt, giảm đau của thuốc bị hạn chế.
– Theophylin (điều trị hen phế quản) nếu dùng đồng thời với Carbamazepin (điều trị động kinh), Phenytoin, Rifampicin có thể làm giảm nồng độ theophylin ở máu, tác dụng chữa trị hen bị hạn chế.
– Methotrexat (điều trị ung thư) dùng đồng thời với Aspirin, Phenyllbutazon (điều trị các bệnh khớp) sẽ làm tăng độc tính của Methtrexat.
Điều cần phải làm
Các nghiên cứu trên thế giới cho biết, nếu dùng 2 loại thuốc chỉ có 5% nguy cơ xảy ra tương tác thuốc. Nếu dùng 5 loại thuốc, nguy cơ này là 50%, nếu dùng 8 loại thuốc, nguy cơ này lên tới 100%.
Tại nước ta chưa có nghiên cứu chung nhưng những đơn thuốc cho đến 8 – 9 loại thuốc không phải là hiếm. Khuyến cáo của WHO và thực tế một số nước công nghiệp phát triển (như Thụy Điển) đã thực hiện được thì trung bình mỗi đơn thuốc chỉ có 1,5 loại (một thứ thuốc chính, cần lắm mới thêm một thứ hỗ trợ). Chi phí tiền thuốc trong chi phí chung chỉ chiếm 25 – 30%. Ở nước ta, theo khảo sát tại một số bệnh viện, mỗi đơn thuốc trung bình có tới 5 – 6 loại, chi phí tiền thuốc chiếm tới 60 – 70%. Như vậy, dùng nhiều thuốc còn gây cả tác hại về sức khỏe và kinh tế.
Khi bị bệnh cần khám mới dùng thuốc. Mục tiêu đặt ra khi khám là để biết bệnh, dùng đúng thuốc chứ không phải là để được cấp nhiều thuốc. Có nhiều người bệnh BHYT khi thấy cho ít thuốc thì cho rằng không đối xử tốt, đơn chẳng có gì. Đây là quan niệm hết sức sai lầm.
Theo qui chế kê đơn, thầy thuốc chỉ được kê đơn vì mục đích chữa bệnh. Nếu vì mục đích chưa trong sáng mà kê nhiều thuốc là vi phạm qui định. Điều này bản thân người kê đơn thuốc, người bán thuốc cần tự giác khắc phục, mặt khác, về quản lý cần có chế tài xử lý thích đáng.
Người bệnh khi cầm đơn thuốc thấy bác sĩ cho nhiều loại thuốc thì cần phải hỏi cho rõ: vì có những loại thuốc không tương kỵ nhau có thể dùng cùng một lúc, nhưng cũng có những thuốc phải uống cách nhau một số giờ…